Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Những Tấm Gương Nhịn Nhục

Gia-cơ 5:9-11

“Hỡi anh em, hãy lấy các đấng tiên tri đã nhân danh Chúa mà nói, làm mẫu mực về sự chịu khổ và nhịn nhục cho mình” (câu 10).

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Gia-cơ cho biết có nguy cơ nào xảy ra cho tín hữu khi chờ đợi ngày Chúa đến? Để tránh nguy cơ này các tín hữu phải làm gì? Bài học này giúp bạn thế nào khi đối diện với những thử thách trong cuộc sống?

Sau khi kêu gọi các tín hữu phải nhịn nhục chờ đợi ngày Chúa Giê-xu trở lại, ông Gia-cơ cho biết nếu không cẩn thận thì họ sẽ bị “xét đoán” vì cớ “oán trách nhau” (câu 9). Có thể trong khi chịu thử thách, họ dễ thiếu đi sự nhịn nhục khiến họ không thể “trọn lành toàn vẹn” và đánh mất sự vui mừng (1:2-4). Khi đời sống không có sự vui mừng và phải chịu những đau khổ nặng nề trong cơn thử thách, thì dễ xảy ra cay đắng, oán trách nhau.

Trong những hoàn cảnh như vậy, nhiều người thường than thân trách phận, nhưng ông Gia-cơ nhắc nhở rằng những thử thách trong hành trình thuộc linh đó không phải chỉ xảy ra cho riêng họ thôi. Ông khuyên họ hãy nhớ về những “đấng tiên tri đã nhân danh Chúa mà nói”, hãy nhìn về cuộc đời họ và lấy đó “làm mẫu mực về sự chịu khổ và nhịn nhục cho mình” (câu 10). Kinh Thánh đã ghi lại chức vụ đầy nước mắt của các Tiên tri Giê-rê-mi, Ê-sai, Ô-sê v.v… Nhưng sự nhịn nhục chịu khổ và kiên trì trong đức tin nơi Đức Chúa Trời khiến họ được “xưng là có phước” (câu 11a).

Và một nhân vật đặc biệt được ông Gia-cơ đề cập đến như một tấm gương nhịn nhục ở đây là ông Gióp, nhịn nhục, kiên trì trong sự sửa dạy của Đức Chúa Trời, nhờ đó ông đã nhận được một kết cuộc phước hạnh. Kết cuộc đó là “Đức Giê-hô-va ban phước cho buổi già của Gióp nhiều hơn lúc đang thì: người được mười bốn ngàn chiên, sáu ngàn lạc đà, một ngàn đôi bò, và một ngàn lừa cái. Người cũng có bảy con trai và ba con gái” (Gióp 42:12-13). Nhưng có lẽ phước hạnh lớn nhất mà ông Gióp nhận được chính là: “Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài: Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, và ăn năn trong tro bụi” (Gióp 42:5-6). Nói cách khác, qua những thử thách, đau đớn, ông Gióp được biết Chúa càng hơn và bởi đó cũng nhận biết chính mình, và chính nhận thức này đã thay đổi mối liên hệ giữa ông với Chúa.

Giống như ông Gióp, nhiều người trong chúng ta khi bắt đầu đối diện với thử thách cũng thấy mình thật đáng thương hại, và cũng cay đắng với hoàn cảnh, với người khác, và thậm chí là với chính Chúa. Nhưng cũng giống như ông Gióp, nếu chúng ta nhịn nhục, kiên trì cho đến cuối cùng thì chúng ta sẽ nhận ra “Chúa đầy lòng thương xót và nhân từ” (câu 11), và khi ấy lời chúc tụng, cảm tạ Chúa sẽ thay thế cho những lời kêu rêu, than thở.

Tấm gương nhịn nhục nào trong Kinh Thánh đã khích lệ bạn nhiều nhất?

Cảm tạ Chúa về cuộc đời Ngài ban cho con, về những thử thách mà Chúa cho phép xảy đến để sửa dạy, trang bị, huấn luyện con hầu cho con trở nên người hữu ích cho Ngài.

(c) 2024 svtk.net