Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 10

I Tê-sa-lô-ni-ca 4:1-12 - THÁNH KHIẾT VÀ YÊU THƯƠNG

1 Vả lại, hỡi anh em, anh em đã học nơi chúng tôi phải ăn ở cách nào cho đẹp ý Đức Chúa Trời và điều đó anh em đã làm rồi, thì chúng tôi nhân Đức Chúa Jêsus xin và cầu anh em phải đi luôn theo đường ấy càng ngày càng tới. 2 Anh em biết rõ chúng tôi đã bởi Đức Chúa Jêsus mà truyền cho anh em những điều răn nào. 3 Vì ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô uế, 4 mỗi người phải biết giữ thân mình cho thánh sạch và tôn trọng, 5 chẳng bao giờ sa vào tình dục luông tuồng như người ngoại đạo, là kẻ không nhìn biết Đức Chúa Trời. 6 Chớ có ai phỉnh phờ anh em mình hay là làm hại anh em bất kỳ việc gì, vì Chúa là Đấng báo oán những sự đó, như chúng tôi đã nói trước cùng anh em và đã làm chứng. 7 Bởi chưng Đức Chúa Trời chẳng gọi chúng ta đến sự ô uế đâu, bèn là sự nên thánh vậy. 8 Cho nên ai khinh bỏ điều chúng tôi nói, thì không phải khinh bỏ người ta đâu bèn là khinh bỏ Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban Thánh Linh của Ngài trong anh em.

9 Còn như sự anh em yêu thương nhau, về điều đó, không cần viết cho anh em, vì chính anh em đã học nơi Đức Chúa Trời, phải yêu thương nhau 10 và đối với mọi anh em khác, trong cả xứ Ma-xê-đoan, cũng làm như vậy. Nhưng, hỡi anh em, chúng tôi khuyên anh em hằng tỏ lòng yêu thương đó thêm mãi, 11 ráng tập ăn ở cho yên lặng, săn sóc việc riêng mình, lấy chính tay mình làm lụng, như chúng tôi đã dặn bảo anh em, 12 hầu cho ăn ở với người ngoại cách ngay thẳng và không thiếu chi hết.

 

1. Lời khuyên của sứ đồ Phao-lô trong câu 1 là gì? “Phải đi luôn theo đường ấy càng ngày càng tới” (c. 1b) nghĩa là thế nào?

2. Theo câu 3, thế nào là “nên thánh?” “Sự ô uế” (c. 3b) chỉ về điều gì?

3. Theo câu 5, lý do nào khiến người ta buông mình trong tội lỗi? “Nhìn biết Đức Chúa Trời” (c. 5b) nghĩa là gì?

4. “Phỉnh phờ” và “làm hại” (c. 6a) nói về điều gì?

5. Ý chính của Phao-lô trong phần từ câu 3 đến câu 7 là gì?

6. Tại sao Phao-lô nhấn mạnh “Đức Chúa Trời là Đấng đã ban Thánh Linh của Ngài trong anh em” (c. 8b)?

7. Lời khuyên của Phao-lô trong câu 9-10 là gì?

8. Xin cho biết những điều Phao-lô dặn dò các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca trong câu 11.

9. Làm theo những điều nầy (c. 11) đem lại kết quả gì (c. 12)?

 

Vả lại (c. 1) trong nguyên ngữ là hai chữ “cuối cùng” và “vì vậy” cho thấy Phao-lô sắp kết thúc lá thư và đi vào phần áp dụng. “Vì vậy” nhắc đến tất cả những điều Phao-lô đã nói trong ba chương đầu. “Cuối cùng” là những lời khuyên thực tế trước khi kết thúc lá thư. Có thể nói câu: Anh em đã học nơi chúng tôi phải ăn ở cách nào cho đẹp ý Đức Chúa Trời và điều đó anh em đã làm rồi (c. 1a) là tóm tắt ba chương đầu của Thư I Tê-sa-lô-ni-ca. Vì vậy Phao-lô nói: Thì chúng tôi nhân Đức Chúa Jêsus xin và cầu anh em phải đi luôn theo đường ấy càng ngày càng tới (c. 1b). Phao-lô dùng hai động từ xincầu. Xin mang ý khẩn khoản còn cầu mang ý khuyến giục. Xin là bạn nói với bạn hay anh em với nhau. Cầu mang ý nghĩa người có thẩm quyền ra lệnh. Sứ đồ Phao-lô vừa khẩn khoản, vừa ra lệnh để các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca tiếp tục đi trong đường của Chúa. Đi hay bước đi là cách nói của người Do-thái chỉ về hành động hay nếp sống. Bản Hiệu Đính dịch câu nầy như sau:

Cuối cùng, thưa anh em, trong Chúa là Đức Chúa Jêsus, chúng tôi nài xin và khuyến giục anh em rằng anh em đã học nơi chúng tôi phải sống thế nào cho vui lòng Đức Chúa Trời và anh em đang sống như thế thì hãy tiếp tục sống ngày càng tốt hơn (c. 1, BHĐ)

Cải thiện và tiến bộ về mặt tâm linh là điều phải có trong đời sống của người tin Chúa.

