Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 37

TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỰ PHỤC SINH (15:12-34)

 

12 Vả, nếu giảng-dạy rằng Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, thì sao trong anh em có kẻ nói rằng những kẻ chết chẳng sống lại? 13 Nếu những kẻ chết không sống lại, thì Đấng Christ cũng đã chẳng sống lại nữa. 14 Lại nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì sự giảng dạy của chúng tôi ra luống công, và đức tin anh em cũng vô ích. 15 Lại nếu kẻ chết quả thật không sống lại, thì Đức Chúa Trời đã chẳng khiến Đấng Christ sống lại, mà chúng tôi đã làm chứng trái với Đức Chúa Trời rằng Ngài đã làm cho Đấng Christ sống lại, té ra chúng tôi làm chứng dối cho Đức Chúa Trời. 16 Vì nếu kẻ chết chẳng sống lại, thì Đấng Christ cũng đã chẳng sống lại nữa. 17 Và nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì đức tin anh em cũng vô ích, anh em còn ở trong tội lỗi mình. 18 Vậy, những kẻ ngủ trong Đấng Christ cũng phải hư mất đời đời. 19 Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết.

20 Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ. 21 Vả, vì chưng bởi một người mà có sự chết, thì cũng bởi một người mà có sự sống lại của những kẻ chết. 22 Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại, 23 nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa, rồi tới ngày Đấng Christ đến, những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại. 24 Kế đó, cuối cùng sẽ đến, là lúc Ngài sẽ giao nước lại cho Đức Chúa Trời là Cha, sau khi Ngài đã phá diệt mọi đế quốc, mọi quyền cai trị, và mọi thế lực 25 vì Ngài phải cầm quyền cho đến chừng đặt những kẻ thù nghịch dưới chân mình. 26 — Kẻ thù bị hủy diệt sau cùng, tức là sự chết. — 27 Vả, Đức Chúa Trời đã để muôn vật dưới chân Ngài mà đã nói rằng muôn vật phục Ngài, thì chắc phải trừ ra Đấng làm cho muôn vật phục Ngài. 28 Khi muôn vật đã phục Ngài, thì bấy giờ chính mình Con sẽ phục Đấng đã làm cho muôn vật phục mình, hầu cho Đức Chúa Trời làm muôn sự trong muôn sự.

29 Bằng chẳng vậy, những người vì kẻ chết chịu phép báp-têm sẽ làm chi? Nếu kẻ chết quả thật không sống lại, thì sao họ vì những kẻ ấy mà chịu phép báp-têm? 30 Lại sao chính mình chúng tôi giờ nào cũng ở trong sự nguy hiểm? 31 Hỡi anh em, tôi chết hằng ngày, thật cũng như anh em là sự vinh hiển cho tôi trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta. 32 Nếu tôi theo cách loài người mà đã đánh cùng các loài thú ở thành Ê-phê-sô, thì có ích gì cho tôi? Nếu kẻ chết chẳng sống lại, thì hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết! 33 Anh em chớ mắc lừa: Bạn bè xấu làm hư thói nết tốt. 34 Hãy tỉnh biết, theo cách công bình và chớ phạm tội vì có người không biết Đức Chúa Trời chút nào, tôi nói vậy để anh em hổ thẹn.

 

1. Xin cho biết những lý luận của Phao-lô về giáo lý phục sinh trong câu 13-18:

 

KINH THÁNH

NẾU

KẾT QUẢ

Câu 13

 

 

Câu 14

 

1.

2.

Câu 15

 

 

1.

 

2.

 

3.

Câu
16-18

 

 

1.

 

2.

 

3.

 

2. Tại sao, “Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết?” “Khốn nạn” nghĩa là thế nào?

3. “Trái đầu mùa của những kẻ ngủ” (c. 20) nghĩa là gì?

4. Phao-lô lập luận về sự sống lại trong câu 21-22 như thế nào? Xin giải thích lập luận nầy.

5. Sự sống lại của con người sẽ xảy ra khi nào? Tại sao (c. 23)?

6. Theo câu 24, khi nào là “cuối cùng?”

7. Xin cho biết những ví dụ Phao-lô nêu ra cho thấy sống lại là điều phải xảy ra (c. 29-32).

8. Câu 34 khuyên chúng ta điều gì? Áp dụng như thế nào?

 

Chúa Giê-xu phục sinh là trọng tâm của Phúc Âm (c. 12a) nhưng có người không tin vào sự phục sinh (c. 12b) nên Phao-lô lý luận về giáo lý phục sinh trong câu 13-18 như sau:

 

KINH THÁNH

NẾU

KẾT QUẢ

Câu 13

Người chết không sống lại

Chúa Giê-xu đã không sống lại

Câu 14

Chúa Giê-xu không sống lại

1. Sự giảng dạy của Phao-lô vô ích

2. Đức tin người Cô-rinh-tô vô ích

Câu 15

Người chết không sống lại

1. Đức Chúa Trời không khiến Chúa Giê-xu sống lại

2. Làm chứng trái với Đức Chúa Trời

3. Làm chứng dối

Câu
16-18

Người chết không sống lại

1. Chúa Giê-xu đã không sống lại

2. Đức tin người Cô-rinh-tô vô ích (còn ở trong tội lỗi)

3. Người chết trong Chúa hư mất đời đời

 

Lý luận nầy cho thấy:

1. Sự phục sinh của Chúa Giê-xu và sự phục sinh của chúng ta liê n quanchặt chẽ với nhau: không thể có điều nầy nếu không có điều kia.

