Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 31

THÂN VÀ CHI THỂ (12:12-31)

 

12 Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy. 13 Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa. 14 Thân cũng chẳng phải có một chi thể, bèn là nhiều chi thể. 15 Nếu chân rằng: Vì ta chẳng phải là tay, nên ta không thuộc về thân, thì chẳng phải bởi đó chân không có phần trong thân. 16 Và nếu tai rằng: Vì ta chẳng phải là mắt, nên ta không thuộc về thân, thì tai chẳng phải bởi đó không có phần trong thân. 17 Ví bằng cả thân đều là mắt, thì sự nghe ở đâu? Nếu cả thân đều là tai, thì sự ngửi ở đâu? 18 Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp-đặt các chi thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi thể cái địa-vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định. 19 Nếu chỉ có một chi thể mà thôi, thì cái thân ở đâu? 20 Vậy, có nhiều chi thể, song chỉ có một thân.

21 Mắt không được nói với bàn tay rằng: Ta chẳng cần đến mầy; đầu cũng chẳng được nói với chân rằng: Ta chẳng cần đến bay. 22Trái lại, các chi thể của thân xem ra rất yếu đuối lại là cần dùng. 23 Chi thể nào trong thân chúng ta nghĩ là hèn hạ hơn, thì chúng ta tôn-trọng hơn; chi thể nào chẳng đẹp, thì chúng ta lại trau giồi hơn, 24 còn như cái nào đã đẹp rồi, thì không cần trau giồi. Nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân người, để chi thể nào thiếu thốn thì được quí trọng hơn, 25 hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau. 26 Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác đều cùng vui mừng.

27 Vả, anh em là thân của Đấng Christ, và là chi thể của thân, ai riêng phần nấy. 28 Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh, thứ nhứt là sứ đồ, thứ nhì là đấng tiên tri, thứ ba là thầy giáo, kế đến kẻ làm phép lạ, rồi kẻ được ơn chữa bịnh, cứu giúp, cai quản, nói các thứ tiếng. 30 Có phải cả thảy là sứ đồ sao? Cả thảy là tiên tri sao? Cả thảy là thầy giáo sao? Cả thảy đều làm phép lạ sao? 30 Cả thảy đều được ơn chữa bịnh sao? Cả thảy đều nói tiếng lạ sao? Cả thảy đều thông giải tiếng lạ sao? 31 Hãy ước ao cho được sự ban cho lớn hơn hết. Bây giờ, tôi sẽ chỉ dẫn cho anh em con đường tốt lành hơn.

 

1. Sứ đồ Phao-lô dùng hình ảnh gì để mô tả Hội Thánh của Chúa trong phân đoạn nầy?

2. Xin giải thích câu 13.

3. Xin cho biết những điểm tương ứng giữa thân thể và Hội Thánh:

 

KINH THÁNH

ĐIỂM TƯƠNG ỨNG

Câu 12a

 

Câu 12b, 20

 

Câu 15-16

 

Câu 17

 

Câu 18

 

Câu 19

 

Câu 21

 

Câu 22

 

Câu 23a

 

Câu 23b

 

Câu 24a

 

Câu 24b

 

Câu 25a

 

Câu 25b

 

Câu 26a

 

Câu 26b

 

 

 4. Xin kể ra theo thứ tự những ân tứ trong Hội Thánh (c. 27-28):

(1) _______________________________________

(2) _______________________________________

(3) _______________________________________

(4) _______________________________________

(5) _______________________________________

(6) _______________________________________

(7) _______________________________________

(8) _______________________________________

 

5. Những câu hỏi trong câu 29-30 hàm ý gì? Trả lời như thế nào?

 

Câu cuối cùng của phần trên là:

Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người (c. 11)

Câu nầy cho thấy tính cách khác biệt nhưng hợp nhất của ân tứ Thánh Linh. Phao-lô minh họa tính cách khác biệt nhưng hợp nhất đó với hình ảnh thân thể con người:

Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy (c. 12)

Đấng Christ khác nào như vậy nghĩa là thân thể Đấng Christ tức là Hội Thánh cũng giống như vậy. Điểm giống nhau đầu tiên là hợp nhất:

Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa (c. 13)

Sự hợp nhất nầy không phân biệt chủng tộc (Giu-đa/Gờ-réc) hay địa vị xã hội (tôi mọi/tự chủ). Lý do là vì:

·      Đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân (c. 13b)

·      Đều đã chịu uống chung một Thánh Linh (c. 13c)

Đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân (c. 13b) nói đến kinh nghiệm của mỗi Cơ-đốc nhân khi tin Chúa và chịu báp-têm. Đây là báp-têm khi tin Chúa. Một số người cho rằng đây nói về “báp-têm bằng Đức Thánh Linh” là một kinh nghiệm thứ hai để được nhận ân tứ. Tuy nhiên, thành ngữ báp-têm BẰNG Đức Thánh Linh trong Ma-thi-ơ 3:11 và trong câu nầy dùng cùng một giới từ en trong tiếng Hy-lạp. “Báp têm bằng Đức Thánh Linh” vì vậy nói đến kinh nghiệm của mỗi người khi tin Chúa thì nhận được Đức Thánh Linh (Rô-ma 8:9b) chứ không phải kinh nghiệm thứ hai để nhận ân tứ Thánh Linh.

Đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa (c. 13c) nói lên cùng một điều và làm rõ nghĩa của việc báp-têm bằng Đức Thánh Linh. Báp-têm bằng Đức Thánh Linh là chúng ta ở trong Chúa Thánh Linh và Chúa Thánh Linh ở trong chúng ta như thể chúng ta uống Chúa Thánh Linh vậy! Một sự liên hiệp bền chặt giữa Cơ-đốc nhân và Chúa Thánh Linh.

