Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 18

7:2-7 ĐẤNG YÊN ỦI KẺ NGÃ LÒNG

2 Hãy mở lòng anh em cho chúng tôi: chúng tôi chẳng có làm hại ai, lừa dối ai, thủ lợi ai. 3 Tôi chẳng nói điều đó để buộc tội anh em vì tôi đã nói rằng lòng chúng tôi thuộc về anh em, dầu sống hay chết cũng vậy. 4 Tôi nói với anh em cách bạo dạn, tôi có nhiều lẽ khoe mình vì anh em. Tôi được đầy sự yên ủi, tôi được vui mừng quá bội ở giữa mọi sự khó khăn. 5 Vả, khi chúng tôi đến trong xứ Ma-xê-đoan, xác thịt chẳng được yên nghỉ chút nào. Chúng tôi khốn đốn đủ mọi cách: ngoài thì có sự chiến trận, trong thì có sự lo sợ. 6 Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng yên ủi kẻ ngã lòng, đã yên ủi tôi bởi Tít đến nơi. 7 Không những bởi người đến mà thôi, nhưng lại bởi sự yên ủi người đã nhận lãnh nơi anh em nữa. Người có nói cho chúng tôi biết anh em rất ao ước, khóc lóc, và có lòng sốt sắng đối với tôi, điều đó làm cho tôi càng vui mừng thêm.

 

1. “Hãy mở lòng anh em cho chúng tôi” (c. 2a) nghĩa là thế nào? Tại sao Phao-lô kêu gọi người Cô-rinh-tô như vậy?

2. Ba điều Phao-lô không làm đối với người Cô-rinh-tô là gì (c. 2b)? Tại sao Phao-lô phải nói những điều nầy?

3. Tại sao Phao-lô nói: “Tôi chẳng nói điều đó để buộc tội anh em” (c. 3a)?

4. Xin cho biết tâm tình của Phao-lô đối với người Cô-rinh-tô trong câu 3-4.

5. Xin đọc II Cô-rinh-tô 2:13, so sánh với 7:5 và cho biết điểm giống nhau của hai câu nầy.

6. Xin cho biết những khó khăn Phao-lô phải đương đầu tại Ma-xê-đoan (c. 5).

7. Khó khăn của Phao-lô đã được giải quyết ra sao (c. 6)?

8. Chúng ta học được điều gì qua những lời tâm tình của Phao-lô trong phân đoạn nầy?

 

Sau lời kêu gọi sống thánh khiết, không thỏa hiệp với đời (6:14-7:1), Phao-lô kêu gọi người Cô-rinh-tô làm tươi mới mối thân tình giữa ông với họ. Đây là điều ông viết trong phần trước (6:11-13). Ý tưởng “mở rộng lòng” thay vì “hẹp hòi” được nhắc lại:

Hãy mở lòng anh em cho chúng tôi (c. 2a)

Cấu trúc của động từ mở lòng (c. 2a) trong nguyên văn kêu gọi một hành động cụ thể, hàm ý Phao-lô tin rằng người Cô-rinh-tô vẫn còn dè dặt đối với ông. Ông cho thấy lòng ông lúc nào cũng rộng mở đối với họ, điều cần thay đổi là tấm lòng của họ đối với ông (6:12). Trong lời kêu gọi “mở lòng” nầy, Phao-lô cho người Cô-rinh-tô thấy ba điều ông không làm: không làm hại, không lừa dối, không thủ lợi (c. 2b).

Chẳng có làm hại ai (c. 2b) mang ý nghĩa “xử bất công” (BHĐ). Phao-lô dùng lại động từ nầy trong 7:12 cho thấy ông mới là người chịu sự trái nghịch (“bị đối xử sai trái,” BHĐ). Phao-lô là người bị làm hại, bị xử bất công, chính ông không làm điều đó.

Lừa dối (c. 2b) mang ý nghĩa “làm thiệt hại” (BHĐ). Động từ nầy mang ý nghĩa “phá hủy” (I Cô. 3:7) hay “làm hư” (I Cô. 15:33). Phao-lô hàm ý sự dạy dỗ và đời sống của ông không bao giờ gây thiệt hại cho Hội Thánh.

Thủ lợi (c. 2b) mang ý nghĩa lợi dụng người khác để có lợi cho mình. Phao-lô cho thấy ông không lợi dụng chức vụ sứ đồ hay việc quyên góp tiền bạc (chương 8-9) để đem lại lợi lộc vật chất cho mình.