2. Sự phục sinh của Chúa Giê-xu là nền tảng cho sự rao giảng Phúc Âm của Phao-lô.

3. Sự phục sinh của Chúa Giê-xu là nền tảng cho sự cứu rỗi của người tin Chúa.

Phao-lô kết luận:

Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết (c. 19)

Chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi nghĩa là sẽ không có sự sống lại, không có sự sống đời sau. Khốn nạn mang ý nghĩa tội nghiệp. Nếu chúng ta đặt hết đức tin và hy vọng của chúng ta nơi Chúa Giê-xu mà Chúa không sống lại, nghĩa là chúng ta cũng sẽ không sống lại, chết rồi là hết, thì mọi thì giờ, công sức của chúng ta hy sinh tận hiến cho Chúa thật là phí uổng! Đây là điều ngược lại với sự thật Phao-lô cho thấy trong câu cuối của giáo lý phục sinh (c. 58).

Điều hoàn toàn ngược lại với sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi là:

Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ (c. 20)

Chúa Giê-xu phục sinh là nền tảng cho hy vọng của người tin Chúa. Trái đầu mùa là hình ảnh trong Cựu Ước (Xuất 23:16; Phục 26:1-11). Con dân Chúa đem hoa quả đầu mùa dâng, hàm ý dâng trọn cả mùa gặt cho Chúa. Trái đầu mùa cho thấy đó mới chỉ là phần đầu của những hoa quả còn lại sẽ thu hoạch. Chúa Giê-xu phục sinh là phần đầu của cả “mùa phục sinh” sẽ xảy ra trong tương lai, lúc Chúa trở lại (c. 23). Chúa Giê-xu là trái đầu mùa của những kẻ ngủ nghĩa là: “Ngài sống lại đầu tiên trong muôn triệu người sẽ sống lại” (Bản Diễn Ý).

Phao-lô giải thích tiến trình chết và sống lại của nhân loại như sau:

Vả, vì chưng bởi một người mà có sự chết, thì cũng bởi một người mà có sự sống lại của những kẻ chết. Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại (c. 21-22)

Đây là phần Kinh Thánh tương đương với Rô-ma 5:12 nói về ảnh hưởng của A-đam trên toàn thể nhân loại. A-đam là con người đại diện cho toàn thể nhân loại. Vì dòng dõi nhân loại liên kết với A-đam nên điều xảy ra cho A-đam cũng xảy ra cho mọi người, đó là sự chết, vì tội lỗi của A-đam. Tương tự như vậy, người tin nhận Chúa liên kết với Chúa Giê-xu nên sẽ được sống lại như Chúa đã sống lại. Tuy nhiên, có một thứ tự:

Nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa, rồi tới ngày Đấng Christ đến, những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại (c. 23)

Sự sống lại của người tin Chúa sẽ xảy ra trong ngày Chúa tái lâm (I Tê. 4:16). Người không tin sẽ sống lại trong ngày phán xét cuối cùng (Khải 20:13).

Kế đó, cuối cùng sẽ đến (c. 24a): đối chiếu câu 24-26 với Khải Huyền 20:4-26, từ lúc Chúa Giê-xu tái lâm và người tin Chúa sống lại cho đến thời điểm cuối cùng (c. 24a) là khoảng thời gian một ngàn năm nói đến trong Khải Huyền. Cuối cùng vì vậy là thời điểm lúc một ngàn năm chấm dứt. Đây là quan điểm tiền thiên niên (premillenial): Chúa Giê-xu tái lâm, người tin Chúa sống lại cùng trị vì với Chúa trong một ngàn năm.

Ngài sẽ giao nước lại cho Đức Chúa Trời là Cha (c. 24b). Câu nầy  không mang ý nghĩa Chúa Giê-xu thấp hơn Đức Chúa Cha nhưng đây là lời mô tả Chúa Giê-xu trong sứ mạng cứu rỗi. Chúa đã chịu chết và sống lại trong thân xác con người, do đó, Ngài đã phá diệt mọi đế quốc, mọi quyền cai trị và mọi thế lực (c. 24c) là những quyền lực tối tăm chống lại Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu đã chiến thắng qua sự phục sinh của Ngài: Ngài phải cầm quyền cho đến chừng đặt những kẻ thù nghịch dưới chân mình (c. 25).

