Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 8

3:1-13 LẼ MẦU NHIỆM CỦA ĐẤNG CHRIST

1 Ấy bởi điều đó, mà tôi, Phao-lô, vì anh em là người ngoại mà làm kẻ tù của Đức Chúa Jêsus Christ… 2 Vả, anh em có nghe Đức Chúa Trời ban chức cho tôi, là ân điển mà Ngài vì anh em phó cho tôi, 3 thể nào bởi sự tỏ ra, tôi đã hiểu biết điều mầu nhiệm mà tôi mới bày tỏ cùng anh em mấy lời. 4 Đọc đến thì anh em có thể rõ sự hiểu biết của tôi về lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ, 5 là lẽ mầu nhiệm trong các đời khác, chưa từng phát lộ cho con cái loài người, mà bây giờ đã được Đức Thánh Linh tỏ ra cho các sứ đồ thánh và tiên tri của Ngài.

6 Lẽ mầu nhiệm đó tức là: Dân ngoại là kẻ đồng kế tự, là các chi của đồng một thể, đều có phần chung với chúng ta về lời hứa đã nhờ Tin Lành mà lập trong Đức Chúa Jêsus Christ. 7 Còn tôi đã trở nên kẻ giúp việc Tin Lành ấy cứ sự ban cho của ân điển Đức Chúa Trời, là ân điển đã ban cho tôi bởi công hiệu của quyền phép Ngài. 8 Phải, ân điển đó đã ban cho tôi, là kẻ hèn hơn hết mọi thánh đồ, để rao truyền cho dân ngoại sự giàu có không dò được của Đấng Christ 9 và soi sáng cho mọi người biết sự phân phát lẽ mầu nhiệm, từ đời thượng cổ đã giấu kín trong Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên muôn vật. 10 Ấy vậy, hiện nay sự khôn sáng mọi đường của Đức Chúa Trời cậy Hội Thánh mà bày tỏ ra cho những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền trong các nơi trên trời, 11 theo ý định đời đời của Ngài đã làm xong trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta, 12 trong Ngài chúng ta nhờ đức tin đến Ngài mà được tự do đến gần Đức Chúa Trời cách dạn dĩ. 13 Tôi cũng xin anh em chớ nhân sự hoạn nạn tôi chịu vì anh em mà ngã lòng, điều đó là điều vinh hiển của anh em vậy…

 

1. Phao-lô muốn nói đến điều gì khi ông viết: “Bởi điều đó” (c. 1a)?

2. Phao-lô nói: “Đức Chúa Trời ban chức cho tôi” (c. 2a). Đó là chức gì?

3. Xin cho biết đặc tính của “lẽ mầu nhiệm” (c. 3-5)

4. “Lẽ mầu nhiệm” đó là gì (c. 6)?

5. Xin cho biết vai trò của Phao-lô trong “lẽ mầu nhiệm” (c. 7-9)

6. Phao-lô nói điều gì về mục đích của Đức Chúa Trời cho Hội Thánh (c. 10)?

7. “Những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền trong các nơi trên trời” (c. 10b) chỉ về ai?

8. Tại sao Phao-lô nói hoạn nạn của ông “là điều vinh hiển của anh em” (c. 13)?

 

Ý chính của Phao-lô trong 2:11-22 là “nhân loại mới” là kết hợp giữa người Do-thái và Dân Ngoại. Bởi điều đó (c. 1a) nói đến việc kết hợp nầy và ông muốn dựa vào đó để cầu nguyện cho Hội Thánh Ê-phê-sô (c. 1). Tuy nhiên, đến câu 14, ông mới bắt đầu lời cầu nguyện. Trong câu 2-12, Phao-lô nói tiếp về mối quan hệ của ông với Hội Thánh Ê-phê-sô.

Trước hết ông viết:

Ấy bởi điều đó, mà tôi, Phao-lô, vì anh em là người ngoại mà làm kẻ tù của Đức Chúa Jêsus Christ (c. 1)

Theo Công vụ 28:16; 30-31, Phao-lô bị quản thúc tại gia ở Rô-ma trong hai năm. Đây là khoảng thời gian ông viết các thư Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se và Phi-lê-môn, thường được gọi chung là “Những Lá Thư Viết Từ Ngục Tù.” Người Do-thái cáo buộc Phao-lô về tội chống luật pháp Môi-se và làm ô uế đền thờ (Công vụ 21:28). Ông cũng là người chủ trương truyền giáo cho Dân Ngoại (Công vụ 22:21). Trong ý nghĩa đó, Phao-lô nói: Vì anh em, là người ngoại, mà làm kẻ tù của Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 1). Phao-lô cũng nhiều lần xác nhận ông là “sứ đồ của Dân Ngoại” (Rô-ma 15:16; Ga-la-ti 2:7-9).

Những chữ, Ấy bởi điều đó (c. 1a) được nhắc lại trong câu 14a (Ấy là vì cớ đó) cho thấy Phao-lô định viết lời cầu nguyện ở đây nhưng thay vào đó, ông đã nói thêm về chức vụ của ông với Dân Ngoại như sau:

Vả, anh em có nghe Đức Chúa Trời ban chức cho tôi, là ân điển mà Ngài vì anh em phó cho tôi (c. 2)

Chữ chức trong nguyên văn là “việc quản trị” (BHĐ). Phao-lô nói việc quản trị đó là ân điển mà Ngài vì anh em phó cho tôi (c. 2b). Phao-lô xem chức vụ sứ đồ của mình là ơn Chúa ban cho ông (Rô-ma 1:5; I Cô. 15:10):

Chắc hẳn anh em đã nghe rằng việc quản trị ân điển của Đức Chúa Trời đã ủy thác cho tôi để lo cho anh em (c. 2, BHĐ)

Phao-lô cho thấy, chức vụ của ông cho Dân Ngoại là điều đến từ sự tỏ ra, tức là đến từ sự mạc khải của Chúa (BHĐ), Chúa đã bày tỏ cho ông biết (c. 3a). Nhờ sự tỏ ra nầy mà Phao-lô hiểu biết điều mầu nhiệm là điều ông vừa trình bày trong 2:11-22 mà ông nói: Tôi mới bày tỏ cùng anh em mấy lời (“Như tôi đã viết vắn tắt cho anh em,” BHĐ).

