Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 12

GIAN KHỔ CỦA CHỨC VỤ SỨ ĐỒ (4:6-13)

 

6 Hỡi anh em, ấy là vì cớ anh em, tôi đã dùng những lẽ thật nầy chỉ về chính mình tôi và A-bô-lô, hầu cho anh em học đòi hai chúng tôi, chớ vượt qua lời đã chép, và chớ sanh lòng kiêu ngạo, theo phe người nầy nghịch cùng kẻ khác. 7 Bởi vì, ai phân biệt ngươi với người khác? Ngươi há có điều chi mà chẳng đã nhận lãnh sao? Nếu ngươi đã nhận lãnh, thì sao còn khoe mình như chẳng từng nhận lãnh? 8 Anh em được no đủ, được giàu có rồi, chẳng nhờ chúng tôi, anh em đã khởi sự cai trị, thật mong cho anh em được cai trị, hầu cho chúng tôi cũng cai trị với anh em!

9 Vì chưng Đức Chúa Trời dường đã phơi chúng tôi là các sứ đồ ra, giống như kẻ sau rốt mọi người, giống như tù phải tội chết, làm trò cho thế gian, thiên sứ, loài người cùng xem vậy. 10 Chúng tôi là kẻ ngu dại vì cớ Đấng Christ, nhưng anh em được khôn ngoan trong Đấng Christ; chúng tôi yếu đuối, anh em mạnh mẽ; anh em quí trọng, chúng tôi khinh hèn. 11 Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần mình, bị người ta vả trên mặt, lưu lạc rày đây mai đó. 12 Chúng tôi dùng chính tay mình làm việc khó nhọc; khi bị rủa sả, chúng tôi chúc phước; khi bị bắt bớ, chúng tôi nhịn nhục, 13 khi bị vu oan, chúng tôi khuyên dỗ; chúng tôi giống như rác rến của thế gian, cặn bã của loài người, cho đến ngày nay.

 

1. “Những lẽ thật nầy” (c. 6a) chỉ về điều gì?

2. “Vượt qua lời đã chép” (c. 6b) là vượt qua điều gì?

3. Bạn hiểu hai câu hỏi nầy thế nào? Xin viết lại hai câu hỏi nầy theo điều Bạn hiểu: “Ngươi há có điều chi mà chẳng đã nhận lãnh sao? Nếu ngươi đã nhận lãnh, thì sao còn khoe mình như chẳng từng nhận lãnh?” (c. 7)

4. Phao-lô hàm ý điều gì trong câu 8?

5. Phao-lô dùng hình ảnh gì để mô tả các sứ đồ trong câu 9?

6. Những điều Phao-lô đối chiếu giữa ông và các tín hữu trong câu 10 là gì? Mang ý nghĩa gì?

7. Xin kể ra những nỗi khổ Phao-lô phải trải qua trong các câu 11-13.

 

Những lẽ thật nầy là những điều Phao-lô vừa viết ở trên (c. 1-5) nói đến nguyên tắc hầu việc Chúa của Phao-lô. Bây giờ Phao-lô áp dụng nguyên tắc nầy cho ông và A-bô-lô để tín hữu Cô-rinh-tô thấy rõ và không còn ý phe phái nữa:

Hầu cho anh em học đòi hai chúng tôi, chớ vượt qua lời đã chép, và chớ sanh lòng kiêu ngạo, theo phe người nầy nghịch cùng kẻ khác (c. 6b)

Lời đã chép là thành ngữ Phao-lô thường dùng mỗi khi ông trích Kinh Thánh Cựu Ước, cho nên chớ vượt qua lời đã chép hàm ý làm đúng theo lời Kinh Thánh đã dạy, không đi ra ngoài sự dạy dỗ đó. Các tín đồ Cô-rinh-tô thật sự đã vượt qua lời đã chép vì họ đã sanh lòng kiêu ngạo, theo phe người nầy nghịch cùng kẻ khác. Phao-lô nêu ví dụ về ông và A-bô-lô để các tín hữu Cô-rinh-tô tránh tội kiêu ngạo và bè phái đó.

Câu 7 Bản Hiệu Đính dịch như sau:

Vì có ai thấy bạn trội hơn người khác chăng? Có điều gì bạn có mà không do nhận lãnh chăng? Nếu bạn đã nhận lãnh, thì sao còn khoe khoang như chưa từng nhận lãnh? (BHĐ)

Đây là lối hỏi tu từ, chính câu hỏi là câu trả lời. Ý Phao-lô muốn nói với tín hữu Cô-rinh-tô là: “Anh chị em không có gì đặc biệt hơn người khác đâu! Tất cả những gì anh chị em có đều là quà tặng. Vì là quà tặng nên phải coi đó là quà tặng, đừng coi đó là do công sức của mình, không phải người khác cho!” Phao-lô muốn tín hữu Cô-rinh-tô nhớ rằng họ không có lý do gì để khoe khoang hay kiêu hãnh vì tất cả những gì họ có đều đến từ ân sủng của Chúa.

