Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 33

TIÊN TRI VÀ TIẾNG LẠ (14:1-25)

 

1 Hãy nôn nả tìm kiếm tình yêu thương. Cũng hãy ước ao các sự ban cho thiêng liêng, nhứt là sự ban cho nói tiên tri. 2 Vì người nào nói tiếng lạ, thì không phải nói với người ta, bèn là với Đức Chúa Trời, bởi chẳng có ai hiểu (ấy là trong tâm thần mà người kia nói lời mầu nhiệm), 3 còn như kẻ nói tiên tri, thì nói với người ta để gây dựng, khuyên bảo và yên ủi. 4 Kẻ nói tiếng lạ, tự gây dựng lấy mình song kẻ nói tiên tri, gây dựng cho Hội Thánh. 5 Tôi ước ao anh em đều nói tiếng lạ cả, song tôi còn ước ao hơn nữa là anh em nói tiên tri. Người nói tiên tri là trọng hơn kẻ nói tiếng lạ mà không giải nghĩa để cho Hội Thánh được gây dựng.

6 Hỡi anh em, ví bằng tôi đến cùng anh em, nói các thứ tiếng lạ, mà lời nói tôi chẳng tỏ sự kín nhiệm, chẳng có sự thông biết, chẳng có lời tiên tri, chẳng có sự khuyên dạy, thì ích gì đến anh em? 7 Vậy, dẫu vật không linh tánh phát ra tiếng, như ống tiêu, đàn cầm: nếu không có âm điệu phân biệt nhau, thể nào nhận biết được ống tiêu hay là đàn cầm thổi và khảy cái chi? 8 Lại nếu kèn trổi tiếng lộn xộn, thì ai sửa soạn mà ra trận? 9 Anh em cũng vậy, nếu dùng lưỡi nói chẳng rõ ràng cho người ta nghe, thì làm sao họ được biết điều anh em nói? Vì anh em nói bông lông. 10 Trong thế gian nầy có lắm thứ tiếng, mỗi thứ đều có nghĩa. 11 Vậy nếu tôi chẳng biết nghĩa của tiếng nói đó, thì người nói tiếng đó sẽ coi tôi là mọi, và tôi cũng coi họ là mọi nữa. 12 Ấy vậy, vì anh em nôn nả ước ao các sự ban cho thiêng liêng, hãy tìm cho được dư dật đặng gây dựng Hội Thánh.

13 Bởi đó, kẻ nói tiếng lạ, hãy cầu nguyện để được thông giải tiếng ấy. 14 Vì nếu tôi cầu nguyện bằng tiếng lạ, thì tâm thần tôi cầu nguyện, nhưng trí khôn tôi lơ-lửng. 15 Vậy thì tôi sẽ làm thế nào? Tôi sẽ cầu nguyện theo tâm thần, nhưng cũng cầu nguyện bằng trí khôn. Tôi sẽ hát theo tâm thần, nhưng cũng hát bằng trí khôn. 16 Bằng không, nếu ngươi chỉ lấy tâm thần mà chúc tạ, thì người tầm thường ngồi nghe, chẳng hiểu ngươi nói gì, thể nào họ theo lời chúc tạ mình mà đáp lại rằng “A-men” được? 17 Thật vậy, lời chúc tạ của ngươi vẫn tốt lành; song kẻ khác chẳng nhờ đó mà được gây dựng. 18 Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời, vì đã được ơn nói tiếng lạ nhiều hơn hết thảy anh em, 19 nhưng thà tôi lấy năm lời bằng trí khôn mình mà rao giảng trong Hội Thánh, để được dạy bảo kẻ khác, hơn là lấy một vạn lời bằng tiếng lạ.

20 Hỡi anh em, về sự khôn sáng, chớ nên như trẻ con, nhưng về sự gian ác, thật hãy nên như trẻ con vậy. Còn về sự khôn sáng, hãy nên như kẻ thành nhân. 21 Trong luật pháp có chép rằng: Chúa phán: Ta sẽ nhờ những người nói tiếng lạ, và môi miệng người ngoại quốc mà phán cho dân nầy, dầu vậy, họ cũng chẳng nghe ta. 22 Thế thì, các thứ tiếng là một dấu, chẳng cho người tin Chúa, song cho người chẳng tin; còn như lời tiên tri là một dấu, chẳng phải cho người không tin, song cho người tin Chúa.

