Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 18

II Tê-sa-lô-ni-ca 3:6-17 - VẤN ĐỀ NHỮNG NGƯỜI SỐNG LƯỜI BIẾNG

6 Hỡi anh em, nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, chúng tôi khuyên anh em phải lánh người anh em nào không biết tu đức hạnh mình và không bước theo các điều dạy dỗ mà anh em đã nhận lãnh nơi chúng tôi. 7 Chính anh em biết điều mình phải làm để học đòi chúng tôi, vì chúng tôi không có ăn ở sái bậy giữa anh em, 8 chưa từng ăn dưng của ai, nhưng đêm ngày làm lụng khó nhọc, để khỏi lụy đến một người nào trong anh em hết. 9 Chẳng phải chúng tôi không có quyền lợi được ăn dưng, nhưng muốn làm gương cho anh em, để anh em bắt chước. 10 Khi chúng tôi ở cùng anh em, cũng đã rao bảo cho anh em rằng: nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa.

11 Vả, chúng tôi nghe trong anh em có kẻ ăn ở bậy bạ, chẳng hề làm lụng, trở chăm những sự vô ích thôi. 12 Chúng tôi nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ, bảo và khuyên những kẻ đó phải yên lặng mà làm việc, hầu cho ăn bánh của mình làm ra. 13 Hỡi anh em, phần anh em chớ nên chán mệt làm sự lành. 14 Ví bằng có ai không tuân theo lời chúng tôi nói trong thơ nầy, thì hãy ghi lấy, chớ giao thông với họ, hầu cho họ nhân đó biết xấu hổ. 15 Tuy vậy, chớ coi người đó như kẻ nghịch thù, nhưng hãy răn bảo người như anh em vậy.

16 Nguyền xin chính Chúa bình an ban sự bình an cho anh em trong mọi khi, đủ mọi cách! Lại xin Chúa ở cùng anh em hết thảy! 17 Chính tay tôi, là Phao-lô, viết lời chào thăm nầy cho anh em: ấy đó là dấu ký của tôi trong mọi thơ từ của tôi, tôi viết như vậy. 18 Nguyền xin ân điển của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta ở cùng anh em hết thảy!

 

1. Xin đọc câu 11 và cho biết “người anh em không biết tu đức hạnh”  (c. 6) là người như thế nào?

2. Phao-lô bảo các tín hữu đối xử như thế nào với những người đó? “Lánh” nghĩa là thế nào?

3. Phao-lô và các bạn nêu gương gì trong câu 7-10?

4. “Nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa” (c. 10b) nghĩa là thế nào?

5. Lời khuyên cho “kẻ ăn ở bậy bạ” là gì (c. 11-12)?

6. “Chớ nên chán mệt làm sự lành” (c. 13) nghĩa là thế nào?

7. Lời dạy của Phao-lô trong câu 14-15 cho thấy nguyên tắc gì trong vấn đề kỷ luật?

8. Phao-lô cầu nguyện điều gì cho các tín hữu trong câu 16?

9. Xin cho biết lý do tại sao Phao-lô viết câu 17?

10. Chữ quan trọng trong lời chúc cuối thư của Phao-lô (c. 18) là gì? Mang ý nghĩa gì?

 

Thư II Tê-sa-lô-ni-ca được viết với hai mục đích:

1. Giải thích chi tiết những diễn tiến trong ngày quang lâm (2:1-12).

2. Giải quyết vấn đề những người không biết tu đức hạnh trong Hội Thánh (3:6-15).

Phao-lô dùng chữ người không biết tu đức hạnh hai lần trong Thư II Tê-sa-lô-ni-ca (trong 3:11 chữ nầy được dịch là kẻ ăn ở bậy bạ, tương tự như trong I Tê. 5:14). Phao-lô cũng dùng chữ nầy trong câu 7 nói về ông và các bạn: Không có ăn ở sái bậy. Bản Hiệu Đính dịch từ nầy là “kẻ lười biếng” hay “sống bê tha.” Dựa vào những điều mô tả trong câu 11-12, đây là những “người sống lười biếng, không chịu làm việc mà lại hay xen vào chuyện người khác ngồi lê đôi mách”(BHĐ). Đây là tệ trạng trong Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca lúc bấy giờ (I Tê. 4:11-12).

Đối với những người đó, Phao-lô bảo phải lánh người anh em nào không biết tu đức hạnh mình (c. 6). Lánh mang ý nghĩa “xa lánh” hay “không giao du” (BHĐ). Cách ly khỏi cộng đồng là một trong những biện pháp kỷ luật áp dụng trong Hội Thánh (Ma-thi-ơ 18:17; Rô-ma 16:17; I Cô. 5:9-13). Việc cách ly nầy nhằm mục đích giúp người có lỗi nhân đó biết xấu hổ (c. 14b) để ăn năn và quay lại với cộng đồng (c. 15).

