Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 4

LỜI GIẢNG VỀ THẬP TỰ GIÁ (1:18-31)

 

18 Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại, song về phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Đức Chúa Trời. 19 Cũng có lời chép rằng: Ta sẽ hủy phá sự khôn ngoan của người khôn ngoan, Tiêu trừ sự thạo biết của người thạo biết. 20 Người khôn ngoan ở đâu? Thầy thông giáo ở đâu? Người biện luận đời nay ở đâu? Có phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian ra dồ dại không? 21 Vì, tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng rồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin cậy.

22 Vả, đang khi người Giu-đa đòi phép lạ, người Gờ-réc tìm sự khôn ngoan, 23 thì chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự, là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là rồ dại. 24 song le, về những người được gọi, bất luận người Giu-đa hay người Gờ-réc, thì Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. 25 Bởi vì sự rồ dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn người ta và sự yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh hơn người ta.

26 Hỡi anh em, hãy suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng. 27 Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn. Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh. 28 Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có, 29 để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời. 30 Vả, ấy là nhờ Ngài mà anh em ở trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, sự công bình, sự nên thánh và sự cứu chuộc cho chúng ta, 31 hầu cho, như có lời chép rằng: Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa. 

 

1. “Lời giảng về thập tự giá” (c. 18a) nói đến điều gì?

2. Tại sao “lời giảng về thập tự giá thì những người hư mất cho là điên dại?”

3. “Quyền phép của Đức Chúa Trời” (c. 18b) nói đến điều gì?

4. Những câu hỏi trong câu 20 hàm ý gì?

5. Xin giải thích câu 21.

6. Xin giải thích câu 25.

7. Ba nhóm người không có nhiều trong số những người được gọi là những người nào?

8. “Khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời”(c. 29) nghĩa là gì?

9. Những điều Đức Chúa Trời làm cho chúng ta (c. 30a) là gì? Xin cho biết ý nghĩa của mỗi điều.

10. Thế nào là “khoe mình trong Chúa” (c. 30b)?

11. Dựa vào câu 22-24, xin điền những chữ thích hợp vào các khung bên dưới:

 

Đòi/Tìm

 

Thập tự giá

Người Giu-đa

 

 

Người Gờ-réc

(Dân Ngoại)

 

 

Người được gọi

 

 

Phao-lô đang nói về vấn đề chia rẽ tại Hội Thánh Cô-rinh-tô với nguyên nhân là mỗi người trong Hội Thánh cho mình là tín đồ của những người khác nhau (Phao-lô, A-bô-lô, Sê-pha, Đấng Christ). Ông cho thấy Chúa Giê-xu mới là trọng tâm của Hội Thánh vì chỉ Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá để cứu chuộc Hội Thánh. Thập tự giá vì vậy phải là trọng tâm của mọi điều trong Hội Thánh. Lời giảng về thập tự giá (c. 18) nói về sứ điệp Phúc Âm đó.

Phao-lô nói về phản ứng của hai nhóm người khác nhau trước sứ điệp về thập tự giá: những người hư mất kẻ được cứu chuộc. Những người hư mất nói đến những người vì khước từ Phúc Âm nên phải hư vong. Đối với họ, việc một người chịu chết trên thập tự giá vì người khác là điều điên dại (vô nghĩa).

Kẻ được cứu chuộc chỉ về chúng ta, là người tin Chúa, thì đó là quyền phép của Đức Chúa Trời (Rô-ma 1:18). Quyền phép của Đức Chúa Trời nói đến sức mạnh cứu rỗi vì con người không thể làm gì để tự cứu.

Phao-lô trích lời trong Ê-sai 29:14 để nói về điều nầy:

Cũng có lời chép rằng: Ta sẽ hủy phá sự khôn ngoan của người khôn ngoan, tiêu trừ sự thạo biết của người thạo biết (c. 19)

Bối cảnh của lời dạy trong Ê-sai là việc con dân Chúa chỉ thờ phượng Chúa ngoài miệng, không thật lòng tìm kiếm Chúa (Ê-sai 29:13). Vì cậy vào khôn ngoan và thông biết riêng không cần đến Chúa như vậy, nên trong sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, Ngài đã dùng những điều nghịch lý theo suy nghĩ của con người (Sự khôn ngoan của người khôn ngoan, sự thạo biết của người thạo biết).

