Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 13

TÂM TÌNH CỦA PHAO-LÔ (4:14-21)

 

14 Tôi viết những điều nầy, chẳng phải để làm cho anh em hổ ngươi đâu, nhưng để khuyên bảo anh em, cũng như con cái yêu dấu của tôi vậy. 15 Bởi chưng, dẫu anh em có một vạn thầy giáo trong Đấng Christ, nhưng chẳng có nhiều cha, vì tôi đã dùng Tin Lành mà sinh anh em ra trong Đức Chúa Jêsus Christ.

16 Vậy, tôi lấy điều đó khuyên anh em: hãy bắt chước tôi. 17 Vì cớ đó, tôi đã sai Ti-mô-thê, là con yêu dấu của tôi, cùng là trung thành trong Chúa, đến cùng anh em. Người sẽ nhắc lại cho anh em biết đường lối tôi trong Đấng Christ, và tôi dạy dỗ cách nào trong các Hội thánh khắp các nơi. 18 Có mấy kẻ lên mình kiêu ngạo, ngờ tôi chẳng còn đến cùng anh em nữa. 19 Nhưng nếu Chúa khứng cho, thì chẳng bao lâu tôi sẽ tới cùng anh em, và xét cho biết, chẳng phải xét lời nói của những kẻ kiêu ngạo đó, bèn là năng lực họ thể nào. 20 Vì nước Đức Chúa Trời chẳng ở tại lời nói, mà ở tại năng lực. 21 Anh em muốn điều gì hơn: muốn tôi cầm roi mà đến cùng anh em, hay là lấy tình yêu thương và ý nhu mì?

 

1. “Những điều nầy” (c. 14a) là những điều gì? Phao-lô viết những điều đó với mục đích gì (c. 14)?

2. Phao-lô cho thấy mối quan hệ giữa ông với con cái Chúa tại Cô-rinh-tô (c. 15) là mối quan hệ gì? Tại sao?

3. Phao-lô nói, “Hãy bắt chước tôi” (c. 16) là bắt chước như thế nào?

4. Phao-lô đối chiếu hai điều gì trong câu 19-20? Hai điều nầy khác nhau thế nào?

5. Phao-lô hàm ý điều gì trong câu 21?

Những điều nầy (c. 14a) là những điều Phao-lô vừa nói ở trên về nỗi khổ của ông và các bạn. Phao-lô ngại rằng, những lời đó có thể hơi gay gắt, làm cho người Cô-rinh-tô xấu hổ. Do đó, ông đã dịu giọng và cho người Cô-rinh-tô biết rằng đây là lời khuyên bảo như lời người cha nói với con. Khuyên bảo mang ý nghĩa rầy la nhưng trong tinh thần yêu thương. Chữ nầy cùng gốc với chữ khuyên bảo trong Ê-phê-sô 6:4 khi nói về trách nhiệm của người cha trong gia đình.

Trong câu 15, Phao-lô đối chiếu vai trò của thầy giáo và người cha. Thầy giáo (paidagogous) là một chức vụ đặc biệt trong xã hội La-mã xưa. Bản Hiệu Đính dịch là “người hướng dẫn.” Đây là người vừa là gia sư, vừa là người hầu hạ những đứa bé trong các gia đình quý tộc. Chức vụ nầy rất quan trọng nhưng không thể thay thế người cha. Phao-lô dùng hình ảnh nầy để cho thấy rằng, đối với người Cô-rinh-tô, ông là người cha thuộc linh của họ, nghĩa là ông đã hướng dẫn họ đến với Chúa, như với Ti-mô-thê và Ô-nê-sim (I Ti-mô-thê 1:2; II Ti-mô-thê 1:2; Phi-lê-môn 10). Sự kiện Phao-lô đối chiếu ông là người cha với những người khác, đã hướng dẫn các tín hữu Cô-rinh-tô, cho thấy:

(1) Tình yêu thương giữa ông đối với họ là tình yêu thương đậm đà như cha với con.

