Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 20

8:1-15 DÂNG CHÍNH MÌNH CHO CHÚA

1 Hỡi anh em, chúng tôi muốn anh em biết ơn Đức Chúa Trời đã làm cho các Hội Thánh ở xứ Ma-xê-đoan: 2 đang khi họ chịu nhiều hoạn nạn thử thách, thì lòng quá vui mừng, và cơn rất nghèo khó của họ đã rải rộng ra sự dư dật của lòng rộng rãi mình. 3 Vì tôi làm chứng cho họ rằng họ đã tự ý quyên tiền theo sức mình hoặc cũng quá sức nữa, 4 và nài xin chúng tôi làm ơn cho họ có phần vào sự giùm giúp các thánh đồ. 5 Họ lại làm quá lòng trông cậy của chúng tôi, vì trước hết đã dâng chính mình cho Chúa và sau lại cho chúng tôi, theo ý muốn Đức Chúa Trời. 6 Vậy nên chúng tôi đã khuyên Tít đi đến nơi anh em để làm trọn việc nhân đức nầy, như người đã khởi sự làm.

7 Vậy thì, như anh em đều trổi hơn về mọi việc, tức là về đức tin, về lời giảng, về sự vâng lời, về mọi sự sốt sắng, về tình yêu chúng tôi, thì cũng hãy chú ý làm cho trổi hơn về việc nhân đức nầy. 8 Tôi nói điều đó chẳng phải truyền dạy anh em nhưng bởi kẻ khác làm gương sốt sắng, thì tôi cũng muốn thử xem sự thành thực của lòng yêu thương anh em là thể nào. 9 Vì anh em biết ơn của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài vốn giàu, vì anh em mà tự làm nên nghèo, hầu cho bởi sự nghèo của Ngài, anh em được nên giàu. 10 Ấy là ý tôi ngỏ cho anh em. Ý đó có ích cho anh em, vì từ năm trước, anh em đã là người thứ nhứt, chẳng những ra tay làm việc nầy, lại vui lòng mà làm nữa.

11 Vậy bây giờ, hãy làm trọn công việc của anh em, hầu cho như anh em đã sẵn lòng thể nào thì làm cho trọn theo tài năng mình. 12 Vì nếu mình lấy lòng tốt mà làm, thì được đẹp ý theo điều mình có, chớ chẳng theo điều mình không có. 13 Tôi chẳng khuyên bảo anh em chịu túng thiếu để giúp đỡ kẻ khác, nhưng tôi muốn có sự bằng nhau. 14 Theo cảnh bây giờ, anh em có dư thì bù cho họ lúc túng thiếu, hầu cho họ có dư cũng bù lại lúc túng thiếu cho anh em, như vậy là bằng nhau, 15 theo lời chép rằng: Kẻ đã thâu nhiều cũng chẳng dư, kẻ thâu ít cũng chẳng thiếu chi. 

 

1. Xin đọc Công vụ 11:27-30; Rô-ma 15:25-29; I Cô-rinh-tô 16:1-4 và cho biết bối cảnh của II Cô-rinh-tô 8-9.

2. Sứ đồ Phao-lô khen ngợi điều gì về các Hội Thánh ở xứ Ma-xê-đoan (c. 1-2)?

3. Các Hội Thánh xứ Ma-xê-đoan đã làm gì trong việc quyên tiền (c. 3-4)?

4. Phao-lô nói gì về tinh thần dâng hiến của các Hội Thánh ở xứ Ma-xê-đoan (c. 5)?

5. “Việc nhân đức nầy” (c. 7) là việc gì?

6. Những điều tín hữu Cô-rinh-tô đã “trổi hơn” (c. 7) là gì? Tại sao Phao-lô nói điều nầy?

7. Xin cho biết ngụ ý của Phao-lô trong câu 8.

8. Xin giải thích sự giàu nghèo của Chúa Giê-xu trong câu 9.

9. Chúng ta được giàu nhờ sự nghèo của Chúa nghĩa là thế nào?

10. Hai điều các tín hữu Cô-rinh-tô đã làm trong sự quyên góp là gì (c. 10)? Dạy chúng ta điều gì?

11. Câu 11 nối ý với câu 10 như thế nào?

12. “Được đẹp ý” (c. 12) nghĩa là gì?

