Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 28

AI LÀ ĐẦU? (11:2-16)

 

2 Tôi khen anh em vì hay nhớ đến tôi trong mọi dịp, và lấy lòng trung tín mà giữ những điều tôi đã dạy dỗ anh em. 3 Dầu vậy, tôi muốn anh em biết Đấng Christ là đầu mọi người, người đàn ông là đầu người đàn bà và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ. 4 Phàm người đàn ông cầu nguyện hoặc giảng đạo mà trùm đầu lại, thì làm nhục đầu mình. 5 Nhưng phàm người đàn bà cầu nguyện hoặc giảng đạo mà không trùm đầu lại, thì làm nhục đầu mình: thật chẳng khác gì đã cạo đầu vậy. 6 Ví bằng người đàn bà không trùm đầu, thì cũng nên hớt tóc đi. Song nếu người đàn bà lấy sự hớt tóc hoặc cạo đầu làm xấu hổ, thì hãy trùm đầu lại.

7 Vả, đàn ông là hình ảnh và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, thì không nên trùm đầu, nhưng đàn bà là sự vinh hiển của đàn ông. 8 Bởi chưng không phải đàn ông ra từ đàn bà, bèn là đàn bà ra từ đàn ông; 9 không phải đàn ông vì cớ đàn bà mà được dựng nên, bèn là đàn bà vì cớ đàn ông vậy. 10 Bởi đó, vì cớ các thiên sứ, đàn bà phải có dấu hiệu trên đầu chỉ về quyền phép mình nương cậy. 11 Song trong Chúa thì chẳng phải đàn bà ngoại đàn ông, cũng chẳng phải đàn ông ngoại đàn bà; 12 vì, như đàn bà đã ra từ đàn ông, thì đàn ông cũng sanh bởi đàn bà và cả thảy đều ra bởi Đức Chúa Trời.

13 Chính anh em hãy đoán-xét điều nầy: Đàn bà cầu nguyện Đức Chúa Trời mà không trùm đầu là hiệp lẽ chăng? 14 Chính lẽ tự nhiên há chẳng dạy cho anh em biết đàn ông để tóc dài thì lấy làm hổ thẹn sao? 15 Nhưng, nếu đàn bà để tóc dài thì là lịch sự cho mình, vì đã ban tóc dài cho người, dường như khăn trùm vậy. 16 Bằng có ai muốn cãi lẽ, thì chúng tôi không có thói quen ấy, mà các Hội Thánh Đức Chúa Trời cũng không có nữa.

 

1. Câu 3 nói đến ba mối quan hệ về “đầu.” Xin kể ra ba mối quan hệ đó:

 

Đấng Christ

LÀ ĐẦU

 

Đàn ông

 

Đức Chúa Trời

 

 

2. Tóm tắt câu 4 và 5:

 

 

GIỚI TÍNH

CẦU NGUYỆN

GIẢNG ĐẠO

KẾT QUẢ

Câu 4

 

 

 

Câu 5

 

 

 

 

3. “Làm nhục đầu mình” (c. 4-5) nghĩa là thế nào?

3. Câu 8-12 dạy chúng ta điều gì về quan hệ giữa hai phái tính?

4. Câu 14-15 dạy gì về vấn đề phân biệt giữa hai phái tính?

5. Phao-lô muốn nói điều gì trong câu 16?

 

Phần lớn nội dung Thư I Cô-rinh-tô là Phao-lô trả lời về những điều Hội Thánh Cô-rinh-tô đặt câu hỏi: 7:1, 25; 12:1 (những câu nầy bắt đầu cùng một cách trong nguyên ngữ, hàm ý “đây là câu trả lời của tôi về vấn đề nầy”). Phần nói về phụ nữ trùm đầu (c. 2-16), ông không bắt đầu như vậy, cho thấy đây không phải là điều người Cô-rinh-tô hỏi nhưng phần dạy dỗ nầy đến từ Phao-lô, liên quan đến thờ phượng:

1. Trang phục thờ phượng (c. 2-16)

2. Lễ Tiệc Thánh (c. 17-34)

3. Sử dụng ân tứ (12:1 – 14:40)

Phao-lô bắt đầu phần nầy với lời khen:

Tôi khen anh em vì hay nhớ đến tôi trong mọi dịp, và lấy lòng trung tín mà giữ những điều tôi đã dạy dỗ anh em (c. 2)

