Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 10

3:7-18 ĐỂ MẶT TRẦN CHIÊM NGƯỠNG

7 Vả, nếu chức vụ về sự chết, chạm chữ trên bảng đá, đã là vinh hiển lắm, đến nỗi con cái Y-sơ-ra-ên không có thể ngó trên mặt Môi-se, vì cớ sự sáng láng trên mặt người, dầu là tạm, 8 phương chi chức vụ của Thánh Linh càng vinh hiển hơn biết bao! 9 Vậy, nếu chức vụ về sự định tội còn được vinh hiển, thì chức vụ về sự công bình được vinh hiển hơn bội phần. 10 Vả lại, cái điều được vinh hiển trong chức vụ thứ nhứt biến đi bởi sự vinh hiển rất cao hơn của chức vụ thứ nhì. 11 Vì nếu sự phải qua đi còn có lúc vinh hiển thay, phương chi sự bền ở sẽ có vinh hiển dường nào nữa!

12 Vậy, chúng ta có sự trông cậy dường ấy, nên được rất tự do, 13 chúng ta chẳng làm như Môi-se lấy màn che mặt mình, hầu cho con cái Y-sơ-ra-ên không trông thấy cuối cùng của sự sáng láng phải qua. 14 Nhưng lòng họ đã cứng cỏi, vì đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, cái màn ấy vẫn còn chưa cất khỏi, bởi chưng ấy là trong Đấng Christ mà màn đó biến đi. 15 Ấy vậy, cho đến ngày nay, mỗi lần người ta đọc sách Môi-se cho họ, cái màn ấy vẫn còn ở trên lòng họ. 16 Khi họ sẽ trở lại cùng Chúa, thì màn ấy mới cất khỏi. 17 Vả, Chúa tức là Thánh Linh, Thánh Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự do cũng ở đó. 18 Chúng ta ai nấy đều để mặt trần mà nhìn xem vinh hiển Chúa như trong gương, thì hóa nên cũng một ảnh tượng Ngài, từ vinh hiển qua vinh hiển, như bởi Chúa, là Thánh Linh.

 

1. Xin cho biết “chức vụ về sự chết” (c. 7a) là chức vụ gì? Tại sao lại gọi là “chức vụ về sự chết?”

2. Xin đọc Xuất Ê-díp-tô ký 34:29-35 và giải thích câu 7b.

3. Hai chức vụ Phao-lô nói trong câu 7-11 được mô tả bằng những danh hiệu khác nhau như sau:

 

KINH THÁNH

DANH HIỆU

Câu 7-8

 

 

Câu 9

 

 

Câu 10

 

 

Câu 11

 

 

 

4. Phao-lô so sánh hai chức vụ đó như sau:

 

KINH THÁNH

CHỨC VỤ VỀ
SỰ CHẾT

CHỨC VỤ CỦA THÁNH LINH

Câu 7-8

 

 

Câu 9

 

 

Câu 10

 

 

Câu 11

 

 

 

5. Những danh hiệu và so sánh nầy cho thấy điều gì? Dạy chúng ta điều gì?

6. “Sự trông cậy dường ấy” (c. 12a) là gì? “Được rất tự do” (c. 12b) nghĩa là thế nào?

7. Xin giải thích câu 13 dựa vào Xuất Ê-díp-tô ký 34:29-35.

8. “Họ” chỉ về ai trong câu 14? Tại sao?

9. “Để mặt trần” (c. 18) là làm gì? Làm thế nào để “để mặt trần?”

10. Kết quả của việc “để mặt trần” là gì?

11. “Hóa nên cũng một ảnh tượng Ngài” là thế nào?

12. Xin cho biết áp dụng của câu 18.

 

Trong 3:6, Phao-lô nói đến giao ước về chữ, tức là luật pháp Môi-se và ông nói chữ làm cho chết (c. 6b). Do đó chức vụ về sự chết là nói đến chức vụ của Môi-se vì Đức Chúa Trời đã ban luật pháp của Ngài qua Môi-se. Chức vụ về sự chết không phải là Môi-se đem sự chết đến cho dân sự nhưng luật pháp Môi-se cho con người biết mình có tội chứ không cứu con người (Rô-ma 7:10). Dù chức vụ của Môi-se qua luật pháp như vậy, nhưng Phao-lô cho thấy chức vụ đó đã là vinh hiển lắm (c. 7b). Phao-lô giải thích vinh hiển đó qua sự kiện được ghi lại trong Xuất 34:29-32. Đây là câu chuyện Môi-se lên núi Si-nai để lãnh bảng đá luật pháp của Đức Chúa Trời. Khi trên núi trở xuống, da mặt Môi-se sáng rực và ông đã phải lấy lúp che mặt lại:

 Vả, nếu chức vụ về sự chết, chạm chữ trên bảng đá, đã là vinh hiển lắm, đến nỗi con cái Y-sơ-ra-ên không có thể ngó trên mặt Môi-se, vì cớ sự sáng láng trên mặt người, dầu là tạm (c. 1)

Phao-lô đối chiếu sự kiện nầy với chức vụ của Thánh Linh, tức là giao ước về Thánh Linh đối chiếu với giao ước về chữ (c. 6). Chức vụ về chữ là chức vụ về sự chết mà còn có vinh hiển trên mặt Môi-se như vậy, nên Phao-lô nói:

Phương chi chức vụ của Thánh Linh càng vinh hiển hơn biết bao! (c. 8)

Ông so sánh hai chức vụ đó như sau:

 

KINH THÁNH

DANH HIỆU

Câu 7-8

Chức vụ về sự chết

Chức vụ của Thánh Linh

Câu 9

Chức vụ về sự định tội

Chức vụ về sự công bình

Câu 10

Chức vụ thứ nhất

Chức vụ thứ nhì

Câu 11

Sự phải qua đi

Sự bền ở

 

 

KINH THÁNH

CHỨC VỤ VỀ
SỰ CHẾT

CHỨC VỤ CỦA THÁNH LINH

Câu 7-8

Vinh hiển lắm

Vinh hiển hơn biết bao

Câu 9

Được vinh hiển

Được vinh hiển hơn bội phần

Câu 10

Biến đi bởi sự vinh hiển rất cao hơn của chức vụ thứ nhì

 

Bản Hiệu Đính dịch phần Kinh Thánh trên như sau:

Vì, nếu chức vụ đem đến sự chết, được khắc chữ trên những bảng đá mà còn đến trong vinh quang, khiến con dân Y-sơ-ra-ên không thể nhìn mặt Môi-se được, vì ánh hào quang trên mặt ông, dù là hào quang chóng qua, thì chức vụ của Thánh Linh lại không đến trong vinh quang bội phần hơn sao? Vì nếu chức vụ đem đến sự kết án mà còn được vinh quang, thì chức vụ đem đến sự công chính lại càng vinh quang hơn dường nào!

Thật vậy, trong trường hợp nầy, điều đã từng được vinh quang sẽ không còn vinh quang gì nữa trước sự vinh quang vượt trội nầy. Vì nếu điều chóng qua còn có được vinh quang thì điều trường tồn lại càng được vinh quang hơn dường nào! (II Cô-rinh-tô 3:7-11, BHĐ)

Phao-lô là người giúp việc giao ước mới (c. 6), chức vụ của Thánh Linh (c. 8) là chức vụ vinh hiển hơn chức vụ về sự chết của Môi-se. Đây là đặc ân khiến Phao-lô không ngã lòng trong chức vụ (4:1).

Để hiểu được ý tưởng của Phao-lô trong câu 12-18, tác giả Linda Belleville gọi đây là phần Phao-lô giải thích và áp dụng Xuất Ê-díp-tô ký 34:29-35 với bố cục như sau:

o  Câu 12-13a: Lời mở đầu

o  Câu 13b-14a: Trích Xuất 34:33

o  Câu 14b-15: Chú giải

o  Câu 16: Trích Xuất 34:34

o  Câu 17: Chú giải

o  Câu 18: trích Xuất 34:35 và chú giải

Hai điều Phao-lô nhấn mạnh trong phần diễn giải nầy là:

(1) Sự dạn dĩ của Phao-lô trong chức vụ, đối chiếu với Môi-se phải lấy màn che mặt mình (c. 12-13).

(2) Phao-lô để mặt trần, đối chiếu với người Do-thái đương thời với cái màn… vẫn còn ở trên lòng họ (c. 14-16).