Câu 8 là lối hành văn mỉa mai (irony) nhằm mục đích nhấn mạnh. Phao-lô nói điều nầy vì người Cô-rinh-tô có thái độ tự mãn, cho rằng mình đã no đủgiàu có rồi. Khởi sự cai trị trong nguyên văn là “đã làm vua” (BHĐ). Phao-lô nói:

Chẳng nhờ chúng tôi, anh em đã khởi sự cai trị, thật mong cho anh em được cai trị, hầu cho chúng tôi cũng cai trị với anh em (c. 8b)

Câu nầy hàm ý rằng người Cô-rinh-tô cũng đã tự mãn, coi mình như vua, không cần sự có mặt của Phao-lô. Sự thật thì họ không phải là vua vì Phao-lô nói thêm: “Ước gì anh em làm vua để chúng tôi được cùng cai trị với anh em!” (BHĐ)

Đối chiếu với thái độ tự mãn và lòng kiêu ngạo của người Cô-rinh-tô, Phao-lô mô tả chức vụ sứ đồ của ông và các bạn như sau:

Vì chưng Đức Chúa Trời dường đã phơi chúng tôi là các sứ đồ ra, giống như kẻ sau rốt mọi người, giống như tù phải tội chết, làm trò cho thế gian, thiên sứ, loài người cùng xem vậy (c. 9)

Hai hình ảnh Phao-lô dùng để mô tả sứ đồ là:

(1) Kẻ sau rốt mọi người.

(2) Tù phải tội chết.

Đây là hai hình ảnh quen thuộc trong thời La-mã. Kẻ sau rốt mọi người chỉ về những tù binh bị trói, dẫn đi sau cùng trong đám rước của phe chiến thắng. Đây cũng là hình ảnh Phao-lô mô tả trong II Cô. 2:14-16 (“mùi của sự chết” và “mùi của sự sống” trong phần Kinh Thánh nầy nói về cùng một khung cảnh hương khói của đám rước, người chiến thắng thấy đó là mùi thơm sự sống, đối với kẻ chiến bại đó là mùi sự chết).

Tù phải tội chết, làm trò cho thế gian, thiên sứ, loài người cùng xem là những đấu sĩ (gladiator) trong các đấu trường La-mã. Họ là những người đã thọ án tử hình (tù phải tội chết) nhưng thay vì xử tử, người ta để cho họ đánh nhau với thú dữ hoặc với nhiều người cùng một lúc trong tư thế trước sau gì cũng chết, để làm trò cho mọi người xem. Phao-lô kể: thế gian, thiên sứ, loài người cùng xem, cho thấy tính cách công khai chịu khổ của các sứ đồ tương tự như các đấu sĩ trong đấu trường La-mã.

Phao-lô đối chiếu giữa ông và các sứ đồ với tín hữu Cô-rinh-tô như sau:

Chúng tôi là kẻ ngu dại vì cớ Đấng Christ, nhưng anh em được khôn ngoan trong Đấng Christ; chúng tôi yếu đuối, anh em mạnh mẽ; anh em quí trọng, chúng tôi khinh hèn (c. 10)

Ý Phao-lô muốn nói là, tất cả những điều mà ông và các sứ đồ khác phải gánh chịu là để đem lại phúc lợi cho họ. Phao-lô và các bạn đã bị kể là ngu dại, yếu đuối khinh hèn để cho người Cô-rinh-tô được khôn ngoan, mạnh mẽ quý trọng. Có lẽ Phao-lô cũng có ý mỉa mai như trong câu 8, khi đối chiếu giữa ông và người Cô-rinh-tô: số phận của ông và các sứ đồ là như vậy, còn người Cô-rinh-tô thì không ở trong những hoàn cảnh đó!

Trong bảng liệt kê những nỗi khổ của mình và các sứ đồ khác, Phao-lô phân biệt hai loại: những điều ông và các bạn phải trải qua và những điều ông và các bạn trải qua và đáp lại (Bản Hiệu Đính).

 

NHỮNG ĐIỀU PHẢI TRẢI QUA

PHẢI TRẢI QUA

ĐÁP LẠI

Đói khát

Bị nguyền rủa

Chúc phước

Rách rưới

Bị bắt bớ

Chịu đựng

Đánh đập

Bị nói xấu

Đáp lại ôn tồn

Lang thang

đây đó

 

 

Làm việc

khó nhọc

 

 

Rác rưởi

của thế gian

 

 

Cặn bã

của loài người

 

 

 

Bảng liệt kê nầy cho thấy chức vụ sứ đồ Phao-lô và các bạn là con đường thập tự giá Chúa Giê-xu đã dạy (Ma-thi-ơ 16:24; 5:11-12). Phao-lô và các bạn đã theo gương Chúa Giê-xu, đi con đường đó. Họ đã làm đúng như điều Ngài dạy trong Bài Giảng Trên Núi: không trả thù nhưng chúc phước cho người khác khi bị bách hại (Ma-thi-ơ 5:38-48). Người hầu việc Chúa biết rằng, khó khăn gian khổ là điều luôn luôn chờ đợi mình và là con cái Chúa, chúng ta phải thông cảm với những nỗi khổ các đầy tớ Chúa phải trải qua.

Hội Thánh Cô-rinh-tô có sự chia rẽ, tranh cạnh, những hình ảnh nầy chắc chắn giúp họ thấy rõ vấn đề, thông cảm với người hầu việc Chúa và không còn chia rẽ nữa!