Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 7

I Tê-sa-lô-ni-ca 2:5-12 - NGƯỜI VÚ VÀ NGƯỜI CHA

5 Vả, anh em có biết, chúng tôi không hề dùng những lời dua nịnh, cũng không hề bởi lòng tư lợi mà làm, có Đức Chúa Trời chứng cho. 6 Dẫu rằng chúng tôi có thể bắt anh em tôn trọng chúng tôi, vì là sứ đồ của Đấng Christ, song cũng chẳng cầu vinh hiển đến từ loài người, hoặc từ nơi anh em, hoặc từ nơi kẻ khác. 7 Nhưng chúng tôi đã ăn ở nhu mì giữa anh em, như một người vú săn sóc chính con mình cách dịu dàng vậy.

8 Vậy, vì lòng rất yêu thương của chúng tôi đối với anh em, nên ước ao ban cho anh em, không những Tin Lành Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự sống chúng tôi nữa, bởi anh em đã trở nên thiết nghĩa với chúng tôi là bao.

9 Hỡi anh em, anh em còn nhớ công lao, khó nhọc của chúng tôi; ấy là trong khi chúng tôi giảng Tin Lành cho anh em, lại cũng làm việc cả ngày lẫn đêm, để cho khỏi lụy đến một người nào trong anh em hết. 10 Anh em làm chứng, Đức Chúa Trời cũng làm chứng rằng cách ăn ở của chúng tôi đối với anh em có lòng tin, thật là thánh sạch, công bình, không chỗ trách được.

11 Anh em cũng biết rằng chúng tôi đối đãi với mỗi người trong anh em, như cha đối với con, 12 khuyên lơn, yên ủi, và nài xin anh em ăn ở một cách xứng đáng với Đức Chúa Trời, là Đấng gọi anh em đến nước Ngài và sự vinh hiển Ngài.

 

1. Phao-lô ngụ ý gì khi nói “chúng tôi không hề dùng những lời dua nịnh” (c. 5a)?

2. “Bởi lòng tư lợi mà làm” (c. 5b) nghĩa là thế nào?

3. Phao-lô nói, “Anh em có biết” (c. 5a) và “có Đức Chúa Trời chứng cho” (c. 5c) nói lên điều gì?

4. Xin cho biết hai điều Phao-lô không đòi hỏi từ các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca (c. 6). Điều nầy cho thấy tâm tình gì nơi Phao-lô và các bạn?

5. Phao-lô muốn nói điều gì khi so sánh mình với người vú (c. 7)?

6. Chúng ta cảm nhận điều gì trong câu Phao-lô nói: “Không những Tin Lành Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự sống chúng tôi nữa” (c. 8a)

7. Khuôn mẫu tự mưu sinh để hầu việc Chúa trong câu 9 có mâu thuẫn với lời dạy của Phao-lô trong I Ti-mô-thê 5:17-18 không? Tại sao? Nếu không, khuôn mẫu nầy cho chúng ta nguyên tắc gì khi hầu việc Chúa?

8. Xin giải thích những điều Phao-lô nói về cách ăn ở của ông và các bạn tại Tê-sa-lô-ni-ca (c. 10).

9. Trong hình ảnh người cha, Phao-lô đã làm những cho các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca (c. 11-12)?

 

Phần Kinh Thánh nầy cho chúng ta thấy phương pháp truyền giáo của Phao-lô những đặc điểm sau:

1. Những điều không làm:

·         Lời dua nịnh (c. 5a)

·         Lòng tư lợi (c. 5b)

·         Cầu vinh hiển đến từ loài người (c. 6b)

2. Những điều làm:

·         Nhu mì (c. 7a)

·         Như một người vú (c. 7b)

·         Ban cho cả đến chính sự sống (c. 8)

·         Làm việc khó nhọc (c. 9)

·         Thánh sạch (c. 10)

·         Công bình (c. 10)

·         Không chỗ trách được (c. 10)

·         Như cha đối với con (c. 11)

Lời dua nịnh là những lời tử tế tốt đẹp nhưng không thành thật, cốt để được lòng người khác cho những mục đích ích kỷ của mình. Phao-lô nhấn mạnh là ông không hề (“không bao giờ”) dùng lời dua nịnh như vậy.

Lòng tư lợi nói đến làm bất cứ điều gì để được lợi cho mình, không kể đến quyền lợi của người khác. Chữ nầy trong nguyên văn đi chung với chữ “mặt nạ,” mang ý nghĩa che giấu, vì vậy Phao-lô nói thêm: có Đức Chúa Trời chứng cho (c. 5b), chính Chúa biết rõ lòng không ham tư lợi của Phao-lô.

Cầu vinh hiển đến từ loài người mang ý nghĩa được tiếng tốt, được tôn trọng. Đây là điều mà các triết gia, các tiên tri của những tôn giáo khác, các thầy pháp và tiên tri giả thời đó thường đeo đuổi, tìm kiếm. Phao-lô nhấn mạnh là dù với tư cách sứ đồ của Đấng Christ, ông và các bạn có thể đòi hỏi tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca tôn trọng mình như vậy, nhưng ông đã không làm.

Ngược lại với những điều trên, Phao-lô và các bạn đã ăn ở nhu mì giữa anh em như một người vú săn sóc chính con mình cách dịu dàng vậy (c. 7).  Nhu mì là ngược lại với hống hách, đòi hỏi quyền lợi. Đó là hình ảnh của một người vú săn sóc chính con mình. Người vú (trophos) là người cho em bé bú sữa nhưng trong nhiều trường hợp được dùng để mô tả người mẹ như trong câu nầy. Phao-lô nói: Người vú săn sóc chính con mình. Phao-lô đối xử với người Tê-sa-lô-ni-ca như mẹ đối với con, săn sóc con mình cách dịu dàng!

