Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 21

CỦA CÚNG THẦN TƯỢNG (8:1-13)

 

1 Luận đến của cúng các thần tượng thì chúng ta biết mình đều có sự hay biết cả. Song sự hay biết sanh kiêu căng, còn sự yêu thương làm gương tốt. 2 Nếu có ai tưởng mình biết điều gì, thật người ấy chưa biết như mình nên biết. 3 Nhưng nếu có một người yêu mến Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời biết người đó.

4 Vậy, về sự ăn ở của cúng tế các thần tượng, chúng ta biết thần tượng trong thế gian thật là hư không, chỉ có một Đức Chúa Trời, chớ không có thần nào khác. 5 Thật người ta xưng có các thần khác, hoặc ở trên trời, hoặc ở dưới đất, (bởi đó họ thờ nhiều thần nhiều Chúa), 6 về phần chúng ta, chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, là Đức Chúa Cha, muôn vật bởi Ngài mà ra, và chúng ta hướng về Ngài; lại chỉ có một Chúa mà thôi, là Đức Chúa Jêsus Christ, muôn vật đều nhờ Ngài mà có và chúng ta cũng vậy.

7 Nhưng chẳng phải mọi người đều có sự hay biết đó. Một đôi người vì nghĩ thường có thần tượng, nên khi ăn của cúng tế đó cho là của cúng tế thần tượng thì lương tâm yếu đuối của họ bởi đó ra ô uế. 8 Vả, ấy chẳng phải là đồ ăn làm cho chúng ta được đẹp lòng Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta ăn, chẳng được ích gì, bằng không ăn, cũng chẳng tổn gì. 9 Nhưng hãy giữ lấy, kẻo sự tự do mình làm dịp cho kẻ yếu đuối vấp phạm. 10 Bởi vì, nếu có kẻ lương tâm yếu đuối thấy ngươi là người có sự hay biết ngồi ăn trong miếu tà thần, thì há chẳng cũng bắt chước mà ăn của cúng tế sao? 11 Thế thì ngươi lấy sự hay biết mình mà làm hư mất kẻ yếu đuối, là người anh em mà Đấng Christ đã chết thế cho! 12 Khi nào mình phạm tội cùng anh em như vậy, làm cho lương tâm yếu đuối của họ bị thương, thì là phạm tội cùng Đấng Christ. 13 Cho nên, nếu đồ ăn xui anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm dịp vấp phạm cho anh em tôi.

 

1. Tại sao bắt đầu phần nói về Của Cúng Thần Tượng, Phao-lô lại nói về “sự hay biết” (c. 1a)? “Sự hay biết” nói về điều gì?

2. Xin giải thích câu: “Sự hay biết sinh kiêu căng, còn sự yêu thương làm gương tốt” (c. 1b)?

3. Phao-lô muốn nhắn nhủ độc giả điều gì trong câu 2?

4. “Đức Chúa Trời biết người đó” (c. 3) nghĩa là thế nào?

5. Xin kể ra những điều Phao-lô nói về thần tượng và Đức Chúa Trời trong câu 4-6.

6. Việc ăn của cúng tế đặc biệt ảnh hưởng đến ai (c. 7)?

7. Xin giải thích câu 8.

8. Xin cho biết nguyên tắc Phao-lô nêu trong câu 9.

9. Xin cho biết hai nhóm người Phao-lô nhắc đến trong câu 10. Nhóm nầy ảnh hưởng đến nhóm kia như thế nào?

10. “Lấy sự hay biết mình mà làm hư mất kẻ yếu đuối” (c. 11a) nghĩa là thế nào?

11. Phao-lô nêu nguyên tắc gì trong câu 13? Chúng ta áp dụng nguyên tắc nầy như thế nào?

 

Để hiểu được vấn đề Phao-lô phải giải đáp trong phân đoạn nầy, chúng ta cần biết về bối cảnh thời đó. Dân chúng sống trong xã hội La-mã nhưng chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa Hy-lạp trong thế kỷ thứ nhất, như người tại Cô-rinh-tô, luôn sống trong ảnh hưởng của việc thờ cúng ngoại giáo, đặc biệt liên quan đến của cúng tế. Món thịt được dâng trong đền thờ (miếu) của ngoại giáo thường được chia làm ba phần: (1) Phần được thiêu. (2) Phần cho tư tế trong đền thờ. (3) Phần cho người cúng tế. Phần cho tư tế trong đền thờ nếu không dùng hết, thường được đem bán ở chợ. Do đó, khi Phao-lô nói đến việc “ăn của cúng thần tượng” hay “ăn thịt” là nói đến việc ăn thịt mua ở chợ do các miếu thờ cung cấp, ăn tiệc ở nhà bạn bè ngoại giáo hay ăn tiệc nơi lễ hội ở các miếu thần.

