Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 18

Diệt Tội

Ma-thi-ơ 5:27-30

Chúng ta đã xét tổng quát Phúc âm Ma-thi-ơ 5:27-30, để có thể hiểu rõ quan điểm của Chúa Giê-xu về tội khác với quan niệm của các nhà lãnh đạo tôn giáo thời xưa như thế nào. Bài này chúng ta sẽ đặc biệt nghiên cứu hai câu 29 và 30 của khúc Kinh-thánh kể trên.

Chúa chúng ta khi đối diện với toàn bộ bản chất của tội, đã không ngừng ở chỗ đó, vì khi mô tả tội, Chúa cũng ngụ ý dạy ta phải xử trí như thế nào. Chúa muốn chúng ta nhìn vào bản chất của tội để có thể ghê tởm và từ bỏ. Đây chính là khía cạnh mà ta sẽ phân tích.

Trước tiên, ta cần bắt đầu ở chỗ giải nghĩa hai câu nói của Chúa cho rõ.

Chúa Giê-xu dạy: Vậy nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi đi; vì thà chịu một phần thân thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân thể bị ném vào địa ngục.

Chúng ta để ý thì thấy rằng Chúa nói đến con mắt bên hữu và sau đó là cánh tay hữu. Quan niệm đương thời cho rằng cái gì thuộc về phía bên phải, tức là bên hữu có giá trị hơn phía bên kia. Như trong triều, vị quan đứng chầu bên hữu cao chức hơn người bên tả. Như thế con mắt bên phải và cánh tay phải được coi là quý nhất của thân thể. Chúa có thể ngụ ý rằng: "Nếu điều quý nhất của con, theo một nghĩa, là nguyên nhân xui cho con phạm tội, thì hãy bỏ điều ấy đi." Tội trong đời sống quan trọng như vậy và tầm quan trọng của nó có thể diễn tả như vậy.

Chúa muốn nói rằng, dù một điều nào đối với ta quý giá đến đâu, nhưng nếu điều ấy gài bẫy ta và gây cho ta té nhào, thì hãy bỏ điều ấy đi, ném nó xa đi. Theo cách ấy, Chúa nhấn mạnh về tầm quan trọng của đức thánh khiết, và mối nguy hại kinh khủng đối diện chúng ta vì hậu quả của tội.

Như thế thì thực tế chúng ta phải xử lý như thế nào với vấn đề tội? Ta cần nhớ rõ điều này, căn bản của vấn đề không phải ở chỗ không phạm một số hành động nào đó, nhưng là đối đầu với tình trạng ô nhiễm của tâm hồn. Sức mạnh này có mặt bên trong con người chúng ta, sống ngay trong bản chất vì hậu quả của cuộc sa ngã đầu tiên của con người. Đây mới chính là vấn đề, và nếu chỉ giải quyết bằng thái độ tiêu cực, nghĩa là không làm, không phạm, chưa đủ. Chúng ta cần lưu ý đến tình trạng của tâm hồn mình. Từ đó tìm phương giải quyết. Tại đây Chúa chúng ta nêu lên một vài điểm cho ta xem xét và hiểu cho rõ.

Điều đầu tiên là chúng ta phải nhận ra bản chất của tội và các hậu quả của nó.

Chúng ta đã nói đến bản chất và hậu quả của tội, nhưng tại đây, Chúa nhắc lại một lần nữa. Quan điểm cho rằng tội tức là không thánh khiết và không được thánh hóa thực ra chưa đầy đủ. Tất cả những cố gắng của con người qua nhiều thế kỷ, tất cả những thảm kịch đã diễn ra tiếp theo những phong trào cố gắng cho đến chỗ toàn thiện, đã xuất hiện chỉ vì những ý niệm sai lầm về tội. Người ta đã thất bại trong việc chỉ thấy tội là một sức mạnh và một điều gì dẫn đến phạm tội, mà không nhận ra rằng còn có tình trạng ô nhiễm tội nữa. Bản chất chính con người đầy tội lỗi. Chúng ta phải nắm vững cái ý niệm về tội, phân biệt hẳn với các thứ tội. Phải thấy tội như là một điều gì đưa đến hành động và tồn tại ở bên ngoài các hành động đó.

Có lẽ cách tiện nhất để hiểu rõ vấn đế này là trở về Ngày Chủ Nhật Lễ Lá, một ngày nhắc chúng ta nhớ đến mọi chi tiết về cuộc đời của Con Đức Chúa Trời. Hôm ấy Chúa lên Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng. Cuộc đi này mang ý nghĩa nào? Tại sao Chúa phải đi đến thập tự giá và rồi đến chỗ chết? Chỉ có một giải đáp cho câu hỏi này. Đó chính là vì Tội. Tội chỉ có thể đối xử bằng cách duy nhất đó, không còn cách nào khác.

