Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 11

4:1-6 HIỂU BIẾT VINH QUANG ĐỨC CHÚA TRỜI

1 Vậy nên, chúng tôi nhờ sự thương xót đã ban cho, mà được chức vụ nầy, thì chúng tôi chẳng ngã lòng, 2 nhưng chúng tôi từ bỏ mọi điều hổ thẹn giấu kín. Chúng tôi chẳng theo sự dối gạt và chẳng giả mạo lời Đức Chúa Trời, nhưng trước mặt Đức Chúa Trời chúng tôi tỏ bày lẽ thật, khiến lương tâm mọi người cho chúng tôi là đáng chuộng.

3 Nếu Tin lành của chúng tôi còn che khuất, là chỉ che khuất cho những kẻ hư mất, 4 cho những kẻ chẳng tin mà chúa đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời. 5 Vả, chúng tôi chẳng rao giảng chính mình chúng tôi, nhưng rao giảng Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Chúa và vì tình yêu mến Đức Chúa Jêsus mà chúng tôi xưng mình là tôi tớ của anh em. 6 Vì Đức Chúa Trời, là Đấng có phán: Sự sáng phải soi từ trong sự tối tăm – đã làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông biết về vinh hiển Đức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Đức Chúa Jêsus Christ.

 

1. “Chức vụ nầy” (c. 1) là chức vụ gì?

2. Theo câu 1, lý do nào khiến Phao-lô không ngã lòng trong chức vụ? “Sự thương xót” nói đến điều gì?

3. “Từ bỏ mọi điều hổ thẹn giấu kín” (c. 2a) là từ bỏ điều gì?

4. Xin cho biết những điều Phao-lô không làm trong chức vụ của ông (c. 2).

5. “Khiến lương tâm mọi người cho chúng tôi là đáng chuộng” (c. 2c) nghĩa là thế nào?

6. Câu 3-4 cho thấy điều gì về vai trò của ma quỷ về việc hư mất của con người?

7. Phao-lô khẳng định điều gì trong câu 5a? Nói như vậy nghĩa là thế nào?

8. Phao-lô nói: “Chúng tôi xưng mình là tôi tớ của anh em” (c. 5b) nghĩa là thế nào?

9. Phao-lô cho thấy điều gì về tương quan giữa ánh sáng của Đức Chúa Trời và sự thông biết về vinh hiển Đức Chúa Trời  trong câu 6?

Chức vụ Phao-lô nói trong câu 1 là chức vụ giao ước mới (3:6). Giao ước mới vinh hiển hơn hẳn giao ước cũ (3:7-17), vì vậy mà ông không ngã lòng:

Vậy nên, chúng tôi nhờ sự thương xót đã ban cho, mà được chức vụ nầy, thì chúng tôi chẳng ngã lòng (c. 1)

Phao-lô ý thức rằng, ông nhận được chức vụ nầy là nhờ sự thương xót của Chúa. Thương xót mang ý nghĩa không xứng đáng mà được. Phao-lô luôn luôn nhớ đến ơn thương xót của Chúa vì ông là người bắt bớ Hội Thánh của Đức Chúa Trời (I Cô. 15:9-10; I Ti. 1:12-16). Ý thức về đặc quyền và trách nhiệm lớn lao Chúa ban cho mà Phao-lô không nản lòng giữa những khó khăn của chức vụ (11:23-28).

Không ngã lòng, Phao-lô và các bạn từ bỏ mọi điều hổ thẹn giấu kín (c. 2a), nghĩa là: “Chúng tôi khước từ những việc làm mờ ám và đáng xấu hổ” (BHĐ). Ông nói thêm:

Chúng tôi chẳng theo sự dối gạt và chẳng giả mạo lời Đức Chúa Trời (c. 2b)

Dối gạt đồng nghĩa với “dụ dỗ” trong trường hợp ma quỷ dụ dỗ Ê-va (11:3). Khi rao giảng Phúc Âm, Phao-lô không dùng mánh khóe để dụ dỗ người khác. Ông cũng không giả mạo Lời Đức Chúa Trời. Giả mạo là danh từ thương mại, nói đến những mặt hàng giống như thật nhưng kém hẳn về chất lượng, như pha thêm nước vào rượu nho để bán. Phao-lô muốn nói, ông không thêm bớt Lời Chúa, không thêm vào những tư tưởng ngoại giáo hay làm nhẹ đi những lời dạy mà người khác khó chấp nhận, để vừa lòng họ (2:17). Thay vì làm như vậy, ông nói:

Nhưng trước mặt Đức Chúa Trời chúng tôi tỏ bày lẽ thật, khiến lương tâm mọi người cho chúng tôi là đáng chuộng (c. 2c)

Nghĩa đen câu, lương tâm mọi người cho chúng tôi là đáng chuộng là: “Chúng tôi trình bày chính chúng tôi cho lương tâm mọi người.” Ý của Phao-lô là: “Chúng tôi để lương tâm của mọi người nhận định về chúng tôi” (BHĐ). Trong việc rao giảng Lời Chúa, Phao-lô trung thực trình bày chân lý để tùy người nghe nhận định. Đó là nhận định của lương tâm mọi người. Bản Hiệu Đính dịch câu nầy như sau:

Chúng tôi khước từ những việc làm mờ ám và đáng xấu hổ. Chúng tôi không dùng sự xảo quyệt hoặc giả mạo lời Đức Chúa Trời. Trái lại, khi thẳng thắn tỏ bày chân lý, chúng tôi để lương tâm của mọi người nhận định về chúng tôi trước mặt Đức Chúa Trời (c. 2, BHĐ)

Chức vụ của Phao-lô là chức vụ của vinh quang (3:7-11), tuy nhiên nhiều người vẫn không thấy vinh quang đó. Lý do là:

Nếu Tin Lành của chúng tôi có bị che khuất thì chỉ che khuất đối với những người bị hư mất. Thần của đời nầy làm mù lòa tâm trí của những người vô tín, để họ không thấy ánh sáng Tin Lành vinh quang của Đấng Christ, là hình ảnh của Đức Chúa Trời (c. 3-4, BHĐ)

Thần của đời nầy” chỉ về ma quỷ (Giăng 12:31). Ma quỷ luôn luôn muốn ngăn chận người ta tin nhận Chúa vì vậy nó “làm mù lòa tâm trí của những người vô tín, để họ không thấy ánh sáng Tin Lành vinh quang của Đấng Christ.” Phao-lô nói về sự mù lòa tâm linh nầy trong I Cô-rinh-tô 1:20-25. Trong câu nầy, ông nói đến ba điều:

o  Ánh sáng Tin Lành

o  Vinh quang của Đấng Christ

o  Hình ảnh của Đức Chúa Trời

Ánh sáng Tin Lành là điều ông nói trong câu 3: “Tin Lành bị che khuất.” Phúc Âm của Chúa là ánh sáng nhưng vì tâm trí con người mù lòa nên đã không thấy ánh sáng đó.

Vinh quang của Đấng Christ nói đến cái chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá (Giăng 12:23; 17:1). Cái chết của Chúa Giê-xu trên thập giá là gương xấu cho người Do-thái và rồ dại đối với Dân Ngoại (I Cô. 1:23). Nhưng với người tin, cái chết của Chúa Giê-xu là trọng tâm của Phúc Âm và bày tỏ vình quang của Đức Chúa Trời.

Hình ảnh của Đức Chúa Trời nói đến Chúa Giê-xu trong thân xác con người, qua đó chúng ta biết Đức Chúa Trời (Giăng 1:18).

Những điều trên (ánh sáng Tin Lành, vinh quang của Đấng Christ, hình ảnh của Đức Chúa Trời) đi chung với nhau, nói về Phúc Âm của Chúa. Phúc Âm không gì khác hơn là cái chết chuộc tội của Chúa Giê-xu trên thập giá và điều đó bày tỏ vinh quang của Đức Chúa Trời. Đó chính là ánh sáng của Phúc Âm.

Phao-lô đang nói về chức vụ của giao ước mới Chúa ban cho ông (c. 1). Trong chức vụ nầy, ông nói:

chúng tôi không rao giảng chính mình, mà rao giảng Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa và bản thân chúng tôi là đầy tớ của anh em vì Đức Chúa Jêsus (c. 5, BHĐ)

Hai khía cạnh của chức vụ Phao-lô là rao giảng và phục vụ.

Rao giảng: “Chúng tôi không rao giảng chính mình, mà rao giảng Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa.” Nội dung lời giảng của Phao-lô là chính Chúa Giê-xu, Ngài là Chúa, nghĩa là Chủ, cai trị, cầm quyền, hướng dẫn. Đây là lời xưng nhận đức tin (Phi-líp 2:11; I Cô. 12:3b).  

Phục vụ: “Bản thân chúng tôi là đầy tớ của anh em vì Đức Chúa Jêsus.” Đối với Chúa, Phao-lô chỉ rao giảng về Ngài. Đối với người, ông phục vụ, kể mình như nô lệ.

Rao giảng về Chúa và phục vụ anh em là điều mà mỗi người hầu việc Chúa cần tâm niệm!

Tiếp tục nói về chức vụ vinh hiển (3:7-11), Phao-lô viết:

Bởi Đức Chúa Trời là Đấng phán rằng: “Ánh sáng phải chiếu ra từ bóng tối,” đã soi sáng lòng chúng tôi, ban ánh sáng để hiểu biết vinh quang của Đức Chúa Trời trên gương mặt Đức Chúa Jêsus Christ (c. 6, BHĐ)

Ánh sáng phải chiếu ra từ bóng tối là ngụ ý của Sáng thế ký 1:3 trong công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời. Ánh sáng đó được so sánh với Phúc Âm của Chúa Giê-xu (c. 4). “Vinh quang của Đức Chúa Trời trên gương mặt Đức Chúa Jêsus Christ” nói đến việc nhập thể của Chúa Giê-xu (Cô-lô-se 1:15). Loài người không thể hiểu được điều nầy nếu không được Đức Chúa Trời soi sáng. Chính Chúa “ban ánh sáng” chúng ta mới có thể thấy được ánh sáng Phúc Âm qua Chúa Giê-xu.