Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 6

Chịu Khổ Vì Sự Tấn Tới Của Tin Lành

Phi-líp 1:12-14

“Hỡi anh em, tôi muốn anh em biết rằng điều xảy đến cho tôi đã giúp thêm sự tấn tới cho đạo Tin Lành” (câu 12).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô đang ở trong hoàn cảnh nào khi viết thư Phi-líp (xem thêm Công Vụ 28:16, 30-31)? Theo Rô-ma 1:10-13, điều Sứ đồ Phao-lô mong muốn là gì? Đức Chúa Trời đã hoàn thành tâm niệm của ông thế nào? Điều gì giúp ông vẫn bình an và thỏa lòng trong hoàn cảnh của mình? Đời sống bạn đang hướng về mục đích nào?

Công Vụ 28:16, 30-31 cho biết khi Sứ đồ Phao-lô viết bốn bức thư Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se, và Phi-lê-môn, thì ông đang bị quản thúc tại một ngôi nhà ở La Mã. Trước đó, Sứ đồ Phao-lô mong mỏi được đến La Mã trong tư cách một mục sư để gây dựng Hội Thánh tại đó, và cũng trong tư cách một giáo sĩ để truyền giáo cho Dân Ngoại (Rô-ma 1:10-13). Đức Chúa Trời đã hoàn thành tâm niệm của Sứ đồ Phao-lô, nhưng không phải trong tư cách một mục sư hay một giáo sĩ mà là một tù nhân bị xiềng xích của Đế quốc La Mã.

“Hỡi anh em, tôi muốn anh em biết rằng,” Sứ đồ Phao-lô muốn các tín hữu tại Phi-líp chú ý đến sứ điệp ông bày tỏ. Sứ điệp đó chính là “điều xảy đến cho tôi đã giúp thêm sự tấn tới cho đạo Tin Lành” (câu 12). Nói cách khác, điều Sứ đồ Phao-lô không mong muốn cũng như sự tù đày của ông đều có một mục đích và kết quả tốt đẹp. Dù đang ở trong tù là nơi không thể vui được, nhưng thật lạ lùng, tại nơi đây Sứ đồ Phao-lô đã viết thư Phi-líp, bức thư của sự vui mừng, vui mừng mãi mãi. Sự vui mừng và thỏa lòng trong hoàn cảnh tù đày của ông xuất phát từ nhận thức về sự ưu tiên cho “sự tấn tới của đạo Tin Lành.”

Đối với Sứ đồ Phao-lô, sự chịu khổ của ông thật nhỏ bé khi điều đó được Đức Chúa Trời sử dụng để làm cho đạo Tin Lành được phát triển. Sự khó khăn trong chức vụ, những chống đối, những tổn thương tinh thần, hay đau đớn thể xác, hoàn toàn không thể ngăn trở Sứ đồ Phao-lô, vì ông biết rõ mục đích của đời sống mình và ông cũng biết ưu tiên nào cần theo đuổi để đạt được mục đích đó. Ông D. A. Carson đã nói, khi đặt sự tấn tới của Phúc Âm làm trung tâm của những hoài bão chúng ta, thì sự thoải mái của chúng ta, những cảm xúc bị thương tổn, danh tiếng hoặc bị người khác hiểu lầm…, tất cả đều vô nghĩa khi so sánh với sự phát triển và chói lòa của Phúc Âm.

Cũng như Sứ đồ Phao-lô, mỗi chúng ta đều là những “tôi tớ của Đức Chúa Giê-xu Christ” (Phi-líp 1:1), chúng ta đều thuộc về Ngài. Do đó, những gì chúng ta nói và làm, bao gồm cả công việc kiếm sống hằng ngày, đều phải được hướng về mục đích vì vinh quang của Đức Chúa Trời và sự lan truyền của Phúc Âm.

Bạn có sẵn sàng chịu khổ vì sự tấn tới cho Đạo Tin Lành không?

Tạ ơn Chúa vì con kinh nghiệm sự cứu rỗi và cuộc đời con được thay đổi khi được nghe và tiếp nhận Phúc Âm. Xin Chúa dùng cả cuộc đời con để rao truyền Phúc Âm cho nhiều người.

(c) 2024 svtk.net