Phao-lô đối xử với người Tê-sa-lô-ni-ca như vậy vì ông yêu thương họ: Vì lòng rất yêu thương của chúng tôi đối với anh em (c. 8b). Tình yêu thương đó thể hiện trong việc ước ao ban cho anh em, không những Tin Lành Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự sống chúng tôi nữa (c. 8b). Đây là tâm tình yêu thương tha thiết như Chúa Giê-xu (Giăng 15:13).

Phao-lô rao giảng Phúc Âm cho người Tê-sa-lô-ni-ca với tất cả tấm lòng và đời sống của mình, không làm việc qua loa, chiếu lệ. Tất cả đều đến từ lòng yêu thương chân thành của ông đối với họ: Bởi anh em đã trở nên thiết nghĩa (“người yêu dấu,” BHĐ) với chúng tôi là bao (c. 8c).

Những câu: Anh em còn NHỚ (c. 9a), Anh em cũng LÀM CHỨNG (c. 10a) và: Anh em cũng BIẾT (c. 11a) cho thấy Phao-lô và các bạn đã chứng tỏ sự hầu việc Chúa của mình bằng những việc làm cụ thể mà người Tê-sa-lô-ni-ca có thể nhớ, làm chứng và biết. Những việc làm cụ thể đó là:

Công lao khó nhọc của chúng tôi (c. 9a). Công lao nói đến sự mệt nhọc còn khó nhọc nói đến những khó khăn phải đương đầu khi làm việc. Làm việc cả ngày lẫn đêm (c. 9b) không phải là một lời nói quá đáng vì Phao-lô muốn để cho khỏi lụy đến một người nào trong anh em hết (c. 9c). Lụy nghĩa là “trở thành gánh nặng” (BHĐ).

Theo Công vụ 18:3, khi đến truyền giáo tại Cô-rinh-tô, Phao-lô làm nghề may lều. Mỗi trẻ em Do-thái khi lớn lên đều được dạy một nghề để sinh sống. Phao-lô luôn luôn nhắc các tín hữu về việc siêng năng làm việc (I Tê. 4:11-12; 5:14; II Tê. 3:16-15) và ông đã làm gương cho họ về điều nầy. Theo Phi-líp 4:15-16, các tín hữu tại đó đã từng giúp cho Phao-lô khi ông hầu việc Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca nhưng chỉ “một hai lần” hàm ý ông cần làm việc để nuôi sống và không muốn trở thành gánh nặng cho các tín hữu tại đây.

Trong thư gửi cho Ti-mô-thê (I Ti. 5:17-18) cũng như cho các tín hữu tại Cô-rinh-tô (I Cô. 9:7-14), Phao-lô cho thấy cung cấp nhu cầu vật chất cho người hầu việc Chúa là bổn phận của người tin Chúa. Đó là quyền lợi của người hầu việc Chúa nhưng riêng đối với Phao-lô, ông không muốn sử dụng quyền nầy (I Cô 9:12) và đó là điều ông đã áp dụng tại Tê-sa-lô-ni-ca. Đây là tinh thần dù có quyền lợi nhưng không đòi hỏi quyền lợi đó, một nguyên tắc quan trọng khi hầu việc Chúa.

Cùng với tinh thần không đòi hỏi quyền lợi, Phao-lô cho thấy, ông và các bạn là những người thánh sạch, công bình và không chỗ trách được (c. 10b). Đây không phải là lời tự hào hay khoe khoang nhưng ông chỉ muốn khẳng định (Anh em làm chứng, Đức Chúa Trời cũng làm chứng) rằng, vì đối với anh em có lòng tin mà Phao-lô và các bạn đã sống đời thánh khiết, trong sạch để làm gương tốt cho họ.

Cùng với hình ảnh người mẹ (c. 7), Phao-lô coi mình như một người cha đối với các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca. Mẹ thì dịu dàng săn sóc con (c. 7) còn cha thì khuyên lơn, yên ủi và nài xin (c. 12a). Phao-lô khuyên lơn, yên ủi và nài xin trong tư cách của một người cha nên những điều ông nói không phải chỉ là những lời khẩn khoản, yêu cầu hay đề nghị nhưng là những lời với thẩm quyền.

Mục đích của Phao-lô là làm thế nào để các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca ăn ở một cách xứng đáng với Đức Chúa Trời, là Đấng gọi anh em đến nước Ngài và sự vinh hiển Ngài (c. 12b). Ăn ở một cách xứng đáng với Đức Chúa Trời là mục tiêu tối hậu của người tin Chúa. Xứng đáng với Đức Chúa Trời nghĩa là sống đúng theo tiêu chuẩn của Chúa trong Kinh Thánh.

Câu tiếp theo: Là Đấng gọi anh em đến Nước Ngài và sự vinh hiển Ngài để nhấn mạnh và cũng là động cơ thôi thúc sống theo tiêu chuẩn của Chúa. Đức Chúa Trời là Đấng gọi chúng ta nghĩa là sự cứu rỗi của chúng ta đến từ Chúa. Chúa không kêu gọi, chúng ta không thể tin nhận Ngài! Sự kêu gọi của Chúa là sự kêu gọi cao cả với kết quả sau cùng là “Nước Chúa” và “sự vinh hiển của Chúa” (c. 12b). “Nước Chúa” nói đến quyền cai trị của Chúa trong đời sống người tin Chúa trong đời nầy và vương quốc đời đời trong tương lai. “Sự  vinh hiển của Chúa” cũng mang ý nghĩa sự thể hiện của Chúa trong đời sống hiện tại và tương lai (Rô-ma 5:2; 8:18) .