Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 16

THÂN THỂ LÀ ĐỀN THỜ (6:8-20)

 

9 Anh em há chẳng biết những kẻ không công bình chẳng bao giờ hưởng được nước Đức Chúa Trời sao? 10 Chớ tự dối mình: phàm những kẻ tà dâm, kẻ thờ hình tượng, kẻ ngoại tình, kẻ làm giáng yểu điệu, kẻ đắm nam sắc, kẻ trộm cướp, kẻ hà tiện, kẻ say sưa, kẻ chưởi rủa, kẻ chắt bóp, đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu. 11 Trước kia anh em ít nữa cũng có một đôi người như thế; nhưng nhơn danh Đức Chúa Jêsus Christ, và nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời chúng ta, thì anh em được rửa sạch, được nên thánh, được xưng công bình rồi.

12 Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng để sự gì bắt phục được tôi. 13  Đồ ăn vì bụng, bụng vì đồ ăn, Đức Chúa Trời sẽ hủy hoại cái nọ và cái kia. Nhưng thân thể chẳng phải vì sự dâm dục đâu, bèn là vì Chúa, và Chúa vì thân thể; 14 và Đức Chúa Trời là Đấng đã khiến Chúa sống lại, cũng sẽ lấy quyền phép mình khiến chúng ta sống lại nữa. 15 Anh em há chẳng biết thân thể mình là chi thể của Đấng Christ sao? Vậy thì mình có nên lấy chi thể của Đấng Christ mà làm thành chi thể của điếm đĩ chăng? Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! 16 Anh em há chẳng biết người nào kết hiệp với điếm đĩ, thì trở nên một xác với nó sao? Vì có chép rằng: Hai người sẽ đồng nên một thịt. 17 Còn ai kết hiệp với Chúa thì trở nên một tánh thiêng liêng cùng Ngài. 18 Hãy tránh sự dâm dục. Mặc dầu người ta phạm tội gì, tội ấy còn là ngoài thân thể; nhưng kẻ buông mình vào sự dâm dục, thì phạm đến chính thân thể mình.

19 Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao? 20 Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời.

 

1. Xin đọc I Cô-rinh-tô 6:12a, 12b và 10:23b và cho biết ba nguyên tắc sống đạo Phao-lô dạy trong các câu nầy.

2. “Đồ ăn vì bụng, bụng vì đồ ăn” (c. 13a) nghĩa là thế nào?

2. “Đồ ăn” và “bụng” được dùng để đối chiếu với điều gì?

4. “Thân thể vì Chúa” và “Chúa vì thân thể” (c. 13b) nghĩa là thế nào?

5. Tại sao Phao-lô nói về giáo lý sống lại (c. 14) ở chỗ nầy? Có liên hệ gì với điều ông đang nói?

6. “Thân thể mình là chi thể của Đấng Christ” (c. 15a) nghĩa là thế nào?

7. Tại sao Phao-lô nhắc đến “chi thể của điếm đĩ” trong câu nầy?

8. Câu: “Hai người sẽ đồng nên một thịt” được trích từ đâu? Trong bối cảnh nào? Phao-lô đã áp dụng điều đó như thế nào vào phần Kinh Thánh nầy?

9. Theo câu 18, tại sao gian dâm là tội trọng?

10. Xin cho biết những chân lý được Phao-lô trình bày trong câu 19-20.

 

Anh em há chẳng biết là câu Phao-lô dùng sáu lần trong chương nầy (c. 2, 3, 9, 15, 16, 19) nói lên ý hiển nhiên, mọi người đều phải biết. Chữ không công bình (c. 9) có cùng gốc với chữ trái lẽ trong câu trước, vì vậy Phao-lô cho thấy thế nào là trái lẽ hay không công bình trong những câu tiếp theo (c. 9-10). Kết luận của cả hai câu 9 và 10 là: Chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời. Như vậy, kẻ không công bình là những người phạm những tội liệt kê trong câu 10.

Trước hết, Phao-lô cảnh cáo: Chớ tự dối mình (c. 10a) hàm ý, đừng coi thường. Không hưởng được Nước Đức Chúa Trời nghĩa là không được vào Nước Chúa, không được cứu rỗi. Điều nầy cho thấy người thật sự tin Chúa sẽ không tiếp tục sống đời tội lỗi và không phạm những tội liệttrong câu 10. Phao-lô đã nói đến một số các tội nầy trong 5:11. Tội Thờ hình tượng được kể ngay sau tà dâm vì những phương cách thờ ngoại thần thời đó thường liên quan đến việc chung đụng thân xác với cátư tế trong đền thờ (c. 15-18). Kẻ làm giáng yểu điệukẻ đắm nam sắc là nói đến “kẻ mại dâm nam” và “kẻ đồng tính luyến ái” (BHĐ).

