Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 19

Hiến Chương Của Sự Cầu Nguyện

Ma-thi-ơ 7:7-11

"Vậy nếu các ngươi vốn là xấu, còn biết cho con cái mình các vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban các vật tốt cho những người xin Ngài sao?" (Ma-thi-ơ 7:11).

Câu hỏi suy ngẫm: Đấng mà người Cơ Đốc cầu nguyện là ai? Đấng đó như thế nào? Chúa Giê-xu có dụng ý như thế nào khi dùng hình ảnh bánh-đá, cá-rắn, trứng-bò cạp (Lu-ca 1:12)? Qua những hình ảnh này Chúa muốn dạy chúng ta điều gì về sự cầu nguyện?

Khi cầu nguyện ta phải biết mình đang cầu khẩn vị thần nào. Ta muốn biết trong khung cảnh như thế nào thì lời cầu xin được nhậm. Chúa Giê-xu đã được trưởng dưỡng trong tinh thần yêu thích cầu nguyện, đoạn Kinh Thánh này, Ngài cho chúng ta một hiến chương Cơ Đốc về sự cầu nguyện.

Lập luận của Chúa rất đơn giản: không người cha nào từ chối điều con mình xin thì Đức Chúa Trời là Cha cao cả cũng không bao giờ từ chối con cái mình. Những ví dụ trên Chúa Giê-xu rất chọc lọc. Ngài kể ba ví dụ, Lu-ca thêm thí dụ thứ ba vào hai ví dụ Ma-thi-ơ đưa ra. Nếu con xin bánh, có bao giờ cha cho đá? Hay xin cá lại cho rắn, xin trứng lại cho bò cạp? (Lu-ca 11,12). Điểm đáng chú ý là trong mỗi trường hợp hai vật nêu trên trông gần giống nhau. Những hòn đá vôi nhỏ, tròn trên bờ biển có hình dáng và màu sắc thật giống ổ bánh. Nếu con xin bánh, liệu cha có giễu cợt cho nó hòn đá, rất giống cái bánh mà không ăn được? Nếu con xin cá, liệu cha sẽ cho rắn? Có thể "rắn" ở đây là "lươn". Theo luật về thực phẩm của người Do Thái, lươn không được phép ăn vì là loài bất khiết (Lê-vi Ký 11:1-12:8). Nếu con xin cá, cha cũng cho, nhưng lại cho một loại cá không ăn được, liệu có một người cha nào lại giễu cợt sự đói khát của con mình như thế không? Nếu con xin trứng, liệu cha sẽ cho bò cạp? Bò cạp là con vật nguy hiểm trông giống con tôm hùm, nó kẹp con mồi bằng càng và tiêu diệt bằng đuôi có nọc độc, vết chích rất đau và có thể làm chết được. Khi nghỉ ngơi, bò cạp thu càng khoanh đuôi lại, loại bò cạp màu nhạt trông giống quả trứng. Nếu con xin trứng liệu có người cha nào lại cho con thứ bò cạp nguy hiểm này không?

Bài học ờ đây là Đức Chúa Trời luôn luôn đáp lời cầu nguyện nhưng theo đường lối của Ngài. Đường lối Chúa luôn luôn là con đường khôn ngoan và yêu thương trọn vẹn. Nếu Ngài đáp lời theo như điều chúng ta mong muốn thì đó là điều tệ hại nhất, vì chúng ta ngu dại, đôi khi xin những điều gây tổn hại cho mình. Điều Chúa Giê-xu dạy chúng ta là Đức Chúa Trời không chỉ đáp lời mà còn đáp lời trong sự khôn ngoan và thương yêu.

Dù đây là hiến chương của sự cầu nguyện, nó quy định cho ta một số bổn phận. Mệnh lệnh Chúa Giê-xu dùng ở đây: "Tiếp tục xin, tiếp tục tìm, tiếp tục gõ." Ngài bảo ta kiên trì trong sự cầu nguyện và không bao giờ được chán nản. Đây chính là trắc nghiệm lòng chân thành, chúng ta có thật sự muốn điều đó không? Đó có phải là điều chúng ta dám nhắc mãi trước mặt Chúa không? Cách trắc nghiệm tốt nhất với bất cứ ước ao nào là: Tôi có thể cầu nguyện về việc đó không? Ở đây Chúa Giê-xu đưa ra hai sự kiện song đôi là Đức Chúa Trời luôn luôn đáp lời cầu xin của chúng ta trong đường lối Ngài, trong sự khôn ngoan, yêu thương; điều thứ hai là chúng ta phải đến với Chúa bằng một đời sống cầu nguyện bền bỉ, đó là thử nghiệm tính chất chính đáng của điều cầu xin cũng như trắc nghiệm lòng chân thành của chúng ta khi xin Ngài.

Lạy Chúa xin giúp con kiên trì trong sự cầu nguyện và luôn nhớ Ngài trả lời cầu xin của con bằng sự yêu thương và khôn ngoan của Ngài.

(c) 2024 svtk.net