Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 16

"Ngươi Chớ Giết Người"

Chương này chúng ta bắt đầu vào sáu trường hợp áp dụng Luật Chúa trong đời thường. Chúa Giê-xu đưa ra sáu trường hợp giải thích Luật Chúa khác với lối giải thích và áp dụng của giới tôn giáo thời ấy.

Trước khi nêu lên các trường hợp giải thích Luật Chúa, Chúa Giê xu nói rằng: "Nếu sự công chính của các ngươi chẳng trổi hơn sự công chính của các thầy thông giáo và người dòng Phi-ri-si, thì các ngươi chắc không vào được nước thiên đàng." Đây là câu then chốt mở đầu cho những phần Chúa dạy tiếp theo đó.

Chúa cho thấy rõ, Chúa không dạy những gì đi ngược lại với Luật Chúa mà Môi-se đã được nhận và dạy cho người Do-thái. Nhưng có sự tương phản rõ rệt giữa việc giải nghĩa sai luật Môi-se và trình bầy luật ấy một cách chân chính.

Sau khi đã xác định rõ thái độ của Chúa đối với Luật Chúa, và nói rằng Ngài đến để làm trọn, cũng như bảo dân chúng là phải nhận cho thật rõ, Chúa tiếp tục đưa ra những dẫn chứng cụ thể. Ngài trình bầy sáu điểm tương phản, mỗi điểm này đều mở đầu với câu: "Các ngươi có nghe người xưa nói rằng..... Nhưng ta nói cho các ngươi rõ..."

Chúng ta sẽ bắt đầu với dẫn chứng thứ nhất.

Chúa dạy: "Các ngươi có nghe người xưa nói rằng, Ngươi chớ giết người; và rằng: hễ ai giết người thì đáng bị toà án xử đoán."

"Ngươi chớ giết người" là một trong mười điều răn. Có người bảo rằng, trong mười điều răn không có câu : Hễ ai giết người thì đáng bị toà án xử đoán. Nhưng thật ra Dân số ký 35:30,31 có ghi rõ như thế. Việc giới tôn giáo thời đó ghép chung hai điều vào một, đã làm giảm tầm quan trọng của điều luật này. Vì người ta thu gọn việc giết người vào hành động sát nhân mà không nói đến động cơ giết người.

Điểm thứ hai mà các nhà tôn giáo thời xưa làm hỏng điều luật: "Ngươi chớ giết người" là đã giảm thiểu những hậu quả mà vi phạm điều này đưa đến, nghĩa là phạm tội giết người thì sẽ bị ra tòa án. Theo tinh thần của câu này, thì đây chỉ là một tòa án nhỏ tại địa phương, không quan trọng gì. Nói khác đi, diều luật ấy có thể diễn dịch là: "Không nên giết người, vì nếu giết người, sẽ chịu hậu quả là bị tòa án phạt." Như thế người ta đã đưa việc sát nhân là một đại tội trở thành tội giết chết người và bị tòa án của loài người trừng phạt, không nói gì đến cuộc trừng phạt của Chúa quan trọng hơn nhiều.

Người nào không phạm tội giết người có thể tự hào là mình đã giữ trọn điều luật về tội giết người.

Chúa Giê-xu có ý cho người ta thấy rằng giới tôn giáo thời ấy đã loại hẳn quyền của Chúa ra ngoài, và chỉ chú trọng vào cuộc chế tài của loài người mà thôi. Điều này sai hẳn mục đích Chúa ban luật cho con dân Ngài. Vì theo luật Chúa, giết người là có tội với Chúa chứ không phải có tội với người mà thôi, vì vậy dù người có phân xử, tội đối với Chúa vẫn chưa được giải quyết.

Gần như vấn đề là nếu không bị tòa án lên án gì cả tức là vô tội.

Nhiều lời dạy trong Kinh-thánh ta có thể bóp méo đi cho phù hợp với hoàn cảnh của mình, hay để biện minh là mình vô tội. Như việc giết người chẳng hạn. Nếu ta chưa giết người tức là ta hoàn toàn vô tội. Giết người mà người ta chưa tìm ra, chưa lên án, cũng có thể coi là vô tội, đó là việc sai lầm.

Giữ đúng luật Chúa như Phao lô trước khi gặp Chúa hay là chàng giáo sư Giáo Luật trẻ tuổi đều là giải nghĩa sai luật Chúa.

Chúa Giê-xu dạy rõ phương pháp áp dụng luật Chúa vào cuộc đời như thế nào.

Nguyên tắc thứ nhất mà Chúa đưa ra là: Tinh thần của luật quan trọng hơn chữ nghĩa của luật.

