Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 15

5:16-21 HÒA THUẬN LẠI VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI

16 Bởi đó, từ rày về sau, chúng tôi không theo xác thịt mà nhận biết ai nữa và dẫu chúng tôi từng theo xác thịt mà nhận biết Đấng Christ, song cũng chẳng còn nhận biết Ngài cách ấy đâu. 17 Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới, những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.

18 Mọi điều đó đến bởi Đức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài, và đã giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta. 19 Vì chưng Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ, làm cho thế gian lại hòa với Ngài, chẳng kể tội lỗi cho loài người và đã phó đạo giảng hòa cho chúng tôi. 20 Vậy, chúng tôi làm chức khâm sai của Đấng Christ, cũng như Đức Chúa Trời bởi chúng tôi mà khuyên bảo. Chúng tôi nhân danh Đấng Christ mà nài xin anh em: Hãy hòa thuận lại với Đức Chúa Trời. 21 Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.

 

1. “Bởi đó” (c. 16a) là bởi điều gì? “Theo xác thịt mà nhận biết” nghĩa là gì? “Theo xác thịt mà nhận biết Đấng Christ” nghĩa là thế nào?

2. Xin giải thích những điều sau trong câu 17:

o  “Ở trong Đấng Christ”

o  “Người dựng nên mới”

o  “Sự cũ” nói đến điều gì?

o  “Trở nên mới” nghĩa là thế nào?

3. “Chức vụ giảng hòa” (c. 18-19) là chức vụ gì?

4. “Chức khâm sai của Đấng Christ” (c. 20a) là chức gì? Chúng ta làm chức vụ nầy như thế nào?

5. “Hòa thuận lại với Đức Chúa Trời” (c. 20b) nghĩa là thế nào?

6. “Đấng chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta” mang ý nghĩa gì?

7. “Chúng ta… trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời” nghĩa là thế nào?

 

Bởi đó là bởi điều Phao-lô nói trong câu 14-15. Đó là nhận thức Chúa Giê-xu là Đấng Christ, Đấng đã chịu chết và sống lại để chuộc tội cho nhân loại. Trước khi tin Chúa, Phao-lô không có cái nhìn đúng về Chúa Giê-xu vì ông đã nhận biết Chúa theo xác thịt. Theo xác thịt là theo cách nhìn thông thường của loài người, thấy cái chết của Chúa Giê-xu là cái chết của một tử tội chứ không phải là cái chết thay thế. Phao-lô đã nhận biết Chúa cách sai lầm như vậy trước kia theo cách nhìn của loài người. Bây giờ, đã tin nhận Chúa, ông thay đổi cái nhìn của mình đối với Chúa cũng như với mọi người. Phao-lô giải thích sự thay đổi đó trong câu:

Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới, những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới (c. 17)

Ở trong Đấng Christ mang ý nghĩa “thuộc về Chúa qua đức tin, sống trong quyền năng của Ngài, được liên kết với Ngài qua Chúa Thánh Linh và là một phần trong cộng đồng đức tin qua báp-têm” (Kruse, trang 168). Ở trong Đấng Christ là được liên kết với Chúa, có sự sống của Chúa như nhánh nho ở trong cây nho (Giăng 15:4-5).

Điểm Phao-lô nhấn mạnh trong câu nầy là ý nghĩa hay kết quả của việc ở trong Chúa:

Ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới (c. 17b)

Dựng nên mới nghĩa là “tạo vật mới” (BHĐ), một vật mới hoàn toàn, không phải được sửa đổi từ cái cũ. Người tin Chúa là người được tái sinh (Giăng 3:3-8) như em bé được sinh ra trong gia đình.

Những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới (c. 17c) là một câu tán thán, hàm ý reo vui, cho thấy một hình ảnh rõ ràng về tiến trình tái sinh. Cấu trúc của hai động từ qua đitrở nên cho thấy “sự dứt khoát hoàn toàn của những gì cũ” và “kết quả vĩnh viễn của những gì mới.”

Mọi điều đó (c. 18a) nói đến tiến trình tái sinh trong câu 17, Phao-lô cho thấy sự cứu rỗi và sự thay đổi con người hoàn toàn đến từ Đức Chúa Trời: Mọi điều đó đến bởi Đức Chúa Trời. Một cái nhìn khác về chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời được Phao-lô mô tả là được hòa thuận lại cùng Ngàichức vụ giảng hòa (c. 18b). Đây là giáo lý hòa giải giữa Đức Chúa Trời và con người. Hòa giải là phục hồi mối quan hệ bị đổ vỡ. Mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và con người bị cắt đứt vì tội lỗi nhưng Đức Chúa Trời đã khởi động việc hòa giải bằng cách ban Chúa Giê-xu đến trần gian mang tội lỗi thay cho chúng ta (c. 21). Khi đã được hòa giải, sứ mạng của chúng ta là giúp người khác cũng được hòa giải với Đức Chúa Trời: Giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta (c. 18b).

Chức khâm sai (c. 20a) là chức vụ đại sứ, người đai diện cho một nước. Môi-se là người thay mặt Đức Chúa Trời truyền thông điệp cho dân Y-sơ-ra-ên. Các sứ đồ là sứ giả của Chúa Giê-xu ra đi loan báo Tin Mừng. Chức khâm sai mang ý nghĩa đó. Phao-lô cho thấy, ông và các bạn là người giữ chức vụ đại diện Chúa Giê-xu đem Phúc Âm cứu rỗi đến cho người Cô-rinh-tô. Sứ điệp của Phúc Âm là sứ điệp hòa giải, nối kết con người tội lỗi với Đức Chúa Trời thánh khiết qua cái chết thay thế của Chúa Giê-xu trên thập tự giá.

Hãy hòa thuận lại với Đức Chúa Trời (c. 20b) là lời kêu gọi hãy tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu. Sự việc chúng ta được hòa thuận hay hòa giải với Đức Chúa Trời được giải thích trong câu:

 

Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời (c. 21)

Đây là ý nghĩa cái chết thay thế của Chúa Giê-xu: Chúa Giê-xu vô tội (chẳng biết tội lỗi) nhưng bị kể là có tội (trở nên tội lỗi vì chúng ta). Đức Chúa Trời nhìn vào cái chết thay thế của Chúa Giê-xu và kể đó là án phạt đã thi hành trên chúng ta. Đức Chúa Trời có thể kể chúng ta là công chính nhờ cái chết thay thế đó: Chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời (c. 21b).