Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 7

2:5-11 THA THỨ NGƯỜI LẦM LỖI

5 Nếu kẻ nào làm cớ buồn rầu, ấy chẳng phải chỉ làm cho tôi buồn rầu mà thôi, nhưng đã làm cho anh em thảy đều buồn rầu ít nhiều, tôi chẳng muốn nói quá làm gì. 6 Kẻ đó đã bị phần nhiều người trong anh em quở trách, ấy là đủ rồi. 7 Thà nay anh em tha thứ yên ủi, hầu cho người khỏi bị sa ngã vì sự buồn rầu quá lớn.

8 Vậy tôi xin anh em hãy bày tỏ lòng yêu thương đối với người đó. 9 Bởi chưng tôi viết thơ cho anh em, cốt để thử anh em xem có vâng lời trong cả mọi sự cùng chăng. 10 Nhưng anh em tha thứ ai, thì tôi cũng tha thứ. Vả, nếu tôi đã tha, là vì anh em mà tha, ở trước mặt Đấng Christ, 11 hầu đừng để cho quỉ Sa-tan thắng chúng ta, vì chúng ta chẳng phải là không biết mưu chước của nó.

 

1. “Kẻ nào làm cớ buồn rầu” (c. 5a) chỉ về ai?

2. Phao-lô hàm ý điều gì trong câu 5?

3. Phao-lô khuyên người Cô-rinh-tô điều gì trong câu 6-7?

4. Phao-lô ngụ ý gì trong câu 9?

5. Tại sao Phao-lô nói: “Nếu tôi đã tha, là vì anh em mà tha” (c. 10a)?

6. Câu 10b và câu 11 liên hệ với nhau như thế nào trong vấn đề tha thứ và mưu chước của quỷ Sa-tan?

 

Kẻ nào làm cớ buồn rầu (c. 5a) nói đến người đã làm cho Phao-lô buồn nhưng ông đã tha thứ (c. 10). Dựa vào những dữ kiện trong I Cô-rinh-tô 5:1-13 và những ngụ ý của Phao-lô trong II Cô-rinh-tô, các nhà giải nghĩa Kinh Thánh tin rằng đây là người phạm tội mà Phao-lô yêu cầu kỷ luật nhưng Hội Thánh đã không làm. Người ấy còn chống đối thẩm quyền sứ đồ của ông. Vì vậy Phao-lô đã viết cho họ lá thư trong cơn khốn nạn lớn, tấm lòng quặn thắt, nước mắt dầm dề (c. 4, 9a). Dựa vào những điều Phao-lô nói trong câu 5-10 thì chắc là Hội Thánh Cô-rinh-tô đã làm theo lời ông viết trong lá thư đó và quở trách người có tội (c. 6).

Điều Phao-lô muốn nói trong câu 5 là: không phải vì người đó làm cho ông buồn mà ông viết lá thư như đã viết nhưng cái buồn mà người đó gây ra đã ảnh hưởng cả Hội Thánh: Đã làm cho anh em thảy đều buồn rầu ít nhiều (c. 5b).

Chữ quở trách (c. 6) mang ý nghĩa “trách phạt” (BHĐ) hàm ý Hội Thánh Cô-rinh-tô đã dứt phép thông công người có tội, và người nầy buồn rầu, ăn năn (7:8-10). Phao-lô cho thấy kỷ luật như vậy là đủ rồi (c. 6b) và khuyên người Cô-rinh-tô bây giờ nên bày tỏ lòng yêu thương đối với người đó (c. 8). Kỷ luật người có tội là điều phải làm nhưng Phao-lô không vui gì về việc đó (c. 2), ông chỉ muốn người có tội được phục hồi. Do đó, nếu Hội Thánh Cô-rinh-tô không tha thứ và an ủi người có tội sẽ đưa đến chỗ làm người đó bị sa ngã vì sự buồn rầu quá lớn (c. 7b). Sa ngã mang ý nghĩa “chìm ngập trong buồn rầu” (BHĐ). Chữ bày tỏ trong câu: Bày tỏ lòng yêu thương đối với người đó (c. 8) mang ý nghĩa khẳng định. Do đó, Bày tỏ lòng yêu thương hàm ý chính thức công khai phục hồi là điều tương đương với việc dứt phép thông công trước đó.

Quay sang người Cô-rinh-tô, Phao-lô viết:

Bởi chưng tôi viết thơ cho anh em, cốt để thử anh em xem có vâng lời trong cả mọi sự cùng chăng (c. 9)

Mục đích Phao-lô viết lá thư “trong nước mắt” (c. 4) là để Hội Thánh Cô-rinh-tô phải kỷ luật người có tội nhưng đó không phải là mục đích duy nhất. Ông viết thư đó cũng cốt để thử anh em xem có vâng lời trong cả mọi sự cùng chăng (c. 9b). Bản Hiệu Đính dịch: “Sở dĩ tôi viết cho anh em, là để thử xem anh em có vâng lời trong mọi việc không?” Phao-lô muốn nói đến việc tuân phục thẩm quyền sứ đồ của ông. Phao-lô không muốn cai trị đức tin họ, ông chỉ muốn cho họ vui (1:24).

Phao-lô viết tiếp:

Nhưng anh em tha thứ cho ai thì tôi cũng tha thứ. Còn nếu tôi tha thứ điều gì thì cũng vì anh em mà tha thứ ở trước mặt Đấng Christ (c. 10, BHĐ)

Câu nầy nhằm khẳng định với người Cô-rinh-tô là ông đồng ý với quyết định của Hội Thánh, tiếp nhận người phạm tội trở lại mối thông công với Hội Thánh. Vì anh em mà tha thứ ở trước mặt Đấng Christ (c. 10b) tương đương như lúc đề nghị dứt phép thông công (I Cô. 5:4-5) nghĩa là dù không trực tiếp đối mặt, Phao-lô đã tha thứ người đó qua sự tha thứ của Chúa.

Phao-lô cho thấy việc tha thứ người có tội hay không tha thứ, liên quan đến mưu chước của ma quỷ:

Để Sa-tan không lợi dụng chúng ta được vì chúng ta không lạ gì các mưu đồ của nó (c. 11, BHĐ)

Ý của Phao-lô là, nếu không tha thứ và nhận người có tội trở lại trong mối thông công của Hội Thánh, ma quỷ sẽ lợi dụng và kéo người nầy vĩnh viễn vào vòng kiềm tỏa của nó (đối chiếu với I Cô. 5:5).