Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 29

HÃY CHỜ ĐỢI NHAU! (11:17-34)

 

17 Trong khi tôi truyền lời cáo dụ nầy, chẳng phải khen anh em, vì sự nhóm lại của anh em không làm cho mình hay hơn mà làm cho mình dở hơn. 18 Trước hết, tôi nghe rằng khi anh em có sự nhóm họp Hội thánh, thì sanh ra sự phân rẽ, tôi cũng hơi tin điều đó. 19 Vì chắc trong vòng anh em phải có bè đảng, hầu cho được nhận biết trong anh em những kẻ nào thật là trung thành. 20 Vậy, khi anh em nhóm nhau lại một chỗ, ấy chẳng còn phải là Tiệc thánh của Chúa mà anh em ăn 21 bởi vì lúc ngồi ăn, ai cũng nôn nả mà ăn bữa riêng mình, đến nỗi người nọ chịu đói, còn kẻ kia thì quá độ. 22 Anh em há chẳng có nhà để ăn uống sao? Hay là anh em khinh bỉ Hội thánh của Đức Chúa Trời, muốn làm cho những kẻ không có gì phải hổ thẹn? Tôi nên nói chi với anh em? Có nên khen anh em không? Trong việc nầy tôi chẳng khen đâu.

23 Vả, tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em: Ấy là Đức Chúa Jêsus, trong đêm Ngài bị nộp, lấy bánh, 24 tạ ơn, rồi bẻ ra mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều nầy để nhớ ta. 25 Cũng một thể ấy, sau khi ăn bữa tối rồi, Ngài lấy chén và phán rằng: Chén nầy là sự giao ước mới trong huyết ta; hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để nhớ ta. 26 Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến. 27 Bởi đó, ai ăn bánh hoặc uống chén của Chúa cách không xứng đáng, thì sẽ mắc tội với thân và huyết của Chúa. 28 Vậy mỗi người phải tự xét lấy mình, và như thế mới ăn bánh uống chén ấy; 29 vì người nào không phân biệt thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó, tức là ăn uống sự xét đoán cho mình.

30 Ấy vì cớ đó mà trong anh em có nhiều kẻ tật nguyền, đau ốm, và có lắm kẻ ngủ. 31 Nếu chúng ta biết xét đoán lấy mình, thì khỏi bị xét đoán. 32 Song khi chúng ta bị Chúa xét đoán, thì bị Ngài sửa phạt, hầu cho khỏi bị án làm một với người thế gian. 33 Hỡi anh em, vậy thì lúc anh em hội lại để ăn chung với nhau, hãy chờ đợi nhau. 34 Ví bằng có ai đói, hãy ăn tại nhà mình, hầu cho anh em không nhóm lại để mà chuốc lấy sự đoán xét. Còn các việc khác, lúc tôi đến sẽ đoán định.

 

1. Theo câu 17, Phao-lô trách các tín hữu Cô-rinh-tô về điều gì? “Hay hơn” và “dở hơn” là thế nào?

2. Điều gì xảy ra trong Hội Thánh Cô-rinh-tô khi có sự nhóm lại (c. 18)?

3. Theo câu 19, “bè đảng” trong Hội Thánh cho thấy điều gì? Tại sao?

4. Phao-lô trách các tín hữu Cô-rinh-tô điều gì trong việc ăn Tiệc Thánh (c. 20-21)?

5. Xin cho biết ba điều Phao-lô muốn nói với các tín hữu Cô-rinh-tô trong câu 22:

(1) ______________________________________________________________

(2) ______________________________________________________________

(3) ______________________________________________________________

6. Theo câu 23-25, mục đích chính của Tiệc Thánh là gì? “Nhớ” mang ý nghĩa gì?

7. Chúng ta làm gì để: “Rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” (c. 26b)?

8. Thế nào là “ăn bánh hoặc uống chén của Chúa cách không xứng đáng” (c. 27a)? “Mắc tội với thân và huyết của Chúa” nghĩa là thế nào (c. 27b)?

9. “Tự xét lấy mình” (c. 28a) là làm điều gì?

10. “Không phân biệt thân Chúa mà ăn bánh uống chén” (c. 29a) nghĩa là thế nào?

11. Câu 30 cho thấy điều gì?

12. Xin giải thích câu 31.

13. Lời khuyên của Phao-lô cho các tín hữu tại Cô-rinh-tô về việc dùng bữa chung với nhau là gì (c. 33-34)?

 

Sau lời khen chung ở phân đoạn trước (c. 2), Phao-lô bắt đầu phần nầy với lời trách: Chẳng phải khen anh em (c. 17a). Lý do Phao-lô có lời trách là vì sự nhóm lại của anh em không làm cho mình hay hơn mà làm cho mình dở hơn (c. 17b). Bản Hiệu Đính dịch câu nầy như sau: “Còn về những lời chỉ dạy sau đây, tôi không thể khen anh em, vì sự nhóm họp của anh em không đem lại điều tốt hơn mà còn tệ hơn.