Những điều Phao-lô khẳng định mình không làm (c. 2b) có vẻ như là lời buộc tội người Cô-rinh-tô, vì vậy ông viết:

Tôi chẳng nói điều đó để buộc tội anh em (c. 3a)

Ông nói như vậy để người Cô-rinh-tô thấy rõ tấm lòng của ông:

Tôi đã nói rằng lòng chúng tôi thuộc về anh em, dầu sống hay chết cũng vậy (c. 3b)

Hình ảnh tấm lòng mở rộng của Phao-lô được nhắc lại (lòng chúng tôi thuộc về anh em) và dầu sống hay chết là thành ngữ mang ý nghĩa tình bạn liên đới và trung thành: “cùng chết cùng sống với nhau” (BHĐ).

Hai điều tiếp theo Phao-lô nói về người Cô-rinh-tô là:

Tôi rất tin tưởng anh em và rất tự hào về anh em (c. 4a, BHĐ)

Ông nói thêm:

Tôi được tràn ngập niềm an ủi và chan chứa niềm vui giữa mọi hoạn nạn (c. 4b, BHĐ)

Điều nầy cho thấy Phao-lô cố gắng tìm những điều tích cực để nói với người Cô-rinh-tô ngõ hầu hàn gắn mối quan hệ bị rạn nứt vì những sự việc đã xảy ra trong Hội Thánh. Đây là một nguyên tắc quan trọng chúng ta nên áp dụng trong các mối quan hệ: nhấn mạnh những điều tích cực thay vì tập trung vào những điều tiêu cực.

Đọc lại II Cô-rinh-tô 2:13, chúng ta thấy rõ 7:5 là phần tiếp nối với phân đoạn đó, nói về việc Phao-lô đến Ma-xê-đoan. Như vậy, 2:14 – 7:4 là phần “trong ngoặc,” Phao-lô mô tả đặc điểm của chức vụ và lòng liêm chính của ông. Trở lại với chuyến đi đến Ma-xê-đoan, Phao-lô viết:

Vả, khi chúng tôi đến trong xứ Ma-xê-đoan, xác thịt chẳng được yên nghỉ chút nào. Chúng tôi khốn đốn đủ mọi cách: ngoài thì có sự chiến trận, trong thì có sự lo sợ (c. 5)

Khi chúng tôi đến trong xứ Ma-xê-đoan (c. 5a) là điều được nhắc đến trong Công vụ 20:1-2. Ma-xê-đoan nằm về phía Bắc A-chai (Cô-rinh-tô) có Hội Thánh Phi-líp, Tê-sa-lô-ni-ca, v.v… Sách Công vụ không ghi lại chi tiết việc Phao-lô đến Ma-xê-đoan lần nầy nhưng ông cho biết:

Chúng tôi khốn đốn đủ mọi cách: ngoài thì có sự chiến trận, trong thì có sự lo sợ (c. 5b)

Khó khăn Phao-lô phải đối diện Ma-xê-đoan lần nầy là:

(1) Chiến trận bên ngoài. (2) Lo sợ bên trong. Theo cách chữ nầy được dùng trong Tân Ước, chiến trận mang ý nghĩa cãi cọ, chống đối. Đây có thể là chống đối của những người không tin (Công vụ 17:5-14) hay đối thủ trong Hội Thánh (Phi-líp 3:2). Lo sợ là lo lắng về tình trạng suy yếu đức tin của tín hữu trong Hội Thánh (II Cô. 11:3; Ga-la-ti 4:11). Phao-lô phải sống trong hoàn cảnh khó khăn như vậy trong những ngày chờ đợi Tít từ Cô-rinh-tô đến (c. 6).

Phao-lô đã được an ủi khi Tít đến nơi (c. 6) nhưng ông coi sự yên ủi đó như đến từ Đức Chúa Trời: Đức Chúa Trời là Đấng yên ủi kẻ ngã lòng (c. 6a). Đây cũng là điều ông nói trong lời mở đầu (1:3-7). Phao-lô được an ủi khi Tít đến nơi vì theo 2:13, ông đã nhờ Tít đem một lá thư đến cho người Cô-rinh-tô (2:3-4) và lúc đó ông đang nóng lòng gặp lại Tít để biết tin tức của Hội Thánh. Một điều khác nữa an ủi Phao-lô là việc chính ông Tít đã được an ủi từ người Cô-rinh-tô (c. 7a). Thêm vào đó, ông vui mừng biết được tâm tình của người Cô-rinh-tô đối với ông:

Người có nói cho chúng tôi biết anh em rất ao ước, khóc lóc và có lòng sốt sắng đối với tôi, điều đó làm cho tôi càng vui mừng thêm (c. 7b)

Những điều nầy cho thấy tấm lòng của Phao-lô đối với các tín hữu tại Cô-rinh-tô và tâm tình của họ đối với ông. Cả hai đều quan tâm và lo tưởng cho nhau, cùng vui, cùng buồn với nhau. Đây cũng là điều cần có trong Hội Thánh giữa mục sư và tín đồ.