Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 2

LỜI TẠ ƠN (1:4-9)

 

4 Tôi hằng vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời, bởi cớ anh em đã được Đức Chúa Trời ban ơn trong Đức Chúa Jêsus Christ, 5 vì chưng anh em đã được dư dật về mọi điều ban cho, cả lời nói và sự hiểu biết, 6 như lời chứng về Đấng Christ đã được vững bền ở giữa anh em. 7 Anh em đang trông đợi kỳ Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta hiện đến, cũng chẳng thiếu một ơn nào. 8 Ngài sẽ khiến anh em được vững bền đến cuối cùng, để khỏi bị quở trách trong ngày của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta. 9 Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài đã gọi anh em được thông công với Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta.

 

1. Lý do nào khiến Phao-lô tạ ơn Đức Chúa Trời về các tín hữu tại Cô-rinh-tô (c. 4)? “Ơn trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (c. 4b) nói đến điều gì?

2. Hai điều các tín hữu tại Cô-rinh-tô được dư dật là gì (c. 5)? Xin cho biết ý nghĩa của mỗi điều?

3. “Lời chứng về Đấng Christ” (c. 6) nói về điều gì?

4. “Chẳng thiếu một ơn nào” (c. 7b) nghĩa là thế nào?

5. Hai câu 7-8 cho thấy hy vọng gì về ngày Chúa tái lâm?

 

Các lá thư của sứ đồ Phao-lô thường được mở đầu với lời tạ ơn Đức Chúa Trời về các tín hữu trong Hội Thánh (Rô-ma 1:8; Phi-líp 1:3-7; Cô-lô-se 1:3-8; I Tê. 1:2) tương tự như lời tạ ơn về các tín hữu ở Cô-rinh-tô (c. 4-9). Phao-lô cho biết lý do ông tạ ơn Chúa là bởi cớ anh em đã được Đức Chúa Trời ban ơn trong Đức Chúa Jêsus Christ (c. 4b). Ơn nói đến sự  cứu rỗi và dẫn dắt của Đức Chúa Trời trong đời sống người tin Chúa. Những điều nầy không đến từ cố gắng hay sức riêng của con người nhưng bởi ơn của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:8-9; I Cô. 15:10).

Ơn nầy thể hiện trong hai khía cạnh: lời nóihiểu biết:

Vì chưng anh em đã được dư dật về mọi điều ban cho, cả lời nói và sự hiểu biết (c. 5)

Bản Hiệu Đính dịch câu nầy như sau:

Vì trong Ngài, anh em được phong phú về mọi phương diện, cả lời nói lẫn tri thức (c. 5)

Lời nóihiểu biết nói đến việc hiểu biết chân lý và nói ra chân lý. Các tín hữu Cô-rinh-tô được Đức Chúa Trời ban ơn để họ có thể nắm lấy chân lý Phúc Âm và rồi rao truyền chân lý đó.

Như lời chứng về Đấng Christ đã được vững bền ở giữa anh em (c. 6)

Câu nầy nói lên bằng chứng của việc các tín hữu Cô-rinh-tô được phong phú về lời nói lẫn tri thức. Bằng chứng đó là: Lời chứng về Đấng Christ đã được vững bền ở giữa anh em (c. 6). Lời chứng về Đấng Christ là Phúc Âm hay sứ điệp Phúc Âm (ơn cứu rỗi trong Chúa Giê-xu). Lời chứng đó được vững bền nghĩa là được “xác lập” (BHĐ) trong đời sống được thay đổi của các tín hữu Cô-rinh-tô qua lời nói và hiểu biết của họ (c. 5).

Trong phần còn lại của lời tạ ơn (c. 7-9), Phao-lô đặc biệt hướng về ngày Chúa tái lâm: Anh em đang trông đợi kỳ Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta hiện đến (c. 7a). Và: Để khỏi bị quở trách trong ngày của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta (c. 8b). Trong ý hướng đó, Phao-lô nói: Anh em… cũng chẳng thiếu một ơn (charismata) nào (c. 7b). Ơn bao gồm ba ý nghĩa:

(1) Ơn của Đức Chúa Trời nói chung: “sự ban cho,” Rô-ma 11:29.

(2) Ơn cứu rỗi: “sự ban cho của ân điển,” Rô-ma 5:15.

(3) Ân tứ thuộc linh: “sự ban cho,” I Cô. 12:4.

Trong khung cảnh Hội Thánh Cô-rinh-tô, ý Phao-lô muốn nói là: đang khi chờ đợi Chúa tái lâm, họ sẽ không thiếu ân tứ thuộc linh để phục vụ.

Cùng với việc không thiếu một ơn nào để phục vụ (c. 7), Phao-lô nói thêm:

Ngài sẽ khiến anh em được vững bền đến cuối cùng, để khỏi bị quở trách trong ngày của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta (c. 8)

Được vững bền mang ý nghĩa kiên lập, trung tín cho đến cùng mà kết quả là “không bị khiển trách trong ngày của Chúa chúng ta” (BHĐ). “Ngày của Chúa” chỉ về ngày tái lâm, lúc Chúa phân xử và ban thưởng mọi người.

Tất cả những điều nầy (c. 7-8) không đến từ công sức hay cố gắng của người Cô-rinh-tô nhưng nhờ đức thành tín của Đức Chúa Trời:

Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài đã gọi anh em được thông công với Con Ngài là Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta (c. 9)

Đức Chúa Trời là thành tín nghĩa là khi Chúa hứa, Ngài sẽ thực hiện, Chúa là Đấng cho chúng ta tin cậy. Ngài là Đấng gọi anh em được thông công với Con Ngài là Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 9b). Chữ quan trọng trong câu nầy là gọi. Tin Chúa là đáp ứng tiếng gọi của Chúa. Chúa gọi chúng ta thông công với Con Ngài. Thông công nói đến mối liên kết sâu đậm giữa chúng ta với Chúa, chúng ta ở trong Chúa và Chúa ở trong chúng ta. Trong mối quan hệ bền chặt đó, không điều gì có thể phân rẽ chúng ta với Chúa vì vậy mà Phao-lô nói đến việc được vững bền đến cuối cùng (c. 8a).