Luật dạy rằng: "Ngươi chớ giết người." Nhưng không có nghĩa là: "Ngươi không được phạm tội sát nhân." Vì nếu hiểu như thế, chỉ là cách định nghĩa luật để ta có thể tránh được hành động giết người. Chúa Giê-xu giải thích rằng: Điều luật này không những chỉ bao gồm hành động giết người, nhưng còn có cả sự giận dữ trong lòng đối với một người anh em nữa. Hiểu đúng điều răn: Ngươi chớ giết người là: Ai giận anh em vô cớ, đáng bị đem ra tòa xét xử. Chúa dạy: đừng nghe theo những lời dạy của các bậc dạy đạo tôn giáo thời đó, vì họ bảo rằng khi ta phạm tội giết người, ta chỉ bị rắc rối với vấn đề xét xử của tòa án. Ta bảo các ngươi rằng, nếu các ngươi giận anh em mình trong lòng một cách vô cớ, thì đáng bị trừng phạt trước tòa như giết người.

Như thế, ghét, cay đắng, có cảm nghĩ xấu về một người một cách vô cớ, đã là giết người rồi. Giận dữ trong lòng đối với một người nào, nhất là đối với những người cùng chia sẻ một niềm tin như mình, theo Chúa Giê-xu, là phạm tội sát nhân.

Nhưng chưa hết, chúng ta không những không nên có cảm nghĩ giận vô cớ, nhưng còn không được phép biểu lộ, nói ra nỗi giận dữ của mình nữa. Chúa Giê-xu dạy: "Ai mắng anh em mình là raca, phải bị đưa ra nghị hội xét xử." Raca nghĩa là "đồ vô dụng". Đây là điều thường hay xuất hiện trong tâm hồn chúng ta. Khi mắng một người là đồ vô dụng, ta đã phạm tội với Chúa.

Chúa Giê-xu từng nói đến những điều độc hại từ trong lòng xuất phát ra như các tư tưởng độc ác, giết người, tà dâm v.v. Các nhà dạy đạo thời ấy nói về những hành vi cướp bóc, giết người, say sưa và nhiều tội trọng khác. Nhưng Chúa Giê-xu luôn luôn nói chung tư tưởng độc hại với hành động giết người, và những hành động như tranh chấp, ghen ghét, lừa đảo và nhiều điều khác mà chúng ta không cho là kinh khủng, là những tội nhơ bẩn nhất. Khi ta ngưng thần định trí, suy nghĩ về các điều này, ta thấy rõ chúng nguy hại thật. Vì mưu độc do từ cảm nghĩ ghen ghét và chê cười chính là tinh thần đưa đến chỗ cuối cùng là sát nhân. Chúng ta có vô số cách ngăn ngừa các tình cảm này ra hành động thực sự giết người. Nhưng trong tâm tư ý tưởng chúng ta chẳng phải đã nhiều lần giết chết người mà ta ghét hay chăng? Khi nuôi những tư tưởng chống lại một người nào, thì những tư tưởng ấy cũng xấu xa như hành vi giết chết người. Đó chính là điều Chúa dạy tại đây.

Chúng ta có thể không giết chết một người, nhưng vẫn làm cho danh tiếng của người âý bị bôi nhọ bằng cách thì thầm to nhỏ về người ấy, hay là cố tình tìm ra lỗi của người ấy để tố cáo. Như thế, theo Chúa Giê-xu, giết người không phải chỉ là tước đoạt sự sống của một người, nhưng còn là phá hủy tinh thần và tâm linh của người ấy, nghĩa là hủy phá con người ấy trong bất cứ hình thức nào.

Chúa Giê-xu tiếp tục dạy: "Ai bảo anh em mình là "đồ điên" đáng bị lửa hỏa ngục tiêu diệt." Đây là câu nói phỉ báng một người. Nghĩa là thái độ căm ghét cay đắng trong lòng đã biểu lộ ra bằng lời nói cay độc.

Bài giảng tên núi rất thực tế. Lời Chúa không thừa trừ một thái độ nào của chúng ta, nhất là những người mệnh danh là tín đồ của Chúa. Chúa lên án từng tư tưởng của chúng ta, vì đó là đầu mối gây ra tội trọng.

Dĩ nhiên, có người sẽ hỏi rằng: Như thế giận lúc nào cũng sai lầm, đáng lên án chăng? Chúa cấm giận chăng? Trong Tân Ước chẳng ghi lại lời Chúa Giê-xu mắng những người Pha-ri-si là mù và giả hình đó sao? Ngài cũng từng nói với dân chúng: 'Hỡi những kẻ ngu dại và chậm hiểu kia'; và Ngài còn gọi những người dạy luật và tu sĩ dòng Pha-ri-si là 'khốn cho các ngươi'.. v.v.

