Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 17

Chúa Giê-xu Chịu Báp-tem

Ma-thi-ơ 3:13-15

“Khi ấy, Đức Chúa Giê-xu từ xứ Ga-li-lê đến cùng Giăng tại sông Giô-đanh, đặng chịu người làm phép báp-tem” (câu 13).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Chúa Giê-xu yêu cầu ông Giăng làm báp-tem cho Ngài? Chúa giải thích thế nào về việc Ngài chịu báp-tem? Tâm tình của Chúa Giê-xu thúc giục bạn phải sống đời sống mới như thế nào?

Sự kiện Chúa Giê-xu chịu phép báp-tem là sự kiện quan trọng, đánh dấu thời điểm chín muồi đã đến để Ngài công khai thi hành sứ mệnh cứu rỗi người Do Thái nói riêng và toàn nhân loại nói chung (Ma-thi-ơ 1:21). Nhưng điều khó hiểu là tại sao Chúa Giê-xu lại yêu cầu ông Giăng làm phép báp-tem cho Ngài. Vào thời bấy giờ, phép

báp-tem là nghi thức dành cho Dân Ngoại muốn gia nhập Do Thái giáo, còn người Do Thái luôn tự hào mình là con cháu Áp-ra-ham. Nhưng qua lời kêu gọi “hãy ăn năn” của ông Giăng, có nhiều người Do Thái ăn năn tội lỗi của mình và bằng lòng chịu phép báp-tem. Thế nên, việc Chúa

Giê-xu yêu cầu ông Giăng làm phép báp-tem cho Ngài, phải chăng Ngài cũng thừa nhận mình là tội nhân? Ông Giăng Báp-tít biết Chúa là ai nên sự từ chối của ông ngầm khẳng định Chúa Giê-xu không phải là tội nhân mà chính ông mới là tội nhân và cần được Ngài làm phép báp-tem cho. Nhưng điều ngạc nhiên là Chúa Giê-xu vẫn yêu cầu ông Giăng làm báp-tem cho Ngài.

Câu trả lời của Chúa với ông Giăng Báp-tít cho chúng ta câu giải đáp, “chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy.” Thế nào là “làm trọn mọi việc công bình”? Thứ nhất, Chúa Giê-xu chịu báp-tem là hành động khởi đầu bày tỏ tinh thần hạ mình, vâng phục chương trình cứu rỗi nhân loại của Đức Chúa Trời, và Ngài tiếp tục vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Thứ hai, Chúa Giê-xu sinh ra trong một dòng dõi Do Thái, việc Ngài đến nhận lễ báp-tem như một lời công bố Ngài cũng là người như mọi người, tội lỗi của mọi người cũng sẽ là của Ngài, Ngài tự đồng nhất Ngài với tội nhân để cứu chuộc con người. Thứ ba, Khi Chúa Giê-xu yêu cầu ông Giăng làm báp-tem, Ngài cũng công nhận chức vụ của ông Giăng trong vai trò là người mở đường cho Ngài.

Chúa Giê-xu chịu ông Giăng làm phép báp-tem không phải với tư cách của một tội nhân ăn năn, nhưng với tư cách của Con Đức Chúa Trời hạ mình vâng phục tuyệt đối chương trình của Đức Chúa Trời; tự đồng nhất mình với những con người tội lỗi để mở đường cho việc cứu chuộc tội nhân. Khi biết được tâm tình yêu thương, hạ mình, vâng phục của Chúa Giê-xu, chúng ta phải cúi đầu tự hỏi: Chúa Giê-xu đã tự đồng nhất Ngài với tôi để cứu tôi, giờ đây tôi có bằng lòng để Ngài đổi mới đời sống để tôi đầy tràn tình yêu thương, khiêm nhường, và vâng phục giống như Ngài, hay tôi vẫn cứ miệt mài trong nếp sống cũ xưa?

Nếp sống hiện tại của bạn có bày tỏ tình yêu thương với tha nhân, sự khiêm nhường và vâng phục không?

Tạ ơn Chúa về gương yêu thương trọn vẹn và sự hạ mình, vâng phục đến cùng của Ngài. Xin cho con luôn sống vâng phục Chúa, yêu thương, khiêm nhường, bày tỏ cho người khác biết về tình yêu của Chúa cho nhân loại.

(c) 2024 svtk.net