Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 14

VẤN ĐỀ LOẠN LUÂN (5:1-13)

 

1 Có tin đồn ra khắp nơi rằng trong anh em có sự dâm loạn, dâm loạn đến thế, dẫu người ngoại đạo cũng chẳng có giống như vậy: là đến nỗi trong anh em có kẻ lấy vợ của cha mình. 2 Anh em còn lên mình kiêu ngạo! Anh em chẳng từng buồn rầu, hầu cho kẻ phạm tội đó bị trừ bỏ khỏi vòng anh em thì hơn! 3 Về phần tôi, thân dầu xa cách mà lòng ở tại đó, (vì anh em và lòng tôi được hội hiệp với quyền phép của Đức Chúa Jêsus, là Chúa chúng ta), 4 nên tôi đã dường như có mặt ở đó, nhơn danh Đức Chúa Jêsus là Chúa chúng ta, tuyên án kẻ phạm tội đó 5 rằng, một người như thế phải phó cho quỉ Sa-tan, để hủy hoại phần xác thịt, hầu cho linh hồn được cứu trong ngày Đức Chúa Jêsus.

6 Thật anh em chẳng có cớ mà khoe mình đâu! Anh em há chẳng biết rằng một chút men làm cho cả đống bột dậy lên sao? 7 Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới không men, như anh em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi. 8 Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, chớ dùng men gian ác, độc dữ, nhưng dùng bánh không men của sự thật thà và của lẽ thật.

9 Trong thơ tôi viết cho anh em, có dặn đừng làm bạn với kẻ gian dâm, 10 đó tôi chẳng có ý nói chung về kẻ gian dâm đời nầy, hay là kẻ tham lam, kẻ chắt bóp, kẻ thờ hình tượng, vì nếu vậy thì anh em phải lìa khỏi thế gian. 11 Nhưng tôi viết khuyên anh em đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian dâm, hoặc tham lam, hoặc thờ hình tượng, hoặc chưởi rủa, hoặc say sưa, hoặc chắt bóp, cũng không nên ăn chung với người thể ấy. 12 Vì chưng có phải tôi nên đoán xét kẻ ở ngoài sao? Há chẳng phải anh em nên đoán xét những người ở trong sao? 13 Còn như kẻ ở ngoài, thì Đức Chúa Trời sẽ đoán xét họ. Hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi anh em.

 

1. Vấn đề sứ đồ Phao-lô nêu ra trong I Cô-rinh-tô 5 là vấn đề gì? “Dẫu người ngoại đạo cũng chẳng có giống như vậy” nghĩa là thế nào?

2. Hội Thánh Cô-rinh-tô bày tỏ thái độ như thế nào trước tội loạn luân nầy (c. 2)?

2. Phao-lô muốn nói điều gì trong câu: “Thân dầu xa cách mà lòng ở tại đó” (c. 3a)?

3. “Phó cho quỷ Sa-tan” (c. 5a) nghĩa là thế nào?

4. Xin đọc Xuất Ê-díp-tô ký 12:14-20 và giải thích ý nghĩa điều Phao-lô nói trong câu 6-8. Lời dạy nầy áp dụng cho chúng ta như thế nào?

5. Phao-lô dạy các tín hữu Cô-rinh-tô điều gì trong câu 9-13? Chúng ta áp dụng lời dạy nầy như thế nào?

 

Nội dung của Thư I Cô-rinh-tô cho thấy mục đích của lá thư là để giải quyết một số nan đề trong Hội Thánh, đồng thời cũng trả lời một số thắc mắc về tín lý và sống đạo. Nan đề đầu tiên là vấn đề phe phái và chia rẽ trong Hội Thánh mà Phao-lô đã phân tích và đưa ra lời giải đáp (1:10 – 4:21). Nan đề thứ hai là vấn đề loạn luân (5:1-13) mà Hội Thánh Cô-rinh-tô xem thường và không kỷ luật người phạm tội (5:3).

Phao-lô biết được vấn đề chia rẽ trong Hội Thánh là qua báo cáo của người nhà Cơ-lô-ê (1:11). Còn vấn đề tội loạn luân trong Hội Thánh là vì có tin đồn ra khắp nơi (c. 1a). Tin đồn ra khắp nơi không phải chỉ là lời đồn đãi nhưng hàm ý khắp nơi mọi người đều biết sự dâm loạn trong Hội Thánh Cô-rinh-tô. Đây là tội loạn luân: Có kẻ lấy vợ của cha mình (c. 1b). Lấy vợ của cha hàm ý lấy người kế mẫu. Luật Cựu Ước rất rõ ràng về tội nầy (Lê-vi ký 18:8; 20:11; Phục truyền 22:30; 27:20). Dẫu người ngoại đạo cũng chẳng có giống như vậy hàm ý rằng loạn luân là tội Dân Ngoại cũng lên án.

