Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 40

GÓP TIỀN CHO THÁNH ĐỒ (16:1-12)

 

1 Về việc góp tiền cho thánh đồ, thì anh em cũng hãy theo như tôi đã định liệu cho các Hội Thánh xứ Ga-la-ti. 2 Cứ ngày đầu tuần lễ, mỗi một người trong anh em khá tùy sức mình chắt lót được bao nhiêu thì để dành tại nhà mình, hầu cho khỏi đợi khi tôi đến rồi mới góp. 3 Khi tôi đến, tôi sẽ sai những kẻ mà anh em đã chọn cầm thơ tôi đi, đặng đem tiền bố thí của anh em đến thành Giê-ru-sa-lem. 4 Ví bằng việc đáng chính mình tôi phải đi, thì những kẻ ấy sẽ đi với tôi.

5 Vậy, tôi sẽ đến cùng anh em sau khi ghé qua xứ Ma-xê-đoan, vì tôi phải ghé qua xứ Ma-xê-đoan. 6 Có lẽ tôi trú lại nơi anh em hoặc cũng ở trọn mùa đông tại đó nữa, để anh em đưa tôi đến nơi tôi muốn đi. 7 Lần nầy tôi chẳng muốn chỉ gặp anh em trong khi ghé qua mà thôi, nếu Chúa cho phép, thì tôi rất mong ở cùng anh em ít lâu. 8 Nhưng tôi sẽ ở lại thành Ê-phê-sô cho đến lễ Ngũ Tuần, 9 vì tại đó có một cái cửa lớn mở toang ra cho công việc tôi, lại có nhiều kẻ đối địch.

10 Nếu Ti-mô-thê đến thăm anh em, hãy giữ cho người khỏi sợ sệt gì trong anh em: Vì người cũng làm việc cho Chúa như chính mình tôi vậy. 11 Nên chớ có ai khinh người, hãy đưa người đi về bình an, hầu cho người đến cùng tôi, vì tôi đương đợi người đồng đến với anh em. 12 Còn như anh em chúng ta là A-bô-lô, tôi thường cố khuyên người đi với anh em đây mà đến cùng các anh em, nhưng hiện nay người chắc chưa khứng đi, người sẽ đi trong khi có dịp tiện.

 

1. Xin cho biết những nguyên tắc Phao-lô nêu ra về việc góp tiền trong câu 1-4:

2. “Cái cửa lớn mở toang ra cho công việc tôi” (c. 9) chỉ về điều gì?

3. Tại sao Phao-lô có lời dặn dò về Ti-mô-thê trong câu 10-11?

 

Phần còn lại của Thư I Cô-rinh-tô (chương 16), Phao-lô dành ra để nói về:

1. Việc quyên góp tài chính giúp các tín hữu tại Giê-ru-sa-lem (c. 1-4).

2. Những dự định sắp đến của ông (c. 5-9).

3. Hai người bạn đồng lao: Ti-mô-thê và A-bô-lô (c. 10-12).

4. Một vài lời khuyên (c. 13-14).

5. Khen tặng những người đã cùng ông hầu việc Chúa (c. 15-18).

6. Lời chào cá nhân (c. 19-22).

7. Lời chúc phước (c. 23)

Việc góp tiền cho thánh đồ (c. 1a) là điều Phao-lô đã làm từ lâu khi ông và Ba-na-ba còn ở An-ti-ốt (Công vụ 11:29-30). Việc quyên góp nầy đã trở thành một công tác thường xuyên trong chức vụ của Phao-lô (Công vụ 24:17; I Cô. 16:1-4; II Cô. 8-9). Trong phần nầy, Phao-lô dặn các tín hữu Cô-rinh-tô làm những điều sau, như cách ông đã bảo các tín hữu Ga-la-ti, tức là các Hội Thánh An-ti-ốt Bi-si-đi, Y-cô-ni, Lít-trơ:

1. Tùy khả năng, nghĩa là tự nguyện, không bị ép buộc.

2. Dành tiền mỗi tuần để không phải đóng góp số tiền lớn một lần.

Đây là điều thực tế, chẳng những cho việc quyên góp cứu trợ nhưng cả trong việc dâng hiến hàng tuần cho Hội Thánh Chúa. Dành tiền ra vào ngày đầu tuần cũng cho thấy Hội Thánh lúc bấy giờ sinh hoạt vào Chúa Nhật, ngày Chúa phục sinh.

Câu 3-4 cho thấy Phao-lô rất cẩn thận trong vấn đề liên quan đến tiền bạc. Ông quyên tiền cho các tín hữu ở Giê-ru-sa-lem nhưng chính ông không đem tiền đó đi mà sai những kẻ mà anh em đã chọn cầm thơ tôi đi, đặng đem tiền bố thí của anh em đến thành Giê-ru-sa-lem (c. 3). Người cầm tiền đến cho Hội Thánh Giê-ru-sa-lem không phải là Phao-lô nhưng là chính người của Hội Thánh Cô-rinh-tô. Nếu cần Phao-lô mới cùng đi với họ (c. 4). Đây là một gương mẫu tốt khi làm những việc liên quan đến tiền bạc: luôn luôn tránh những điều có thể gây hiểu lầm.