Tội là một điều đã tạo nên cả nan đề trên cõi thiên đàng. Vấn đề này rất là sâu sắc, và chúng ta phải nhận thức như thế. Tội trong tôi, trong bạn là điều đã khiến Con Đức Chúa Trời nhỏ từng giọt mồ hôi lớn trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Tội đã khiến Chúa Giê-xu chịu tất cả mọi đau thương và sau cùng phải chết trên thập giá. Đó chính là tội.

Tội theo ý nghĩa này thông thường ta không quan tâm. Tội sẽ không phải là mối nguy của chúng ta, ta phải nhận như vậy, nếu nghĩ tội trong ý niệm về luân lý, liệt kê ra các tội và chia ra tội lớn, tội nhỏ, và xếp thành các loại khác nhau. Dĩ nhiên các ý niệm về tội như thế cũng đúng, nhưng còn một ý nghĩa khác mà phân chia xếp loại như vậy đều là sai lầm và còn nguy hiểm nữa. Vì tội là tội, và luôn luôn là tội; đó chính là điều Chúa Giê-xu nhấn mạnh. Nghĩa là tội không phải chỉ là hành động gian dâm, nhưng là tư tưởng, và ước muốn tội lỗi.

Đây chính là sự kiện chúng ta phải tập trung tư tưởng vào. Phải nhận ra rằng tội là một điều rất kinh khủng. Vì vậy hãy ngưng chú trọng vào việc xếp loại luân lý đạo đức, hãy ngưng suy nghĩ liệt kê ra tội. Phải nghĩ đến tội trong cái nhìn của Con Đức Chúa Trời và tội có nghĩa gì đối với Ngài, và tại sao tội đã làm gì cho cuộc đời của Chúa và nhiệm vụ của Ngài. Đây chính là cách tư duy về tội.

Dĩ nhiên là ta càng nghĩ về tội chỉ trong ý nghĩa luân lý thì ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng sung sướng vì mình không làm những việc này, việc nọ là hành vi tội. Nhưng suy nghĩ như thế là hoàn toàn sai lạc. Ta phải hiểu rằng chính vì mỗi chúng ta mà con Đức Đức Chúa Trời đã phải từ trời vào cuộc đời cho đến nỗi phải chết một cách tàn nhẫn trên thập tự. Chính vì bạn và tôi mà Chúa đã chịu hi sinh như thế. Chính vì sự ô nhiễm tội trong mỗi chúng ta. Chúng ta ít khi nhìn tội và hậu quả của tội theo chiều hướng đó. Một trong những con đường trực tiếp đến sự thánh khiết là luôn luôn nghĩ đến Chúa Giê-xu và cuộc hi sinh đau thương của Chúa. Vì không đâu bản chất của tội được trình bày bằng những màu sắc kinh khủng như trong cái chết của Con Đức Chúa Trời.

Điều thứ hai chúng ta cần nhận ra là tầm quan trọng và số phận của linh hồn.

Vì thà chịu một phần thân thể ngươi bị hư còn hơn là cả thân thể bị ném vào địa ngục. Ta thấy Chúa Giê-xu nhắc lại câu này hai lần để nhấn mạnh. Linh hồn quan trọng vô cùng, vì vậy nếu con mắt bên phải đưa ta vào cạm bẫy tội ác, ta nên móc mắt ra và bỏ đi. Tất nhiên Chúa không nói với nghĩa đen trong câu này. Trong đời ta có nhiều thứ thật quý, đúng và có lợi. Nhưng Chúa nói rằng nếu chính những điều đó sập bẫy ta, ta phải dẹp chúng sang một bên. Bất cứ điều gì ngăn cách ta với Chúa làm hại cho phần tâm linh ta, phải ghét bỏ và dẹp sang một bên. Nếu khả năng của tôi, nghề nghiệp, khuynh hướng, sở thích của tôi đưa tôi đến chỗ phạm tội, thì tôi nên bỏ đi.

Tầm nhìn của ta phải tập trung vào linh hồn. Linh hồn ta vốn đã không thánh thiện, ta phải quan tâm để không làm cho hư hỏng thêm. Tất cả mọi thứ khác phải coi là thứ yếu, linh hồn phải ở hàng ưu tiên.

Một điều khác Chúa dạy trong câu này là cái nhìn xa vào cõi vĩnh hằng. Chúng ta có nhận ra rằng, điều quan trọng hơn cả chúng ta phải làm trong đời này là chuẩn bị cho cõi vĩnh hằng hay không? Chúa cho ta thấy cái tạm thời với các vấn đề phức tạp và cõi vĩnh hằng là nơi linh hồn ta sẽ đi đến. Nếu vì mục đích vào vĩnh hằng vinh quang thì những thứ vụn vặt tạm bợ trong đời này. Nhưng khuynh hướng, thèm khát, tham lam cốt làm thỏa mãn thân xác phải loại trừ, như thế mới nhẹ nhàng cất bước. Vĩnh hằng không phải bắt đầu khi ta chết đi, nhưng bắt đầu ngay bây giờ.

