Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 15

KIỆN CÁO TRƯỚC TÒA ÁN (6:1-7)

 

1 Khi trong anh em ai có sự nghịch cùng người khác, sao dám để cho kẻ không công bình đoán xét hơn là cho các thánh đồ? 2 Anh em há chẳng biết các thánh đồ sẽ xét đoán thế gian sao? Ví bằng thế gian sẽ bị anh em xét đoán, thì anh em há chẳng đáng xét đoán việc nhỏ mọn hơn sao? 3 Anh em chẳng biết chúng ta sẽ xét đoán các thiên sứ sao? Huống chi việc đời nầy! 

4 Vậy khi anh em có sự nghịch cùng nhau về việc đời nầy, sao lấy những kẻ không ra chi trong Hội Thánh làm người xét đoán! 5 Tôi nói thế làm cho anh em hổ thẹn. Ấy vậy, trong vòng anh em chẳng có một kẻ khôn ngoan nào phân xử được giữa anh em mình hay sao? 6 Nhưng anh em kiện anh em, lại đem đến trước mặt kẻ chẳng tin! 7 Thật vậy, anh em có sự kiện cáo nhau, là phải tội rồi. Sao chẳng chịu sự trái lẽ là hơn? Sao chẳng đành sự gian lận là hơn! 8 Nhưng chính anh em làm ra sự trái lẽ, chính anh em gian lận, lại làm thể ấy cho người anh em nữa!

 

1. “Kẻ không công bình” và “thánh đồ” (c. 1) chỉ về ai?

2. “Sao dám để cho kẻ không công bình đoán xét hơn là cho các thánh đồ” nghĩa là thế nào?

3. Phao-lô muốn nói điều gì trong câu 2?

4. “Chúng ta sẽ xét đoán các thiên sứ” (c. 3a) hàm ý điều gì?

5.  Xin cho biết ý của Phao-lô trong câu 4.

6. Phao-lô dạy điều gì trong câu 5b-6?

7. Nguyên tắc xử sự Phao-lô nêu trong câu 7-8 là gì? Chúng ta áp dụng nguyên tắc nầy được không? Tại sao?

8. Xin đọc Bản Hiệu Đính và cho biết những tội Phao-lô kể ra trong câu 10 là những tội gì?

9. Xin giải thích những từ “rửa sạch,” “nên thánh” và “xưng công bình” (c. 11b).

 

Các nan đề Phao-lô cần trả lời cho các tín hữu Cô-rinh-tô là:

1. Vấn đề chia rẽ (1:10 – 4:21).

2. Vấn đề loạn luân (5:1-13).

3. Vấn đề kiện tụng trước tòa án (6:1-8).

Trong vấn đề kiện tụng trước tòa án, Phao-lô nói đến kẻ không công bình các thánh đồ (c. 1). Kẻ không công bình chỉ về người không tin Chúa ngồi phân xử trong các tòa án của đời. Các thánh đồ là tín đồ trong Hội Thánh với nhau. Sao dám để cho kẻ không công bình đoán xét hơn là cho các thánh đồ?

Dám hàm ý hành động ngược lại với niềm tin của mình. Phao-lô không có ý nói các tòa án của đời bất công nhưng gợi ý rằng đem anh chị em trong Hội Thánh ra kiện trước tòa án của đời là điều người tin Chúa không nên làm. Các thánh đồ sẽ xét đoán thế gian (c. 2a) là điều sẽ xảy ra trong tương lai (Đa-ni-ên 7:22; Ma-thi-ơ 19:28; Lu-ca 22:28). Phao-lô muốn các tín hữu Cô-rinh-tô thấy một hình ảnh mâu thuẫn: họ sẽ là những người phân xử thế gian mà bây giờ lại đem việc của mình cho thế gian phân xử! Các tín đồ sẽ phân xử việc lớn (xét đoán thế gian) tại sao việc anh chị em trong Chúa xích mích với nhau (chuyện nhỏ mọn hơn) lại không phân xử với nhau được.

Xét đoán các thiên sứ (chữ thiên sứ không dùng mạo tự trong nguyên ngữ, nghĩa là không bao gồm tất cả các thiên sứ) hàm ý người tin Chúa khi cùng Chúa cai trị trong tương lai sẽ dự phần trong việc xét xử ma quỷ và thiên sứ của ma quỷ (Khải 19:19-20; 20:10). Dựa vào Ma-thi-ơ 19:28, xét đoán các thiên sứ cũng có nghĩa cùng ngồi cai trị với Chúa, các thiên sứ lúc đó (tốt cũng như xấu) cũng ở dưới quyền người tin Chúa.

Câu 4 có thể có hai nghĩa vì động từ chính trong câu nầy có thể có hiểu theo hai cách:

·         Đây là câu hỏi mang tính hùng biện (rhetoric question) với câu trả lời là “Không”: Không ai lấy những kẻ không ra chi trong Hội Thánh làm người xét đoán khi có việc kiện tụng nhau bao giờ!

·         Đây là câu mang tính châm biếm: Khi anh em có sự nghịch cùng nhau về việc đời nầy, (thì) lấy những kẻ không ra chi trong Hội Thánh làm người xét đoán (đi)! (Bản NIV dịch theo ý nầy).

Tôi nói thế làm cho anh em hổ thẹn (c. 5a) không mâu thuẫn với 4:14 vì Phao-lô nói trong một khung cảnh khác. Người Cô-rinh-tô thường hãnh diện và khoe khoang về khôn ngoan của mình nên Phao-lô nói với họ:

Trong vòng anh em chẳng có một kẻ khôn ngoan nào phân xử được giữa anh em mình hay sao? (c. 5b)

Câu nầy hàm ý rằng, “Nếu anh em cho mình là khôn ngoan thì sao không có người khôn ngoan để phân xử với nhau mà lại đem ra trước tòa án của đời như vậy? Thật là đáng xấu hổ!” Phải tội (c. 7a) mang ý nghĩa “thất bại”:

Thật vậy, chỉ việc kiện tụng nhau đã là một thất bại rồi! (BHĐ)

Sao chẳng chịu sự trái lẽ là hơn? Sao chẳng đành sự gian lận là hơn! (c. 7b) là làm theo lời dạy của Chúa Giê-xu trong Bài Giảng Trên Núi (Ma-thi-ơ 5:39-40). Sứ đồ Phi-e-rơ cũng nhắc lại điều nầy trong Thư I Phi-e-rơ 2:21-23.

Theo câu 7b-8, Phao-lô cho thấy người Cô-rinh-tô phạm những lỗi lầm sau:

·      Họ không cam chịu bất công và bị lừa gạt là những điều người tin Chúa phải cam chịu.

·      Chẳng những không cam chịu, họ lại xử sự bất công và lừa gạt anh em.

·      Những người mà họ xử sự bất công và lừa gạt không phải là người ngoài mà là anh em trong Chúa!

Phao-lô nêu ra một phương thức xử sự cao đẹp của người tin Chúa. Đó là chúng ta phải sẵn sàng chịu thua thiệt thay vì tranh chấp, kiện tụng và xử sự bất công, lừa gạt anh chị em trong Chúa. Đây không phải là điều dễ làm nhưng với ơn và sức của Chúa chúng ta có thể làm được vì noi theo gương của Ngài (I Phi-e-rơ 2:21).