Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 6

1:23–2:4 LÝ DO HỦY BỎ CHUYẾN ĐI

23 Tôi cầu Đức Chúa Trời lấy linh hồn tôi làm chứng rằng, ấy là tại nể anh em mà tôi chưa đi đến thành Cô-rinh-tô 24 chớ không phải chúng tôi muốn cai trị đức tin anh em, nhưng chúng tôi muốn giúp thêm sự vui của anh em, vì anh em đứng vững vàng trong đức tin.

1 Vậy, chính tôi đã quyết định không trở lại cùng anh em để làm cho anh em buồn rầu 2 vì nếu tôi làm cho anh em buồn rầu, thì thể nào tôi được trông cậy sự vui bởi kẻ mà chính tôi đã làm cho buồn rầu? 3 Tôi đã viết cho anh em như thế, hầu cho khi tôi đến nơi, sẽ không buồn bởi kẻ đáng làm cho tôi vui: Tôi tin cậy ở hết thảy anh em rằng, anh em ai nấy đều lấy sự vui của tôi mà làm vui mình. 4 Vả, ấy là đương trong cơn khốn nạn lớn, tấm lòng quặn thắt, nước mắt dầm dề, mà tôi đã viết thơ cho anh em, nào phải để cho anh em âu sầu, nhưng để làm cho anh em biết tình yêu dấu riêng của tôi đối với anh em vậy.

 

1. Theo câu 23, xin cho biết tại sao Phao-lô chưa trở lại Cô-rinh-tô? “Nể” nghĩa là gì?

2. Theo 2:1, tại sao Phao-lô không trở lại Cô-rinh-tô?

3. “Kẻ mà chính tôi đã làm cho buồn rầu” (2:2) chỉ về ai? Tại sao Phao-lô nói như vậy?

4. “Kẻ đáng làm cho tôi vui” (2:3) là ai? Tại sao Phao-lô nói như vậy?

5. Dựa vào 2:1-3, xin cho biết những điều Phao-lô nói về vui buồn của ông trong mối quan hệ với các tín hữu tại Cô-rinh-tô? Chúng ta áp dụng những điều nầy như thế nào?

6. Câu 4 nói về một lá thư không còn được lưu lại nhưng cho thấy tâm tình gì của Phao-lô với các tín hữu tại Cô-rinh-tô? Chúng ta học được điều gì từ tâm tình nầy?

 

Theo phần Kinh Thánh đọc lần trước, Phao-lô đã bỏ cả hai dự tính (chương trình nguyên thủy và chương trình thay đổi) thay vào đó, ông đã đi từ Ê-phê-sô đến Cô-rinh-tô rồi trở lại Ê-phê-sô trong một chuyến đi ngắn. Ông gọi đây là “chuyến đi buồn rầu” hay “chuyến đi đau lòng.” Chuyến đi nầy được hiểu ngầm qua câu:

Vậy, chính tôi đã quyết định không trở lại cùng anh em để làm cho anh em buồn rầu (2:1)

Không trở lại cùng anh em để làm cho anh em buồn rầu nghĩa là nếu Phao-lô trở lại lần nữa thì chỉ làm cho họ buồn mà thôi, giống như “chuyến thăm buồn rầu” vừa rồi. Ông nói:

Tôi cầu Đức Chúa Trời lấy linh hồn tôi làm chứng rằng, ấy là tại nể anh em mà tôi chưa đi đến thành Cô-rinh-tô (1:23)

Nể nghĩa là tránh.” Phao-lô muốn nói rằng, vì sự việc đã xảy ra tại Cô-rinh-tô, nếu trở lại, ông sẽ phải có biện pháp kỷ luật với Hội Thánh, để tránh điều đó, ông đã không trở lại Cô-rinh-tô: “Vì muốn anh em khỏi bị khiển trách nặng nề” (BDY). Phao-lô cho biết thêm, biện pháp kỷ luật nếu có, không phải vì ông và các bạn muốn cai trị đức tin của họ. Cai trị nghĩa là “khống chế” (BHĐ), bảo gì làm nấy. Vai trò của vị sứ đồ là tôi tớ (4:5) nhưng không có nghĩa là phải chiều theo ý của tín đồ trong những sai lầm của họ. Phao-lô cho thấy quân bình giữa khiển trách và khống chế. Sai lầm thì phải sửa nhưng như vậy không có nghĩa là cai trị, nắm giữ quyền hành như một ông chủ trên người tín đồ. Mục tiêu của Phao-lô là niềm vui của tín hữu Cô-rinh-tô: Chúng tôi muốn giúp thêm sự vui của anh em (c. 24b). Và niềm vui đó là họ đứng vững vàng trong đức tin (c. 24c).

Lý do Phao-lô không trở lại Cô-rinh-tô là vì ông không muốn các tín hữu buồn, bởi vì nếu trở lại, ông sẽ phải rầy la hay kỷ luật họ. Để tránh điều đó (nể anh em) nên ông đã hủy bỏ chuyến đi. “Tôi không trở lại, vì trở lại sẽ chỉ làm anh em buồn!” (c. 1). Phao-lô chắc chắn không muốn gây đau buồn cho người Cô-rinh-tô, vì vậy ông đã không trở lại như đã hứa. Ông giải thích thêm:

Vì nếu tôi làm cho anh em buồn rầu, thì thể nào tôi được trông cậy sự vui bởi kẻ mà chính tôi đã làm cho buồn rầu? (c. 2)

Phao-lô muốn nói: “Nếu tôi làm cho anh em đau buồn, thì ai là người làm cho tôi vui…” (BHĐ). Ông nói thêm: Bởi kẻ mà chính tôi đã làm cho buồn rầu (c. 2b). Kẻ mà chính tôi đã làm cho buồn rầu nầy là ai? Trong phần tiếp theo (c. 5-8), Phao-lô nói đến một người mà ông gọi là kẻ… làm cớ buồn rầu (c. 5a). Đây là người làm buồn Phao-lô và người nầy cũng đã đau buồn qua sự quở trách của một số tín hữu Cô-rinh-tô (c. 6). Có nhiều ý kiến khác nhau về nhân vật nầy.

