Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 15

II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-12 - DIỄN TIẾN TRONG NGÀY CHÚA TÁI LÂM

1 Luận về sự đến của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta và về sự chúng ta hội hiệp cùng Ngài, 2 thì, hỡi anh em, xin chớ vội bối rối và kinh hoảng hoặc bởi thần cảm giả mạo hoặc bởi lời nói hay là bởi bức thơ nào tựa như chúng tôi đã gởi mà nói rằng ngày Chúa gần đến.

3 Mặc ai dùng cách nào, cũng đừng để họ lừa dối mình. Vì phải có sự bỏ đạo đến trước và có người tội ác, con của sự hư mất hiện ra, 4 tức là kẻ đối địch, tôn mình lên trên mọi sự mà người ta xưng là Đức Chúa Trời hoặc người ta thờ lạy, rất đỗi ngồi trong đền Đức Chúa Trời, chính mình tự xưng là Đức Chúa Trời. 5 Anh em há không nhớ khi tôi còn ở với anh em, thì đã nói về những sự đó sao? 6 Hiện nay anh em biết rõ điều làm ngăn trở nó, hầu cho nó chỉ hiện ra đúng kỳ nó thôi.

7 Vì đã có sự mầu nhiệm của điều bội nghịch đang hành động rồi, song Đấng còn ngăn trở cần phải cất đi. 8 Bấy giờ kẻ nghịch cùng luật pháp kia sẽ hiện ra, Đức Chúa Jêsus sẽ dùng hơi miệng Ngài mà hủy diệt nó và trừ bỏ nó bởi sự chói sáng của sự Ngài đến. 9 Kẻ đó sẽ lấy quyền của quỉ Sa-tan mà hiện đến, làm đủ mọi thứ phép lạ, dấu dị và việc kỳ dối giả, 10 dùng mọi cách phỉnh dỗ không công bình mà dỗ những kẻ hư mất, vì chúng nó đã không nhận lãnh sự yêu thương của lẽ thật để được cứu rỗi.

11 Ấy vì thế mà Đức Chúa Trời cho chúng nó mắc phải sự lầm lạc, là sự khiến chúng nó tin điều dối giả, 12 hầu cho hết thảy những người không tin lẽ thật, song chuộng sự không công bình, điều bị phục dưới sự phán xét của Ngài

 

1. Tại sao các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca lại “bối rối” và “kinh hoảng” (c. 1-2) về ngày Chúa tái lâm? Những yếu tố nào đã khiến họ bối rối và kinh hoảng?

2. Dựa vào câu 3-8, xin cho biết thứ tự diễn tiến của ngày Chúa tái lâm.

3. Dựa vào câu 3-4 và câu 8, xin cho biết những tên gọi khác nhau của “người tội ác” (c. 3).

4. Dựa vào câu 4 và câu 9-10, xin cho biết những đặc điểm của “người tội ác.”

5. Theo câu 10-12, “những kẻ hư mất” là ai? Tại sao họ bị hư mất?

 

Chủ đề chính của hai lá thư Phao-lô gởi cho người Tê-sa-lô-ni-ca là ngày quang lâm của Chúa Giê-xu (parousia). Ông đã nói điều nầy trong I Tê. 4:13-5:11, nhưng các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca có những thông tin sai lầm về ngày quang lâm nầy nên bối rốikinh hoảng (c. 2a). Thông tin sai lầm đó nói rằng ngày Chúa gần đến (c. 2b). Đúng hơn, “nói rằng ngày của Chúa đã đến rồi” (BHĐ, dịch theo nguyên văn). II Tê. 2:1-12 nhằm giải thích cặn kẽ cho các tín hữu thấy rằng ngày của Chúa chưa đến. Ngày quang lâm chỉ đến khi một số sự kiện quan trọng sẽ xảy ra trước ngày đó (c. 3-8).

Phao-lô dùng ba từ khác nhau nói về ngày tái lâm: sự đến (parousia), sự chúng ta hội hiệp cùng Ngài (episynagoges) và ngày Chúa hay “ngày của Chúa(hemera tou theou), c. 2b.

Sự đến nói về ngày tái lâm (kỳ Chúa đến, I Tê. 4:15). Sự chúng ta hội hiệp cùng Ngài nói đến việc người chết sống lại và người còn sống được cất lên, gặp Chúa và ở cùng Chúa luôn luôn (I Tê. 4:17). Ngày (của) Chúa nói chung về hai sự việc trên: Chúa trở lại và chúng ta được tiếp đi với Ngài.