Phao-lô đưa ra mạng lệnh nầy với một chỉ thị nghiêm trọng: Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta (c. 6a). Ông nghiêm nghị chỉ thị điều nầy vì người không biết tu đức hạnh như vậy là người không bước theo các điều dạy dỗ mà anh em đã nhận lãnh nơi chúng tôi (c. 6b). Phao-lô cho thấy đó là những người cố ý không làm theo lời dạy dỗ ông đã truyền cho họ.

Phao-lô và các bạn đã dạy chẳng những bằng lời nói nhưng cũng bằng chính đời sống của mình:

Chính anh em biết điều mình phải làm để học đòi chúng tôi, vì chúng tôi không có ăn ở sái bậy giữa anh em (c. 7)

Phao-lô nói: Chúng tôi không có ăn ở sái bậy giữa anh em, hàm ý, vậy thì anh em cũng không được ăn ở sái bậy (cùng một từ với không biết tu đức hạnh). Ông định nghĩa thế nào là không có ăn ở sái bậy:

Chưa từng ăn dưng của ai, nhưng đêm ngày làm lụng khó nhọc, để khỏi lụy đến một người nào trong anh em hết (c. 8)

Ăn dưng nghĩa là “ăn bám” (BHĐ). Và Phao-lô nói tiếp: “Trái lại, chúng tôi đêm ngày làm lụng vất vả, khó nhọc, để không làm gánh nặng cho một người nào trong anh em” (BHĐ). Phao-lô cũng cho thấy ông và các bạn không đòi hỏi quyền lợi (c. 9a). Đó là gương mà ông muốn người Tê-sa-lô-ni-ca bắt chước (c. 9b).

Tệ nạn về những người lười biếng, không chịu làm việc đã có từ lúc Phao-lô còn ở Tê-sa-lô-ni-ca (I Tê. 4:11) và ông nhắc lại quy luật ông đã đưa ra lúc đó:

Khi chúng tôi ở cùng anh em, cũng đã rao bảo cho anh em rằng: nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa (c. 10)

Chữ quan trọng trong quy luật nầy là khứng, nghĩa là “muốn”: “Nếu ai không muốn làm việc, thì cũng đừng ăn” (BHĐ). Đây là những người không chịu làm việc chứ không phải không thể làm việc! “Đừng ăn” trong câu nầy mang ý nghĩa Hội Thánh đừng chu cấp cho họ. Hội Thánh có trách nhiệm lo cho những người thiếu thốn chứ không phải lo cho những người lười biếng, không chịu làm việc, chỉ sống nương nhờ vào người khác.

Phao-lô bảo các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca lánh người anh em nào không biết tu đức hạnh mình và không bước theo các điều dạy dỗ mà anh em đã nhận lãnh nơi chúng tôi (c. 6). Rồi ông nêu gương của ông và các bạn về vấn đề làm việc (c. 7-10). Bây giờ trở lại vấn đề của những người nầy: Chúng tôi nghe trong anh em có kẻ ăn ở bậy bạ, chẳng hề làm lụng, trở chăm những sự vô ích thôi (c. 11). Kẻ ăn ở bậy bạ hay người anh em không biết tu đức hạnh mình (cùng một từ trong nguyên văn) được mô tả là những người chẳng hề làm lụng, trở chăm những sự vô ích thôi (c. 11). Đây là những “người sống lười biếng, không chịu làm việc mà lại hay xen vào chuyện người khác – ngồi lê đôi mách”(BHĐ).

Phao-lô bảo các tín hữu phải xa lánh những người đó, còn về phần họ, Phao-lô nói:

Chúng tôi nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ, bảo và khuyên những kẻ đó phải yên lặng mà làm việc, hầu cho ăn bánh của mình làm ra (c. 12)

Cũng như lời khuyên cho tín hữu, Phao-lô nói: Chúng tôi nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 12a) hàm ý đây là một chỉ thị nghiêm trọng phải tuân hành (xem trang 80). Phao-lô cũng dùng hai động từ bảokhuyên để nói với họ. Bảo mang ý nghĩa ra lệnh, chỉ thị (“truyền bảo,” BHĐ). Còn khuyên hàm ý khẩn nài, giục giã (“khuyên nài,” BHĐ). Đây là cách Phao-lô dạy các tín hữu sai lạc: vừa ra lệnh cách nghiêm minh nhưng cũng vừa yêu thương kêu gọi.

Yên lặng mà làm việc nhắc lại ý trong I Tê. 4:11 (xem trang 38). Ăn bánh của mình làm ra nghĩa là tự mưu sinh, không làm gánh nặng cho người khác.

Sau lời khuyên cho những người không chịu làm việc, Phao-lô nghĩ đến các tín hữu có thể đã mệt mỏi vì phải lo cho những người thiếu thốn, ông viết:

Hỡi anh em, phần anh em chớ nên chán mệt làm sự lành (c. 13)

Câu nầy hàm ý, khi “làm việc thiện” (BHĐ) để giúp những người thật thiếu thốn thì không nên nản lòng: “Đừng nản lòng khi làm điều phải!”

