Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 27

VÌ SỰ VINH HIỂN ĐỨC CHÚA TRỜI MÀ LÀM (10:23-11:1)

 

23 Mọi sự đều có phép làm nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt. 24 Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác. 25 Phàm vật gì bán ở hàng thịt, hãy ăn, đừng vì cớ lương tâm mà hỏi chi về việc đó, 26 bởi chưng đất và mọi vật chứa trong đất đều thuộc về Chúa.

27 Nếu có người chẳng tin mời anh em, và anh em muốn đi, thì không cứ họ dọn ra đồ gì, hãy ăn đi hết thảy, đừng vì cớ lương tâm mà hỏi chi hết. 28 Song nếu có ai nói với anh em rằng: Cái nầy đã dâng làm của cúng, thì chớ ăn, vì cớ người đã bảo trước mình, lại vì cớ lương tâm: 29 Tôi chẳng nói về lương tâm anh em, nhưng về lương tâm người đó.

Vả, vì cớ nào sự tự do tôi phải bị lương tâm kẻ khác đoán xét? 30 Nếu tôi tạ ơn rồi ăn, cớ nào vì một bữa ăn đã cảm ơn mà lại bị chê bai? 31 Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm. 32 Đừng làm gương xấu cho người Giu-đa, người Gờ-réc, hay là Hội thánh của Đức Chúa Trời. 33 Hãy như tôi gắng sức đẹp lòng mọi người trong mọi việc, chẳng tìm ích lợi riêng cho mình, nhưng cho phần nhiều người, để họ được cứu. 

11:1 Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy.

1. Xin cho biết hai nguyên tắc Phao-lô dạy chúng ta trong 10:23 và phương cách áp dụng:

 

Câu

NGUYÊN TẮC

ÁP DỤNG

23a

 

 

23b

 

 

 

2. Phao-lô đưa ra một nguyên tắc sống khác trong câu 24, nguyên tắc đó là gì?

5. Câu 25-33 là phần Phao-lô áp dụng nguyên tắc nầy. Xin giải thích.

6. Xin giải thích câu 31 và cho biết chúng ta áp dụng cầu nầy như thế nào vào đời sống hàng ngày?

7. Phao-lô muốn nói điều gì trong 11:1? Chúng ta nói như vậy được không? Tại sao?

 

Nói về việc ăn của cúng thần tượng, Phao-lô đưa ra hai nguyên tắc sau:

·      Mọi sự đều có phép làm nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích (c. 23a)

·      Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt (c. 23b)

 

Câu

NGUYÊN TẮC

ÁP DỤNG

23a

Không làm điều gì không đem lại lợi ích cho chính mình hay người khác

Không hút thuốc lá không phải vì bị cấm đoán nhưng vì có hại cho sức khỏe

23b

Không làm điều gây vấp phạm cho người khác, thiếu xây dựng

Không uống rượu vang khi dự tiệc để không gây vấp phạm

 

Phao-lô nêu một nguyên tắc khác trong câu 24:

Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác (c. 24)

Nguyên tắc nầy tích cực hơn, chẳng những không làm điều vô ích, thiếu xây dựng, trái lại không ích kỷ (không tìm lợi riêng cho mình) nhưng làm điều tốt, giúp ích người khác. Các nguyên tắc nầy Phao-lô áp dụng trong việc không ăn thịt cúng tế, nhưng cũng là những điều chúng ta áp dụng trong mọi cách xử sự ở đời:

(1) Không làm điều gì không đem lại lợi ích.

(2) Không làm điều thiếu xây dựng, gây vấp phạm.

(3) Không sống ích kỷ nhưng luôn luôn tìm cơ hội làm điều tốt cho mọi người.

Phao-lô áp dụng các nguyên tắc nầy trong việc ăn thịt cúng tế như sau:

1. Thịt bán ở chợ (c. 25-26)

Trong thời Phao-lô, thịt được dâng trong đền thờ (miếu) của ngoại giáo thường được chia làm ba phần: (1) Phần được thiêu. (2) Phần cho tư tế trong đền thờ. (3) Phần cho người cúng tế. Phần cho tư tế trong đền thờ nếu không dùng hết, thường được đem bán ở chợ. Do đó, Phàm vật gì bán ở hàng thịt hàm ý rằng số thịt đó có thể là thịt cúng trong đền thờ ngoại giáo. Tuy nhiên, khác với người Do-thái truyền thống luôn luôn truy nguyên về nguồn thực phẩm vì sợ ô uế, Phao-lô cho thấy người tin Chúa có thể ăn thịt mua ở chợ mà không phải thắc mắc gì với lương tâm. Phao-lô nói như vậy vì thịt được đem bán ở chợ không còn mang ý nghĩa cúng tế nữa và cúng tế chỉ là cúng tế cho thần tượng hư không. Ông nói thêm:

Bởi chưng đất và mọi vật chứa trong đất đều thuộc về Chúa (c. 16)

Hàm ý tiếp nhận thức ăn với lòng biết ơn Chúa vì Chúa là nguồn cung cấp. Câu 26 trích Thi thiên 24:1 là lời cầu nguyện của người Do-thái trước mỗi bữa ăn. Đây cũng là điều Phao-lô dạy trong I Ti-mô-thê 4:4-5.