Phao-lô đã dạy rõ ràng như vậy trong lá thư thứ nhất, nhưng có ba nguồn tin đã làm cho các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca bối rối và kinh hoảng:

(1) Thần cảm giả mạo. Chỉ về những người mạo xưng thẩm quyền của Phao-lô, nói ra những lời của linh thần mà kỳ thực không phải.

(2) Lời nói hay báo cáo, lời truyền miệng cho rằng của Phao-lô.

(3) Bức thư nào tựa như chúng tôi đã gởi. Nói đến lá thư có người mạo danh Phao-lô gởi cho Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca. Để tránh việc mạo danh, Phao-lô xác nhận lá thư nầy là do chính ông viết (3:17).

Những nguồn tin trên cho rằng ngày của Chúa đã đến rồi (c. 2b). Động từ đến trong câu nầy ở thì hoàn tất (perfect) nghĩa là “đang hiện diện” hay “đã đến rồi.” Giáo phái Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay cũng chủ trương rằng việc Chúa Giê-xu tái lâm đã xảy ra rồi, trong quá khứ, vào ngày 1 tháng 10 năm 1914, nhưng điều nầy chỉ xảy ra trên thiên đàng, con người không trông thấy! Phao-lô cho thấy rằng dạy như vậy là sai:

Mặc ai dùng cách nào, cũng đừng để họ lừa dối mình (c. 3a)

Và rồi ông trình bày thứ tự diễn tiến ngày Chúa tái lâm như sau (c. 3-8):

(1) Sự bỏ đạo (c. 3b)

(2) Đấng ngăn trở bị cất đi (c. 7b)

(3) Kẻ nghịch cùng luật pháp hiện ra (c. 8a)

(4) Chúa Giê-xu đến (c. 8b)

Chúng ta có thứ tự diễn tiến trên vì Phao-lô nói, có người tội ác, con của sự hư mất hiện ra trong câu 3b nhưng trong câu 6, Phao-lô lại nói: Hiện nay anh em biết rõ điều làm ngăn trở nó, hầu cho nó chỉ hiện ra đúng kỳ nó thôi. Phao-lô cũng cho biết, Đấng còn ngăn trở cần phải cất đi, bấy giờ kẻ nghịch cùng luật pháp kia sẽ hiện ra (c. 7-8a).

Nhân vật chống Chúa thường gọi là Antichrist được Phao-lô mô tả bằng những tên:

·         Người tội ác (c. 3b)

·         Con của sự hư mất (c. 3b)

·         Kẻ đối địch (c. 4a)

·         Kẻ nghịch cùng luật pháp (c. 8a)

Người tội ác kẻ nghịch cùng luật pháp có cùng một nghĩa (“vô luật” hay “phản luật”) tức là chống lại luật pháp của Đức Chúa Trời. Kẻ đó không ai khác hơn là Sa-tan, hiện thân trong một con người (người tội ác).

Nhân vật nầy cũng được gọi là con của sự hư mất. Chúa Giê-xu đã dùng từ nầy để gọi Giu-đa Ích-ca-ri-ốt (Giăng 17:12). Cụm từ con của, nói lên đặc tính, cho nên con của sự hư mất hàm ý người đó chắc chắn sẽ bị hư mất.

Kẻ đối địch (“antichrist”) được xác nhận là tôn mình lên trên mọi sự mà người ta xưng là Đức Chúa Trời hoặc người ta thờ lạy (c. 4a). Đây là người chống lại Đức Chúa Trời, xưng mình là Đức Chúa Trời.

Antichrist là người chống lại Đức Chúa Trời với những đặc điểm trên. Nhưng trước khi nhân vật nầy xuất hiện, Phao-lô cho biết, Phải có sự bỏ đạo đến trước (c. 3a). Sự bỏ đạo (apostasia) nói đến một cuộc bội đạo quy mô hàm ý nói đến cả một phong trào trên toàn thế giới nhằm chống lại Đức Chúa Trời.