(2) Dù được nhiều người khác hướng dẫn sau nầy, nhưng người Cô-rinh-tô được biết Chúa và tin nhận Ngài là nhờ Phao-lô. Vì vậy Phao-lô kêu gọi họ nghe lời khuyên của ông.

Phao-lô nói tiếp: Hãy bắt chước tôi! Bắt chước hàm ý làm giống như ông đã làm, nghĩa là bắt chước Chúa (I Cô-rinh-tô 11:1; I Tê-sa-lô-ni-ca 1:6). Trong khung cảnh của những lời vừa nói (c. 9-13), bắt chước nghĩa là hãy theo gương chịu khổ của Chúa Giê-xu và của ông. Sứ đồ Phi-e-rơ cũng nói lời tương tự (I Phi-e-rơ 2:21-23).

Cùng với lời khuyên nầy, Phao-lô cho biết ông sẽ sai Ti-mô-thê đến Cô-rinh-tô (c. 17a). Mục đích của việc sai Ti-mô-thê đến là: Nhắc lại cho anh em biết đường lối tôi trong Đấng Christ và tôi dạy dỗ cách nào trong các Hội Thánh khắp các nơi (c. 17b). Đường lối tôi trong Đấng Christ nói đến lối sống bắt chước Chúa Giê-xu của Phao-lô, là điều ông đã sống và dạy mọi nơi. Phao-lô là người dạy dỗ chẳng những bằng lời nói nhưng bằng chính lối sống của mình. Trong khung cảnh nầy, Phao-lô hàm ý nói đến lối sống khiêm nhường để tránh tình trạng chia rẽ trong Hội Thánh.

Đây là vấn đề nghiêm trọng mà Phao-lô sẽ đích thân đến Cô-rinh-tô để giải quyết. Ông viết:

Có mấy kẻ lên mình kiêu ngạo, ngờ tôi chẳng còn đến cùng anh em nữa. Nhưng nếu Chúa khứng cho, thì chẳng bao lâu tôi sẽ tới cùng anh em và xét cho biết, chẳng phải xét lời nói của những kẻ kiêu ngạo đó, bèn là năng lực họ thể nào (c. 18-19)

Câu nầy hàm ý rằng, tại Hội Thánh Cô-rinh-tô có những người kiêu ngạo, cho là mình hơn người khác, hoặc phe của mình hơn những phe khác. Đó là những người gây xáo trộn và chia rẽ trong Hội Thánh. Phao-lô sẽ đến để nhận định giữa lời nóinăng lực của những người nầy (c. 19). Những người gây chia rẽ tại Cô-rinh-tô có thể ăn nói giỏi nhưng họ có thực lực hay không, đó là điều Phao-lô sẽ minh chứng cho họ thấy. Phao-lô cho thấy nguyên tắc của Chúa là:

Vì nước Đức Chúa Trời chẳng ở tại lời nói, mà ở tại năng lực (c. 20)

Lời nói chỉ về khoe khoang, hình thức bên ngoài, tuyên xưng về khả năng của mình. Nhưng điều đó không có giá trị nếu không được minh chứng bằng năng lực, tức là sức mạnh thay đổi con người. Phao-lô nói đến sức mạnh đó trong Phúc Âm của Chúa (Rô-ma 1:16).

Lời cuối của Phao-lô trong phân đoạn nầy là:

Anh em muốn điều gì hơn: muốn tôi cầm roi mà đến cùng anh em, hay là lấy tình yêu thương và ý nhu mì (c. 21)?

Đây không phải là lời đe đọa nhưng là lời dạy dỗ của một người cha. Ý Phao-lô muốn nói là, nếu những người kiêu ngạo không chịu nghe, ông sẽ đến với họ với lời lẽ nghiêm khắc, như người cầm roi đến để kỷ luật họ. Thật ra, ông chỉ muốn đến với họ trong tình yêu thương và tinh thần nhu mì, là điều ngược lại với tính kiêu ngạo của những người nầy. Đây cũng là cách Chúa đối xử với chúng ta tùy theo chúng ta có vâng lời Chúa hay không. Không vâng lời, chắc chắn sẽ bị kỷ luật nhưng Chúa lúc nào cũng yêu thương chúng ta.