Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 19

7:8-16 BUỒN RẦU THEO Ý ĐỨC CHÚA TRỜI

8 Dầu nhân bức thơ tôi, đã làm cho anh em buồn rầu, thì tôi chẳng lấy làm phàn nàn mà nếu trước đã phàn nàn (vì tôi thấy bức thơ ấy ít nữa cũng làm cho anh em buồn rầu trong một lúc), 9 nay tôi lại mừng, không phải mừng về sự anh em đã phải buồn rầu, song mừng về sự buồn rầu làm cho anh em sanh lòng hối cải. Thật, anh em đã buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời, đến nỗi chưa chịu thiệt hại bởi chúng tôi chút nào. 10 Vì sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự hối cải, và sự hối cải dẫn đến sự rỗi linh hồn. Về sự đó người ta chẳng hề ăn năn, còn sự buồn rầu theo thế gian sanh ra sự chết. 11 Vậy, hãy xem, sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự ân cần trong anh em là dường nào! Lại có sự chữa chối, buồn giận, răn sợ, sốt sắng, nôn nả, trách phạt là dường nào! Anh em đã tỏ ra cho ai nấy đều biết rằng mình vốn là thanh sạch trong việc đó.

12 Lại còn, nếu tôi đã viết thơ cho anh em, ấy không phải vì cớ kẻ làm sự trái nghịch, cũng không phải vì cớ kẻ chịu sự trái nghịch nhưng hầu cho lòng anh em yêu chuộng chúng tôi được tỏ ra giữa anh em ở trước mặt Đức Chúa Trời. 13 Ấy là điều đã yên ủi chúng tôi. Nhân sự yên ủi đó chúng tôi lại được sự vui mừng càng lớn hơn nữa, khi thấy sự vui mừng của Tít vì anh em thảy đều đã để cho tâm thần người được yên lặng. 14 Nếu tôi đã khoe mình với Tít về anh em trong sự gì, thì tôi cũng chẳng hổ-thẹn nhưng vì chúng tôi đã thường nói điều thật với anh em, nên lời khen về anh em mà chúng tôi khoe với Tít cũng thấy là thật. 15 Khi người nhớ đến sự vâng lời của anh em hết thảy và anh em tiếp người cách sợ sệt run rẩy dường nào, thì tình yêu thương của người đối với anh em càng bội lên. 16 Tôi vui mừng vì có thể tin cậy anh em trong mọi sự.

 

1. “Bức thơ tôi” (c. 8a) là bức thơ nào? Tại sao bức thơ nầy “làm cho anh em buồn rầu” (c. 8a)?

2. Tại sao “bức thơ tôi đã làm cho anh em buồn rầu” nhưng Phao-lô nói: “Thì tôi chẳng lấy làm phàn nàn” (c. 8b)?

3. Xin cho biết lý do Phao-lô vui mừng khi ông viết thư làm cho họ buồn rầu (c. 9a)?

4. Xin giải thích câu 10 và áp dụng cho chúng ta.

5. Xin cho biết những kết quả của việcbuồn rầu theo ý Đức Chúa Trời” (c. 11).

6. Tại sao Phao-lô nói: “Anh em đã tỏ ra cho ai nấy đều biết rằng mình vốn là thanh sạch trong việc đó” (c. 11b)?

7. “Kẻ làm sự trái nghịch” và “kẻ chịu sự trái nghịch” (c. 12) chỉ về ai?

8. Theo câu 12-13, hai điều đã an ủi Phao-lô là gì? Tại sao?

9. Câu 13b-16 nói gì về mối quan hệ giữa Phao-lô, Tít và Hội Thánh Cô-rinh-tô?

 

Để biết “bức thư tôi” (c. 8a) là bức thư nào, chúng ta cần biết bối cảnh về “Những Lá Thư Cô-rinh-tô.” Có ít nhất là bốn bức thư Phao-lô viết cho người Cô-rinh-tô dù trong Kinh Thánh chỉ còn lại hai:

Thư thứ nhất được Phao-lô nhắc đến trong I Cô-rinh-tô 5:9a: “Trong thơ tôi viết cho anh em…” hàm ý đây là lá thư được viết trước I Cô-rinh-tô nhưng không còn lưu lại.

Thư thứ hai là Thư I Cô-rinh-tô chúng ta có.

Thư thứ ba được Phao-lô nhắc đến trong II Cô-rinh-tô 2:3-4, 9; 7:8, 12 thường gọi là “lá thư viết trong nước mắt” (II Cô-rinh-tô 2:4a). Thư nầy do Tít đem từ Ê-phê-sô đến Cô-rinh-tô và Phao-lô chờ đợi Tít trở lại Trô-ách (II Cô-rinh-tô 2:12-13) và sau đó tại Ma-xê-đoan (II Cô-rinh-tô 7:5-6). Đây là lá thư Phao-lô nói “đã làm cho anh em buồn rầu” (c. c. 8a). Đây cũng là lá thư không còn lưu lại.

