Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 3

Nhường Nhịn-Giải Pháp Tốt Nhất

Sáng-thế Ký 13:1-9

“Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình” (Phi-líp 2:3).

Câu hỏi suy ngẫm: Chuyện gì xảy ra trong gia đình ông Áp-ram? Ông giải quyết thế nào? Nhường nhịn thì được gì, mất gì? Bạn thấy mình dễ hay khó nhường nhịn người khác?

Phần Kinh Thánh này kể lại việc ông Áp-ram đưa gia đình rời khỏi Ai Cập trở lại Nam Phương, và sau đó trở về Bê-tên là nơi ông đã “lập bàn thờ cho Chúa” và tiếp tục “cầu khẩn Danh Ngài” (câu 1, 3-4). Điều này cho thấy sau khi phạm sai lầm tại Ai Cập (Sáng-thế Ký 12:10-20), ông đã quyết định trở lại trong mối liên hệ với Chúa. Biết sai và sửa sai kịp lúc là điều mà người lãnh đạo gia đình cần phải làm gương để dẫn dắt gia đình mình luôn biết quay trở lại cầu hỏi ý Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Kinh Thánh cho biết cả ông Áp-ram và ông Lót đều có nhiều gia súc, vùng đất hiện tại không đủ chỗ cho cả hai gia đình (câu 2, 5-6), dẫn đến tranh chấp giữa những người chăn chiên của hai ông (câu 7). Ông Áp-ram nhận ra việc tranh giành là không tốt nên đã đến nói chuyện với ông Lót và nhường quyền ưu tiên lựa chọn cho cháu mình (câu 8-9). Đây là một quyết định “khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình.” Khiêm nhường bắt đầu từ sự nhận thức đúng đắn chính mình, đồng thời nhìn nhận giá trị của người khác theo hình ảnh Đức Chúa Trời dựng nên. Dù ông Áp-ram là lớn hơn, nhưng ông sẵn sàng nhường cho cháu mình chọn trước phần đất tốt hơn, vì ông là người của đức tin. Cách giải quyết của ông

Áp-ram đầy tính thuyết phục, chặn đứng mọi xung đột có thể xảy ra. Ông sẵn lòng chịu thiệt thòi để bảo toàn tình cốt nhục, và giữ sự vui vẻ trong gia đình.

Trong nhiều gia đình Cơ Đốc ngày nay thường xuyên xảy ra vấn đề tranh giành, cãi vã, hơn thua. Người lãnh đạo gia đình phải là người chủ động đứng ra giải quyết trong tình yêu thương, dựa theo tiêu chuẩn Thánh Kinh. Chính cha mẹ phải làm gương, dạy con nhường nhịn ngay từ khi còn nhỏ, dù có chịu thiệt thòi nhưng giữ được hòa khí và niềm vui trong gia đình. Hãy nhắc nhở con cháu mình làm theo Lời Chúa dạy: “Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:4).

Chúng ta thấy rõ khi ông Áp-ram đặt mình trong mối liên hệ với Chúa qua việc “cầu khẩn Danh Ngài” thì ông được Chúa ban cho năng lực, khôn ngoan để bình tĩnh cư xử hợp tình hợp lý. Sự nhường nhịn của ông đã giữ được tình cốt nhục và đem đến an vui cho gia đình. Đúng như Lời Chúa đã hứa: “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gia-cơ 4:6). Về sau, ông Áp-ram đã được Chúa ban phước gấp bội phần hơn (câu 14-17). Nhường nhịn luôn là giải pháp tốt nhất trong các cuộc tranh chấp dù một bên phải chịu thiệt thòi.

Bạn có sẵn sàng làm người chịu thiệt thòi để giữ được hòa khí không?

Lạy Chúa, xin giúp con biết nhường nhịn và xem người khác như tôn trọng hơn mình để giữ được tình thân và hòa khí trong gia đình, trong Hội Thánh, và xã hội.

(c) 2024 svtk.net