Những câu hỏi trong câu 20 hàm ý thách thức cố gắng của con người trước vấn đề cứu rỗi mà Đức Chúa Trời đã thực hiện qua cái chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá. Ba nhóm người được nhắc đến là: người khôn ngoan, thầy thông giáongười biện luận đời nay.

Theo câu 22b, người khôn ngoan chỉ về người Hy-lạp. Thầy thông giáo là những học giả Do-thái, chuyên về luật pháp Môi-se nhưng thường nhấn mạnh đến các tiểu tiết. Người biện luận đời nay nói đến các triết gia, luôn luôn đặt vấn đề và giải quyết theo lý luận của con người. Cả ba nhóm người nầy được gọi chung là sự khôn ngoan của thế gian (c. 20b). Đức Chúa Trời đã làm cho cả ba nhóm người nầy (sự khôn ngoan của thế gian) thành ra điên dại.

Con người coi sứ điệp thập tự giá là điên dại (c. 18) nhưng thật ra sự khôn ngoan của thế gian mới là rồ dại (c. 20b). Phao-lô giải thích điều nầy trong câu 21:

Vì, tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng rồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin cậy (c. 21)

Câu nầy nghĩa là, con người dùng khôn ngoan riêng của mình thay vì sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời để nhận biết Đức Chúa Trời nên không thể biết được. Do đó, Đức Chúa Trời đã dùng điều mà con người cho là điên dại (thập tự giá) để cứu chuộc nhân loại. Sự giảng dồ dại tức là sứ điệp thập tự giá, chỉ cần lấy đức tin tiếp nhận để được cứu rỗi.

Theo câu 22-24, Phao-lô cho chúng ta thấy những điều sau;

 

 

Đòi/Tìm

 

Thập tự giá

Người Giu-đa

Phép lạ

Gương xấu

Người Gờ-réc

(Dân Ngoại)

Khôn ngoan

Rồ dại

Người được gọi

 

Quyền phép và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời

 

 

Hai thành phần trong xã hội Cô-rinh-tô lúc bấy giờ là người Giu-đangười Gờ-réc (Do-thái và Hy-lạp). Khuynh hướng của người Do-thái là đòi phải có dấu lạ thì mới tin (Mác 8:11; Giăng 6:30). Đối với người Do-thái đòi hỏi dấu lạ, Chúa Giê-xu cho biết, dấu lạ đó là “dấu lạ Giô-na” (Ma-thi-ơ 12:39-40) chỉ về sự chết và sống lại của Chúa Giê-xu (sứ điệp thập tự giá). Người Hy-lạp thì luôn luôn hãnh diện về văn minh của họ, qua các triết gia nổi tiếng và tìm kiếm chân lý qua những lý luận khôn ngoan.

Trước hai đòi hỏi đó (dấu lạ và khôn ngoan), chủ trương của Phao-lô là: Chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự (c. 23a). Phao-lô gọi đó là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời (c. 24b). Hai nhóm người chính trong Hội Thánh Cô-rinh-tô lúc bấy giờ cũng là người Do-thái và Hy-lạp (Dân Ngoại) mà Phao-lô gọi chung là những người được gọi  (c.24a). Người được gọi là người tin Chúa Giê-xu (Rô-ma 8:29-30). Người tin Chúa thì dù là Do-thái hay Hy-lạp đều từ bỏ những điều mình thường đeo đuổi (dấu lạ và khôn ngoan) để tiếp nhận sứ điệp thập tự giá mà Phao-lô gọi là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời (c. 24b). Quyền phép nói đến sức mạnh thay đổi con người của Phúc Âm (Rô-ma 1:16). Sự khôn ngoan nói đến đường lối hay phương cách làm việc của Đức Chúa Trời (Ê-sai 55:11-12).