Lý do các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca cần tiếp tục sống ngày càng tốt hơn là vì những điều Phao-lô truyền dạy cho họ đến từ Chúa Giê-xu:

Anh em biết rõ chúng tôi đã bởi Đức Chúa Jêsus mà truyền cho anh em những điều răn nào (c. 2)

Điều răn nghĩa là lời dạy, lời giáo huấn (BHĐ). Bởi Đức Chúa Giê-xu mà truyền cho nhấn mạnh đến thẩm quyền của những lời dạy nầy.

Đi vào chi tiết những lời giáo huấn, Phao-lô nói đến hai điều: (1) Thánh khiết (c. 3-8). (2) Yêu thương (c. 9-12).

 1. Thánh khiết

Phao-lô cho thấy thánh khiết là ý muốn của Đức Chúa Trời cho người tin Chúa. (c. 3a). Chương trình và mục đích của Đức Chúa Trời khi cứu rỗi chúng ta là để chúng ta sống cuộc đời thánh khiết. Thánh khiết nhấn mạnh đến ý nghĩa biệt riêng, dành riêng đời sống cho Chúa (biệt riêng, không phải biệt lập). Rõ ràng nhất của thánh khiết là lánh sự ô uế (c. 3b).  Sự ô uế trong nguyên ngữ là porneias nghĩa là gian dâm hay tà dâm (BHĐ). Lánh mang ý nghĩa tránh xa, nhất quyết không làm.

Tà dâm hay gian dâm là tội liên quan đến thân thể (I Cô. 6:18), vì vậy Phao-lô nói, Phải biết giữ thân mình cho thánh sạch và tôn trọng (c. 4). Chữ thân mình (skeuos, “khí cụ”) có thể chỉ về người vợ (“khí cụ yếu đuối,” I Phi. 3:7) nên câu nầy cũng mang ý nghĩa giữ đời sống hôn nhân thánh sạch.

Người tin Chúa phải có đời sống khác với người không tin, vì vậy Phao-lô nói:

Chẳng bao giờ sa vào tình dục luông tuồng như người ngoại đạo, là kẻ không nhìn biết Đức Chúa Trời (c. 5)

Dân Ngoại trong thời Phao-lô thờ thần tượng và một số hình thức thờ phượng tại các đền thờ sử dụng các gái mại dâm làm tư tế. Đây là mại dâm dưới hình thức tôn giáo, rất thịnh hành trong xã hội Hy-La (I Cô. 6:15-16). Chính trong bối cảnh đó mà Phao-lô bảo các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca chẳng bao giờ sa vào tình dục luông tuồng như người ngoại đạo (c. 5a). Đó là nếp sống bình thường của họ. Lý do người ngoại đạo sống như vậy vì họ không biết Chúa (c. 5b). Không nhìn biết Đức Chúa Trời mang ý nghĩa khước từ Chúa (Rô-ma 1:28). Nguyên nhân của một đời sống tội lỗi buông thả là “trí khôn tối tăm, xa cách sự sống của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 4:17-19). Không nhìn biết Đức Chúa Trời cũng có nghĩa là không có mối tương quan với Ngài. Người ngoại không có mối tương giao với Đức Chúa Trời nên sống buông thả. Người tin Chúa, trái lại, vì biết Chúa là Đấng thánh khiết và có mối tương giao với Ngài nên không thể sống như vậy.

 Phao-lô đang nói về vấn đề gian dâm nên phỉnh phờlàm hại (c. 6a) phải được hiểu trong bối cảnh đó. Bản Hiệu Đính nói rõ như sau: “Trong vấn đề nầy (vấn đề gian dâm), chớ có ai vi phạm hay lợi dụng anh em mình.” Phao-lô muốn nhắn nhủ các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca phải tránh tội ngoại tình với những người trong Hội Thánh (không vi phạm hay lợi dụng ANH EM MÌNH) vì hậu quả là:

Chúa là Đấng báo oán những sự đó, như chúng tôi đã nói trước cùng anh em và đã làm chứng (c. 6b)

Báo oán nói đến sự trừng phạt hay hình phạt của Chúa mà người phạm tội không thể tránh. Tình trạng gian dâm nầy có thể đã xảy ra trong Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca (Như chúng tôi đã nói trước cùng anh em và đã làm chứng, c. 6b) vì vậy mà Phao-lô phải nghiêm khắc cảnh cáo họ.

Người tin Chúa không gian dâm chẳng những vì để khỏi bị hình phạt nhưng đây cũng là tiếng gọi của Chúa cho chúng ta:

Bởi chưng Đức Chúa Trời chẳng gọi chúng ta đến sự ô uế đâu, bèn là sự nên thánh vậy (c. 7)

Hai từ đối chiếu ở đây là ô uếnên thánh. Người tin Chúa được Chúa gọi từ bỏ nếp sống tội lỗi cũ để sống cuộc đời thánh khiết. Nên thánh mang ý nghĩa biệt riêng cho Chúa. Người tin Chúa thuộc về một cộng đồng mới, không thể sống theo nếp sống cũ.

