Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 5

CHẲNG BIẾT SỰ GÌ KHÁC! (2:1-5)

 

1 Hỡi anh em, về phần tôi, khi tôi đến cùng anh em, chẳng dùng lời cao xa hay là khôn sáng mà rao giảng cho anh em biết chứng cớ của Đức Chúa Trời. 2 Vì tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Jêsus Christ và Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên cây thập tự. 3 Chính tôi đã ở giữa anh em, bộ yếu đuối, sợ hãi, run rẩy lắm. 4 Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép, 5 hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người bèn là trên quyền phép Đức Chúa Trời.

 

1. Hai điều Phao-lô không dựa vào để rao giảng là gì (c. 1a)? “Lời cao xa” và “khôn sáng” chỉ về điều gì?

2. “Chứng cớ của Đức Chúa Trời” (c. 1b) là nói về điều gì?

3. Phao-lô muốn khẳng định điều gì trong câu 2?

4. Tại sao Phao-lô nói, “Chính tôi đã ở giữa anh em, bộ yếu đuối, sợ hãi, run rẩy lắm” (c. 3)?

5. Theo câu 4, đặc tính của “lời nói và sự giảng” của Phao-lô là gì?

6. Lập đức tin trên “sự khôn ngoan loài người” và trên “quyền phép Đức Chúa Trời” (c. 5) khác nhau thế nào?

 

I Cô-rinh-tô 2:1 nối tiếp với 1:17, nói về đường lối và phương cách Phao-lô rao giảng Phúc Âm (1:18-31 là lời giải thích những quan điểm khác nhau về sứ điệp thập tự giá).  Phao-lô nhắc lại kinh nghiệm khi ông đến Cô-rinh-tô lần đầu (Công vụ 18:1-17):

Hỡi anh em, về phần tôi, khi tôi đến cùng anh em, chẳng dùng lời cao xa hay là khôn sáng mà rao giảng cho anh em biết chứng cớ của Đức Chúa Trời (c. 1)

Lời cao xa là lối nói hùng biện. Khôn sáng là lý luận triết học. Đây là hai điều người Cô-rinh-tô và xã hội Hy-lạp thời đó ưa chuộng. Phao-lô đã không dùng hai cách đó để rao giảng Phúc Âm. Phao-lô gọi Phúc Âm là chứng cớ của Đức Chúa Trời nghĩa là lời chứng về Đức Chúa Trời. Phao-lô khẳng định:

Vì tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Jêsus Christ và Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên cây thập tự (c. 2)

Lời khẳng định nầy cho thấy mục đích duy nhất của Phao-lô là rao giảng chân lý về Chúa Giê-xu: Chúa là ai và sự kiện cùng ý nghĩa cái chết của Ngài trên thập tự giá. Đây là ngược lại với ý lời cao xa hay khôn sáng (c. 1). Sứ điệp Phúc Âm của Phao-lô bao gồm hai điều: (1) Đời sống của Chúa Giê-xu. Và: (2) Cái chết của Ngài để chuộc tội cho nhân loại (tương tự như lời giảng của Phi-e-rơ trong Công vụ 10:37-43). Đây cũng là hai điều về Chúa Giê-xu mà chúng ta rao giảng ngày nay. Sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá hay sứ điệp về thập tự giá là trung tâm điểm của Phúc Âm.

Phao-lô nói trong câu 3:

Chính tôi đã ở giữa anh em, bộ yếu đuối, sợ hãi, run rẩy lắm (c. 3)

Lời nói nầy mang ý nghĩa yếu đuối trong thân xác vì một tật bệnh nào đó nhưng cũng nói lên thái độ khiêm nhường, không hợm mình. Phao-lô cho thấy rao giảng Phúc Âm là một công tác lớn, chính ông không thể kham nổi, những gì ông làm là nhờ Chúa Thánh Linh và quyền phép của Đức Chúa Trời (c. 4).

Nói về lời nói và sự giảng của mình, Phao-lô đối chiếu giữa bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoansự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép (c. 4). Bản Hiệu Đính dịch câu nầy như sau:

Ngôn từ và sứ điệp của tôi không dựa vào những lời lẽ khôn khéo để thuyết phục nhưng chính là sự thể hiện quyền năng của Thánh Linh (c. 4, BHĐ)

Sứ điệp Phúc Âm Phao-lô rao giảng không phải là lời lẽ khôn khéo để thuyết phục nhưng là thể hiện quyền năng của Chúa Thánh Linh. Điều nầy chẳng những nói về người rao giảng Phúc Âm nhưng cũng nói đến việc tiếp nhận Phúc Âm:

Hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người bèn là trên quyền phép Đức Chúa Trời (c. 5)

Hầu cho (c. 5a) nói đến mục đích. Phúc Âm Phao-lô rao giảng chẳng những đến từ quyền phép của Đức Chúa Trời nhưng sức mạnh đó cũng là nền tảng cho đức tin của các tín hữu. Đức tin nói đến toàn bộ tín lý hay những  điều chúng ta tin. Đức tin đó được đối chiếu giữa sự khôn ngoan loài ngườiquyền phép Đức Chúa Trời (c. 5b) cho thấy điểm nổi bật của Phúc Âm: không phải sức người nhưng là sức của Chúa.