Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 24

CHẠY BÁ VƠ VÀ ĐÁNH GIÓ (9:24-27)

 

24 Anh em há chẳng biết rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng sao? Vậy, anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng. 25 Hết thảy những người đua tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ, họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triền thiên không hay hư nát.

26 Vậy thì, tôi chạy, chẳng phải là chạy bá vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió, 27 song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng. 

 

1.  Hình ảnh sứ đồ Phao-lô dùng để so sánh với sự hầu việc Chúa của ông là hình ảnh gì? Xin cho biết những điểm tương đồng giữa hình ảnh đó và việc Phao-lô hầu việc Chúa?

2. Phao-lô nói: “Anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng” hàm ý gì? Theo lời Phao-lô trong phân đoạn nầy, chúng ta phải chạy cách nào để được thưởng?

3. “Tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ” nghĩa là làm gì? Chúng ta “tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ” như thế nào?

4. Sự khác nhau giữa mão triều thiên đời nầy và của mão triều thiên của chúng ta là gì? “Hay hư nát” và “Không hay hư nát” nghĩa là thế nào?

5. Xin giải thích những chữ “chạy bá vơ” và “đánh gió” (c. 26).

6. “Đãi thân thể nghiêm khắc, bắt nó phải phục” là làm gì? Chúng ta thực hành điều nầy như thế nào?

7. Phao-lô lo sợ điều gì theo phần thứ hai của câu 27? Lo sợ như vậy có đúng không? Tại sao?

8. Quý vị học được điều gì cho mình qua phân đoạn nầy?

 

Để minh họa cho tinh thần quên mình vừa nói trước đó (c. 19-23), Phao-lô dùng hình ảnh vận động viên nơi thao trường. Trong thế kỷ thứ nhất, vận động hội Isthmian được tổ chức mỗi hai năm tại Cô-rinh-tô. Đây là vận động hội đứng hàng thứ nhì sau vận động hội Olympic. Người Cô-rinh-tô hiểu ngay điều Phao-lô muốn nói khi ông viết về cuộc chạy thi nơi trường đua (c. 24). Những điểm tương đồng giữa vận động viên trong vận động hội với sự hầu việc Chúa là: phần thưởng, kiêng kỵ và kỷ luật bản thân.

Chạy cách nào cho được thưởng nghĩa là phải chạy cho đến đích, không bỏ cuộc nửa chừng. Lực sĩ chẳng những bắt đầu cuộc đua nhưng cũng phải hoàn tất cuộc chạy thì mới nhận được giải thưởng. Đây là lời khuyên đừng bỏ cuộc trong công tác phục vụ Chúa. Những người đua tranh theo nghĩa đen là “những người chịu khổ nhọc, đau đớn.” Lực sĩ là những người chịu khổ nhọc chứ không phải chỉ cố gắng sơ sài. Mọi sự kiêng kỵ nói đến kỷ luật bản thân: kỷ luật trong việc ăn uống cũng như tập luyện. Các lực sĩ chịu kỷ luật bản thân với mục đích đoạt được phần thưởng là mão triều thiên hay hư nát (c. 25b). Giải thưởng của lực sĩ trong các vận động hội là vòng lá bằng rau cần hay lá thông. Đó là mão triều thiên của họ (hay hư nát). Còn chúng ta, khi tự đặt mình vào kỷ luật và kiên trì đến cùng sẽ nhận được mão triều thiên không hay hư nát, nói đến giá trị trường tồn, vĩnh hằng. Câu 25 cũng hàm ý rằng, so sánh với những người vì giá trị tạm bợ mà cố gắng tối đa, chịu khó nhọc, kỷ luật bản thân, chúng ta sẽ được giá trị đời đời nên càng phải cố gắng và kỷ luật nhiều hơn nữa.

Với minh họa về người lực sĩ nơi vận động trường, nguyên tắc Phao-lô áp dụng cho mình là

Tôi chạy, chẳng phải là chạy bá vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió,  song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng (c. 26-27)

Chạy bá vơđánh gió (c. 26) là nói đến những hành động vô mục đích: “Tôi chạy chẳng phải là chạy không mục đích; tôi đánh chẳng phải là đánh vào không khí” (BHĐ). Cùng với mục đích, Phao-lô cũng áp dụng kỷ luật bản thân: Tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục (c. 27a). Đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc không hàm ý hành xác, gây thương tích cho thân thể nhưng nói đến kỷ luật nghiêm minh cho chính mình. Bắt nó phải phục nghĩa đen là “bắt nó làm nô lệ.” Bắt thân thể làm nô lệ nghĩa là mình làm chủ, không để cho con người xác thịt làm chủ. Nguy cơ của người thiếu kỷ luật bản thân, không làm chủ chính mình là bị bỏ (c. 27b). Bị bỏ theo nghĩa đen là “không qua được cuộc thử nghiệm” như người lực sĩ không được tranh tài vì không đủ điều kiện. Phao-lô không có ý muốn nói mất sự cứu rỗi nhưng hàm ý mất phần thưởng trong ngày cuối cùng (II. Cô 5:10).

Bài học chúng ta ghi nhận qua phần Kinh Thánh nầy là phải hết lòng khi hầu việc Chúa, không thể làm việc nửa vời. Chúng ta cũng phải chăm chú vào mục đích tối thượng để làm việc và cẩn thận giữ mình để không mất giải thưởng giá trị sau cùng.