Theo Colin Cruse, Kẻ mà chính tôi đã làm cho buồn rầu (c. 2b) kẻ… làm cớ buồn rầu (c. 5a) là người đã phạm tội loạn luân trong I Cô-rinh-tô 5:1-5. Phao-lô đã đề nghị dứt phép thông công người nầy (I Cô. 5:5). Tuy nhiên, sau khi Ti-mô-thê đến Cô-rinh-tô (I Cô. 4:17; 16:10-11) và về lại Ê-phê-sô, Phao-lô biết là Hội Thánh Cô-rinh-tô đã không dứt phép thông công người nầy theo lời ông truyền dạy và người nầy cũng không tuân phục thẩm quyền sứ đồ của ông. Do đó, Phao-lô đã từ Ê-phê-sô đến Cô-rinh-tô trong một chuyến đi ngắn mà ông gọi là “chuyến đi làm cho anh em buồn rầu” (2:1). Đến Cô-rinh-tô lần nầy, ông hy vọng Hội Thánh sẽ cùng đồng ý với ông giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, người phạm tội loạn luân đã không ăn năn mà còn chống đối Phao-lô và đặt câu hỏi về thẩm quyền sứ đồ của ông. Hội Thánh Cô-rinh-tô cũng không bênh vực Phao-lô như ông nghĩ (II Cô. 2:3).

Phao-lô về lại Ê-phê-sô và viết cho Hội Thánh Cô-rinh-tô một lá thư với lời lẽ gay gắt (II Cô. 2:3-4, 9; 7:8, 12). Phao-lô viết thư nầy trong cơn khốn nạn lớn, tấm lòng quặn thắt, nước mắt dầm dề (c. 4a) – Phao-lô nói về lá thư nầy, là lá thư không được lưu lại. Phao-lô ân hận đã viết lá thư nầy vì điều ông viết làm cho Hội Thánh buồn. Trong thư, Phao-lô trách người Cô-rinh-tô đã không kỷ luật người có tội và không ủng hộ ông trong vấn đề nầy. Tuy nhiên, lá thư đã đem lại hiệu quả, Hội Thánh Cô-rinh-tô dứt phép thông công người có tội (II Cô. 7:6-13) và qua lời báo cáo của Tít, Phao-lô thỏa lòng về điều nầy (II Cô. 7:6-16). Nhưng bây giờ Phao-lô lại lo cho người bị dứt phép thông công, ông sợ rằng người đó bị sa ngã vì sự buồn rầu quá lớn (c. 7b).

Với bối cảnh trên, câu: Nếu tôi làm cho anh em buồn rầu, thì thể nào tôi được trông cậy sự vui bởi kẻ mà chính tôi đã làm cho buồn rầu? (c. 2) có thể giải thích như sau:

Phao-lô làm cho hai nhóm người buồn rầu:

(1) Người có tội buồn vì bị Hội Thánh dứt phép thông công theo lệnh của ông.

(2) Hội Thánh Cô-rinh-tô buồn vì bị ông trách là đã không thi hành kỷ luật người có tội.

Phao-lô chỉ có thể vui khi mối quan hệ giữa ông và Hội Thánh Cô-rinh-tô trở lại bình thường, lúc người có tội bị kỷ luật, ăn năn và phục hồi mối thông công. Trong ý nghĩa đó, Phao-lô vui bởi kẻ mà chính ông đã làm cho buồn rầu!

Câu 3-4 nói về một lá thư Phao-lô viết sau chuyến thăm Cô-rinh-tô trở về và trước khi viết Thư II Cô-rinh-tô (lá thư nầy không còn được lưu truyền). Những điều ông nói trong hai câu nầy là về lá thư đó. Tôi đã viết cho anh em như thế (c. 3a) nghĩa là như trong câu 2 với hy vọng là người Cô-rinh-tô sẽ làm theo điều ông nói trong thư để ông được vui: Hầu cho khi tôi đến nơi, sẽ không buồn bởi kẻ đáng làm cho tôi vui (c. 3b). Phao-lô nói về niềm vui hỗ tương giữa ông và người Cô-rinh-tô: họ làm cho ông vui và ông cũng làm cho họ vui (c. 3c).

Phao-lô nói đến tâm trạng của mình khi viết lá thư nầy:

Vả, ấy là đương trong cơn khốn nạn lớn, tấm lòng quặn thắt, nước mắt dầm dề, mà tôi đã viết thơ cho anh em, nào phải để cho anh em âu sầu, nhưng để làm cho anh em biết tình yêu dấu riêng của tôi đối với anh em vậy (c. 4)

Hai khó khăn Phao-lô phải đương đầu khi viết lá thư nầy là sự việc xảy ra tại A-si (1:8) và những khó khăn tại Cô-rinh-tô (người có tội không bị kỷ luật chống lại Phao-lô và Hội Thánh không bênh vực ông). Vì vậy, ông đã viết thư với tấm lòng quặn thắt, nước mắt dầm dề (c. 4a). Nếu Phao-lô viết thư trong tâm trạng đó thì người Cô-rinh-tô phải hiểu rằng ông không bao giờ muốn họ đau buồn, điều đó cho thấy lòng yêu thương của ông đối với họ (c. 4b).