Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 27

11:16-33 NÓI NHƯ KẺ DẠI DỘT

16 Tôi lại nói rằng: Chớ có ai xem tôi như kẻ dại dột. Nếu vậy thì hãy nhận tôi như kẻ dại dột, hầu cho tôi cũng khoe mình ít nhiều. 17 Điều tôi nói là khi tôi lấy sự quả quyết dường ấy mà khoe mình, thì chẳng phải nói theo Chúa, song như kẻ dại dột vậy. 18 Bởi có nhiều người khoe mình theo xác thịt, tôi cũng sẽ khoe mình. 19 Vì anh em là kẻ khôn ngoan lại vui mừng dung chịu kẻ dại dột. 20 Phải, anh em hay chịu người ta bắt mình làm tôi tớ, hay là nuốt sống, hay là cướp bóc, hay là tự cao mà khinh dể anh em, vả trên mặt anh em. 21 Tôi làm hổ thẹn cho chúng tôi mà nói lời nầy, chúng tôi đã tỏ mình ra là yếu đuối. Nhưng, ví bằng có ai dám khoe mình về sự gì — tôi nói như kẻ dại dột — thì tôi cũng dám khoe mình.

 

1. Xin giải thích câu 16.

2. “Chẳng phải nói theo Chúa” (c. 17) nghĩa là thế nào?

3. Theo câu 18, lý do nào khiến Phao-lô khoe mình?

4. “Kẻ dại dột” trong câu 19 chỉ về ai?

5. Xin kể ra những điều người Cô-rinh-tô “chịu người ta bắt mình là” (c. 20) và ý nghĩa mỗi điều?

6. Xin giải thích câu 21a.

 

II Cô-rinh-tô 11:16 – 12:13 thường được gọi là phân đoạn Phao-lô nói về sự rồ dại hay dại dột của ông (c. 16-17, 21; 12:11). Phao-lô kể mình như dại dột vì trong phân đoạn nầy ông nói rất nhiều về chính mình (khoe mình). Ông không muốn làm như vậy nhưng vì thấy người Cô-rinh-tô nhẹ dạ (c. 3-4), tin tưởng và đi theo các sứ đồ giả là người mới đến với Hội Thánh (c. 13). Do đó, ông muốn người Cô-rinh-tô thấy rằng ông vượt hẳn các sứ đồ giả luôn tự phụ và khoe mình. Tuy nhiên, Phao-lô không thấy thoải mái khi phải nói về mình như vậy nên ông kể đây là lời của kẻ dại dột, nói là phải nói vậy thôi. Vì vậy, sau khi nói:

Ôi! Chớ chi anh em dung chịu sự rồ dại của tôi một ít! Phải, anh em nên dung chịu (c. 1)

Ông viết tiếp:

Tôi lại nói rằng: Chớ có ai xem tôi như kẻ dại dột. Nếu vậy thì hãy nhận tôi như kẻ dại dột, hầu cho tôi cũng khoe mình ít nhiều (c. 16)

Ba điều Phao-lô nói về sự rồ dại của ông:

1. Dung chịu sự rồ dại của tôi (c. 1)

2. Chớ có ai xem tôi như kẻ dại dột (c. 16a)

3. Hãy nhận tôi như kẻ dại dột (c. 16b)

Ông xin người Cô-rinh-tô chấp nhận những lời nói dại dột của ông nhưng rồi lại nói, dù vậy, xin đừng coi ông như người dại dột và rồi, Hãy nhận tôi như kẻ dại dột! Chúng ta thấy có một sự tranh chiến trong Phao-lô khi viết những lời nầy. Ông không muốn khoe khoang vì làm như vậy là dại, không khác gì những người chống đối ông tại Cô-rinh-tô (các sứ đồ giả) vì họ khoe khoang. Tuy nhiên, để người Cô-rinh-tô thấy rõ khi so sánh ông với những người đó, ông thấy cần phải khoe khoang (tự hào) về những thành quả của mình dù biết rằng khoe khoang như vậy là dại:

Tôi nhắc lại, đừng ai nghĩ tôi là kẻ điên rồ nhưng nếu anh em đã nghĩ vậy thì hãy chấp nhận tôi như kẻ điên rồ, để tôi cũng được tự hào đôi chút (c. 16, BHĐ)

Phao-lô xác định:

Điều tôi nói là khi tôi lấy sự quả quyết dường ấy mà khoe mình, thì chẳng phải nói theo Chúa, song như kẻ dại dột vậy (c. 17)

Chẳng phải nói theo Chúa hàm ý “điều tôi đang nói không phải là những gì Chúa muốn tôi nói” (BHĐ). Chúa không chấp nhận lời khoe khoang nhưng những gì Phao-lô nói là thật.

Phao-lô cho thấy lý do ông phải khoe là:

Bởi có nhiều người khoe mình theo xác thịt, tôi cũng sẽ khoe mình (c. 18)

Câu: Nhiều người khoe mình theo xác thịt chỉ về các sứ đồ giả khoe khoang về thành quả cá nhân, địa vị và kinh nghiệm thuộc linh. Các tín hữu tại Cô-rinh-tô có lẽ đã phục họ về những thành quả nầy nên Phao-lô nói, họ khoe khoang như vậy thì tôi cũng sẽ khoe cho anh em thấy. Phao-lô cho thấy khoe mình theo xác thịt như vậy là dại nhưng người Cô-rinh-tô đã chấp nhận họ:

Vì anh em là kẻ khôn ngoan lại vui mừng dung chịu kẻ dại dột (c. 19)

Người Cô-rinh-tô thường hãnh diện là khôn ngoan, hiểu biết (I Cô. 3:18-20; 4:10; 6:5; 8:1-7; 13:2) nhưng việc họ chấp nhận những người khoe khoang (dại dột) chứng tỏ họ thiếu khôn ngoan. Ngoài ra, người Cô-rinh-tô đã để cho các sứ đồ giả làm cho họ những điều sau:

Anh em hay chịu người ta bắt mình làm tôi tớ, hay là nuốt sống, hay là cướp bóc, hay là tự cao mà khinh dể anh em, vả trên mặt anh em (c. 20)

Ngược lại với Phao-lô, không bao giờ muốn cai trị người Cô-rinh-tô (1:24), ông cho thấy các sứ đồ giả đã làm những điều sau đây với họ:

·      Bắt làm tôi tớ: “bắt làm nô lệ” (BHĐ).

·      Nuốt sống: lợi dụng, hàm ý đòi hỏi lương tiền.

·      Cướp bóc: “tước đoạt” (BHĐ).

·      Tự cao: coi thường họ.

·      Vả trên mặt: nhục mạ.

Các sứ đồ giả đối xử như vậy mà người Cô-rinh-tô chấp nhận họ nên Phao-lô kết luận như sau:

Tôi làm hổ thẹn cho chúng tôi mà nói lời nầy, chúng tôi đã tỏ mình ra là yếu đuối (c. 21a)

Tín hữu tại Cô-rinh-tô cho Phao-lô là người yếu đuối (10:10) nên Phao-lô mỉa mai với ý, xử sự như cách của các sứ đồ giả thì ông yếu đuối thật, ông xấu hổ vì không thể làm như họ đã làm!