Sự trông cậy dường ấy (c. 12a) là điều Phao-lô vừa nói trong câu 11 về sự vinh hiển của chức vụ thứ nhì (c. 10). Với hy vọng đó, ông dạn dĩ trong chức vụ (tự do mang ý nghĩa “dạn dĩ,” BHĐ). Dạn dĩ nghĩa là không lo sợ vinh hiển của chức vụ sẽ qua đi như trong trường hợp của Môi-se (c. 13b):

Không giống như Môi-se, lấy màn che mặt mình để con dân Y-sơ-ra-ên không thấy sự kết thúc của hào quang chóng tàn (c. 13, BHĐ)

Chữ họ trong câu 14 chỉ về người Y-sơ-ra-ên thời Môi-se cũng như thời Phao-lô. Thời Môi-se, vì lòng họ… cứng cỏi (Thi thiên 95:8; Hê-bơ-rơ 3:8, 15; 4:7) nên Môi-se mới phải lấy màn che mặt. Còn bây giờ, Phao-lô nói:

Đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, cái màn ấy vẫn còn chưa cất khỏi (c. 14a)

Dân Y-sơ-ra-ên thời Môi-se và thời Phao-lô đều giống nhau ở chỗ lòng cứng cỏi: thời Môi-se họ bảo Môi-se phải che mặt lại; thời Phao-lô khi đọc Cựu Ước, họ không thấy những điều đã được chép là chỉ về Chúa Giê-xu. Tình trạng nầy chỉ chấm dứt khi họ tin nhận Chúa Giê-xu:

Khi họ sẽ trở lại cùng Chúa, thì màn ấy mới cất khỏi (c. 16)

Đây là điểm tương đồng với Môi-se trong Xuất 34:34: “Khi Môi-se vào trước mặt Đức Giê-hô-va đặng hầu chuyện Ngài thì dở lúp lên…” Môi-se vào gặp Chúa không có màn che mặt thể nào thì ngày nay, một người trở lại cùng Chúa cũng sẽ không còn bị tấm màn che khuất như vậy.

Đối chiếu của Phao-lô trong cả phân Kinh Thánh nầy là giữa giao ước về chữ (luật pháp Môi-se) và giao ước về Thánh Linh (c. 6). Do đó, ông nói:

Thánh Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự do cũng ở đó (c. 17b)

Dưới luật pháp, con người là nô lệ, khi một người tin Chúa, người ấy sống dưới Thánh Linh, Đấng ban cho chúng ta tự do (Ga-la-ti 5:1).

Phao-lô kết luận phần nầy với câu:

Chúng ta ai nấy đều để mặt trần mà nhìn xem vinh hiển Chúa như trong gương, thì hóa nên cũng một ảnh tượng Ngài, từ vinh hiển qua vinh hiển, như bởi Chúa, là Thánh Linh (c. 18)

Đây là hình ảnh của Môi-se trong Cựu Ước và Phao-lô áp dụng cho chúng ta:

Khi Môi-se vào trước mặt Đức Giê-hô-va đặng hầu chuyện Ngài, thì dở lúp lên… Dân Y-sơ-ra-ên nhìn mặt Môi-se thấy da mặt người sáng rực… (Xuất 34:34-35)

Tương tự như Môi-se, chúng ta không che mặt khi đối diện với Chúa. Trong văn hóa Do-thái, che mặt mang ý nghĩa sỉ nhục và tang chế (Ê-xơ-tê 7:8). Môi-se không dạn dĩ khi đối diện với người Y-sơ-ra-ên (che mặt, c. 13) nhưng ông dạn dĩ khi đối diện với Đức Chúa Trời (dở lúp lên, Xuất 34:34). Chúng ta cũng làm như vậy để nhìn xem vinh hiển Chúa như trong gương (c. 18b). Động từ nhìn xem như trong gương theo văn mạch của Xuất 34:33-35, mang ý nghĩa “chiêm ngưỡng:”

Tất cả chúng ta đều để mặt trần chiêm ngưỡng vinh quang Chúa (c. 18a, BHĐ)

Chúng ta chiêm ngưỡng vinh quang của Đức Chúa Trời khi cái màn vô tín không còn (c. 15b), nhờ đó chúng ta thấu hiểu chân lý Phúc Âm qua Chúa Giê-xu. Đây là điều Phao-lô nói đến trong 4:3-6.

Khi chiêm ngưỡng vinh quang Chúa như vậy, chúng ta “được biến đổi trở nên giống như hình ảnh Ngài” (BHĐ). Động từ “biến đổi” mang ý nghĩa “thoát xác” như trong tiến trình biến thái của sâu trở thành bướm. Đây là biến đổi hoàn toàn trên phương diện đạo đức (Rô-ma 12:2). Sự biến đổi nầy tiệm tiến và gia tăng, bắt đầu và cứ tiếp tục mãi: “Từ vinh quang đến vinh quang” (BHĐ). Đây là mục đích tối hậu của người tin Chúa: trở nên giống như Chúa (Rô-ma 8:29). Chúa Thánh Linh là Đấng thực hiện tiến trình nầy trong đời sống người tin Chúa: “Điều nầy đến từ Chúa là Thánh Linh” (c. 18c, BHĐ).