Tội nghiêm trọng như vậy nhưng tín hữu Cô-rinh-tô lại: (1) Lên mình kiêu ngạo. Và: (2) Chẳng từng buồn rầu (c. 2). Lên mình kiêu ngạo hàm ý hợm mình (“vênh vang,” BHĐ). Người Cô-rinh-tô kiêu ngạo trong lối sống, cho rằng mình là người hiểu biết. Họ hiểu sai về đời sống tự do trong Chúa nên chủ trương rằng sống thế nào cũng được (6:12; 10:23). Lẽ ra họ phải buồn rầu trước sự việc có người phạm tội trọng như vậy. Buồn rầu cũng mang ý nghĩa than khóc, như than khóc người chết trong gia đình. Hầu cho kẻ phạm tội đó bị trừ bỏ khỏi vòng anh em thì hơn hàm ý phải than khóc như có người trong Hội Thánh qua đời.

Vì Hội Thánh Cô-rinh-tô đã không có biện pháp thích đáng với người phạm tội nên Phao-lô, dù ở xa (thân dầu xa cách mà lòng ở tại đó) đã chính thức tuyên án người phạm tội (c. 5). Lời tuyên án của Phao-lô không do tự chính ông nhưng với quyền phép (thẩm quyền) của Đức Chúa Giê-xu (c. 3b) và ông cũng nhân danh Đức Chúa Giê-xu (c. 4) để đưa ra lời tuyên án nầy. Bản Hiệu Đính dịch câu nầy như sau:

Khi anh em nhóm lại, tâm linh tôi cũng hiện diện cùng với quyền năng của Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-xu, nhân danh Chúa là Đức Chúa Giê-xu… (c. 4)

Bản án Phao-lô đưa ra cho người phạm tội loạn luân trong Hội Thánh Cô-rinh-tô là:

Một người như thế phải phó cho quỉ Sa tan, để hủy hoại phần xác thịt, hầu cho linh hồn được cứu trong ngày Đức Chúa Giê-xu (c. 5)

Phó cho quỷ Sa-tan là một thành ngữ đặc biệt, chỉ được dùng ở đây và trong I Ti-mô-thê 1:20. Dựa trên văn mạch, phó cho quỷ Sa-tan nghĩa là đặt một người ra khỏi mối thông công của Hội Thánh (dứt phép thông công). Để hủy hoại phần xác thịt là để cho phần xác thịt xấu xa trong người đó bị tiêu trừ và nhờ đó linh hồn được cứu trong ngày Đức Chúa Giê-xu. Câu nầy hàm ý rằng, khi bị dứt phép thông công, người nầy sẽ tỉnh ngộ, ăn năn và con người xác thịt xấu xa không còn nữa (II Cô-rinh-tô 2:5-11), nhờ đó linh hồn được cứukhi Chúa Giê-xu trở lại.

Vì người Cô-rinh-tô không buồn mà lại kiêu ngạo trước tội lỗi trong Hội Thánh (c. 2) nên sau khi đưa ra phán quyết về tội lỗi, Phao-lô nói:

Thật anh em chẳng có cớ mà khoe mình đâu! (c. 6a)

Đây là những lời nhắn nhủ tiếp theo của Phao-lô cho Hội Thánh Cô-rinh-tô về vấn đề tội lỗi. Ông dùng hình ảnh bánh không men của Lễ Vượt Qua để minh họa. Một trong những điều con dân Chúa phải chuẩn bị cho Lễ Vượt Qua là phải dẹp men trong nhà (Xuất Ê-díp-tô ký 12:14-20). Men thường được dùng để chỉ về tội lỗi, vì vậy bánh không men chỉ về đời sống thánh sạch. Đặc điểm của men là dù ít nhưng ảnh hưởng rất lớn:

Một chút men làm cho cả đống bột dậy lên (c. 6b)

Loại trừ ảnh hưởng của tội lỗi trong Hội Thánh vì vậy là điều rất quan trọng:

Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới không men, như anh em là bánh không men vậy (c. 7a)

Phao-lô không nói, “Anh em phải NHƯ bánh không men.” Ông khẳng định: “Anh em LÀ bánh không men!” Đây là một thực tế mà người Cô-rinh-tô phải nhớ. Lý do người Cô-rinh-tô phải thánh sạch như bánh không men là:

Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi (c. 7b)

Đây là hình ảnh của Lễ Vượt Qua, đi chung với bánh không men. Người Y-sơ-ra-ên được giải phóng khỏi ách nô lệ tại Ai-cập nhờ máu của con sinh Lễ Vượt Qua thể nào thì người tin Chúa cũng được giải phóng khỏi ách nô lệ của tội lỗi nhờ máu vô tội của Chúa Giê-xu như vậy. Người Y-sơ-ra-ên phải dẹp bỏ men khỏi nhà trước khi giết con sinh của Lễ Vượt Qua thể nào thì người tin Chúa ngày nay cũng phải dẹp bỏ men tội lỗi khỏi đời sống như vậy. Cho nên, Đấng Christ là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi nghĩa là việc bỏ men cũ, trở nên bánh không men là chuyện cũng phải đã xảy ra trong đời sống của người tin Chúa! Tin Chúa đã chịu chết vì tội của mình mà vẫn sống đời sống tội lỗi là điều không đúng, không xứng hợp!

Dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa giữ Lễ Vượt Qua với bánh không men thể nào thì người tin Chúa ngày nay cũng phải sống đời sống thánh sạch như vậy (Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, c. 8a). Hai điều được kể là men cần phải loại bỏ khỏi đời sống người tin Chúa là gian ácđộc dữ (c. 8b). Chữ gian ác được nhắc lại trong câu 13 chỉ về người phạm tội loạn luân trong câu 1 nên gian ác nói đến tội lỗi nặng nề. Độc dữ được Phao-lô dùng trong Rô-ma 1:29 (hung dữ) mang ý nghĩa thái độ tội lỗi từ trong lòng. Gian ácđộc dữ nói đến mọi hình thức tội lỗi, bên trong cũng như bên ngoài, cần được loại bỏ khỏi đời sống người tin Chúa.

Đối chiếu với gian ác, độc dữthật thàlẽ thật (c. 8c). Theo Leon Morris, “thật thà nói đến trong sạch trong động cơ thúc đẩy, còn lẽ thật là trong sạch trong hành động.”

Trong thơ tôi viết cho anh em (c. 9a) có lẽ là nói đến một lá thư khác không còn được lưu truyền. Đừng làm bạn với kẻ gian dâm (c.9b) nghĩa là “không giao tiếp” (BHĐ). Đối với người gian dâm trong Hội Thánh thì không giao tiếp nhưng còn đối với người chưa tin, chúng ta không thể không giao tiếp vì vẫn còn sống trên trần gian nầy (c. 10b):

Đó tôi chẳng có ý nói chung về kẻ gian dâm đời nầy, hay là kẻ tham lam, kẻ chắt bóp, kẻ thờ hình tượng, vì nếu vậy thì anh em phải lìa khỏi thế gian (c. 10)

Phao-lô kể thêm các tội tham lam, chắt bópthờ hình tượng. Tham lam nói đến những người lúc nào cũng muốn có thêm, dùng mọi cách thu góp của cải về cho mình. Đó là tinh thần hay động cơ thúc đẩy. Từ đó đưa đến hành động chắt bóp. Đây là hành động trộm cướp (BHĐ) dưới mọi hình thức. Tham lam đưa đến trộm cướp, đó là trong mối quan hệ với người. Tội trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời là thờ hình tượng, vi phạm giới răn của Ngài (Xuất 20:3-6).

Tôi viết khuyên anh em (c. 11a) hàm ý nhắc lại điều ông đã nói trước kia (c. 9). Điểm Phao-lô nhấn mạnh là: không giao tiếp với những người xưng mình là tín đồ mà vẫn tiếp tục sống trong tội lỗi:

Tôi viết khuyên anh em đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian dâm, hoặc tham lam, hoặc thờ hình tượng, hoặc chưởi rủa, hoặc say sưa, hoặc chắt bóp, cũng không nên ăn chung với người thể ấy (c. 11)

Trong phần nầy, Phao-lô thêm vào hai tội chưởi rủasay sưa. Chưởi rủa là hành hung bằng lời nói để gây hại cho người khác. Say sưa là đời sống chè chén, buông thả, thiếu tự chế. Không nên ăn chung chẳng những nói đến việc dự Tiệc Thánh nhưng cũng nói đến những bữa ăn thường, bày tỏ mối thông công thân tình. Lời dạy không nên ăn chung ở đây không đi ngược với việc Chúa Giê-xu ngồi ăn với người có tội và lời dạy của Phao-lô trong I Cô-rinh-tô 10:27 nhưng nhấn mạnh về những người xưng mình là người tin Chúa (anh em) nhưng sống đời sống tội lỗi.

Phao-lô tóm tắt những điều ông vừa nói với kết luận:

Vì chưng có phải tôi nên đoán xét kẻ ở ngoài sao? Há chẳng phải anh em nên đoán xét những người ở trong sao? Còn như kẻ ở ngoài, thì Đức Chúa Trời sẽ đoán xét họ. Hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi anh em (c. 12-13)

Ý chính của lời kết luận nầy là: Phao-lô và tín đồ Cô-rinh-tô không can dự vào việc đoán xét người không tin Chúa (kẻ ở ngoài), đó là việc của Đức Chúa Trời (c. 13a). Nhưng khi người trong Hội Thánh phạm tội, Hội Thánh có trách nhiệm kỷ luật người phạm tội đó (c. 4-5). Phao-lô trích Phục truyền 17:7: Hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi anh em để cho thấy rằng tội lỗi là điều không thể dung dưỡng trong Hội Thánh của Chúa!