23 Vậy, khi cả Hội Thánh nhóm lại một nơi, nếu ai nấy đều nói tiếng lạ, mà có kẻ tầm thường hoặc người chẳng tin vào nghe, họ há chẳng nói anh em là điên cuồng sao? 24 Song nếu ai nấy đều nói tiên tri, mà có người chẳng tin hoặc kẻ tầm thường vào nghe, thì họ sẽ bị mọi người bắt phục, và bị mọi người xét đoán, 25 sự kín giấu trong lòng họ đã tỏ ra; họ bèn sấp mặt xuống đất, thờ lạy Đức Chúa Trời, và nói rằng thật có Đức Chúa Trời ở giữa anh em. 

 

1. “Hãy nôn nả tìm kiếm tình yêu thương” nghĩa là thế nào? Làm thế nào để “Nôn nả tìm kiếm tình yêu thương” (c. 1a)?

2. “Sự ban cho nói tiên tri” hay “ơn nói tiên tri” là ân tứ gì (c. 1b)?

3. Xin so sánh ơn nói tiên tri và ơn nói tiếng lạ dựa vào câu 2-4:

 

NÓI TIẾNG LẠ

NÓI TIÊN TRI

Nói với:

Nói với:

Mục đích:

Mục đích:

 

4. Phao-lô ước ao ân tứ gì cho các tín hữu Cô-rinh-tô? Tại sao?

5. Phao-lô muốn nói điều gì trong câu 5?

6. Xin cho biết hai hình ảnh Phao-lô dùng để minh họa trong câu 7-8? Ý Phao-lô muốn trình bày trong minh họa nầy là gì?

7. Phao-lô đối chiếu hình ảnh nhạc cụ (c. 7-8) với việc nói tiếng lạ (câu 9-11) như thế nào?

8. So sánh câu 4 và câu 12, Phao-lô ước mong thấy điều gì trong Hội Thánh?

9. “Tâm thần cầu nguyện” “trí khôn lơ lửng” (c. 14) nghĩa là thế nào?

10. Chữ “gây dựng” được nhắc lại trong câu 17 cho thấy điều gì?

11. Phao-lô nêu gương gì trong câu 18-19?

12. Xin viết lại ý của câu 20 bằng lời riêng của Bạn và viết điều áp dụng cho mình.

13. Xin cho biết lợi ích của ơn nói tiên tri trong câu 24-25.

 

Thư I Cô-rinh-tô 12:1 – 14:40 là phần Kinh Thánh Phao-lô nói về ân tứ:

·    12:1-11: Đức Thánh Linh là nguồn của mọi ân tứ

·    12:12-31a: Các ân tứ khác nhau nhưng hợp nhất với nhau

·    12:31b – 13:13: Yêu thương là yếu tố cần thiết trong việc sử dụng ân tứ

·    14:1-25: Ân tứ nói tiên tri và ân tứ nói tiếng lạ

·    14:26-40: Thứ tự trong giờ thờ phượng

I Cô-rinh-tô 13 nằm giữa hai chương 12 và 14, cho thấy tình yêu thương là vấn đề then chốt trong việc sử dụng ân tứ. Trong phần còn lại (Chương 14), ông tập trung vào hai ân tứ nói tiên trinói tiếng lạ trước khi nói đến việc thờ phượng trong Hội Thánh.

Phao-lô bắt đầu phần nầy với câu:

Hãy nôn nả tìm kiếm tình yêu thương. Cũng hãy ước ao các sự ban cho thiêng liêng, nhứt là sự ban cho nói tiên tri (c. 1)

Vì vừa mới ca tụng tính cách độc tôn của tình yêu thương (Chương 13), Phao-lô kêu gọi người Cô-rinh-tô: Hãy nôn nả tìm kiếm tình yêu thương (c. 1a). Trước khi nói về tình yêu thương, ông nói: Bây giờ, tôi sẽ chỉ dẫn cho anh em con đường tốt lành hơn (12:31b) hàm ý con đường tốt lành đó là tình yêu thương. Sau khi trình bày con đường tốt lành là tình yêu thương, Phao-lô nói: Hãy nôn nả tìm kiếm tình yêu thương (c. 1a). Tìm kiếm mang ý nghĩa đeo đuổi, coi đó là mục tiêu cho đời sống, là triết lý sống của mình.