Câu 5-9 nói về những dự dịnh của Phao-lô. Ông viết thư I Cô-rinh-tô khi đang ở Ê-phê-sô (c. 8). Ma-xê-đoan nằm về phía Bắc Cô-rinh-tô (xứ A-chai) nên khi nói:

Vậy, tôi sẽ đến cùng anh em sau khi ghé qua xứ Ma-xê-đoan, vì tôi phải ghé qua xứ Ma-xê-đoan (c. 5)

Ông hàm ý là sẽ từ Ê-phê-sô (xứ A-si) đến vùng phía Bắc của Ma-xê-đoan, nơi có các Hội Thánh Phi-líp, Tê-sa-lô-ni-ca và Bê-rê để thăm tại đó trước khi xuống Cô-rinh-tô. Ông cũng muốn ở lại Cô-rinh-tô ít lâu chứ không phải chỉ ghé thăm mà thôi. Dù dự định như vậy nhưng Phao-lô đã không thực hiện đúng như dự tính nên người Cô-rinh-tô đã trách ông là người hay thay đổi (II Cô. 1:15-18). Phao-lô cũng nói nếu Chúa cho phép (c. 7b) cho thấy dự định của con người phải phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời, như chính Phao-lô đã kinh nghiệm trong quá khứ (Công vụ 16:6-7) và Lời Chúa dạy trong Gia-cơ 4:13-17.

Câu 8-9 cho thấy có hai điều thường đi chung với nhau, đó là chống đối và dịp tiện. Phao-lô viết:

Nhưng tôi sẽ ở lại thành Ê-phê-sô cho đến lễ Ngũ Tuần, vì tại đó có một cái cửa lớn mở toang ra cho công việc tôi, lại có nhiều kẻ đối địch (c. 8-9)

Phao-lô có nhiều kẻ đối địch tại Ê-phê-sô nhưng đồng thời cũng thấy một cái cửa lớn mở toang ra cho công việc tôi. Đây là cái nhìn chúng ta cần có mỗi khi phải đương đầu với khó khăn. Khó khăn chính là dịp tiện Chúa ban cho chúng ta để làm công việc Ngài.

Câu 10-12 Phao-lô nói về hai người bạn đồng lao là Ti-mô-thê và A-bô-lô.

Ti-mô-thê là người cùng đi với Phao-lô trong hành trình truyền giáo thứ hai (Công vụ 16:1–18:22) và cùng ở với Phao-lô tại Cô-rinh-tô một năm rưỡi (Công vụ 18:5-11). Có lẽ Ti-mô-thê là người đem lá thư nầy từ Ê-phê-sô về cho Hội Thánh Cô-rinh-tô cùng với Sê-pha-na, Phốt-tu-na và A-chai-cơ là những người từ Cô-rinh-tô đến thăm Phao-lô tại Ê-phê-sô (c. 17). Sở dĩ Phao-lô dặn dò, Hãy giữ cho người khỏi sợ sệt (c. 10a) vì Ti-mô-thê còn trẻ và nhút nhát (I Ti-mô-thê 4:12; Ti-mô-thê 1:6-7). Dù trẻ và thiếu kinh nghiệm, nhưng Phao-lô coi Ti-mô-thê là người đại diện chính thức cho ông: Người cũng làm việc cho Chúa như chính mình tôi vậy (c. 10b). Vì vậy Phao-lô bảo người Cô-rinh-tô đừng “xem thường” (BHĐ) Ti-mô-thê nhưng đối xử tốt đẹp với Ti-mô-thê như họ đối xử với Phao-lô: Hãy đưa người đi về bình an, hầu cho người đến cùng tôi (c. 11b).

Câu 12 bắt đầu với hai chữ còn như tương tự như trong 7:1, 24; 8:1; 12:1; 16:1 là những phần Phao-lô trả lời các câu hỏi của người Cô-rinh-tô. Chữ còn như được dùng ở đây hàm ý các tín đồ ở Cô-rinh-tô có câu hỏi liên quan đến A-bô-lô. Trong Hội Thánh Cô-rinh-tô có “phe A-bô-lô” (3:4-6) nên có thể họ muốn A-bô-lô về lại hoặc cho rằng Phao-lô đã ngăn cản không cho A-bô-lô về lại Cô-rinh-tô. Do đó Phao-lô trả lời:

Còn như anh em chúng ta là A-bô-lô, tôi thường cố khuyên người đi với anh em đây mà đến cùng các anh em, nhưng hiện nay người chắc chưa khứng đi, người sẽ đi trong khi có dịp tiện (c. 12)

Câu nầy hàm ý việc A-bô-lô chưa trở về Cô-rinh-tô là quyết định của chính ông chứ Phao-lô không ngăn cản mà còn thuyết phục A-bô-lô trở về.