Chính mình Con sẽ phục Đấng đã làm cho muôn vật phục mình (c. 28a) có cùng ý nghĩa với câu 24a (Ngài sẽ giao nước lại cho Đức Chúa Trời là Cha) nói về vai trò của Chúa Giê-xu khi Ngài mang thân xác con người, chịu chết và sống lại để hoàn thành chương trình cứu chuộc. Khi Chúa Giê-xu nói, “Cha tôn trọng hơn Ta” (Giăng 14:28) là nhấn mạnh đến nhân tánh của Ngài. Khi Kinh Thánh nói, Ngài bình đẳng với Đức Chúa Trời (Phi-líp 2:6) hay khi Chúa phán, “Ta với Cha là một” (Giăng 10:30) là nói đến thần tính của Ngài (Theo Augustine, Alan Johnson trích dẫn).

Sau khi cho thấy phục sinh là điều thiết yếu, không thể thiếu trong sự cứu rỗi (cả sự phục sinh của Chúa Giê-xu và sự phục sinh của người tin Chúa), Phao-lô dựa vào những hoàn cảnh đời thường để cho thấy, ngay cả suy nghĩ bình thường cũng đã cho thấy phục sinh là việc không thể không có:

1. Chịu phép báp-têm vì người chết (c. 29). Đây là một tập tục có lẽ đang có trong thời Phao-lô: những tín đồ còn sống chịu báp-têm thay cho người thân của mình không tin Chúa đã qua đời với hy vọng người thân sẽ được cứu nhờ mình chịu phép báp-têm thế cho. Giáo phái Mormons tin như vậy nên họ có một gia phả dài của tổ tiên mà người Mormon đứng ra chịu báp-têm thế cho những người đã qua đời. Dĩ nhiên Phao-lô không chấp nhận điều nầy, chỉ ông lấy đó làm ví dụ cho thấy, nếu không có sự sống đời sau, nếu không có sự sống lại thì đâu cần phải chịu báp-têm thế như vậy? Tương tự như trường hợp người vô thần nói về chuyện thế giới bên kia, chứng tỏ trong thâm tâm người đó biết rằng có sự sống đời sau. Phao-lô nói:

Nếu kẻ chết quả thật không sống lại, thì sao họ vì những kẻ ấy mà chịu phép báp-têm? (c. 29b)

2. Phao-lô và các bạn sẵn sàng sống trong nguy hiểm (c. 30-32a). Ông nói: “Mỗi ngày tôi phải đối diện với sự chết” (c. 31a, BHĐ).  Phao-lô hàm ý rằng, nếu không có hy vọng phục sinh thì ông và các bạn chịu khổ như vậy là vô lý và vô ích. Ông cũng muốn nói là ông sẵn sàng sống trong nguy hiểm vì người Cô-rinh-tô:

Tôi nói như vậy vì niềm tự hào của tôi về anh em… (c. 31b, BHĐ)

Phao-lô nói thêm về ý sẵn sàng chịu khổ nầy khi nhắc lại những kinh nghiệm đau thương của ông tại Ê-phê-sô khi bị kẻ thù chống đối cách hung bạo mà ông gọi là các loài thú ở thành Ê-phê-sô (c. 32a):

Nói theo cách loài người, thử hỏi tôi được lợi gì nếu tối chiến đấu với các thú dữ tại Ê-phê-sô? (c. 32a, BHĐ)

3. Sống buông thả (c. 32b). Phao-lô viết:

Nếu kẻ chết chẳng sống lại, thì hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết! (c. 32b)

Không tin có sự sống lại ngày sau sẽ ảnh hưởng chúng ta về mặt đạo đức: nếu không có đời sau thì sống đạo đức vô ích và không cần thiết. Đây là chủ trương của những người theo khoái lạc chủ nghĩa, họ viện vào lý do không có sự sống đời sau để sống buông thả.

Phao-lô nhân nói đến chủ trương nầy, khuyến cáo tín hữu Cô-rinh-tô cẩn thận, đừng để bạn bè xấu lừa dối, vì sống theo chủ trương đó là mắc tội với Chúa. Ông cũng cho thấy người chủ trương như vậy là thiếu hiểu biết về Đức Chúa Trời. Ông cũng nói thẳng ra để người chủ trương như vậy tự xấu hổ và không quyến dụ người khác sống theo chủ trương của mình:

Anh em chớ mắc lừa: “Bạn bè xấu làm hư tính nết tốt.” Hãy hồi tâm và đừng phạm tội nữa vì một số người trong anh em không biết Đức Chúa Trời. Tôi nói như vậy để anh em xấu hổ (c. 33-34, BHĐ)