Như vậy, biến cố đầu tiên sẽ xảy ra trước ngày Chúa trở lại là sự bội đạo quy mô. Biến cố tiếp theo là sự xuất hiện của nhân vật chống Chúa. Tuy nhiên, có một thế lực đang ngăn chận nhân vật đó xuất hiện (c. 6). Do đó, trước khi antichrist có thể xuất hiện, Đấng còn ngăn trở cần phải cất đi (c. 7b). Các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca biết điều ngăn trở đó là gì (c. 6a) vì khi ở với họ, Phao-lô đã nói cho họ biết (c. 5). Biến cố thứ nhì sẽ xảy ra trước ngày Chúa trở lại vì vậy là việc Đấng ngăn trở bị cất đi (c. 7).

Chữ Đấng ngăn trở được gọi là điều làm ngăn trở trong câu 6a. Đấng ngăn trở hay điều làm ngăn trở nầy là gì? Đã có rất nhiều ý đề nghị về điều nầy nhưng dựa vào việc dùng cả hai chữ ĐẤNG ngăn trởĐIỀU ngăn trở, nhiều nhà giải nghĩa Kinh Thánh đồng ý điều nầy chỉ về Chúa Thánh Linh. Chúa Thánh Linh là một ngôi vị (Đấng) nhưng chữ dùng để mô tả Thánh Linh là pneuma, một danh từ ở dạng trung tính (điều). Đức Thánh Linh vì vậy là yếu tố sẽ bị cất đi trước khi có người tội ác hiện ra (c. 3b).

Như vậy, thứ tự xảy ra trước ngày Chúa trở lại là:

1. Sự bội đạo quy mô (c. 3b).

2. Đức Thánh Linh bị cất đi, nghĩa là Ngài để mặc cho ma quỷ hành động (c. 6-7).

3. Antichrist xuất hiện (c. 3b-4).

Ngoài những đặc tính của antichrist đã nói ở trên, Phao-lô cho biết nhân vật nầy rất đỗi ngồi trong đền Đức Chúa Trời, chính mình tự xưng là Đức Chúa Trời (c. 4b). Chi tiết ngồi trong đền Đức Chúa Trời dự kiến rằng đền thờ tại Giê-ru-sa-lem sẽ được xây lại trong tương lai để sự kiện nầy có thể xảy ra. Những chữ ngồi trong đền hàm ý ngồi trong chính điện của đền thờ hay nơi chí thánh. Đây là sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai, trước lúc Chúa trở lại.

Như vậy, sau khi có sự bội đạo quy mô và khi không còn bị Đức Thánh Linh ngăn chận, antichrist sẽ xuất hiện, nhưng Chúa Giê-xu cũng tái lâm vào thời điểm này để hủy diệt ma quỷ:

Bấy giờ kẻ nghịch cùng luật pháp kia sẽ hiện ra, Đức Chúa Jêsus sẽ dùng hơi miệng Ngài mà hủy diệt nó và trừ bỏ nó bởi sự chói sáng của sự Ngài đến (c. 8)

Phao-lô mô tả những hoạt động chống Chúa của nhân vật nầy như sau:

Kẻ đó sẽ lấy quyền của quỉ Sa-tan mà hiện đến, làm đủ mọi thứ phép lạ, dấu dị và việc kỳ dối giả, dùng mọi cách phỉnh d không công bình mà d những kẻ hư mất (c. 9-10a)

Đây là hình ảnh của con thú thứ nhì trong Khải Huyền 13:13-18, cho thấy ma quỷ cũng có thể dùng phép lạ, dấu dị và việc kỳ nhưng là dối giả để phỉnh dỗ (lừa gạt) những kẻ hư mất. Chỉ những kẻ hư mất mới bị lừa gạt như vậy vì họ đã không nhận lãnh sự yêu thương của lẽ thật để được cứu rỗi. Vì khước từ chân lý Phúc Âm nên những người nầy mới bị ma quỷ lừa gạt. Người tin Chúa, tiếp nhận chân lý nên sẽ không bị lừa gạt như vậy. Người khước từ chân lý của Đức Chúa Trời sẽ bị Ngài bỏ mặc và sẽ đi vào cõi hư vong:

Vì thế, Đức Chúa Trời phó mặc họ cho sự lầm lạc, khiến họ tin vào điều giả dối, để rồi tất cả những người không tin chân lý, nhưng ưa thích sự gian ác đều sẽ bị kết án (c. 11-12, BHĐ)