Sự nhóm họp của Hội Thánh Cô-rinh-tô tệ hơn vì đem lại chia rẽ (c. 18). Phao-lô nói thêm: “Việc bè phái trong anh em thì chắc không còn nghi ngờ gì nữa, nhưng có vậy mới nhận biết rõ ai là người chân thật” (v. 19, BHĐ). Chia rẽ không phải là điều tốt, tuy nhiên chính trong tình trạng chia rẽ mà thật giả được phân minh (cùng ý với câu: “Gia bần tri hiếu tử, quốc loạn thức trung thần” của người xưa).

Để hiểu được vấn đề chia rẽ trong Tiệc Thánh tại Hội Thánh Cô-rinh-tô, chúng ta cần biết Tiệc Thánh trong thế kỷ thứ nhất thường đi chung với Bữa Tiệc Yêu Thương (agape, Giu-đe 12, BHĐ). Mỗi người đều góp thức ăn để ăn chung và cùng dự Tiệc Thánh với nhau. Tệ nạn tại Cô-rinh-tô là:

Lúc ngồi ăn, ai cũng nôn nả mà ăn bữa riêng mình, đến nỗi người nọ chịu đói, còn kẻ kia thì quá độ (c. 21)

Những người giàu trong Hội Thánh đem nhiều thức ăn đến để chia sẻ là điều tốt, nhưng đến giờ ăn, những người nầy lại nôn nả ăn bữa riêng mình (c. 21a). Họ đã ăn uống quá độ trong khi những người khác, là người nghèo hay nô lệ vì việc làm phải đến sau, không còn thức ăn: chịu đói.

Những câu hỏi trong câu 22 mang tính cách tu từ (hùng biện) với những câu trả lời hiển nhiên:

Anh em há chẳng có nhà để ăn uống sao? Hàm ý nhà là chỗ để ăn uống no say, không phải nhà thờ.

Hay là anh em khinh bỉ Hội Thánh của Đức Chúa Trời, muốn làm cho những kẻ không có gì phải hổ thẹn? Hàm ý trách người Cô-rinh-tô khinh miệt Hội Thánh, là Hội Thánh của Đức Chúa Trời, đồng thời làm như vậy họ cũng sỉ nhục người nghèo.

Tôi nên nói chi với anh em? Có nên khen anh em không? Trong việc nầy tôi chẳng khen đâu. Xác nhận điều Phao-lô nói trong câu 17.

Lời Phao-lô dạy về Tiệc Thánh (c. 23-26) mang những ý nghĩa sau:

1. Phao-lô nhận sự dạy dỗ trực tiếp từ Chúa Giê-xu: Tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em (c. 23a). Phao-lô nhiều lần nói ông nhận mạc khải trực tiếp từ Chúa (Công vụ 18:9; 22:18; 23:11; 27:23-25; II Cô. 12:7; Ga. 1:12; 2:2). Giáo lý về Tiệc Thánh ở đây cũng vậy.

2. Phao-lô nhắc đến Chúa Giê-xu trong đêm Ngài bị nộp (c. 23b) cho thấy Tiệc Thánh đã được thiết lập giữa hoàn cảnh hận thù, ganh ghét, làm nổi bật ý nghĩa yêu thương của bữa tiệc.

3. Bánh và nước nho không biến thành thịt và máu của Chúa trong Tiệc Thánh:

(1) Nầy là (đại danh từ của trung tính, neuter) không thể dùng để thay thế cho “bánh” (artos) là danh từ ở giống đực (masculin). Nầy là vì vậy không có nghĩa “cái bánh nầy là thân thể Ta,” nhưng nói lên toàn thể hành động ăn bánh.

(2) Khi nói về nước nho, Chúa KHÔNG phán, “Nầy là huyết Ta,” nhưng Chúa nói: “Chén nầy là SỰ GIAO ƯỚC MỚI trong huyết Ta.” “Chén” (nước nho) không phải là huyết nhưng là “sự giao ước mới trong huyết!”

4. Chữ nhớ (c. 24, 25) có nghĩa là để trước mắt những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ như thể đang diễn ra trong hiện tại (I Vua 17:18). Mỗi khi dự Tiệc Thánh, chúng ta phải để hình ảnh Chúa chịu đóng đinh trên thập tự giá diễn ra rõ ràng trước mắt, không phải như cái nhớ thông thường.

5. Động từ rao trong câu 26 ở thể xác định (indicative) không phải mệnh lệnh (imperative). Hành động dự Tiệc Thánh của chúng ta (ăn bánh nầy, uống chén nầy) là bài giảng sống,  qua đó người khác thấy được sự chết của Chúa. Chúng ta rao sự chết của Chúa qua việc dự Tiệc Thánh.