Thư thứ tư là Thư II Cô-rinh-tô chúng ta đang học.

Phao-lô nói đây là lá thư đã làm cho anh em buồn rầu lá thư lời lẽ gay gắt (II Cô. 2:3-4, 9; 7:8, 12). Phao-lô ân hận đã viết lá thư nầy vì điều ông viết làm cho Hội Thánh buồn. Trong thư, ông trách người Cô-rinh-tô đã không kỷ luật người có tội và không ủng hộ ông trong vấn đề nầy. Tuy nhiên, lá thư đã đem lại hiệu quả vì Hội Thánh Cô-rinh-tô dứt phép thông công người có tội (II Cô. 7:6-13) và qua lời báo cáo của Tít, Phao-lô thỏa lòng về điều nầy (II Cô. 7:6-16).

Như vậy, lá thư làm cho anh em buồn rầu (c. 8a) là lá thư thứ ba (lá thư “viết trong nước mắt.”) Dù lá thư nầy làm cho người Cô-rinh-tô buồn nhưng Phao-lô không hối tiếc (phàn nàn). Và dù cho có hối tiếc (nếu trước đã phàn nàn) thì nay ông cũng vui mừng. Lý do Phao-lô vui mừng là: Không phải mừng về sự anh em đã phải buồn rầu, song mừng về sự buồn rầu làm cho anh em sanh lòng hối cải (c. 9a).

Nếu bức thư của tôi có làm cho anh em đau buồn thì tôi cũng không hối tiếc. Mà nếu trước đó tôi có hối tiếc — vì tôi thấy bức thư ấy đã làm cho anh em đau buồn, dù chỉ trong ít lâu — thì bây giờ tôi lại vui mừng. Tôi vui không phải vì anh em đã đau buồn, mà vì sự đau buồn của anh em đã đem lại sự ăn năn (c. 8-9a, BHĐ).

Lý do Phao-lô vui mừng dù đã viết lá thư gay gắt (Thư thứ ba) là vì lá thư nầy đã giúp người Cô-rinh-tô hối cải (c. 9a). Do đó, ông viết:

Thật, anh em đã buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời, đến nỗi chưa chịu thiệt hại bởi chúng tôi chút nào (c. 9b)

Nói như vậy nghĩa là: “Thật, anh em đã đau buồn theo ý Đức Chúa Trời. Như thế, chúng tôi không gây thiệt hại gì cho anh em cả” (BHĐ). Buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời (c. 9b) là điều Phao-lô nhấn mạnh. Ông cho biết:

Sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự hối cải và sự hối cải dẫn đến sự rỗi linh hồn (c. 10a)

Đây là một tiến trình cần thiết dẫn đến sự cứu rỗi: khi một người được cáo trách về tội lỗi, người đó sẽ buồn. Từ chỗ buồn rầu, người ấy sẽ ăn năn. Khi ăn năn thật, người ấy sẽ được tha thứ. Phao-lô dùng hai từ khác nhau để nói về ăn năn:

Phàn nàn (metamelomai, c. 8a) và hối cải (metanoia, c. 9a, 10a). Phàn nàn mang ý nghĩa hối tiếc, ân hận còn hối cải là thay đổi hoàn toàn và hành động theo sự thay đổi đó.

Sự đau buồn theo ý Đức Chúa Trời sinh ra sự ăn năn để được cứu rỗi, điều nầy không có gì phải hối tiếc (c. 10a, BHĐ)

Sự buồn rầu theo thế gian (c. 10b) nghĩa là chỉ buồn rầu vì ân hận chứ không thật sự thay đổi, chắn chắn sẽ không được tha thứ. Hai ví dụ rõ ràng về điều nầy là trường hợp của Phi-e-rơ (ăn năn thật, Ma-thi-ơ 26:75) và Giu-đa Ích-ca-ri-ốt (chỉ ân hận, metamelomai, về hành động của mình, Ma-thi-ơ 27:3-5). Buồn rầu và ăn năn thật là điều cần thiết để được tha thứ.

Phao-lô nói thêm về sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời như sau:

Vậy, hãy xem, sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự ân cần trong anh em là dường nào! Lại có sự chữa chối, buồn giận, răn sợ, sốt sắng, nôn nả, trách phạt là dường nào! (c. 11a)

Đây là những kết quả của việc buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời:

1. Sự ân cần (“lòng nhiệt thành,” BHĐ) nói đến cố gắng làm sáng tỏ vấn đề để chứng tỏ họ không có lỗi (c. 11b).

2. Chữa chối (“thanh minh,” BHĐ): giải thích vấn đề.

3. Buồn giận (“phẫn nộ,” BHĐ) đối với người có lỗi (2:5; 7:12).

4. Răn sợ (“sợ sệt,” BHĐ) đối với Đức Chúa Trời vì đã không đối xử đúng với vị sứ đồ.

5. Sốt sắngnôn nả (“mong đợi,” BHĐ) nói đến việc người Cô-rinh-tô muốn giải hòa với Phao-lô.

6. Trách phạt (“sửa phạt,” BHĐ) nói đến việc sẵn sàng kỷ luật người có lỗi (2:6).

Phao-lô kết luận phần nầy với câu:

Anh em đã tỏ ra cho ai nấy đều biết rằng mình vốn là thanh sạch trong việc đó (c. 11b)

Điều nầy hàm ý rằng dù lúc đầu người Cô-rinh-tô không đứng về phía Phao-lô và không kỷ luật người có lỗi nhưng sau lá thư “gay gắt,” họ đã đứng với ông và trách phạt người có lỗi (2:6). Thanh sạch trong việc đó (c. 11b) là như vậy.