Phao-lô kết thúc lời khuyên sống thánh khiết với lời cảnh cáo:

Cho nên ai khinh bỏ điều chúng tôi nói, thì không phải khinh bỏ người ta đâu bèn là khinh bỏ Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban Thánh Linh của Ngài trong anh em (c. 8)

Phao-lô cho thấy lời dạy phải nên thánh, phải lánh ô uế đến từ Đức Chúa Trời, không phải lời riêng của ông. Do đó, các tín hữu phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa nếu họ không vâng theo lời dạy của Ngài. Sự hiện diện của Chúa Thánh Linh trong đời sống người tin Chúa là một giáo lý quan trọng (1:5-6) được Phao-lô nhắc lại ở đây. Giáo lý nầy cho thấy Đức Chúa Trời qua Chúa Thánh Linh là Đấng đang hiện diện trong đời sống của người tin Chúa. Chính Ngài là tác nhân giúp chúng ta sống thánh khiết.

 2. Yêu thương

Sự anh em yêu thương nhau (philadelphia) là từ được dùng để mô tả tình thương của anh chị em trong gia đình (“tình huynh đệ,” BHĐ). Danh từ nầy Phao-lô dùng để nói đến tình yêu thương của anh chị em trong Chúa. Tình yêu thương nầy, Phao-lô cho biết, là các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca đã học nơi Đức Chúa Trời (c. 9b). Học nơi Đức Chúa Trời (theodidaktoi) là một từ đặc biệt nói đến mối quan hệ Trời-người qua Chúa Thánh Linh (Giăng 6:45). Giáo sư Robert Thomas viết:

Khi tin Chúa, người tin Chúa trở thành người học trò suốt đời của Đức Chúa Trời qua sự hiện diện của Chúa Thánh Linh ngự trị trong lòng, xác chứng về tình yêu thương của anh chị em trong Chúa (Rô-ma 5:5)

Các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca đã thể hiện lòng yêu thương đó với mọi anh em khác, trong cả xứ Ma-xê-đoan (c. 10a). Ý Phao-lô muốn nói về các tín hữu tại Phi-líp và Bê-rê là hai nơi ông đã có mặt trước và sau khi đến Tê-sa-lô-ni-ca (Công vụ 16:11-17:15). Trong phần mở đầu của lời khuyên, Phải ăn ở cách nào cho đẹp ý Đức Chúa Trời (c.1), Phao-lô nói: Điều đó anh em đã làm rồi! Và ông nói tiếp: Tôi nhân Đức Chúa Jêsus xin và cầu anh em phải đi luôn theo đường ấy càng ngày càng tới với ý khuyến khích các tín hữu tiến bộ trên đường theo Chúa. Trong phần nói về yêu thương, Phao-lô nhắc lại ý tiến bộ đó: Hỡi anh em, chúng tôi khuyên anh em hằng tỏ lòng yêu thương đó THÊM MÃI! (c. 10b). Tiến bộ, tăng trưởng trong đời sống tâm linh là điều không thể thiếu trong đời sống người tin Chúa. Chúng ta không thể dừng lại, tự mãn cho rằng mình đã sống thánh khiết hay yêu thương đủ rồi!

Cùng với lời khuyên gia tăng trong tình yêu thương, Phao-lô nhắn nhủ các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca những điều sau:

Ráng tập ăn ở cho yên lặng, săn sóc việc riêng mình, lấy chính tay mình làm lụng (c. 11)

Đây là lời khuyên siêng năng làm việc và trách nhiệm cá nhân trong đời sống xã hội. Sở dĩ có lời khuyên: Ráng tập ăn ở cho yên lặng, săn sóc việc riêng mình có thể là vì tại Tê-sa-lô-ni-ca đã có nan đề người nầy “xen vào chuyện người khác” (II Tê. 3:11, BHĐ). Ráng tập mang ý nghĩa cố gắng tối đa: “Hãy tập sống trầm lặng” (BHĐ). Săn sóc việc riêng mình tức là tránh xen vào việc người khác (II Tê. 3:11). Cùng với hai lời khuyên nầy, Phao-lô nói: Lấy chính tay mình làm lụng. Trong khung cảnh văn minh Hy-lạp, nghề tay chân bị coi thường nên Phao-lô đưa ra lời khuyên nầy để khích lệ các tín hữu siêng năng làm việc với mục đích là:

Hầu cho ăn ở với người ngoại cách ngay thẳng và không thiếu chi hết (c. 12)

Bản Hiệu Đính dịch câu nầy như sau: “Như vậy, nếp sống anh em được người ngoại cảm phục và anh em không lệ thuộc vào ai cả.” Ba lời khuyên: (1) Sống trầm lặng. (2) Chăm lo công việc riêng của mình. (3) Lao động bằng chính tay mình, đưa đến hai kết quả là: (1) Được người ngoại cảm phục. (2) Không lệ thuộc người khác. Đây là tiêu chuẩn người tin Chúa cần có để sống làm rạng Danh Chúa trong mọi xã hội.