Yêu thương phải là yếu tố nền tảng trước khi nói đến mong ước được ban cho ân tứ: Hãy nôn nả tìm kiếm tình yêu thương. Cũng hãy ước ao các sự ban cho thiêng liêng Tín hữu Cô-rinh-tô thường ước ao ân tứ nói tiếng lạ như thể để cho người khác thấy là mình thiêng liêng hơn. Nhưng Phao-lô phân tích và cho thấy ân tứ nói tiên tri cần thiết hơn trong việc xây dựng Hội Thánh. Vì vậy ông nói với họ: Nhứt là sự ban cho nói tiên tri (c. 1b). Nói tiên tri là ân tứ Chúa ban để nói ra sứ điệp từ nơi Chúa. Đó là nhiệm vụ chính của chức vụ tiên tri: người thay mặt Đức Chúa Trời phán dạy loài người (“Đức Giê-hô-va phán rằng…”). Nói tiên tri tương đương với chức vụ rao giảng Lời Chúa ngày nay, với sứ điệp từ Lời Chúa, không phải lời riêng của mình.

Phao-lô phân biệt nói tiên trinói tiếng lạ như sau (c. 2-4):

 

NÓI TIẾNG LẠ

NÓI TIÊN TRI

Nói với:

·      Đức Chúa Trời

Nói với:

·      Người ta

Mục đích:

·      Tự gây dựng lấy mình

 

Mục đích:

·      Gây dựng

·      Khuyên bảo

·      An ủi

·      Gây dựng cho Hội Thánh

 

Sau khi trình bày sự khác nhau giữa nói tiên tri và nói tiếng lạ, Phao-lô viết:

Tôi ước ao anh em đều nói tiếng lạ cả, song tôi còn ước ao hơn nữa là anh em nói tiên tri. Người nói tiên tri là trọng hơn kẻ nói tiếng lạ mà không giải nghĩa để cho Hội Thánh được gây dựng (c. 5)

Vì biết người Cô-rinh-tô chuộng ơn nói tiếng lạ nên Phao-lô viết: Tôi ước ao anh em đều nói tiếng lạ cả (c. 5a) hàm ý rằng anh em ước ao được ơn nói tiếng lạ là tốt, tôi cũng ước ao cho anh em như vậy. Nhưng Phao-lô nói thêm: Song tôi còn ước ao hơn nữa là anh em nói tiên tri (c. 5b) và ông giải thích: Người nói tiên tri là trọng hơn kẻ nói tiếng lạ mà không giải nghĩa để cho Hội Thánh được gây dựng (c. 5c). Phao-lô không có ý chống lại ơn nói tiếng lạ nhưng ông nhấn mạnh một điều: nói tiếng lạ thì phải giải nghĩa!

Ơn nói tiếng lạ là điều tốt với điều kiện, lời mình nói phải được giải nghĩa, vì mục đích của các ân tứ là để cho Hội Thánh được xây dựng! Phao-lô KHÔNG nói: Người nói tiên tri là trọng hơn kẻ nói tiếng lạ. Ông nói: Người nói tiên tri là trọng hơn kẻ nói tiếng lạ mà không giải nghĩa để cho Hội Thánh được gây dựng. Mục đích của ân tứ là để xây dựng Hội Thánh, tiếng lạ chỉ xây dựng Hội Thánh khi được giải nghĩa rõ ràng.

Phao-lô giải thích và minh hoạ điều nầy trong những câu kế tiếp:

Hỡi anh em, ví bằng tôi đến cùng anh em, nói các thứ tiếng lạ, mà lời nói tôi chẳng tỏ sự kín nhiệm, chẳng có sự thông biết, chẳng có lời tiên tri, chẳng có sự khuyên dạy, thì ích gì đến anh em? (c. 6)

Phao-lô đối chiếu giữa tiếng lạ với sự kín nhiệm, sự thông biết, lời tiên tri sự khuyên dạy (mạc khải, tri thức, lời tiên tri, sự dạy dỗ, BHĐ). Sự khác nhau giữa tiếng lạ và những điều nầy là ích lợi cho người nghe (c. 6b). Người Cô-rinh-tô phải hiểu Phao-lô nói qua mạc khải, tri thức, lời tiên tri, sự dạy dỗ thì mới có ích lợi cho họ. Nếu ông chỉ đến nói các thứ tiếng lạ mà không giải thích thì không ích lợi gì cho ai.

Phao-lô minh họa điều nầy với hai ví dụ: nhạc khí và ngôn ngữ.