Phao-lô cho thấy những điểm tương ứng giữa thân thể và Hội Thánh như sau:

 

KINH THÁNH

ĐIỂM TƯƠNG ỨNG

Câu 12a

Một mà nhiều

Câu 12b, 20

Nhiều mà một

Câu 15-16

Khác biệt không phải là không hiệp nhất

Câu 17

Nếu không khác nhau, không thể hoạt động

Câu 18

Vị trí khác nhau trong thân thể là ý của Chúa

Câu 19

Nếu tất cả giống nhau thì không có thân thể

Câu 21

Cần nhau

Câu 22

Phần tử nào yếu đuối lại là cần thiết

Câu 23a

Phần tử nào kém tôn trọng cần được tôn trọng

Câu 23b

Phần tử nào không đẹp, phải trau giồi

Câu 24a

Phần tử nào đẹp, không cần trau giồi

Câu 24b

Phần tử kém quan trọng, được tôn trọng hơn

Câu 25a

Không có chia rẽ

Câu 25b

Quan tâm đến nhau

Câu 26a

Một đau, tất cả cùng đau

Câu 26b

Một được tôn trọng, tất cả cùng vui

 

Câu 27 tóm tắt lại những điều trên:

Vả, anh em là thân của Đấng Christ và là chi thể của thân, ai riêng phần nấy (c. 27)

Chữ anh em trong câu nầy chỉ về  tín hữu Cô-rinh-tô và cả chúng ta vì thân là nói đến “thân thể của Đấng Christ” hàm ý toàn thể Hội Thánh của Chúa trải mọi thời đại. Ai riêng phần nấy mang ý nghĩa “mỗi cá nhân là một chi thể” (BHĐ). Mỗi Cơ-đốc nhân đều là một phần của thân thể Đấng Christ, mỗi người đều có chỗ đứng của mình trong thân thể đó, không loại trừ ai.

Phao-lô tiếp tục nói về các ân tứ trong Hội Thánh nhưng thay đổi một vài chi tiết và đưa ra thứ tự của các ân tứ:

1. Sứ đồ

2. Tiên tri

3. Thầy giáo

4. Kẻ làm phép lạ

5. Kẻ được ơn chữa bệnh

6. Cứu giúp

7. Cai quản

8. Nói các thứ tiếng

Thứ tự nầy không nhất thiết là thứ tự quan trọng tuy nhiên cũng nói lên phần nào thứ tự quan trọng trong tiến trình thành lập Hội Thánh. Hội Thánh bắt đầu với các sứ đồ, rồi đến tiên tri và thầy giáo là những người giữ chức vụ giảng dạy. Những ân tứ khác (phép lạ, chữa bệnh, cứu giúp, cai quản nói các thứ tiếng) cũng quan trọng nhưng không quan trọng bằng ba ân tứ đầu tiên (Ê-phê-sô 4:11). Trong 14:1-25, Phao-lô cho thấy ơn nói tiên tri cần thiết hơn ơn nói tiếng lạ cho nên thứ tự trên cũng hàm ý điều đó. Phao-lô cũng cho thấy thứ tự nầy là do Đức Chúa Trời lập (sắp đặt, BHĐ).

Ba ân tứ được thêm vào ngoài danh sách ghi trong 12:8-10 là: thầy giáo, cứu giúpcai quản (c. 28).

Thầy giáotiên tri thường đi chung với nhau (Công vụ 13:1) nói về ân tứ truyền đạt chân lý từ Lời Chúa. Tiên tri mang ý nghĩa người phán dạy Lời của Chúa, người đứng giữa Đức Chúa Trời và con người để truyền đạt thông điệp của Ngài cho con người. Thầy giáo nhấn mạnh đến khả năng truyền đạt đầy đủ và rõ ràng.

Cứu giúp nói đến ơn tương trợ, giúp đỡ người khác, chủ yếu trên phương diện vật chất.

Cai quản là ơn “lèo lái” (theo nguyên nghĩa) hàm ý khả năng điều hành, quản trị, hướng dẫn.

Những câu hỏi trong câu 29-30 theo hình thức tu từ với câu trả lời là: “Không!” cho thấy ân tứ được phân phối đồng đều: không phải mọi người đều có những ân tứ giống nhau cũng không phải một người có tất cả các ân tứ.

Ba điểm chính về ân tứ Phao-lô trình bày trong Chương 12 là: khác biệt, hiệp nhất và mục vụ. Đức Thánh Linh ban những ân tứ khác nhau trong Hội Thánh (khác biệt) nhưng những ân tứ nầy hiệp nhất với nhau như những phần của thân thể (hiệp nhất), với mục đích tối hậu là xây dựng Hội Thánh (mục vụ). Tín đồ Cô-rinh-tô có khuynh hướng nhấn mạnh vào ơn nói tiếng lạ để chứng tỏ mình là người thiêng liêng hơn, nhưng Phao-lô cho thấy ơn nói tiên tri đem lại hữu ích hơn cho Hội Thánh. Đó là điều ông hàm ý trong câu 31:

Hãy ước ao cho được sự ban cho lớn hơn hết (c. 31)

Theo 14:1a và 39a thì sự ban cho lớn hơn hết (“ân tứ cao trọng hơn,” BHĐ) chỉ về ơn nói tiên tri. Thật ra, trên hết mọi ân tứ chính là tình yêu thương mà Phao-lô gọi là con đường tốt lành hơn (c. 31b). Điều nầy cho thấy CÓ ân tứ không quan trọng bằng CÁCH sử dụng ân tứ: sử dụng trong yêu thương, điều ông trình bày trong Chương 13.