13. Xin cho biết nguyên tắc tương trợ Phao-lô nêu trong câu 13-15.

14. Chúng ta học được điều gì về dâng hiến và tương trợ trong phân đoạn nầy?

 

Theo Công vụ 11:27-30, nạn đói đã xảy ra trên toàn đế quốc La-mã trong đời hoàng đế Claudius (41-54 S.C.). Lúc đó, Hội Thánh An-ti-ốt (Sy-ri) đã gởi tiền cứu trợ cho Hội Thánh Giê-ru-sa-lem qua Ba-na-na và Sau-lơ. Trong Thư I Cô-rinh-tô, Phao-lô cũng nhắc đến việc cứu trợ nầy (I Cô-rinh-tô 16:1-4). Việc nầy cũng được nhắc đến trong Thư Rô-ma là thư được viết sau Thư II Cô-rinh-tô một thời gian ngắn (Rô-ma 15:25-26).

Sau khi giải quyết các vấn đề với Hội Thánh Cô-rinh-tô (Chương 1-7), Phao-lô kết luận:

Tôi vui mừng vì có thể tin cậy anh em trong mọi sự (7:16)

Do đó, ông mạnh dạn nói đến việc quyên góp cứu trợ cho Hội Thánh Giê-ru-sa-lem (Chương 8-9). Phần Kinh Thánh nầy đưa ra một khuôn mẫu lý tưởng trong việc quyên góp tiền bạc cứu trợ và dâng hiến.

Trước hết, Phao-lô lấy gương của các Hội Thánh xứ Ma-xê-đoan để khích lệ Hội Thánh Cô-rinh-tô:

Hỡi anh em, chúng tôi muốn anh em biết ơn Đức Chúa Trời đã làm cho các Hội Thánh ở xứ Ma-xê-đoan (c. 1)

Các Hội Thánh ở xứ Ma-xê-đoan là Phi-líp, Tê-sa-lô-ni-ca và Bê-rê, là những Hội Thánh Phao-lô thành lập trong chuyến truyền giáo thứ hai (Công vụ 16:9 – 17:15). Các Hội Thánh nầy nêu gương tốt nhưng ông gọi đây là ơn Đức Chúa Trời đã làm (c. 1a). Những việc tốt lành chúng ta làm cho Chúa không đến từ cố gắng hay công sức của con người nhưng đến từ ân sủng của Đức Chúa Trời. Vì kinh nghiệm ơn của Chúa, nên Phao-lô thường xuyên nói đến điều nầy (I Cô. 15:10; I Ti-mô-thê 1:14-16; II Cô. 8:9).

Ơn hay ân sủng đó là:

Đang khi họ chịu nhiều hoạn nạn thử thách, thì lòng quá vui mừng và cơn rất nghèo khó của họ đã rải rộng ra sự dư dật của lòng rộng rãi mình (c. 2)

Chúng ta có thể đối chiếu việc làm của các Hội Thánh xứ Ma-xê-đoan như sau:

 

HOÀN CẢNH

THỂ HIỆN

Hoạn nạn thử thách

Lòng quá vui mừng

Nghèo khó

Rải ra sự dư dật của lòng rộng rãi

 

Đó là điều đáng khen của các Hội Thánh xứ Ma-xê-đoan mà Phao-lô dùng để khích lệ Hội Thánh Cô-rinh-tô.

Điều người Ma-xê-đoan đã làm là:

1. Tự ý quyên tiền (c. 3):

·      Theo sức mình

·      Quá sức mình

2. Nài xin cho được có phần vào việc giúp đỡ (c. 4).

3. Làm hơn sự mong đợi của Phao-lô (c. 5a).

4. Dâng mình cho Chúa trước (c. 5b).

5. Theo ý muốn Đức Chúa Trời (c. 5c) – “tận hiến.”

Đây là tinh thần dâng hiến chúng ta cần có.

Sau khi lấy Hội Thánh Ma-xê-đoan làm gương, Phao-lô viết:

Vậy nên chúng tôi đã khuyên Tít đi đến nơi anh em để làm trọn việc nhân đức nầy, như người đã khởi sự làm (c. 6)

Việc nhân đức nầy (nghĩa đen là “hành động ân sủng” nầy) nói đến việc quyên góp tiền bạc cho Hội Thánh Giê-ru-sa-lem. Câu nầy hàm ý rằng Tít đến Cô-rinh-tô chẳng những để đem thư của Phao-lô cho họ nhưng cũng bắt đầu việc quyên góp như Phao-lô đã nói trước đây (I Cô. 16:1-4).

