Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 35

PHỤ NỮ TRONG HỘI THÁNH (14:33b-40)

 

Hãy làm như trong cả Hội Thánh của các thánh đồ, 34 đàn bà phải nín lặng trong đám hội của anh em: họ không có phép nói tại nơi đó, nhưng phải phục tùng cũng như luật pháp dạy. 35 Nhược bằng họ muốn học khôn điều gì, thì mỗi người trong đám họ phải hỏi chồng mình ở nhà; bởi vì đàn bà nói lên trong Hội Thánh là không hiệp lẽ. 36 Có phải là đạo Đức Chúa Trời ra từ nơi anh em, hoặc chỉ đến cùng anh em mà thôi chăng?

37 Nếu ai tưởng mình là tiên tri, hay là được Đức Thánh-Linh soi-sáng, thì người ấy hãy biết rằng điều tôi viết cho anh em đây là mạng lịnh của Chúa. 38 Mà nếu ai muốn bỏ qua thì mặc họ bỏ qua!

39 Ấy vậy, hỡi anh em, hãy trông mong ơn nói tiên tri, và đừng ngăn trở chi về điều nói tiếng lạ. 40 Nhưng mọi sự đều nên làm cho phải phép và theo thứ tự.

 

1. Theo câu 34-35, có phải là phụ nữ không được phép phát biểu hay dạy dỗ trong Hội Thánh? Nếu không phải thì Phao-lô muốn nói điều gì trong các câu nầy?

2. Xin tóm tắt điều Phao-lô nói trong câu 39-40 về ơn nói tiên tri và ơn nói tiếng lạ:

(1) ____________________________________________________________

(2) ____________________________________________________________

(3) ____________________________________________________________

 

Để giúp hiểu được những phần Kinh Thánh khó giải thích tương tự như câu 34-35, Mục sư John Stott đề nghị chúng ta để ý đến hai nguyên tắc giải kinh quan trọng:

1. Nguyên tắc hòa hợp (harmony) nghĩa là Kinh Thánh không thể tự mâu thuẫn. Trong sáng tạo, nam và nữ cùng được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời (Sáng 1:27). Trong ơn cứu rỗi, nam và nữ có giá trị như nhau (Ga-la-ti 3:28). Trong chức vụ cũng có các nữ quan xét, nữ tiên tri và những người như Bê-rít-sin (Công vụ 18:26).

2. Nguyên tắc lịch sử/văn hóa (history/culture) nói đến những tập tục có thể thay đổi theo thời gian và từng địa phương nhưng không đi ngược lại nguyên tắc của Kinh Thánh.

Cũng có nguyên tắc thứ ba:

3. Nguyên tắc văn mạch (context) đây là phần Kinh Thánh nói về thứ tự thờ phượng và sử dụng ân tứ nói tiên tri. Các câu Kinh Thánh nà phải được hiểu trong văn mạch đó.

Tác giả Alan Johnson đề nghị giải thích I Cô 14:34-35 như sau:

Vấn đề Phao-lô nói đến trong câu 34-35… là vấn đề thứ tự thờ phượng. Có những phụ nữ đã làm gián đoạn giờ thờ phượng vì họ đặt câu hỏi khi đang có người nói tiên tri. Những câu hỏi nầy có thể là câu hỏi chính đáng để học hỏi nhưng cách hỏi không thích hợp khiến giờ thờ phượng bị gián đoạn (Alan Johnson, trang 274)

Vì lý do trên, Phao-lô nói:

Như trong tất cả Hội Thánh của các thánh đồ, phụ nữ phải giữ yên lặng trong Hội Thánh. Họ không được phép nói, nhưng phải thuận phục như luật pháp đã dạy (c. 33b-34, BHĐ)

Phụ nữ không được phép nói hàm ý không được ngắt lời người đang nói tiên tri trong giờ thờ phượng . Câu nầy không cấm phụ nữ dạy dỗ trong Hội Thánh vì trong 11:5, Phao-lô nhắc đến việc người đàn bà… giảng đạo (nói tiên tri). I Ti-mô-thê 2:11-12 cũng cần được hiểu trong văn mạch tương tự, nói về thờ phượng. Đàn bà (phụ nữ) trong câu nầy ám chỉ đó là vợ của người đang nói tiên tri chứ không nói đến toàn thể phụ nữ:

Nếu muốn tìm biết điều gì, họ nên hỏi chồng mình ở nhà vì phụ nữ nói giữa Hội Thánh là điều đáng xấu hổ (c. 35, BHĐ)

Hội Thánh Cô-rinh-tô có khuynh hướng muốn đặt luật riêng cho mình, cho rằng lời của họ có thẩm quyền tối hậu nên Phao-lô viết:

Có phải lời Đức Chúa Trời phát xuất từ anh em, hay chỉ đến với riêng anh em thôi sao? (c. 36, BHĐ)

Phao-lô cho thấy lời dạy của ông mới có thẩm quyền tối hậu vì điều tôi viết cho anh em đây là mạng lệnh của Chúa (c. 37b). Mạng lệnh của Chúa hàm ý thẩm quyền sứ đồ của Phao-lô để đối chiếu với người Cô-rinh-tô cho rằng họ là tiên tri hay được Đức Thánh Linh soi sáng (c. 37a). Tác giả D. A. Carson viết: “Xưa cũng như nay, người có Đức Thánh Linh là người phục tùng lời dạy của các sứ đồ.” Ân tứ thuộc linh luôn luôn nằm trong sự dạy dỗ của Kinh Thánh, không thể đi ra ngoài.

Câu 38 trong nguyên văn là: “Người không công nhận điều nầy thì cũng sẽ không được công nhận!”

Phao-lô kết luận phần nầy với những điều sau:

1. Hãy ao ước ân tứ nói tiên tri (c. 39a).

2. Không ngăn trở việc nói tiếng lạ (c. 39b).

3. Thực hiện mọi sự cách thích hợp và trật tự (c. 40a).

Kết luận nầy cho thấy:

1. Phao-lô đặc biệt nhấn mạnh ân tứ nói tiên tri vì đây là ân tứ xây dựng Hội Thánh (c. 3-5).

2. Phao-lô không cấm việc nói tiếng lạ nhưng khuyên phải có thông giải để xây dựng Hội Thánh (c. 5b).

3. “Thích hợp” hàm ý trang trọng, không màu mè cũng không thô thiển. “Trật tự” là đặc tính của Đức Chúa Trời (c. 33).

Việc thờ phượng của chúng ta cần theo khuôn mẫu nầy.