Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 3

VẤN ĐỀ CHIA RẼ (1:10-17)

 

10 Hỡi anh em, tôi nhơn danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau. 11 Vì, hỡi anh em, bởi người nhà Cơ-lô-ê, tôi có được tin rằng trong anh em có sự tranh cạnh. 12 Tôi có ý nói rằng trong anh em mỗi người nói như vầy: Ta là môn đồ của Phao-lô, ta là của A-bô-lô, ta là của Sê-pha, ta là của Đấng Christ.

13 Đấng Christ bị phân rẽ ra sao? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh trên cây thập tự thế cho anh em, hay là anh em đã nhơn danh Phao-lô mà chịu phép báp-têm sao? 14 Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời, vì ngoài Cơ-rít-bu và Gai-út, tôi chưa từng làm phép báp-têm cho ai trong anh em, 15 hầu cho chẳng ai nói rằng anh em đã nhơn danh tôi mà chịu phép báp-têm. 16 Tôi cũng đã làm phép báp-têm cho người nhà Sê-pha-na, ngoài nhà đó, tôi chẳng biết mình đã làm phép báp-têm cho ai nữa.

17 Thật vậy, Đấng Christ đã sai tôi, chẳng phải để làm phép báp-têm đâu, nhưng để rao giảng Tin Lành và chẳng dùng sự khôn khéo mà giảng, kẻo thập tự giá của Đấng Christ ra vô ích.

 

1. Lời khuyên chính của Phao-lô trong phân đoạn nầy là gì? Tại sao ông đưa ra lời khuyên nầy (c. 10-11)?

2. Theo câu 12, có bao nhiêu “phe phái” tại Hội Thánh Cô-rinh-tô?

3. Theo câu 13, tại sao các tín hữu không nên chia rẽ?

4. Phao-lô muốn nhấn mạnh điều gì trong phần từ câu 13-17?

 

Theo bố cục (trang 8), hai phần chính của thư I Cô-rinh-tô là phần sứ đồ Phao-lô trả lời về những điều ông được nghe báo cáo về Hội Thánh Cô-rinh-tô (1:10-6-20) và phần ông trả lời các câu hỏi do Hội Thánh đưa ra (7:1-14:40).

Hai vấn đề Phao-lô nghe báo cáo về Hội Thánh Cô-rinh-tô là: (1) Chia rẽ, 1:10-17. (2) Vô luân, 5:1-13. Về vấn đề chia rẽ, Phao-lô viết:

Hỡi anh em, bởi người nhà Cơ-lô-ê, tôi có được tin rằng trong anh em có sự tranh cạnh (c. 11)

Được tin mang ý nghĩa “được tin rõ ràng” (tỏ tường, 3:13) chứ không phải chỉ là lời đồn đại. Cơ-lô-ê là tên phái nữ, đây có lẽ là một góa phụ trong Hội Thánh Cô-rinh-tô hay Ê-phê-sô (Thư I Cô-rinh-tô được viết từ Ê-phê-sô, xem lời mở đầu) vì chữ người nhà thường chỉ được dùng trước tên của người nam, chủ gia đình. Người nhà Cơ-lô-ê là người trong gia đình nhưng cũng có thể có nghĩa người làm việc, khách hàng hay bạn đồng nghiệp với bà Cơ-lô-ê là những người mua bán, thường xuyên qua lại giữa Cô-rinh-tô và Ê-phê-sô.

Tin Phao-lô được nghe là trong anh em có sự tranh cạnh (c. 11b). Tranh cạnh mang ý nghĩa “tranh chấp,” không đồng ý với nhau và thường đưa đến cãi vã. Lý do tranh chấp là vấn đề phe phái. Các tín hữu Cô-rinh-tô nói mình là tín đồ của người nầy người nọ:

Ta là môn đồ của Phao-lô, ta là của A-bô-lô, ta là của Sê-pha, ta là của Đấng Christ (c. 12)

Những người nói mình là môn đồ của Phao-lô có lẽ là những người thuộc Dân Ngoại trong Hội Thánh vì Phao-lô thường nhấn mạnh ông là sứ đồ của Dân Ngoại. Những người nói mình là môn đồ của Sê-pha (Phi-e-rơ) chắc hẳn là người Do-thái. A-bô-lô là người “có tài hùng biện và am hiểu Kinh Thánh” (Công vụ 18:24, BHĐ) nên có lẽ được một số người yêu thích vì ân tứ đó. Nhóm thứ tư cho rằng họ mới thật sự là người có mối quan hệ đặc biệt với Chúa Giê-xu (II Cô. 10:7) và coi những người trong ba nhóm kia là sai.

