Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 6

Tình Yêu Quở Trách

Châm-ngôn 27:5-6

“Một lời quở trách tỏ tường hơn là thương yêu giấu kín. Bạn hữu làm cho thương tích, ấy bởi lòng thành tín; còn sự hôn hít của kẻ ghen ghét lấy làm giả ngụy.”

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao “Một lời quở trách tỏ tường hơn là thương yêu giấu kín”? Hành động này được thúc đẩy bằng động cơ nào? Vì sao bạn thường tránh né làm điều này với bạn hữu mình?

Hai cặp hình ảnh tương phản được đưa ra như để xác nhận sự dạy dỗ được trình bày trong hai câu Châm-ngôn này. Thứ nhất, “một lời quở trách tỏ tường” so sánh với “thương yêu giấu kín.” Sự so sánh cho thấy tình yêu thật phải được bày tỏ bằng hành động. Tình yêu không bày tỏ bằng hành động đúng đắn thì tình yêu đó không có giá trị. Lời quở trách làm đau đớn nhưng cần thiết cho tình yêu bằng hữu. Thứ hai, “bạn hữu làm cho thương tích” tương phản với “sự hôn hít của kẻ ghen ghét.” Nhiều người thường kết hợp “sự hôn hít” với “bạn hữu,” và “thương tích” với “kẻ ghen ghét.” Nhưng một người bạn thật sự sẽ sẵn sàng đem “thương tích” cho anh chị em mình khi cần thiết, là khi “thương tích” đó đến “bởi lòng thành tín.” Nói như vậy không có nghĩa bạn hữu chỉ đem đến “thương tích” cho nhau, nhưng “sự hôn hít” cũng cần thiết cho tình bạn hữu, miễn là “sự hôn hít” đó không phải được thực hiện một cách “giả ngụy.”

Câu Châm-ngôn này cho thấy một thực tế, đó là “lời quở trách” sẽ khiến đau đớn như mang lấy “thương tích,” nhưng đừng để sự tổn thương về cảm xúc mà không nhận ra “lòng thành tín” của anh chị em khi muốn gây dựng mình. Ngược lại, khi chúng ta quở trách anh chị em mình thì cũng hãy nhớ rằng họ cũng đang rất đau đớn vì lời quở trách đó. Do đó, hãy quở trách bằng cả “lòng thành tín,” nghĩa là quở trách là vì muốn gây dựng tình bạn hữu, vì yêu thương anh chị em mình. Sứ đồ Phao-lô đưa ra một nguyên tắc quan trọng khi đối diện với những sai phạm của anh chị em: “Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh Linh, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại; chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ dành chăng” (Ga-la-ti 6:1). Động từ “sửa lại” là một từ ngữ y khoa chỉ về sự khéo léo, nhẹ nhàng, khôn ngoan khi sắp xếp lại những mảnh xương gãy. Hãy “quở trách” anh chị em mình trong tinh thần mềm mại và khiêm nhường như vậy vì biết mình cũng không tránh sai phạm.

Nhiều người vì không muốn làm người khác buồn lòng, và cũng không muốn bị làm phiền nên thường lấy những lời ngọt ngào, dù không thành thật, để xoa dịu tự ái của bạn hữu. Nhưng “Đức Chúa Trời là sự sáng” (I Giăng 1:5) nên con cái Ngài phải sống ngay thẳng, và chân thật với những người chung quanh. Chúa muốn chúng ta, là những anh chị em trong đức tin, hãy “lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật” (Ê-phê-sô 4:15).

Bạn có mềm mại và khiêm nhường khi quở trách sai phạm của anh chị em mình không?

Lạy Chúa, xin cho con tấm lòng mềm mại để lắng nghe những lời quở trách trong tình thương của khác, và xin cho con có tình yêu và sự khôn ngoan để gây dựng nâng đỡ anh chị em con khi họ lầm lỗi.

(c) 2024 svtk.net