Chúng ta quan tâm quá nhiều về cuộc sống tạm này và tìm đủ cách cho được thỏa mãn, nhưng dù đời này có đầy đủ mọi điều ta ham thích, những điều ấy ngăn cản ta vào cõi vĩnh hằng, và đủ sức nặng đánh chìm chúng ta vào hỏa ngục.

Điều thứ ba Chúa nêu lên trong các lời dạy này là: Chúng ta phải ghét tội và tìm đủ cách để tiêu diệt nó bằng đủ mọi giá. Có người nói rằng: Người nào không biết ghét tội cũng là người không ưa điều thiện lành. Chúng ta phải tập ghét tội, nghĩa là không cho phép làn sóng tội xâm nhập vào cuộc đời của mình.

Muốn ghét tội, phải định nghĩa tội cho thật rõ, với các nguyên nhân, động cơ, cạm bẫy, hậu quả. Phân tích là một việc, nhưng còn phải có quyết tâm từ bỏ nữa.

Sở dĩ nhiều người không biết ghét tội vì sống quá quen với tội và thấy dường như mọi người đều sống như thế cả. Tội thường được đa số cổ võ và coi như lối sống thời đại, văn minh.

Người tin Chúa phải biết rõ những gì thuộc về Chúa và những gì từ đời trần tục xuất phát ra. Nhưng giá trị thuộc về Chúa là vĩnh hằng, cao quý và đem lại phúc hạnh thật cho mỗi cuộc đời, còn những gì thuộc về trần tục, sẽ phai tàn trên đất và chỉ đem lại các hậu quả buồn và tuyệt vọng.

Điều thứ tư Chúa nêu lên ở đây là: Vấn đề quan trọng ưu tiên là phải có một tâm hồn thanh sạch. Trong tám phước lành có câu: Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời. Cuộc đời theo Chúa không phải chỉ sống tiêu cực, nghĩa là không làm một số điều răn cấm. Nhưng không làm hành động tội ác, chưa hẳn là vô tội. Chúng ta phải sống tích cực. Nghĩa là không làm một số điều, nhưng làm nhiều việc khác. Ghét trần gian, nhưng phải ưa thích những gì thánh thiện công bằng, ngay thẳng và thực hành hằng ngày như thế. Tâm hồn trong sạch sẽ thấy Chúa, hay là hễ đã gặp Chúa rồi thì tâm hồn phải trong sạch luôn để không bao giờ gián cách với Chúa nữa.

Điều thứ năm Chúa dạy ở bài học này là: Phải đặt việc diệt tội lên hàng ưu tiên. "Nếu tay hữu người xui cho ngươi phạm tội thì hãy chặt mà liệng nó cho xa ngươi đi." Muốn hiểu rõ câu này, ta cần đọc thêm các câu sau đây: Rô-ma 8:13 "Thật thế, nếu anh em sống theo xác thịt thì phải chết; song nếu nhờ Thánh Linh làm chết những việc của thân thể, thì anh em sẽ sống." Một câu khác là I Cô-rinh-tô 9:27 "Nhưng tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục.." Rô-ma 13:14 còn ghi "Hãy mặc lấy Chúa Cứu Thế Giê-xu, chớ chăm nom về xác thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó." Cô-lô-se 3:5 "Hãy làm chết các chi thể anh em nơi hạ giới." Chúng ta chỉ có thể lảm chết thân thể dễ phạm tội của mình bằng năng quyền của Thánh Linh. Nói khác đi, ta cần hàng phục Thánh Linh để thân thể và linh hồn được thánh hóa.

Hãy tìm ra nguyên nhân gây cho ta phạm tội, hãy đến với Chúa xưng nhận tội rõ ràng, hãy mời Thánh Linh làm chủ đời sống mình, đó là hành động móc mắt, chặt tay mà Chúa muốn nói đến ở đây.

Bên trong tâm hồn của mỗi người có một ngọn lửa tham dục, đừng bao giờ châm thêm dầu để ngọn lửa ấy cháy mạnh hơn, mà phải nhờ Thánh Linh dập cho tắt.

Có nhiều thứ trong đời ta cần phải cắt xén, bỏ đi cho xứng hợp với con người mới Chúa ban cho và sẵn sàng bước với Chúa trên hành trình vĩnh cửu.

Làm thế nào tránh được phạm tội? Chỉ có một cách, đến gần Chúa. Hãy lại gần Chúa thì ma quỷ sẽ lánh xa ta. Đừng sống nước đôi, đừng mang hai tâm hồn. Hãy mời Chúa, và một mình Chúa làm chủ tâm hồn mình ngay bây giờ và mỗi ngày còn lại của đời sống ta, cho đến khi ta gặp Chúa.