Trước tình trạng chia rẽ đó, Phao-lô viết:

Hỡi anh em, tôi nhơn danh Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau (c. 10)

Phao-lô viết lời nầy nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta nghĩa là ông lấy thẩm quyền của Chúa mà khuyên họ. Chữ khuyên mang ý nghĩa khẩn khoản, van nài. Ông khuyên họ ba điều:

·         Phải đồng một tiếng nói với nhau: Nói lên cùng một điều, đồng ý với nhau.

·         Chớ phân rẽ nhau ra: Chữ phân rẽ có nghĩa là “xé” hay “nứt” cho thấy hình ảnh rạn nứt trong Hội Thánh.

·         Phải hiệp một ý một lòng cùng nhau: “Hiệp nhất với nhau trong tâm trí và mục tiêu” (BHĐ).

Sau lời khẩn khoản đó, Phao-lô phân tích vấn đề cho họ thấy như sau:

Đấng Christ bị phân rẽ ra sao? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh trên cây thập tự thế cho anh em, hay là anh em đã nhơn danh Phao-lô mà chịu phép báp-têm sao? (c. 13)

Điều ông quan tâm hơn hết là Chúa Giê-xu: Đấng Christ bị phân rẽ ra sao? (“Đấng Christ đã bị chia cắt rồi sao?” BHĐ) Phao-lô thường dùng hình ảnh “thân thể Đấng Christ” để chỉ về Hội Thánh (12:12) cho nên Hội Thánh chia rẽ có nghĩa là thân thể Đấng Christ bị chia cắt, là điều không thể có được.

Hai câu hỏi khác của Phao-lô là: (1) Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh trên cây thập tự thế cho anh em? (2) Hay là anh em đã nhân danh Phao-lô mà chịu phép báp-têm sao? Cả hai câu hỏi cho thấy trọng tâm là Chúa Giê-xu vì Chúa Giê-xu mới là Đấng chịu chết thế cho chúng ta (15:3). Chúng ta cũng nhân danh Chúa Giê-xu mà chịu phép báp-têm (Rô-ma 6:3).

Dựa vào các câu hỏi trong câu 13, Phao-lô cho thấy chia rẽ trong Hội Thánh là điều vô lý vì: (1) Thân thể Chúa (Hội Thánh) không thể bị chia cắt. (2) Chỉ một mình Chúa Giê-xu chịu chết thế cho chúng ta. (3) Chúng ta chịu báp-têm nhân danh Chúa Giê-xu chứ không nhân danh một ai khác.

Nói đến việc nhân danh Chúa Giê-xu chịu báp-têm, Phao-lô nhắc cho các tín hữu Cô-rinh-tô nhớ rằng ông chỉ làm báp-têm cho hai người là Cơ-rít-buGai-út cùng với người nhà Sê-pha-na (c. 14-16). Phao-lô nói như vậy để cho thấy rằng nhân danh Chúa Giê-xu trong lễ báp-têm là điều quan trọng chứ không phải là người làm báp-têm. Một lần nữa nhấn mạnh Chúa Giê-xu là trọng tâm của Hội Thánh không phải Phao-lô, Sê-pha hay A-bô-lô. Họ chỉ là những người làm báp-têm chứ các tín hữu không nhân danh họ để chịu báp-têm. Phao-lô khẳng định:

Thật vậy, Đấng Christ đã sai tôi, chẳng phải để làm phép báp-têm đâu, nhưng để rao giảng Tin Lành và chẳng dùng sự khôn khéo mà giảng, kẻo thập tự giá của Đấng Christ ra vô ích (c. 17)