Ta để ý thì thấy rằng:

1. Chúa là quan tòa cao cả, Ngài có quyền phán xét.

2. Chúa cũng thường hay nặng lời với những kẻ giả hình và đạo giả.

3. Cơn giận đối với tội ác là cơn giận chính đáng. Nhưng nên nhớ, giận tội ác chứ không phải tội nhân. Vì ta phải thương xót số phận của tội nhân.

4. Chúng ta phải có thái độ chống lại điều ác, giả hình, vô đạo và những gì băng hoại đồi trụy.

5. Phao lô dạy: Giận nhưng đừng phạm tội. Giận đúng chỗ và tránh phạm tội.

6. Chúa thường nổi giận đối với tội ác của con người, và sẵn sàng giáng tai họa cho kẻ vô đạo.

Tinh thần lời dạy của Chúa về tội giết người có thể hiểu: Mặc dù ngươi không phạm tội giết người, không bị tòa án lên án, nhưng coi chừng, trước đôi mắt nhìn thấu nguyên nhân của Chúa, ngươi đã là kẻ giết người chỉ vì còn un đốt giận hờn đối với một người nào.

Một điểm khác ta cần nêu là. Ngươi chớ giết người là một mệnh lệnh có tính cách tiêu cực, nhưng ta phải có thái độ tích cực. Vì tiêu cực không chưa phải là theo đúng lời dạy của Chúa. Chúa dẫn chứng một trường hợp thực tế: "Nếu khi nào ngươi đem lễ dâng trên bàn thờ, mà nớ lại anh em có điều gì không thuận cùng mình, thì hãy để lễ trước bàn thờ, trở về giảng hòa với anh em trước đã, rồi hãy trở lại dâng lễ." Đây là lời tuyên bố quan trọng. Vì không những ta không nên chứa chấp những tư tưởng độc ác, giết người trong lòng, nhưng còn phải đi xa hơn một cấp độ nữa, tức là tích cực tiến lại anh em mình giảng hòa nữa. Thành ra, khi ta ngừng lại ở chỗ không giết người và cảm thấy như thế là mình không phạm tội, chưa đủ. Phải đi thêm một bước nữa. Phải quyết tâm tự nhủ rằng: Tôi không thực sự phạm tội sát nhân, nhưng cũng không được nói những lời cay độc về một người nào. Tôi phải canh giữ miệng lưỡi mình, dù tư tưởng có xuất hiện, tôi vẫn không biểu lộ ra bằng lời nói.

Nhưng Chúa dạy ta không ngừng lại tại đó, vì không dồn chứa những tư tưởng và cảm nghĩ xấu trong lòng chưa đủ, mà phải tiến về phía anh em phạm lỗi với mình để tha thứ và giảng hòa.

Chúa nói đến việc dâng tế lễ. Đây là tế lễ chuộc tội. Nếu dâng tế lễ chuộc tội mà lòng đầy tội thì dâng vô ích. Vì lúc ấy người ta dùng vật tế lễ để che lấp tội phạm về đạo đức.

Có người thường đi xem lễ, giữ đúng mọi phép tắc của nhà thờ. Nhưng lúc nào cũng có thái độ xoi mói lên án người khác. Có những người hăng say phục vụ Chúa và hãnh diện vì mình làm được các việc đó, nhưng cùng lúc lại gây ra những điều tai hại cho anh em chị em mình. Đây là lúc áp dụng lời dạy: Hãy để lễ vật nơi bàn thờ, về giải hòa với anh em rồi hãy dâng lễ vật. vì lễ vật giải hòa quan trọng hơn lễ vật sinh tế. Trong một cuộc tranh cãi, hai bên đều có lỗi cả, nhưng người tin Chúa, phải là người có thái độ tích cực, xin lỗi trước. Nếu không làm như vậy, cuộc sống phục vụ Chúa của ta sẽ không kết quả.

Lời dạy của Chúa phải được suy xét kỹ về tinh thần và động cơ thúc đấy, không thể giải thích theo bề mặt được.

Điều răn: Ngươi chớ giết người cần được hiểu rõ như vậy, vì Chúa dạy ta phải có thái độ tích cực trong lối sống theo Chúa.

Cầu xin Chúa ban cho chúng ta khôn ngoan để hiểu rõ lời Chúa và tuân hành theo đúng ý nghĩa.