Người Do-thái chẳng những đòi hỏi dấu lạ, họ cũng coi việc một người chịu chết trên thập tự giá là gương xấu (c. 23b). Gương xấu trong ý nghĩa không thể chấp nhận được vì đây là người bị Đức Chúa Trời rủa sả (Phục truyền 21:23; Ga-la-ti 3:13). Nói chung, cả người Do-thái lẫn Dân Ngoại đều không chấp nhận sứ điệp thập tự giá vì đó là điều xấu (đối với người Do-thái) và ngu xuẩn, vô nghĩa (đối với Dân Ngoại). Nhưng thập tự giá là trọng tâm của niềm tin Cơ-đốc và đây là phương cách Đức Chúa Trời dùng để đánh đổ đường lối của cả người Do-thái và Dân Ngoại. Phao-lô kết luận điều nầy với câu:

Bởi vì sự rồ dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn người ta và sự yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh hơn người ta (c. 25)

Sau khi cho thấy phương cách Đức Chúa Trời dùng để bày tỏ sự khôn ngoan và sức mạnh của Ngài (c. 25), Phao-lô nói đến hoàn cảnh hiện tại của Hội Thánh:

Hỡi anh em, hãy suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng (c. 26)

Ba nhóm người không có nhiều trong Hội Thánh là:

·         Người khôn ngoan theo xác thịt.

·         Kẻ quyền thế.

·         Kẻ sang trọng.

Người khôn ngoan theo xác thịt chỉ về giới trí thức, các triết gia Hy-lạp. Kẻ quyền thế nói đến những người có thế lực chính trị. Kẻ sang trọng là những người thuộc thành phần thượng lưu. Đây là ba nhóm người quan trọng trên phương diện tri thức, chính trị và xã hội nhưng Đức Chúa Trời đã không chọn họ. Trái lại:

Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn. Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh. Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có, để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời (c. 27-29)

Đối chiếu với khôn ngoan, quyền thếsang trọng (c. 26), Phao-lô nói đến sự dại, sự yếu và hèn hạ khinh bỉ (c. 27-28). Phao-lô cũng nói đến sự không có (c. 28b). Chính sự không có đó đã làm cho những điều ra hư không. Như vậy, Đức Chúa Trời đã đảo ngược mọi điều để cho thấy rằng không phải nhờ sức riêng mà con người được cứu rỗi: Để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời (c. 29).

Phao-lô kết luận phần nầy với câu:

Vả, ấy là nhờ Ngài mà anh em ở trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, sự công bình, sự nên thánh và sự cứu chuộc cho chúng ta, hầu cho, như có lời chép rằng: Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa (c. 30-31)

Câu 29 ghi: Để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời, đối chiếu với câu 31: Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa cho thấy mục đích của Phao-lô trong câu 30. Mọi điều chúng ta có là nhờ Chúa, đến từ Chúa, không đến từ chúng ta. Khi liên kết với Chúa Giê-xu (ở trong Đức Chúa Giê-xu Christ), chúng ta được khôn ngoan, công bình, nên thánh và cứu chuộc. Đây là gồm tóm mọi điều đến từ sứ điệp thập tự giá, tức là nhờ tin vào sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá, chúng ta kinh nghiệm được những điều nầy.

Khôn ngoan nói đến khôn ngoan thật, không phải khôn ngoan của trần gian (theo xác thịt, c. 26b). Công bình là địa vị công chính của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời, nên thánhcứu chuộc là những tên gọi khác nhau của việc chúng ta được cứu rỗi. Nên thánh mang ý nghĩa người tin Chúa được biệt riêng ra cho Chúa và cứu chuộc nhấn mạnh đến giá Chúa Giê-xu phải trả để cứu chúng ta. Giá đó là cái chết hy sinh của Ngài trên thập tự giá.

Vì tất cả những điều nầy đến từ Đức Chúa Trời, Ngài ban cho chúng ta, chúng ta không phải và không thể làm gì để được, nên chúng ta không thể tự hào rằng những điều nầy đến từ chúng ta: Để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời (c. 29). Và khi ý thức mọi điều đến từ Chúa, chúng ta chỉ có thể tự hào đó là nhờ Chúa, do Chúa mà đến: Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa (c. 31).