Phao-lô bắt đầu phần kêu gọi dâng hiến bằng cách khen ngợi họ về: đức tin, lời giảng (“lời nói,BHĐ) vâng lời, sốt sắng, tình yêu (c. 7a). Ông nói họ đã trổi hơn (“vượt trội,” BHĐ) về những điều nầy thì cũng nên vượt trội trong sự dâng hiến (c. 7). Ông cũng khéo léo kêu gọi sự dâng hiến: không ra lệnh nhưng chỉ cho họ thấy gương của người khác và thử tấm lòng của họ:

Tôi nói điều nầy không phải để ra lệnh cho anh em đâu, nhưng tôi chỉ nêu lên lòng nhiệt thành của những người khác để xem lòng yêu thương của anh em chân thành đến mức nào (c. 8, BHĐ)

Tiếp theo, ông nêu gương ban cho của Chúa Giê-xu:

Vì anh em biết ơn của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài vốn giàu, vì anh em mà tự làm nên nghèo, hầu cho bởi sự nghèo của Ngài, anh em được nên giàu (c. 9)

Chữ ơn hay “ân sủng” được dùng ở đây tương tự như trong câu 1 (ơn Đức Chúa Trời) và câu 6, 7 (việc nhân đức). Tất cả đều nói đến ân sủng lớn lao Chúa dành cho chúng ta. Việc Chúa Giê-xu từ giàu trở nên nghèo để chúng ta được giàu là minh chứng của ân sủng Chúa. Giàunghèo không nói về vật chất nhưng nói đến việc Chúa tự hạ mình, từ bỏ thiên đàng cao sang làm người để cứu chúng ta (Phi-líp 2:6-8). Nhờ đó chúng ta được giàu (Ê-phê-sô 1:3; Phi-líp 4:19; I Phi-e-rơ 1:4). Đây là nguyên tắc ban cho của Chúa Giê-xu: tự hy sinh, chịu thiệt thòi để đem phước hạnh đến cho người khác. Câu nầy dạy về nguyên tắc dâng hiến nhưng cũng là lời nhắc nhở chúng ta về ân sủng lớn lao Chúa dành cho chúng ta.

Phao-lô tiếp tục khen Hội Thánh Cô-rinh-tô về việc họ đã làm trong quá khứ:

Từ năm trước, anh em đã là người thứ nhứt, chẳng những ra tay làm việc nầy, lại vui lòng mà làm nữa (c. 10b)

Hai điều Phao-lô khen họ là: (1) Khởi xướng việc quyên góp (ra tay). (2) Làm cách vui lòng.  Đây cũng là hai nguyên tắc khác trong việc dâng hiến: tự khởi và vui lòng.

Sau lời khen người Cô-rinh-tô (c. 7, 10) Phao-lô đưa ra lời kêu gọi dâng hiến:

Vậy bây giờ, hãy làm trọn công việc của anh em, hầu cho như anh em đã sẵn lòng thể nào thì làm cho trọn theo tài năng mình (c. 11)

Ý của Phao-lô là, người Cô-rinh-tô đã làm điều đúng và tốt, bây giờ họ chỉ cần hoàn tất những gì đã làm. Thật là một lời kêu gọi sâu sắc và tế nhị. Ông nói tiếp:

Vì nếu mình lấy lòng tốt mà làm, thì được đẹp ý theo điều mình có, chớ chẳng theo điều mình không có (c. 12)

Được đẹp ý nghĩa là “được chấp nhận”:

Nếu một người sẵn lòng dâng thì của dâng sẽ được chấp nhận, dựa trên điều họ có chứ không dựa trên điều họ không có (c. 12, BHĐ)

Phao-lô khai triển ý nầy với nguyên tắc cụ thể:

Tôi không muốn những người khác được nhẹ bớt, còn anh em phải nặng thêm, nhưng muốn có sự quân bình. Lúc nầy anh em đang dư dật thì hãy trợ giúp những người túng thiếu để khi họ dư dật thì họ sẽ trợ giúp anh em lúc túng thiếu. Như vậy là công bằng. Như có lời chép rằng: “Kẻ thu nhiều cũng không dư, người thu ít cũng chẳng thiếu” (c. 13-15, BHĐ).

Nguyên tắc tương trợ Phao-lô cho thấy là: quân bình, tùy theo khả năng, hoàn cảnh và Chúa sẽ tiếp trợ công bằng.