Phần tiếp theo, ông không khen họ (c. 17). Ông khen họ hai điều: (1) Nhớ đến ông. (2) Trung tín giữ điều ông dạy dỗ. Dầu vậy có một vấn đề ông phải nhắc nhở vì Hội Thánh Cô-rinh-tô đã không làm theo lời dạy của ông. Đó là vấn đề phụ nữ không trùm đầu khi cầu nguyện hoặc giảng đạo (c. 5).  Phao-lô giải thích vấn đề với những lý luận sau:

1. Ý niệm về đầu (c. 3-6)

2. Ý niệm về vinh hiển (c. 7)

3. Ý niệm về tương quan (c. 8-12)

3. Lẽ tự nhiên (c. 13-14)

 

Ý NIỆM VỀ ĐẦU (c. 3-6)

Câu 3 nói đến ba mối quan hệ về đầu như sau:

 

Đấng Christ

LÀ ĐẦU

Người nam

Người nam

Người nữ

Đức Chúa Trời

Đấng Christ

 

Câu nầy KHÔNG viết theo thứ tự Đức Chúa Trời, Đấng Christ, người nam, người nữ nhưng nhấn mạnh về đầu của mỗi người:

·      Đầu của người nam là Đấng Christ

·      Đầu của người nữ là người nam

·      Đầu của Đấng Christ là Đức Chúa Trời

(Đó là thứ tự trong nguyên văn, những chữ “đầu của…” được đặt trước).

Nội dung hai câu 4-5 có thể được tóm tắt như sau:

 

 

GIỚI TÍNH

CẦU NGUYỆN

GIẢNG ĐẠO

KẾT QUẢ

Câu 4

Người nam

Trùm đầu

Làm nhục đầu mình

Câu 5

Người nữ

Không trùm đầu

Làm nhục đầu mình

 

Hai câu nầy cho thấy có một phân biệt rõ ràng trong trang phục thờ phượng  giữa hai phái tính: người nam không trùm đầu còn người nữ trùm đầu.

Câu: Người đàn ông cầu nguyện hoặc giảng đạo mà trùm đầu lại (c. 4a) nói đến việc người nam đội khăn trên đầu trong lúc hướng dẫn thờ phượng, như cách những người thờ các thần ngoại giáo. Phao-lô nói rằng người nam làm như thế là làm nhục đầu mình. Làm nhục mang ý nghĩa không tôn trọng Chúa là đầu của mình và cả chính người đó nữa.

Câu: Người đàn bà cầu nguyện hoặc giảng đạo mà không trùm đầu lại (c. 5a) là nói về phụ nữ hướng dẫn thờ phượng nhưng lại để tóc dài, không búi lên và không dùng khăn trùm lại như đáng phải làm. Phao-lô nói người ấy làm nhục đầu mình trong hàm ý người ấy coi thường chồng là đầu của mình và cũng không tôn trọng chính mình. Phao-lô nói thêm, Thật chẳng khác gì đã cạo đầu vậy (c. 5b). Cạo đầu mang ý nghĩa bị nhục mạ, khinh miệt. Nếu người phụ nữ không muốn trùm đầu, Phao-lô đề nghị người ấy hớt tóc, nghĩa là cắt tóc ngắn lại.

Tác giả Alan Johnson, dựa vào những bằng chứng khảo cổ gần đây cho rằng vấn đề trùm đầu hay không trùm đầu có thể chỉ về cách để tóc của người thời đó để phân biệt giữa nam và nữ. Nam hớt tóc ngắn (“không trùm đầu”), để tóc dài (“trùm đầu”). Phụ nữ để tóc dài (“không trùm đầu”), bối tóc cao, gọn trên đầu (“trùm đầu”).

 

 

Ý NIỆM VỀ VINH HIỂN (c. 7)

Vả, đàn ông là hình ảnh và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, thì không nên trùm đầu, nhưng đàn bà là sự vinh hiển của đàn ông (c. 7)

Lý do người nam không trùm đầu khi thờ phượng vì đàn ông là hình ảnh và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (c. 7a). Vinh hiển của Đức Chúa Trời sẽ bị che mờ nếu người nam trùm đầu, che đầu lại. Ngược lại, vì đàn bà là vinh hiển của đàn ông, nếu không trùm đầu lại, thì vinh hiển đó (vinh hiển của đàn ông) sẽ che mờ vinh hiển của Đức Chúa Trời.