Câu mở đầu phần nầy: Chúng ta biết mình đều có sự hay biết cả (c. 1a) là ý của người Cô-rinh-tô cho rằng họ có hiểu biết, họ hiểu rõ vấn đề ăn của cúng thần tượng như cách Phao-lô sắp giải thích. Dù vậy, Phao-lô cho thấy, nếu chỉ có hiểu biết mà không để ý đến phúc lợi của người khác (thiếu yêu thương) thì hiểu biết đó sinh ra kiêu ngạo (kiêu căng) chứ không xây dựng (làm gương tốt). Chữ kiêu căng được dùng sáu lần trong Thư I Cô-rinh-tô cho thấy đây là một trong những đặc tính của Hội Thánh Cô-rinh-tô. Họ luôn luôn hãnh diện, cho rằng mình là người hiểu biết. Làm gương tốt là từ liên quan đến xây cất, mang ý nghĩa xây dựng. Đối với người Cô-rinh-tô cũng như chúng ta ngày nay, yêu thương để xây dựng quan trọng hơn hiểu biết vì nếu chú trọng đến hiểu biết mà thôi thì điều đó chỉ đưa đến kiêu căng, hợm mình.

Câu 2 là lời Phao-lô nói với người Cô-rinh-tô:

Nếu có ai tưởng mình biết điều gì, thật người ấy chưa biết như mình nên biết.

Câu nầy hàm ý là, một người có thể cho rằng mình biết tất cả và có câu trả lời cho mọi vấn đề, người nghĩ như vậy thật ra là chưa biết gì cả vì có nhiều điều người ấy vẫn chưa biết. Câu 3 tiếp theo là để đối chiếu với điều đó:

Nhưng nếu có một người yêu mến Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời biết người đó.

Câu nầy nhấn mạnh điều ngược lại, đó là hiểu biết của Chúa về chúng ta. Bản The Message diễn ý câu nầy như sau: “Chúng ta thật sự không biết gì cả cho đến khi chúng ta ý thức rằng chỉ một mình Đức Chúa Trời biết tất cả!”

Đối chiếu giữa Đức Chúa Trời và thần tượng, Phao-lô cho thấy:

1. Thần tượng là hư không (c. 4a).

2. Chỉ có một Đức Chúa Trời (c. 4b).

3. Người ta thờ nhiều thần (c. 5).

4. Đức Chúa Trời là Cha và là Đấng Tạo Hóa (c. 6a).

5. Chúng ta thờ Đức Chúa Trời (hướng về Ngài, c. 6b).

6. Đức Chúa Giê-xu Christ là Chúa (c. 6c).

7. Muôn vật nhờ Ngài mà có (c. 6d).

8. “Chúng ta nhờ Ngài mà hiện hữu” (c. 6e, BHĐ).

Đó là những sự kiện rõ ràng về Đức Chúa Trời và thần tượng nhưng đây không phải là hiểu biết của tất cả mọi người (c. 7a). Bây giờ Phao-lô nói đến hai nhóm người trước vấn đề ăn của cúng:

1. Những người biết thần tượng là hư không.

2. Những người nghĩ thần tượng có thật.

Những người nghĩ thần tượng có thật thì trong lòng (Phao-lô gọi là lương tâm yếu đuối của họ, câu 7c) nghĩ rằng ăn của cúng là bị ô uế. Nhưng khi thấy người tin Chúa ngồi ăn trong miếu tà thần (c. 10b) thì họ cũng bắt chước ăn (c. 10c). Tuy nhiên, khi ăn của cúng như vậy, họ bị cáo trách trong lòng (lương tâm yếu đuối của họ bị thương, c. 12b) vì họ nghĩ thần tượng có thật, ăn như vậy là ăn của cúng cho thần tượng. Vì vậy, Phao-lô nói với những người biết thần tượng là hư không mà vẫn không ngại ăn của cúng rằng:

Thế thì ngươi lấy sự hay biết mình mà làm hư mất kẻ yếu đuối, là người anh em mà Đấng Christ đã chết thế cho! Khi nào mình phạm tội cùng anh em như vậy, làm cho lương tâm yếu đuối của họ bị thương, thì là phạm tội cùng Đấng Christ (c. 11-12)

Phao-lô khuyên những người biết thần tượng là hư không phải cẩn thận trong cách ăn uống để không gây vấp phạm cho người không biết điều đó (c. 9). Nếu vì ăn của cúng (ăn thịt, c. 13) mà gây vấp phạm thì người ấy không nên ăn dù chính mình biết rằng thần tượng là hư không và ăn của cúng không sao. Nguyên tắc Phao-lô đưa ra trong phần Kinh Thánh nầy là: vấn đề ăn uống không quan trọng (c. 8) cho bằng hành động của chúng ta khiến người khác vấp phạm. Chúng ta có thể hiểu biết và tự do làm một số điều mà mình biết là vô hại nhưng nếu những điều đó khiến người khác hiểu lầm, chúng ta nên tránh.

Áp dụng thực tế cho chúng ta hôm nay, dù biết rằng thần tượng là hư không và ăn hay không ăn của cúng cũng vô hại nhưng chắc chắn chúng ta sẽ KHÔNG BAO GIỜ ăn đồ cúng vì sẽ gây vấp phạm cho người tin Chúa cũng như người chưa tin.