Trở lại với ý lánh xa trong câu 6, Phao-lô viết:

Ví bằng có ai không tuân theo lời chúng tôi nói trong thơ nầy, thì hãy ghi lấy, chớ giao thông với họ, hầu cho họ nhân đó biết xấu hổ (c. 14)

Không tuân theo lời chúng tôi nói trong thơ nầy nói đến những người không chịu làm việc mà không sửa đổi. Đối với những người nầy, Phao-lô bảo, Hãy ghi lấy nghĩa là “Hãy nhận diện rõ,” “Hãy lưu ý” (BHĐ). Chớ giao thông với họ nghĩa là “Đừng giao du với họ” (BHĐ). Theo Robert Thomas, trong khung cảnh Hội Thánh lúc bấy giờ, đây có thể là không cho dự bữa ăn thân ái và Tiệc Thánh (I Cô. 11:17-22). Mục đích của sự phân cách nầy là: Hầu cho họ nhân đó biết xấu hổ (c. 14b). Ngày xưa, đời sống cộng đồng rất quan trọng, nên bị loại trừ khỏi cộng đồng là điều ô nhục, xấu hổ. Vì vậy, đây là biện pháp hữu hiệu để giúp người có lỗi từ bỏ nếp sống sai lạc để trở về với cộng đồng. Phao-lô nói thêm:

Tuy vậy, chớ coi người đó như kẻ nghịch thù, nhưng hãy răn bảo người như anh em vậy (c. 15)

Câu nầy cho thấy rõ ràng đây là biện pháp kỷ luật để giúp người có lỗi quay trở lại chứ không nhằm khai trừ người đó. Đối chiếu giữa hai từ: kẻ nghịch thùanh em cho thấy điều nầy. Chữ răn bảo nghĩa là “khuyên nhủ” (BHĐ):

Tuy nhiên, đừng xem họ như kẻ thù, trái lại, hãy khuyên nhủ như anh em vậy (c. 15, Bản Hiệu Đính)

Phao-lô kết thúc lá thư với lời cầu nguyện:

Nguyền xin chính Chúa bình an ban sự bình an cho anh em trong mọi khi, đủ mọi cách (c. 16a)

Phao-lô thường dùng danh hiệu Chúa bình an hay Đức Chúa Trời bình an trong Thư Tê-sa-lô-ni-ca (I Tê. 5:23) hàm ý Ngài là Đấng ban bình an và tạo bình an (hòa hợp) trong Hội Thánh. Bình an cũng mang ý nghĩa hưng thịnh toàn vẹn trong tâm hồn và thể xác (III Giăng 2). Phao-lô cầu nguyện để các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca kinh nghiệm bình an nầy trong mọi khi, đủ mọi cách, nghĩa là “trong mọi lúc và bằng mọi cách” (BHĐ).

Lời cầu nguyện tiếp theo là:

Lại xin Chúa ở cùng anh em hết thảy (c. 16b)

Ở cùng nói đến sự hiện diện của Chúa trong đời sống. Luôn luôn được sống trong sự hiện diện của Chúa là điều quý nhất trên đời!

Chính tay tôi, là Phao-lô, viết lời chào thăm nầy cho anh em: ấy đó là dấu ký của tôi trong mọi thơ từ của tôi, tôi viết như vậy (c. 17)

Trong thời Tân Ước, có những người chuyên làm công việc viết thư cho người khác (amanuensis). Tẹt-tiu là người viết thư Rô-ma (Rô-ma 16:22). Sin-vanh viết thư I Phi-e-rơ (I Phi-e-rơ 5:12). Đến cuối thư, tác giả thường tự tay viết thêm một dòng để kết thúc, tương tự như chữ ký để xác nhận tính cách xác thực của lá thư (I Cô. 16:21; Cô-lô-se 4:18; II Tê. 3:17). Thư II Tê-sa-lô-ni-ca cũng vậy, Phao-lô đã chính tay mình viết dòng chữ cuối trong 3:17. Điều nầy cũng để tránh việc giả mạo Phao-lô nhắc đến trong 2:2.

Hai thư Tê-sa-lô-ni-ca I và II kết thúc tương tự như nhau:

Nguyền xin ân điển của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta ở cùng anh em hết thảy (c. 18)

Ân điển hay ân sủng là từ vị sứ đồ rất yêu thích trong các lá thư của ông. Đây chẳng những là biến dạng giữa chữ “chào” (chairein) và “ân sủng” (charis) nhưng ân sủng cũng là điểm son trong kinh nghiệm và thần học của Phao-lô. Phao-lô luôn luôn ghi nhớ ân sủng của Chúa trong đời sống (I Cô. 15:10; I Ti. 1:14). Chủ đề thần học của Thư Rô-ma, Ga-la-ti, Ê-phê-sô không gì khác hơn là ân sủng: “Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu!” (Ê-phê-sô 2:8). Do đó, ông đã kết thúc hai lá thư cho người Tê-sa-lô-ni-ca với câu:

Nguyền xin ân điển của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta ở cùng anh em hết thảy (c. 18)

Lời chúc nầy gói ghém trọn vẹn những gì Chúa đã làm cho chúng ta và cách chúng ta phải sống cho Chúa!