Câu 11 cho thấy rằng, người thật sự tin Chúa không thể tiếp tục sống trong tội lỗi. Dù là tội gì, người đó cần phải ăn năn và từ bỏ mới được tha thứ và hưởng ơn cứu rỗi của Chúa. Phao-lô dùng ba từ để mô tả sự cứu rỗi: rửa sạch, nên thánhxưng công bình. Đây là những phương diện khác nhau của sự cứu rỗi: Rửa sạch nói đến việc chúng ta được tái sinh, trở nên người mới. Nên thánh nói lên ý nghĩa biệt riêng, thánh hóa. Đây là một tiến trình: chúng ta có địa vị thánh khiết khi tin nhận Chúa và mỗi ngày tăng trưởng để trở nên giống như Chúa hơn. Xưng công bình nói đến quyết định pháp lý của Đức Chúa Trời đối với chúng ta: chúng ta được kể là vô tội nhờ Chúa Giê-xu mang tội và chịu hình phạt thay cho chúng ta trên thập tự giá.

Trong Thư I Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô đưa ra ba nguyên tắc sống đạo của người tin Chúa như sau:

1. Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích (6:12a).

2. Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng để sự gì bắt phục được tôi (6:12b).

3. Mọi sự tôi có phép làm nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt (10:23b).

Người tin Chúa là người được Chúa giải phóng khỏi tội lỗi và luật pháp, chúng ta được tự do (Ga-la-ti 5:1) nhưng chúng ta tự giới hạn chính mình, không làm một số điều dựa vào những nguyên tắc trên:

1. Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích (6:12a).

Đây nói đến kết quả hay hậu quả việc chúng ta làm. Người tin Chúa có quyền tự do hành động trong mọi việc nhưng nếu xét lại việc mình làm không đem lại lợi ích, chúng ta sẽ tránh, không làm. Ví dụ: người tin Chúa không hút thuốc lá không phải vì bị cấm nhưng vì điều đó chẳng những không đem lại lợi ích mà còn gây tai hại.

2. Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng để sự gì bắt phục được tôi (6:12b).

Đây nói đến việc không để bất cứ điều gì có ảnh hưởng mạnh trên đời sống, để chúng ta phải tùy thuộc hay phục tùng. Ví dụ: người tin Chúa có thể xem ti-vi nhưng không để sự ham thích xem ti-vi làm chủ, trở nên ghiền, không có không được và lấy thì giờ cho những việc hữu ích khác.

3. Mọi sự tôi có phép làm nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt (10:23b).

Nếu điều chúng ta thích làm không có gì hại, việc đó cũng không bắt phục chúng ta, nhưng nếu việc chúng ta làm khiến cho người khác vấp phạm, chúng ta không nên làm. Ví dụ: uống rượu vang trong bữa ăn không có gì hại và cũng không mê uống đến nỗi say sưa, nhưng nếu có người tín đồ xưa nay vẫn nghĩ là người tin Chúa không nên uống rượu và thấy một người uống rượu sẽ vì đó mà bị vấp phạm. Trong trường hợp nầy, một người sẽ không uống rượu vì không muốn người bạn kia bị vấp phạm.

Áp dụng những nguyên tắc nầy, chúng ta sẽ thấy đời sống theo Chúa nhẹ nhàng, thoải mái. Chúng ta không làm điều nầy, điều nọ không phải vì bị cấm đoán nhưng vì phúc lợi của chính mình cũng như của người khác.

Đồ ăn vì bụng, bụng vì đồ ăn (c. 13a) có lẽ là câu người Cô-rinh-tô thường trích dẫn để biện minh cho những hành động tội lỗi của họ. Họ muốn dùng câu nầy để cho rằng quan hệ tình dục cũng chẳng khác gì với việc ăn uống: bao tử cần thức ăn cũng như thức ăn cần đến bao tử. Thỏa mãn nhu cầu tình dục thì cũng giống như đói thì ăn thôi! Phao-lô đả phá lập luận nầy bằng cách cho thấy:

(1) Đức Chúa Trời sẽ hủy hoại cái nọ và cái kia (c. 13b) hàm ý thân thể và thức ăn là những thứ tạm thời, sẽ qua đi, không tồn tại lâu dài.

(2) Thân thể chẳng phải vì sự dâm dục đâu, bèn là vì Chúa, và Chúa vì thân thể (c. 13c) nghĩa là thân thể được tạo dựng cho những giá trị trường tồn và cao quý chứ không phải chỉ để thỏa mãn trong thân xác. Giá trị của thân xác được mô tả trong sự phục sinh của thân thể (c. 14).

Phao-lô nói: Thân thể… là vì Chúa, nghĩa là thân thể chúng ta được tạo dựng để phục vụ Chúa và làm rạng Danh Ngài, không phải cho mục đích nào khác. Chúa vì thân thể nghĩa là nếu bao tử cần phải có thức ăn mới có thể hoạt động thể nào, thì cũng vậy, có Chúa chúng ta mới thật sự sống.

