Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 19

SỐNG THEO ƠN CHÚA GỌI (7:17-24)

 

17 Rốt lại, ai nấy phải ăn ở theo ơn Chúa đã ban cho mình, và theo như Đức Chúa Trời đã gọi. Ấy đó là điều tôi dạy trong hết thảy các Hội thánh. 18 Có người nào đã chịu phép cắt bì rồi được gọi chăng? Nên cứ giữ cắt bì vậy. Có người nào chưa chịu phép cắt bì mà được gọi chăng? Thì chớ chịu phép cắt bì. 19 Chịu cắt bì chẳng hề gì, không chịu cắt bì cũng chẳng hề gì, sự quan hệ là giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. 20 Ai nấy khi được gọi ở đấng bậc nào, thì phải cứ ở theo đấng bậc ấy. 21 Ngươi đang làm tôi mọi mà được gọi chăng? Chớ lấy làm lo, song nếu ngươi có thể được tự do, thì hãy nhân dịp đó là hơn. 22 Vì kẻ tôi mọi được Chúa gọi, ấy là kẻ Chúa đã buông tha. Cũng một lẽ ấy, ai đang tự do mà được gọi, thì làm tôi mọi của Đấng Christ. 23 Anh em đã được chuộc bằng giá cao, chớ trở nên tôi mọi của người ta làm chi. 24 Hỡi anh em, ai nấy khi được gọi ở đấng bậc nào, thì phải cứ ở theo đấng bậc ấy trước mặt Đức Chúa Trời.

 

1. “Ăn ở theo ơn Chúa đã ban cho mình và theo như Đức Chúa Trời đã gọi” (c. 17a) là ăn ở như thế nào?

2. Tại sao”giữ các điều răn của Đức Chúa Trời” quan trọng hơn việc chịu cắt bì hay không chịu cắt bì (c. 19)?

3. “Đấng bậc” (c. 20) nói đến điều gì?

4. Điểm chính sứ đồ Phao-lô trình bày trong phân đoạn nầy là gì? Chúng ta áp dụng như thế nào?

 

Sau khi nói về tình dục trong hôn nhân, hôn nhân và ly dị, sứ đồ Phao-lô đi đến kết luận:

Rốt lại, ai nấy phải ăn ở theo ơn Chúa đã ban cho mình và theo như Đức Chúa Trời đã gọi (c. 17)

Ăn ở theo ơn Chúa đã ban cho mình trong nguyên văn là “ăn ở theo điều Chúa đã ấn định cho mình.” Động từ gọi (theo như Đức Chúa Trời đã gọi) trong các thư của Phao-lô luôn luôn được dùng để chỉ về việc kêu gọi trong sự cứu rỗi (Rô-ma 11:29; I Cô. 1:26; Ê-phê-sô 1:18, v.v…). Vì vậy, chúng ta nên hiểu câu 17a như sau: “Người được Đức Chúa Trời kêu gọi tin nhận Chúa phải ăn ở đúng theo hoàn cảnh Ngài đã ấn định” (Bản TNIV). Nói khác đi, là người tin Chúa, chúng ta phải sống đời sống theo như Chúa đã định (độc thân hay có gia đình, chịu cắt bì hay không, nô lệ hay tự do…). Ngoài tình trạng độc thân hay có gia đình vừa đề cập đến (c. 7-16), Phao-lô kể thêm hai trường hợp khác trước khi tin nhận Chúa:

·    Do-thái (chịu cắt bì) hay Dân Ngoại (không chịu cắt bì), c. 18-19.

·    Nô lệ hay tự do, c. 21-23.

Dù là trường hợp nào, nguyên tắc Phao-lô nêu ra là:

Ai nấy khi được gọi ở đấng bậc nào, thì phải cứ ở theo đấng bậc ấy (c. 20)

Đấng bậc nghĩa là “địa vị” (BHĐ) hay “tình trạng” (tình trạng độc thân hay có gia đình, tình trạng là người Do-thái hay Dân Ngoại, tình trạng nô lệ hay tự do). Lời khuyên của Phao-lô là, một người không nên thay đổi tình trạng của mình khi tin Chúa, nghĩ rằng thay đổi như vậy mình sẽ là người thiêng liêng hơn! Đó là suy nghĩ của một số người trong Hội Thánh Cô-rinh-tô lúc bấy giờ (dựa vào những vấn đề Phao-lô phải giải thích trong thư). Người Cô-rinh-tô cũng có khuynh hướng cho rằng, thay đổi chỗ đứng trong xã hội sẽ cho họ một địa vị tốt hơn. Phao-lô cho thấy điều đó không đúng và đây là tiêu chuẩn ông áp dụng cho tất cả người tin Chúa (c. 17b). Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là khi tin Chúa chúng ta không được thay đổi tình trạng gia đình, nghề nghiệp hay xã hội. Chúng ta có thể thay đổi nhưng đừng thay đổi vì nghĩ rằng làm như vậy mình sẽ là một Cơ-đốc nhân tốt hơn.

Người Do-thái, khi tin Chúa vẫn giữ dấu hiệu cắt bì còn Dân Ngoại khi tin Chúa không cần phải chịu phép cắt bì để trở nên người Do-thái (c. 18). Điều quan trọng Phao-lô nhấn mạnh là giữ các điều răn của Đức Chúa Trời (c. 19b) nghĩa là làm theo lời Chúa dạy. Ông nói rõ điều nầy trong Rô-ma 2:25-29.

Xã hội thời bấy giờ có rất đông nô lệ. Các sử gia cho biết, hai phần ba dân số lúc bấy giờ là nô lệ hay là nô lệ được trả tự do. Thay đổi địa vị xã hội vì vậy là một vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, nguyên tắc Phao-lô nêu ra là, nô lệ hay tự do, mọi người đều giá trị như nhau trước mặt Đức Chúa Trời, do đó thay đổi địa vị xã hội là điều không cần thiết. Thay đổi được thì tốt, nếu không cũng không sao (c. 21). Quan điểm của Phao-lô về tự do và nô lệ như sau:

·    Người nô lệ, khi tin Chúa biết rằng mình được Chúa giải phóng, không còn là nô lệ nữa (c. 22a).

·    Người tự do, khi tin Chúa kể mình là nô lệ của Chúa (c. 22b).

Trong ý nghĩa đó, tất cả mọi người là nô lệ của Chúa vì tất cả đều được Chúa cứu chuộc như nhau, do đó, không ai là nô lệ của ai cả (c. 23). Câu 24 nhắc lại ý của câu 20, chỉ thêm vào câu trước mặt Đức Chúa Trời, hàm ý đối với Chúa, theo tiêu chuẩn của Chúa.

Như vậy, một khi tin Chúa Giê-xu, mọi người đều bình đẳng, dù địa vị xã hội không thay đổi. Đây là địa vị cao quý của người tin Chúa, chúng ta cần ghi nhớ để sống xứng đáng với địa vị cao quý đó!