Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 8

2:12-17 HƯƠNG THƠM CỦA ĐẤNG CHRIST

12 Lại khi tôi đã đến thành Trô-ách đặng giảng Tin Lành của Đấng Christ, dầu Chúa đã mở cửa cho tôi ở đó, 13 mà vì tôi không gặp anh em tôi là Tít, nên chẳng được yên lòng. Vậy sau khi từ giã các tín đồ, thì tôi qua xứ Ma-xê-đoan.

14 Song tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài làm cho chúng tôi được thắng trong Đấng Christ luôn luôn và bởi chúng tôi, Ngài rải mùi thơm về sự nhận biết Ngài khắp chốn! 15 Vì chúng tôi ở trước mặt Đức Chúa Trời là mùi thơm của Đấng Christ, ở giữa kẻ được cứu và ở giữa kẻ bị hư mất: 16 Cho kẻ nầy, mùi của sự chết làm cho chết; cho kẻ kia, mùi của sự sống làm cho sống. Ai xứng đáng cho những sự nầy? 17 Vả, chúng tôi chẳng giả mạo lời của Đức Chúa Trời như nhiều kẻ khác, nhưng chúng tôi lấy lòng chân thật, theo như đạo từ Đức Chúa Trời đến thể nào, thì giảng ra thể ấy trước mặt Đức Chúa Trời, trong Đấng Christ.

 

1. Tại sao Phao-lô nói về lộ trình của ông trong câu 12-13?

2. “Mùi thơm về sự nhận biết Ngài” (c. 14b) nói về điều gì?

3. “Mùi của sự chết” và “mùi của sự sống” (c. 16) nói đến điều gì?

4. Xin cho biết đường lối rao giảng Lời Chúa của Phao-lô trong câu 17.

 

II Cô-rinh-tô 1:15 – 2:13 là phần Phao-lô giải thích cho Hội Thánh Cô-rinh-tô biết tại sao ông đã hai lần thay đổi chương trình (xem trang 23). Sau chuyến đi ngắn tại Cô-rinh-tô mà ông gọi là “chuyến thăm buồn rầu” (2:1) Phao-lô đã về lại Ê-phê-sô, viết cho họ lá thư “trong nước mắt” do Tít đem đến cho họ (8:6). Sau đó, Phao-lô đến Trô-ách, thành phố phía Bắc Ê-phê-sô đặng giảng Tin Lành của Đấng Christ (c. 12a). Chúa có mở cửa cho ông ở đó (c. 12b) hàm ý ông có cơ hội tốt để truyền giảng Phúc Âm tại đây. Tuy nhiên:

Vì tôi không gặp anh em tôi là Tít, nên chẳng được yên lòng. Vậy sau khi từ giã các tín đồ, thì tôi qua xứ Ma-xê-đoan (c. 13)

Câu nầy giải thích lý do tại sao Phao-lô thay đổi chương trình ông nói trong 1:16, nghĩa là thay vì đến Cô-rinh-tô rồi mới đi Ma-xê-đoan, ông đã đi Ma-xê-đoan trước. Lý do chính là vì Phao-lô không yên lòng khi chưa gặp lại Tít, là người đem thư của ông đến cho Hội Thánh Cô-rinh-tô. Đây là lá thư mà người Cô-rinh-tô đã dựa vào đó, dứt phép thông công người có tội. Khi gặp lại Tít rồi (7:6-7) Phao-lô mới yên lòng. Phao-lô thay đổi chương trình, đi từ Trô-ách qua Ma-xê-đoan là để gặp Tít ở đó. Khi gặp được Tít rồi, ông viết Thư II Cô-rinh-tô từ Ma-xê-đoan.

Phao-lô phải truyền giảng Phúc Âm tại Trô-ách, nhưng nỗi lo lắng về hết thảy các Hội Thánh (11:28) cũng là mối bận tâm của ông. Phao-lô viết điều nầy (c. 12-13) để cho tín hữu Cô-rinh-tô thấy rằng ông yêu thương và quan tâm đến phúc lợi của họ.

Nếu đọc II Cô-rinh-tô 2:12-13 tiếp qua 7:5-7, chúng ta thấy hai phần nầy đi chung với nhau, nghĩa là phân đoạn 7:5-7 nối tiếp với 2:12-13 và như vậy, phần giữa hai phân đoạn đó (2:14 –7:4) là phần Phao-lô nói về những khía cạnh khác nhau của chức vụ. Phần lớn những điều Phao-lô nói từ đầu thư đến 2:13 mang ý tiêu cực, ông nói nhiều về những khó khăn phải trải qua và biện minh, giải thích cho độc giả về hành động của mình. Do đó, ông đã dành phần tiếp theo, nói lên những khía cạnh tích cực của chức vụ.

