Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 16

Người Lười Biếng

Châm-ngôn 6:6-11

“Hãy siêng năng mà chớ làm biếng; phải có lòng sốt sắng; phải hầu việc Chúa” (Rô-ma 12:11).

Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn dạy con cái ông học sự khôn ngoan từ loài kiến ra sao? Hậu quả của người lười biếng là gì? Bạn đang sống thế nào đối với công việc làm ăn và với công việc Chúa?

Vua Sa-lô-môn lên án người lười biếng và cho rằng người lười biếng là người thiếu khôn ngoan. Ông kêu gọi người lười biếng hãy quan sát sinh hoạt của loài kiến nhỏ bé để rút tỉa bài học khôn ngoan. Dù chúng không có người giám sát, “không quan tướng, quan cai đốc, hay là quan trấn,” chúng vẫn tự giác làm việc. Vào mùa hè ấm áp, những con kiến biết tìm lương thực không những đủ sống, mà còn dự trữ cho mùa đông lạnh lẽo. Vào mùa gặt, chúng biết lợi dụng cơ hội thu trữ vật thực thật nhiều, để dành cho lúc thiếu thốn trong mùa gieo cấy. Người lười biếng luôn tìm cách trì hoãn công việc để nghỉ ngơi, “ngươi sẽ nằm cho đến chừng nào?” (câu 9), và đánh mất đi những cơ hội có thể thu hoạch. Vua Sa-lô-môn so sánh sự nghèo khổ sẽ vụt đến với người lười biếng như kẻ trộm cắp, và cảnh túng thiếu, bần cùng sẽ tấn công như kẻ cướp có vũ trang (câu 11). Sự nghèo khó sẽ đến với người lười biếng không thể đoán trước, và người nghèo sẽ rơi vào cảnh không có an ninh, thiếu sự hỗ trợ. Vì vậy, người ác vẫn thường lợi dụng cơ hội để đánh cắp của người nghèo khó. Hậu quả của sự lười biếng không chỉ làm cho con người thiếu thốn về phương diện vật chất, nhưng còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác như mất bình an, vui mừng…

Điều chúng ta cần lưu ý trong bài học này là không phải người nghèo thiếu nào cũng đáng bị lên án, vì có nhiều người làm việc chăm chỉ nhưng rồi lại lâm vào hoàn cảnh đau ốm, hoạn nạn, hay thiên tai. Đây là những người đáng thương và cần giúp đỡ. Nhưng cũng có người nghèo thiếu do lười biếng, không chịu làm việc, chỉ thích nghỉ ngơi, ham ngủ nướng thì mới đáng bị lên án. Chúa luôn cho chúng ta thời gian nghỉ ngơi. Từ buổi sáng thế, Đức Chúa Trời đã tạo ra ngày thánh để cho con người được nghỉ ngơi. Nhưng vấn đề là chúng ta không nên nghỉ ngơi và trì hoãn trong những lúc đáng ra phải làm việc. Sự nghỉ ngơi liên đới đến trách nhiệm của chúng ta.

Ai trong chúng ta cũng có lúc rơi vào hoàn cảnh “gieo trồng,” đầu tư và làm việc nhưng chưa được thu hoạch. Cuộc đời chúng ta cũng có lúc ở trong “mùa đông.” Nếu không biết dành dụm thì tương lai của mỗi chúng ta, của gia đình, và xã hội sẽ như thế nào? Sứ đồ Phao-lô kêu gọi mỗi chúng ta hãy lợi dụng thời gian, cơ hội để tích lũy về vật chất và cũng không quên đầu tư cho tâm linh: “Hãy siêng năng mà chớ làm biếng; phải có lòng sốt sắng; phải hầu việc Chúa” (Rô-ma 12:11).

Bạn thể hiện tinh thần siêng năng trong công việc mỗi ngày ra sao?

Tạ ơn Chúa vì mọi điều Ngài đã ban cho con. Xin giúp con sống siêng năng, biết sự tận dụng thời gian, khả năng Chúa ban để đem ích lợi cho bản thân, gia đình, xã hội, và Vương Quốc Ngài.

(c) 2024 svtk.net