2. Khi được mời ăn ở nhà người ngoại giáo (c. 27-29a)

Tương tự như trường hợp ăn thịt bán ở chợ, lương tâm không cần phải phải thắc mắc là những gì mình ăn có cúng hay chưa. Tuy nhiên, nếu người mời ăn cho biết, Cái nầy đã dâng làm của cúng (c. 28b) thì người được mời ăn không nên ăn (c. 28c) vì hai lý do: (1) Người đã bảo trước mình, c. 28c. Và: (2) Lương tâm của người nói, c. 28d-29a. Người nói là người biết rằng người tin Chúa không nên ăn đồ cúng nhưng người được mời lại ăn, như vậy là “gây vấp phạm” cho người ấy, hay nói đúng hơn, khiến người ấy khó chịu khi thấy người tin Chúa mà thiếu kiêng cữ.

Khi trình bày quan điểm như vậy, Phao-lô biết rằng sẽ có người đặt câu hỏi:

Vả, vì cớ nào sự tự do tôi phải bị lương tâm kẻ khác đoán xét? Nếu tôi tạ ơn rồi ăn, cớ nào vì một bữa ăn đã cảm ơn mà lại bị chê bai? (c. 29b-30)

Đây cũng có thể là câu hỏi Phao-lô đặt ra để giải thích vấn đề. Người tin Chúa là người được tự do, không bị ràng buộc với luật lệ về ăn uống nhưng tại sao lại để cho lương tâm người khác đoán xét. Hơn nữa như trong trường hợp ăn thịt bán ở chợ (c. 25-26), dù cúng hay không cúng nhưng nếu tạ ơn rồi thì cũng được phép ăn, tại sao lại để cho người khác trách vì làm như vậy?

Câu trả lời của Phao-lô là nguyên tắc chung cho người tin Chúa trong mọi hoàn cảnh, không phải chỉ trong vấn đề ăn đồ cúng mà thôi:

Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm (c. 31)

Vì đang nói về vấn đề ăn đồ cúng nên Phao-lô bắt đầu với câu, Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống nhưng ông tiếp tục với câu, hay là làm sự chi khác, hàm ý trong mọi điều chúng ta làm. Đời sống của người tin Chúa là đời sống làm rạng Danh Chúa.  Vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời mà làm nghĩa là động cơ thúc đẩy cũng như mục đích cuối cùng của bất cứ điều gì chúng ta làm cũng phải là giúp cho người khác thấy Đức Chúa Trời là Đấng công chính, yêu thương, thánh khiết. Phao-lô giải thích thêm điều nầy trong câu tiếp theo:

Đừng làm gương xấu cho người Giu-đa, người Gờ-réc, hay là Hội thánh của Đức Chúa Trời. Hãy như tôi gắng sức đẹp lòng mọi người trong mọi việc, chẳng tìm ích lợi riêng cho mình, nhưng cho phần nhiều người, để họ được cứu (c. 32-33)

Ba nhóm người có thể bị vấp phạm trong việc ăn của cúng thần tượng là người Do-thái, Dân Ngoại và các tín hữu: Người Giu-đa, người Gờ-réc, hay là Hội thánh của Đức Chúa Trời (c. 32). Sống làm vinh hiển Đức Chúa Trời là sống không gây vấp phạm cho bất cứ ai. Để có thể làm được như vậy, Phao-lô nói: Hãy như tôi gắng sức đẹp lòng mọi người trong mọi việc, chẳng tìm ích lợi riêng cho mình, nhưng cho phần nhiều người (c. 33a). Khi chúng ta không sống ích kỷ nhưng tìm phúc lợi cho người khác, đó là sống làm sáng Danh Chúa. Mục đích của Phao-lô khi sống như vậy là để họ được cứu (c. 33b). Mục tiêu tối hậu của cuộc đời Phao-lô là sống thế nào để cứu được nhiều người (9:22). Sống vì người khác sẽ giúp họ đến với Chúa dễ dàng hơn. Cuối cùng Phao-lô nói:

Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy (11:1)

Đây không phải là một lời dễ nói nhưng Phao-lô có thể nói được vì ông đã bắt chước Chúa. Chúng ta cũng có thể nói lời tương tự khi chúng ta noi gương Phao-lô và Chúa Giê-xu, luôn luôn sống vì phúc lợi của người khác (c. 24).