Phần 2:14-17 cho thấy Đức Chúa Trời đã ở với Phao-lô mọi nơi và giúp ông thành công trong chức vụ giữa những khó khăn. Trong những khó khăn đó, Phao-lô có thể nói:

Song tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài làm cho chúng tôi được thắng trong Đấng Christ luôn luôn và bởi chúng tôi, Ngài rải mùi thơm về sự nhận biết Ngài khắp chốn! (c. 14)

Ngài làm cho chúng tôi được thắng trong nguyên văn là “Ngài luôn dẫn đầu chúng tôi trong cuộc diễu hành chiến thắng” (BHĐ). Đây là hình ảnh diễu hành chiến thắng của người La-mã ngày xưa với vị tướng chiến thắng đi đầu, quân lính theo sau với cờ xí và những bình trầm hương nghi ngút dâng cho thần linh. Cuối cùng là tù xa, là những chiếc xe trong khung gỗ, xiềng những kẻ chiến bại, sẽ bị giết khi cuộc diễu hành chấm dứt. Trong hình ảnh nầy, Đức Chúa Trời là vị tướng chiến thắng còn mùi trầm hương đến từ Phao-lô và những người truyền giảng Phúc Âm. Vì vậy ông nói:

Qua chúng tôi, Ngài làm cho hương thơm về sự hiểu biết Ngài lan tỏa khắp nơi (c. 14b, BHĐ)

Trong minh họa diễu hành chiến thắng nầy, đối với quân đội chiến thắng và đoàn người xem diễu hành thì mùi thơm của trầm hương là mùi chiến thắng, vui mừng. Còn với kẻ chiến bại trong tù xa, đó là mùi của sự chết (c. 16) vì cái chết đang chờ đợi họ. Phao-lô dùng hình ảnh nầy để nói về Phúc Âm ông rao giảng. Đối với người tin và tiếp nhận Phúc Âm, đó là hương thơm. Với người khước từ, Phúc Âm mang ý nghĩa đoán phạt, mùi của sự chết (I Cô. 1:18; Giăng 3:36).

Phao-lô thấy đây là một thiên chức đáng sợ, vì chỉ một lời rao truyền có thể đem lại sự sống hay sự chết, tùy theo đáp ứng của người nghe. Do đó, ông nói:

Ai là người đủ khả năng làm những việc nầy (c. c. 16b)

Câu nầy hàm ý, đây là việc Đức Chúa Trời làm, không phải ông và các bạn. Điều Phao-lô làm là:

 

Chúng tôi không buôn bán lời Đức Chúa Trời như nhiều người khác. Nhưng là người được Đức Chúa Trời sai phái, chúng tôi rao giảng một cách thành thật trong Đấng Christ, trước mặt Đức Chúa Trời c. 17, BHĐ)

Phúc Âm có giá trị tuyệt đối và có mùi của sự chết làm cho chết đối với người hư mất (c. 16) nhưng không phải vì vậy mà Phao-lô pha loãng Phúc Âm của Chúa cho nhẹ bớt để người ta dễ chấp nhận. Ông nói:

Chúng tôi chẳng giả mạo lời của Đức Chúa Trời như nhiều kẻ khác (c. 17a)

Giả mạo là những hình thức buôn bán mang tính cách lường gạt như pha thêm nước vào rượu hay dùng trái cân non. Phao-lô nói ông không làm như vậy trong việc rao giảng Lời Chúa. Trái lại, ông nói:

Nhưng chúng tôi lấy lòng chân thật, theo như đạo từ Đức Chúa Trời đến thể nào, thì giảng ra thể ấy trước mặt Đức Chúa Trời, trong Đấng Christ (c. 17b)

Việc giảng đạo của Phao-lô mang những đặc điểm sau:

·      Với lòng chân thật: động cơ trong sạch, không giả vờ hay che giấu điều gì.

·      Từ Đức Chúa Trời: đó là sứ mạng Chúa giao phó nên phải trung tín rao giảng.

·      Trước mặt Đức Chúa Trời: chịu trách nhiệm với Đức Chúa Trời.

·      Trong Đấng Christ: người thuộc về Chúa, được Chúa dạy dỗ.