Anh em há chẳng biết là câu Phao-lô dùng nhiều lần trong Thư I Cô-rinh-tô. Riêng trong chương 6, đây là lần thứ tư ông viết câu nầy (6:2, 3, 9), với ý nhắc nhở, nhấn mạnh. Điều Phao-lô nhắc nhở họ là: Thân thể mình là chi thể của Đấng Christ (c. 15a). Chi thể của Đấng Christ mang ý nghĩa, chúng ta là một phần của thân thể Chúa, chúng ta ở trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta. Nếu người tin Chúa có quan hệ thân xác với điếm đĩ (“gái mại dâm,” BHĐ) là người đó LẤY chi thể của Đấng Christ MÀ LÀM thành chi thể của điếm đĩ (c. 15b). Những chữ, lấy… mà làm nghĩa là sử dụng sai. Thân thể người tin Chúa là dành cho Chúa, không thể làm thành chi thể của điếm đĩ. Câu trả lời cho câu hỏi: Có nên… chăng? (c. 15b) là: Đức Chúa Trời nào nỡ vậy (c. 15c)? Câu trả lời đó nghĩa là: “Chẳng bao giờ!” (BHĐ).

Điều kinh khủng của tội gian dâm (trong trường hợp nầy là có quan hệ thân xác với gái mại dâm) là vì người phạm tội đó trở nên một xác với gái mại dâm (c. 16a). Một trong những hình thức thờ thần tượng tại Cô-rinh-tô lúc bấy giờ là có quan hệ thân xác với những “nữ tư tế” trong các đền thờ ngoại giáo là gái mại dâm trá hình. Trở nên một xác là lời dạy của Đức Chúa Trời trong hôn nhân từ ban đầu (Sáng 2:24). Quan hệ thân xác giữa nam và nữ được Đức Chúa Trời tạo dựng chỉ để sử dụng trong hôn nhân. Sử dụng sai mục đích đó là tội.

Phao-lô nói đến việc kết hợp thân xác trong hôn nhân để cho thấy tính cách nghiêm trọng của tội tà dâm:

Mặc dầu người ta phạm tội gì, tội ấy còn là ngoài thân thể; nhưng kẻ buông mình vào sự dâm dục, thì phạm đến chính thân thể mình (c. 18)

Đối chiếu việc kết hợp với gái mại dâm là kết hợp với Chúa: Kết hợp với Chúa thì trở nên một tánh thiêng liêng cùng Ngài (c. 17). Kết hợp với gái mại dâm thì trở nên cùng thân xác với gái mại dâm còn kết hợp với Chúa, chúng ta sẽ có cùng một tâm linh, tâm trí như Ngài.

Cuối cùng, sứ đồ Phao-lô dạy: Hãy tránh sự dâm dục (c. 18a). Động từ tránh trong nguyên văn là “chạy trốn” và mang ý nghĩa liên tục, thường xuyên. Hãy tránh sự dâm dục vì vậy có nghĩa là phải coi gian dâm là tội kinh khủng, phải chạy trốn thật xa và chạy trốn luôn luôn. Câu chuyện về Giô-sép và vợ của Phô-ti-pha (Sáng 39:7-20) là minh họa rõ ràng nhất cho mạng lệnh nầy!

Để kết luận, Phao-lô viết:

Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời (c. 19-20)

Trong 3:16, Phao-lô viết:

Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao?

Trong 6:19-20, Phao-lô nhấn mạnh đến thân thể và sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong đời sống. Chúng ta thấy những chân lý sau trong các câu nầy:

1. Thân thể hay thân xác là điều được nhấn mạnh. Thân thể quyết định mọi điều thuộc phạm vi tâm linh. Chúng ta phạm tội hay làm sáng Danh Chúa cũng đều qua thân thể. Vì vậy, phải cẩn trọng về mọi hoạt động của thân thể: ăn uống, nói năng, đi lại, việc làm…

2. Thân thể chúng ta là đền thờ. Đền thờ (naos) chỉ về nơi chí thánh, nơi có sự hiện diện của Đức Chúa Trời.

3. Sự ngự trị của Chúa Thánh Linh trong đời sống là điều vô cùng quan trọng. Đây là điểm khác biệt giữa người tin Chúa và người theo những niềm tin khác. Chúng ta có Đức Thánh Linh ngự trị trong thân thể nầy.

4. Thân thể chúng ta không phải của chúng ta nhưng là của Chúa (Anh em chẳng phải thuộc về chính mình), vì vậy chúng ta phải sử dụng thân thể đúng cho Chúa.

5. Chúng ta được chuộc bằng giá cao, giá đó là mạng sống của Con Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 1:18-19). Điều nầy cho thấy tình yêu lớn Chúa dành cho chúng ta và sự hy sinh của Chúa cũng quá lớn.

6. Vì những lý do trên, chúng ta chỉ làm một điều với thân thể Chúa đã ban: Lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời! Mọi hoạt động của thân thể chúng ta (ăn uống, nói năng, đi lại, việc làm…) chỉ với một mục đích: làm sáng Danh Chúa!