Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1

1:1-2 ÂN SỦNG VÀ BÌNH AN

1 Phao-lô, theo ý muốn Đức Chúa Trời, làm sứ đồ Đức Chúa Jêsus Christ, cùng người anh em chúng ta là Ti-mô-thê, gởi cho Hội Thánh của Đức Chúa Trời ở thành Cô-rinh-tô và cho hết thảy thánh đồ ở khắp xứ A-chai. 2 Nguyền xin anh em được ân điển và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và bởi Đức Chúa Jêsus Christ!

 

1. Phao-lô viết: “Theo ý muốn Đức Chúa Trời, làm sứ đồ Đức Chúa Giê-xu Christ,”  ông muốn nhấn mạnh đến điều gì? Tại sao?

2. “Hội Thánh CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI” (c. 1b) nói lên điều gì?

3. “Xứ A-chai” là xứ nào ngày nay?

4. Xin giải thích những chữ “ân điển” và “bình an.” “Được ân điển và sự bình an” là được điều gì?

5. Quý vị ghi nhận được bài học gì qua lời mở đầu của Thư II Cô-rinh-tô?

 

Mở đầu thư gửi cho các Hội Thánh, Phao-lô thường nhấn mạnh chức vụ sứ đồ của ông. Sứ đồ nói lên thẩm quyền từ Đức Chúa Trời. Để được gọi là sứ đồ, người đó phải thấy Chúa Giê-xu (I Cô-rinh-tô 9:1) và được Ngài bổ nhiệm (Mác 3:14). Phao-lô đã được Chúa hiện ra với ông trên đường đến Đa-mách (Công vụ 9:3-6; I Cô. 15:3-10; Ga-la-ti 1:15-16) và được Ngài bổ nhiệm (Ga-la-ti 1:11-12; 2:7). Do đó, ông khẳng định:

Phao-lô, theo ý muốn Đức Chúa Trời, làm sứ đồ Đức Chúa Jêsus Christ

Tín đồ tại Cô-rinh-tô thường đặt vấn đề thẩm quyền sứ đồ của Phao-lô, do đó ông giải thích chức vụ sứ đồ của ông đến trực tiếp từ Đức Chúa Trời qua kinh nghiệm gặp Chúa và được Ngài sai phái làm sứ đồ.

Ti-mô-thê là bạn đồng hành với Phao-lô từ chuyến hành trình truyền giáo thứ nhì (Công vụ 16:1-3), cũng là học trò và bạn đồng lao của ông. Trong thời gian hai năm ở Ê-phê-sô, Phao-lô đã có lần sai Ti-mô-thê về lại Cô-rinh-tô (I Cô. 4:17). Có thể Ti-mô-thê là người đã đem lá thư I Cô-rinh-tô về cho Hội Thánh. Khi viết thư II Cô-rinh-tô thì Ti-mô-thê đang ở bên cạnh Phao-lô nên ông nhắc đến Ti-mô-thê, bạn đồng lao của ông.

Chữ Hội Thánh (ekklesia) là tiếng gọi chung các hội đoàn (không có chữ “thánh”) nên Hội Thánh của Đức Chúa Trời nhằm xác định đây là hội họp của những người thuộc về Chúa, như được mô tả trong câu tiếp theo: Và cho hết thảy thánh đồ ở khắp xứ A-chai (c. 1b). Người tin Chúa được gọi là thánh đồ, hàm ý chúng ta được Chúa gọi và biệt riêng ra cho Ngài giữa trần gian (TRONG trần gian nhưng KHÔNG THUỘC VỀ trần gian).

Người La-mã phân chia vùng thuộc nước Hy-lạp ngày nay thành hai đơn vị hành chánh: A-chai ở phía Nam và Ma-xê-đoan ở phía Bắc. Tuy nhiên khi nói: Hết thảy thánh đồ ở khắp xứ A-chai (c. 1b) có lẽ Phao-lô chỉ muốn nói đến Cô-rinh-tô và Xen-cơ-rê (Rô-ma 16:1).

Nguyền xin anh em được ân điển và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và bởi Đức Chúa Jêsus Christ (c. 2)

Lời chúc nầy giống như trong Rô-ma 1:7b, I Cô. 1:3, Ga-la-ti 1:3, Ê-phê-sô 1:2 và Phi-lê-môn 1:3. Đây là lời chào đầu thư nhưng cũng nhấn mạnh đến chân lý cứu chuộc Chúa ban cho chúng ta. Các tín hữu Cô-rinh-tô cũng như chúng ta, được cứu nhờ ân sủng của Chúa Giê-xu (II Cô. 8:9; Ê-phê-sô 2:8-9). Nhờ đó, chúng ta có bình an với Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:14; Rô-ma 5:1). Ân sủngbình an nầy đến từ Đức Chúa Trời là Cha, Đấng thiết lập chương trình cứu chuộc và cũng đến từ Chúa Giê-xu là Đấng thi hành sự cứu chuộc qua cái chết của Ngài trên thập tự giá.

Đức Chúa Trời được nhắc đến ba lần trong lời mở đầu lá thư:

·    Ý muốn Đức Chúa Trời

·    Hội Thánh của Đức Chúa Trời

·    Đức Chúa Trời, Cha chúng ta

Điều nầy cho thấy Đức Chúa Trời là trung tâm của chức vụ Phao-lô và cũng là trung tâm của đời sống người theo Chúa.