Khi biết các tín hữu Cô-rinh-tô đáp ứng tốt với lá thư có lời lẽ gay gắt của mình, Phao-lô cho họ thấy động cơ thúc đẩy ông viết lá thư đó:

Nếu tôi đã viết thơ cho anh em, ấy không phải vì cớ kẻ làm sự trái nghịch, cũng không phải vì cớ kẻ chịu sự trái nghịch nhưng hầu cho lòng anh em yêu chuộng chúng tôi được tỏ ra giữa anh em ở trước mặt Đức Chúa Trời (c. 12).

Đối chiếu với II Cô-rinh-tô 2:5-8, kẻ làm sự trái nghịch (c. 12a) là người đã làm cho Phao-lô buồn rầu, vì chống lại thẩm quyền sứ đồ (2:5a) và kẻ chịu sự trái nghịch là Phao-lô (2:5b). Phao-lô cho thấy, mục đích chính của ông khi viết “lá thư gay gắt” không phải vì người đó hay vì chính ông nhưng hầu cho lòng anh em yêu chuộng chúng tôi được tỏ ra giữa anh em ở trước mặt Đức Chúa Trời (c. 12b). Lòng anh em yêu chuộng chúng tôi nói lên “lòng nhiệt thành” (BHĐ) của họ đối với Phao-lô, nghĩa là họ đã vâng lời ông và kỷ luật người có lỗi (2:6). Điều nầy khiến Phao-lô được khích lệ: Ấy là điều đã yên ủi chúng tôi (c. 13a).

Thêm vào đó, Phao-lô viết:

Nhân sự yên ủi đó chúng tôi lại được sự vui mừng càng lớn hơn nữa, khi thấy sự vui mừng của Tít vì anh em thảy đều đã để cho tâm thần người được yên lặng (c. 13b)

Một trong những điều khiến Phao-lô không yên tâm là ông không được gặp lại Tít là người đã mang “lá thư gay gắt” đến cho Hội Thánh Cô-rinh-tô (2:13). Vì vậy, ông rất vui mừng khi gặp lại Tít, nhất là thấy Tít cũng vui mừng qua đáp ứng tích cực của tín hữu Cô-rinh-tô (c. 13b). Phao-lô nói:

Anh em thảy đều đã để cho tâm thần người được yên lặng (c. 13b)

Để cho tâm thần người được yên lặng. Yên lặng trong nguyên văn mang ý nghĩa “tươi mát” (refreshing): “Tất cả anh em đã làm cho tâm trí anh ấy được thanh thản” (BHĐ). Đây là đáp ứng của tín hữu Cô-rinh-tô đối với Tít qua “lá thư gay gắt” của Phao-lô ông mang đến cho Hội Thánh.

Vì vậy, Phao-lô đã rất hãnh diện về người Cô-rinh-tô và ông nói điều đó với ông Tít:

Nếu tôi đã khoe mình với Tít về anh em trong sự gì, thì tôi cũng chẳng hổ thẹn nhưng vì chúng tôi đã thường nói điều thật với anh em, nên lời khen về anh em mà chúng tôi khoe với Tít cũng thấy là thật (c. 14)

Phao-lô cũng khen người Cô-rinh-tô về cách họ đối xử với ông Tít:

Khi người nhớ đến sự vâng lời của anh em hết thảy và anh em tiếp người cách sợ sệt run rẩy dường nào, thì tình yêu thương của người đối với anh em càng bội lên (c. 15)

Anh em tiếp người cách sợ sệt run rẩy nói đến việc người Cô-rinh-tô đáp ứng đúng với “lá thư gay gắt” nhưng là lá thư với thẩm quyền sứ đồ của Phao-lô qua những việc phải giải quyết trong Hội Thánh Cô-rinh-tô (2:6).

Chúng ta nhìn thấy một mối quan hệ yêu thương và hỗ tương giữa Phao-lô, Tít và Hội Thánh Cô-rinh-tô. Phao-lô phải viết thư trách Hội Thánh Cô-rinh-tô về những việc sai trái họ làm. Người Cô-rinh-tô nhận lỗi và làm theo lời dạy của Phao-lô. Tít là trung gian trong việc nầy và ông được cả hai bên yêu thương, chấp nhận. Tất cả những điều nầy đem lại niềm vui và khích lệ cho cả ba. Đây là mối quan hệ hỗ tương cần có trong Hội Thánh.