Nhạc khí (c. 7-9). Phao-lô nói hai điều:

·         Âm thanh khác nhau giữa các nhạc khí (c. 7)

·         Âm thanh rõ ràng của nhạc khí (c. 8)

 

Âm thanh khác nhau giữa các nhạc khí:

Vậy, dẫu vật không linh tánh phát ra tiếng, như ống tiêu, đàn cầm: nếu không có âm điệu phân biệt nhau, thể nào nhận biết được ống tiêu hay là đàn cầm thổi và khảy cái chi? (c. 7)

Vật không linh tánh nói đến những đồ vật không có sự sống. Những đồ vật không có sự sống nhưng khi phát ra âm thanh thì âm thanh khác nhau: tiếng ống tiêu (sáo) khác với tiếng đàn cầm (thụ cầm):

Ngay cả những nhạc cụ không hồn, như sáo hay thụ cầm, nếu không phát ra âm thanh riêng biệt, làm sao nhận ra được tiếng sáo hay thụ cầm? (c. 7, BHĐ)

Âm thanh rõ ràng của nhạc khí:

Lại nếu kèn trổi tiếng lộn xộn, thì ai sửa soạn mà ra trận? (c. 8)

Ngày xưa, người ta thường dùng kèn để ra lệnh tiến quân hay lui quân. Nếu tiếng kèn lộn xộn (“không rõ ràng,” BHĐ) quân lính sẽ không thể chuẩn bị để chiến đấu.

Phao-lô kết luận phần nầy:

Anh em cũng vậy, nếu dùng lưỡi nói chẳng rõ ràng cho người ta nghe, thì làm sao họ được biết điều anh em nói? Vì anh em nói bông lông (c. 9)

Dùng lưỡi nói chẳng rõ ràng cho người ta nghe hàm ý sử dụng ân tứ tiếng lạ nhưng thiếu thông giải. Nói tiếng lạ mà thiếu thông giải thì người nghe không hiểu được và sẽ cho rằng đó là nói bông lông (“nói vu vơ,” BHĐ – nguyên văn: “nói vào khoảng không).

Phao-lô thêm một ví dụ khác để nói về tiếng lạ mà thiếu thông giải:

Trong thế gian nầy có lắm thứ tiếng, mỗi thứ đều có nghĩa. Vậy nếu tôi chẳng biết nghĩa của tiếng nói đó, thì người nói tiếng đó sẽ coi tôi là mọi và tôi cũng coi họ là mọi nữa (c. 10-11)

Đây là ví dụ về ngôn ngữ. Mỗi ngôn ngữ đều có nghĩa riêng cho người sử dụng ngôn ngữ đó nhưng với người không hiểu được thì đó chỉ là tiếng mọi rợ! Mọi (barbaros) là một danh từ tượng thanh trong nguyên văn. Đọc chữ nầy, người ta nghe ra những chữ “ba… ba” vô nghĩa. Đây cũng là danh từ dùng để chỉ những dân tộc kém văn minh mà người Hy-lạp coi là mọi rợ (“dã man,” Rô-ma 1:14). Tiếng lạ mà thiếu thông giải, chẳng những người khác không hiểu mà còn coi thường người nói tiếng lạ nữa. Người Cô-rinh-tô thường hãnh diện về ơn nói tiếng lạ nhưng Phao-lô cho biết, nếu thiếu thông giải, ơn nói tiếng lạ sẽ trở thành vô nghĩa và bị coi thường.

Phao-lô kết luận:

Ấy vậy, vì anh em nôn nả ước ao các sự ban cho thiêng liêng, hãy tìm cho được dư dật đặng gây dựng Hội Thánh (c. 12)

Mục đích chính của ân tứ là xây dựng Hội Thánh (c. 4). Có ân tứ nói tiếng lạ mà thiếu thông giải thì không xây dựng Hội Thánh (c. 5b) nên lời khuyên của Phao-lô là hãy tìm ân tứ để xây dựng Hội Thánh, hàm ý ơn nói tiếng lạ thì phải có thông giải đi kèm, như điều ông nói trong câu tiếp theo:

Bởi đó, kẻ nói tiếng lạ, hãy cầu nguyện để được thông giải tiếng ấy (c. 13)

Phao-lô giải thích điều nầy qua hai phương cách cầu nguyện: (1) Cầu nguyện bằng tiếng lạ. Và: (2) Cầu nguyện bằng trí khôn. Ông viết:

Vì nếu tôi cầu nguyện bằng tiếng lạ, thì tâm thần tôi cầu nguyện, nhưng trí khôn tôi lơ-lửng. Vậy thì tôi sẽ làm thế nào? Tôi sẽ cầu nguyện theo tâm thần, nhưng cũng cầu nguyện bằng trí khôn. Tôi sẽ hát theo tâm thần, nhưng cũng hát bằng trí khôn. Bằng không, nếu ngươi chỉ lấy tâm thần mà chúc tạ, thì người tầm thường ngồi nghe, chẳng hiểu ngươi nói gì, thể nào họ theo lời chúc tạ mình mà đáp lại rằng “A-men” được? Thật vậy, lời chúc tạ của ngươi vẫn tốt lành song kẻ khác chẳng nhờ đó mà được gây dựng (c. 14-17)

Cầu nguyện bằng tiếng lạ thì:

·      Tâm thần: cầu nguyện

·      Trí khôn: lơ lửng

Lơ lửng nghĩa là không nhận được kết quả: “Vì nếu tôi cầu nguyện bằng tiếng lạ thì tâm linh tôi cầu nguyện nhưng tâm trí tôi không nhận được kết quả gì” (BHĐ). Qua câu nầy chúng ta có thể hiểu rằng, người cầu nguyện bằng tiếng lạ có thể không kiểm soát được những gì mình nói, vì lúc đó Đức Thánh Linh thúc đẩy cầu nguyện. “Tâm trí không nhận được kết quả” nghĩa là không thật sự hiểu lời cầu nguyện của chính mình.

Để dung hòa, Phao-lô nói: “Vậy tôi phải làm gì? Tôi sẽ cầu nguyện bằng tâm linh, nhưng cũng cầu nguyện bằng tâm trí; tôi sẽ hát bằng tâm linh, nhưng cũng hát bằng tâm trí” (c. 15, BHĐ). Ông hàm ý đây là điều người tin Chúa cần làm trong giờ thờ phượng vì cầu nguyệnhát là hai phần chính của thờ phượng. Chúng ta không chỉ cầu nguyện hay hát theo sự cảm thúc trong lòng nhưng phải cầu nguyện và ý thức hay hiểu điều mình cầu nguyện và hát. Lý do vì đây là thờ phượng tập thể, chung với các con cái Chúa để tất có thể đồng thanh chúc tạ với lời nói A-men (“thật vậy, đồng ý như vậy”):

Bằng không, nếu anh ca ngợi bằng tâm linh thì làm thế nào những người bình thường ngồi nghe có thể nói “A-men” với lời tạ ơn của anh được, nếu họ không hiểu anh nói gì? (c. 16, BHĐ)

Môt lần nữa, Phao-lô nhấn mạnh yếu tố xây dựng trong Hội Thánh:

Dù lời tạ ơn của anh thật tốt, nhưng không xây dựng cho người khác (c. 17, BHĐ)

Áp dụng điều nầy vào Hội Thánh ngày nay, hai yếu tố tâm linh và tâm trí phải đi chung với nhau trong khung cảnh thờ phượng. Khi cầu nguyện cũng như khi hát, cả tinh thần và ý nghĩa của lời cầu nguyện và bài hát phải đi chung với nhau. Chúng ta không thể chỉ nhấn mạnh phần nầy mà bỏ phần kia!

Phao-lô nói về kinh nghiệm của ông trong vấn đề nầy như sau:

Cảm tạ Đức Chúa Trời, tôi nói được các thứ tiếng lạ nhiều hơn tất cả anh em. Tuy nhiên, trong Hội Thánh, tôi thà nói năm lời bằng tâm trí để dạy dỗ người khác, hơn là cả vạn lời bằng tiếng lạ (c. 18-19, BHĐ)

Câu nầy cho thấy: Phao-lô có ơn nói tiếng lạ nhưng ông sử dụng ơn nói tiên tri (“lời bằng tâm trí để dạy dỗ người khác”) nhiều hơn nói tiếng lạ!

Trước khi nêu thêm một lý do nữa về việc nên nói tiên tri hơn là nói tiếng lạ (c. 23-25), Phao-lô hàm ý trong câu 20 rằng, chuộng nói tiếng lạ là còn trẻ con, chưa trưởng thành:

Thưa anh em, về sự hiểu biết, đừng nên như trẻ con, nhưng về điều ác, hãy nên như trẻ con. Về sự hiểu biết, hãy nên như người trưởng thành (c. 20, BHĐ)

Động từ, “đừng nên như trẻ con” mang ý nghĩa, “Đừng tiếp tục suy nghĩ cách ấu trĩ như vậy nữa!” nghĩa là cho rằng ơn nói tiếng lạ là hơn mọi ơn khác. Đối với tội lỗi và điều ác thì tinh thần trẻ thơ là điều tốt nhưng trong suy nghĩ, cần suy nghĩ như người trưởng thành.