6. Cho tới lúc Ngài đến nói lên hy vọng trong Tiệc Thánh như lời Chúa:

Ta phán cùng các ngươi, từ rày về sau, Ta không uống trái nho nầy nữa cho đến ngày mà Ta sẽ uống trái nho mới cùng các ngươi ở trong nước của Cha Ta (Ma-thi-ơ 26:29)

Ý nghĩa Tiệc Thánh gồm những điều kể trên (c. 23-26), nếu dự Tiệc Thánh không theo những ý nghĩa đó là chúng ta ăn bánh hoặc uống chén của Chúa cách không xứng đáng (c. 27a). Chữ quan trọng là cách, nói đến phương cách hay thái độ của người dự. Nếu biết rõ ý nghĩa của Tiệc Thánh như trên (c. 23-26) mà chúng ta không dự Tiệc Thánh với ý thức như vậy là chúng ta mắc tội với thân và huyết của Chúa (c. 27b). Mắc tội với thân và huyết của Chúa hàm ý coi thường sự hy sinh của Chúa. Bánh và chén tượng trưng cho điều vô cùng thiêng liêng: thân Chúa tan nát, máu Chúa tuôn đổ. Dự Tiệc Thánh mà không nghĩ đến tình yêu và sự hy sinh lớn lao đó của Chúa là mắc tội với Chúa. Eugene Peterson trong bản dịch The Message nói rằng, “Dự Tiệc Thánh như vậy, chúng ta cũng chẳng khác gì đám người chê cười, chế nhạo Chúa khi Ngài bị đóng đinh!”

Để tránh dự Tiệc Thánh cách không xứng đáng (c. 27a), Phao-lô bảo độc giả, Vậy, mỗi người phải tự xét lấy mình (c. 28a). Tự xét mang ý nghĩa thử nghiệm, nghĩa là nghiêm chỉnh suy nghĩ đến ý nghĩa của Tiệc Thánh khi dự, đây không phải là điều nhỏ mọn, bình thường nhưng là sự hy sinh lớn lao của Con Đức Chúa Trời. Tự xét cũng hàm ý xưng tội và ăn năn trước khi ăn bánh uống chén (c. 28b). Không ai trong chúng ta xứng đáng để dự Tiệc Thánh nhưng điều Phao-lô nhấn mạnh là CÁCH không xứng đáng. Đây nói đến thái độ và tấm lòng của chúng ta khi dự Tiệc Thánh: trân trọng, biết ơn và không coi thường.

Phân biệt thân Chúa (c. 29a) nghĩa là phải coi Tiệc Thánh hoàn toàn khác với những bữa ăn khác. Đây là điều thánh khiết, vượt trội hơn tất cả mọi điều khác trên đời. Không coi trọng Tiệc Thánh như vậy, là chúng ta không phân biệt thân Chúa và sẽ phải gánh lậy hậu quả tai hại: Ăn uống sự xét đoán cho mình (c. 29b). Phao-lô cho thấy sự xét đoán đó bao gồm tật nguyền, đau ốm (“đau yếu, bệnh tật,” BHĐ) và chết (c. 30).

Xét đoán lấy mình (c. 31a) mang ý nghĩa “tự xét mình” (BHĐ), nghĩa là biết lẽ ra mình phải làm gì nhưng thật sự thì mình đang sống như thế nào. Biết xét mình như vậy và thay đổi, chúng ta sẽ tránh sự xét đoán và sửa phạt của Chúa (c. 30). Câu 32 hàm ý rằng, khi Chúa yêu thương sửa phạt (kỷ luật) chúng ta sẽ từ bỏ con đường sai lầm, quay trở lại với Chúa và tránh khỏi hình phạt như người thế gian.

Trở lại với tệ trạng trong bữa tiệc yêu thương và Tiệc Thánh tại Cô-rinh-tô (c. 20-21), Phao-lô khuyên họ:

1. Chờ đợi nhau khi ăn uống: người giàu nên chờ người nghèo và nô lệ vì công việc làm phải đến trễ trong bữa tiệc.

2. Người đói nên ăn trước ở nhà để có thể chờ đợi người khác tại nơi nhóm họp.

Làm như vậy là tôn trọng Tiệc Thánh và giúp người dự tránh tội coi thường Tiệc Thánh để rồi bị sửa phạt (c. 34).

Ngoài những việc ghi trong 11:2-34, chắc hẳn còn nhiều vấn đề khác tại Hội Thánh Cô-rinh-tô mà Phao-lô cần giải quyết nhưng có lẽ không quan trọng lắm nên ông đề nghị “khi tôi đến sẽ định đoạt” (c. 34b, BHĐ).