 

Ý NIỆM VỀ TƯƠNG QUAN (c. 8-12)

Phao-lô cho thấy tương quan giữa nam và nữ như sau:

1. Đàn bà ra từ đàn ông

2. Đàn bà được dựng nên vì đàn ông

3. Đàn ông cũng sinh bởi đàn bà

Đàn bà ra từ đàn ôngđàn bà được dựng nên vì đàn ông là điều được ghi trong Sáng thế ký 2:18-24. Ngoại trừ A-đam, con người đầu tiên do Đức Chúa Trời trực tiếp tạo dựng, mọi người đàn ông khác đều do phụ nữ sinh ra: đàn ông cũng sinh bởi đàn bà. Điều nầy cho thấy có một quan hệ hỗ tương giữa nam và nữ. Điều quan trọng là cả thảy đều ra bởi Đức Chúa Trời (c. 12b): Chúa là nguồn gốc của tất cả.

Bởi đó, vì cớ các thiên sứ, đàn bà phải có dấu hiệu trên đầu chỉ về quyền phép mình nương cậy (c. 10)

Vì cớ các thiên sứ hàm ý khi phụ nữ cầu nguyện hoặc giảng đạo (c. 5a) thì cũng có sự hiện diện của thiên sứ trên trời. Phải có dấu hiệu trên đầu chỉ về quyền phép mình nương cậy nói đến việc người phụ nữ khi cầu nguyện hoặc giảng đạo cần phải trùm đầu. Đó là dấu hiệu chứng tỏ người phụ nữ có thẩm quyền của Chúa.

 

LẼ TỰ NHIÊN (c. 13-14)

Sau khi dựa vào các ý niệm về đầu, vinh hiển và tương quan (c. 3-12) để cho thấy tại sao phái nam phải để đầu trần và phái nữ phải che đầu lại khi thờ phượng, Phao-lô nói với độc giả:

Anh em hãy tự suy xét xem, việc người nữ cầu nguyện với Đức Chúa Trời mà không trùm đầu thì có thích hợp không? Không phải chính bản tính tự nhiên dạy anh em biết rằng người nam để tóc dài thì đáng xấu hổ, còn người nữ để tóc dài thì lại là niềm tự hào của họ sao? Vì mái tóc dài được ban cho người như một khăn trùm (c. 13-15, BHĐ)

Ông nói với người Cô-rinh-tô rằng, chỉ cần dựa vào lẽ tự nhiên cũng đã thấy rằng người nữ cầu nguyện với Đức Chúa Trời thì nên trùm đầu. Lẽ tự nhiên đó là, đàn ông tóc ngắn, đàn bà tóc dài. Đàn ông tóc dài là điều xấu hổ còn đàn bà tóc dài là niềm hãnh diện. Đó là trong đời sống bình thường, còn khi thờ phượng, phụ nữ cần phải trùm đầu cho vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Cuối cùng, Phao-lô viết:

Nếu có ai muốn tranh luận thì đó không phải là thói quen của chúng tôi, các Hội Thánh của Đức Chúa Trời cũng không có thói quen ấy nữa (c. 16)

Ông biết rằng đây là vấn đề sẽ gây nhiều tranh luận và sẽ có người muốn cãi lẽ về việc nầy mãi. Do đó, Phao-lô có ý nói, cá nhân ông cũng như các Hội Thánh của Chúa sẽ không tranh luận thêm về vấn đề nầy.

Lý do Phao-lô viết phân đoạn nầy trong Thư I Cô-rinh-tô là vì một số phụ nữ tại Hội Thánh Cô-rinh-tô không trùm đầu hoặc để tóc xỏa dài khi đến thờ phượng, một hình ảnh có thể bị coi là không đứng đắn cho phụ nữ, nhất là khi họ tham gia trong chương trình thờ phượng (cầu nguyện và nói tiên tri). Tội đồng tính cũng rất phổ thông tại Cô-rinh-tô lúc bấy giờ (6:10) nên kiểu tóc của nam giống nữ có thể gây hiểu lầm về giới tính và vấp phạm cho người khác. Nguyên tắc chúng ta áp dụng cho toàn phần Kinh Thánh nầy là: cần phục sức nghiêm trang và phải lẽ khi thờ phượng để tránh hiểu lầm và gây vấp phạm cho người khác.