Phao-lô cho thấy tiếng lạtiên tri là hai phương tiện khác nhau mà Đức Chúa Trời dùng để truyền đạt ý chỉ của Ngài:

·      Tiếng lạ cho người không tin.

·      Tiên tri cho người tin.

Tiếng lạ Phao-lô nói đây là hình thức tiếng lạ trong ngày Lễ Ngũ Tuần (tiếng ngoại quốc) khiến cho người ngoại ngạc nhiên và cảm nhận “sự cao trọng của Đức Chúa Trời” (Công vụ 2:11).

Phao-lô trích Ê-sai 28:11-12:

Trong luật pháp có chép:

“Chúa phán: Ta sẽ phán với dân nầy qua những người nói tiếng khác,

Và môi miệng người ngoại quốc, dù vậy, chúng sẽ không chịu nghe Ta” (c. 21, BHĐ)

Ví dụ nầy cho thấy con dân Chúa ngày xưa là những người tin Chúa và dù cho Đức Chúa Trời dùng môi miệng người ngoại quốc (hàm ý Chúa đã hình phạt dân sự Chúa qua những kẻ thù ngoại quốc xâm lăng), họ vẫn không nghe. Hình thức “nói tiếng ngoại quốc” đó đã không ứng dụng được cho con dân Chúa ngày xưa thể nào thì nay cũng vậy: tiếng ngoại quốc (tiếng lạ) không phải cho người tin Chúa. Vì vậy, Phao-lô kết luận:

Thế thì, các tiếng lạ không phải là dấu hiệu cho người tin, mà cho người không tin nhưng lời tiên tri không phải là dấu hiệu cho người không tin, mà cho người tin (c. 22, BHĐ)

Câu 22 không mâu thuẫn với điều Phao-lô sắp trình bày trong câu 23-25 tiếp theo:

(1) Nếu chúng ta hiểu người không tin là nói đến “thái độ không tin” của con dân Chúa trong Ê-sai 28 và như vậy, lời tiên tri trong giờ thờ phượng của Hội Thánh chủ yếu không phải cho người chưa tin.

(2) Câu 22 có thể là câu hỏi hùng biện (tu từ)–hỏi mà không cần trả lời: “Thế thì, các tiếng lạ không phải là dấu hiệu cho người tin, mà cho người không tinlời tiên tri không phải là dấu hiệu cho người không tin, mà cho người tin, hay sao?” (Leon Morris trích dẫn B. C. Johanson dựa vào cấu trúc tương đương của Ga-la-ti 4:16).

Chúng ta nhớ Phao-lô nhấn mạnh hai điều trong phần Kinh Thánh nầy:

1. Đây là khung cảnh thờ phượng trong Hội Thánh.

2. Ân tứ được sử dụng với mục đích xây dựng Hội Thánh.

Do đó, ông kết luận:

Vậy, khi cả Hội Thánh cùng nhóm lại, tất cả đều nói tiếng lạ, mà có người bình thường và người chưa tin bước vào thì họ không nói rằng anh em điên sao? Nhưng nếu tất cả đều nói tiên tri, mà có người không tin và người bình thường bước vào thì họ sẽ bị thuyết phục và phán xét bởi tất cả các lời tiên tri. Những điều ẩn giấu trong lòng họ được phơi bày, họ sẽ sấp mình xuống thờ lạy Đức Chúa Trời, và tuyên bố rằng: “Đức Chúa Trời thật đang ở giữa anh em” (c. 23-25, BHĐ)

Lời kết luận nầy hàm ý, tiếng lạ trong giờ thờ phượng cần phải đi kèm với lời thông giải nếu không sẽ gây hiểu lầm cho người chưa tin. Ngược lại, dù lời tiên tri không chủ yếu dành cho người chưa tin, nhưng qua lời tiên tri, họ có thể bị thuyết phục và ý thức sự hiện của Đức Chúa Trời trong giờ thờ phượng và tôn thờ Ngài. Đây là điều xảy ra khi Hội Thánh trung tín rao giảng chân lý từ Kinh Thánh cho tín đồ. Chính bài giảng cho tín đồ sẽ thuyết phục người chưa tin để họ tiếp nhận!