Phao-lô giải thích điều mầu nhiệm đó như sau:

Đọc đến thì anh em có thể rõ sự hiểu biết của tôi về lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ, là lẽ mầu nhiệm trong các đời khác, chưa từng phát lộ cho con cái loài người, mà bây giờ đã được Đức Thánh Linh tỏ ra cho các sứ đồ thánh và tiên tri của Ngài (c. 4-5)

Theo đây thì, lẽ mầu nhiệm là điều chưa từng phát lộ cho con cái loài người (từ trước đến nay được giấu kín) nhưng bây giờ được bày tỏ cho các sứ đồ và tiên tri:

Mầu nhiệm của Đấng Christ là điều chưa từng tiết lộ cho con cái loài người trong các thế hệ trước nhưng bây giờ được Đức Thánh Linh bày tỏ cho các sứ đồ thánh và các nhà tiên tri của Ngài (c. 4b-5, BHĐ)

Điều xưa nay giấu kín nhưng nay được trình bày là:

Lẽ mầu nhiệm đó tức là: Dân ngoại là kẻ đồng kế tự, là các chi của đồng một thể, đều có phần chung với chúng ta về lời hứa đã nhờ Tin Lành mà lập trong Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 6)

Đây là hình ảnh Hội Thánh của Chúa qua ơn cứu chuộc của Chúa Giê-xu. Các chi của đồng một thể là các phần khác nhau trong thân thể của Đấng Christ (Hội Thánh). Phao-lô mô tả điều nầy trong 2:11-22 nói về việc hợp nhất giữa người Do-thái và Dân Ngoại. Hội Thánh của Chúa là sự hợp nhất đó. Ba điều Phao-lô nói về lẽ mầu nhiệm (Hội Thánh) là:

1. Đồng kế tự.

2. Chi của đồng một thể.

3. Có phần chung về lời hứa.

Kế tự hay thừa hưởng gia tài nói đến ơn phước trước kia chỉ dành riêng cho người Do-thái, qua Áp-ra-ham (Sáng 12:1-3). Tương tự như vậy đối với lời hứa (Sáng 17:7-8). Nhưng nay, qua Chúa Giê-xu, Dân Ngoại được hưởng ơn phước và lời hứa đó. Những chữ đồng kế tự, đồng một thểchung về lời hứa đều có tiếp đầu ngữ sun- trong nguyên văn, nói lên ý cùng hưởng hay cùng có với nhau. Điều nầy có thể xảy ra là nhờ Tin Lành mà lập trong Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 6b). Tin Lành là Phúc Âm, là chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu. Qua Phúc Âm, Hội Thánh của Chúa được thành lập, kết hợp người Do-thái và Dân Ngoại lại làm một. Đó là điều Phao-lô gọi là lẽ mầu nhiệm:

Sự mầu nhiệm đó là: Nhờ Tin Lành, Dân Ngoại được trở nên những người thừa kế, những chi thể của cùng một thân và những người cùng chia sẻ lời hứa trong Đấng Christ Giê-xu (c. 6, BHĐ)

Nhờ Tin Lành mà Dân Ngoại được trở nên những người thừa kế, trong đó vai trò của Phao-lô là:

Còn tôi đã trở nên kẻ giúp việc Tin Lành ấy cứ sự ban cho của ân điển Đức Chúa Trời, là ân điển đã ban cho tôi bởi công hiệu của quyền phép Ngài (c. 7)

Kẻ giúp việc (diakonos) cũng là từ được dùng để nói về các chấp sự trong Hội Thánh. Phao-lô là “người phục vụ Tin Lành” (BHĐ), người rao giảng Phúc Âm và làm thế nào để người nghe nhận được ơn phước mà Phúc Âm mang lại cho họ. Phao-lô coi chức vụ nầy là sự ban cho của ân điển Đức Chúa Trời nghĩa là chức vụ của ông hoàn toàn đến từ Chúa, bởi ơn của Chúa và đó là quà tặng của Ngài. Sự ban cho của ân điển Đức Chúa Trời cũng hàm ý chức vụ sứ đồ của Phao-lô là ân tứ Chúa ban cho ông (I Cô. 12:28). Ân tứ đó đến từ sự công hiệu của quyền phép Ngài (“sự vận hành của quyền năng Ngài,” BHĐ).

Phao-lô viết tiếp:

Phải, ân điển đó đã ban cho tôi, là kẻ hèn hơn hết mọi thánh đồ, để rao truyền cho dân ngoại sự giàu có không dò được của Đấng Christ và soi sáng cho mọi người biết sự phân phát lẽ mầu nhiệm, từ đời thượng cổ đã giấu kín trong Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên muôn vật (c. 8-9)

Phao-lô luôn luôn kể ông là kẻ hèn hơn hết mọi thánh đồ vì ông từng bắt bớ Chúa Giê-xu và những người theo Ngài (I Cô. 15:9). Dù là kẻ hèn hơn hết mọi thánh đồ như vậy, Chúa đã dùng ông để rao truyền cho dân ngoại sự giàu có không dò được của Đấng Christ (c. 8b). Phao-lô đối chiếu giữa ôngkẻ hèn hơn hết mọi thánh đồ với điều ông rao giảng là sự giàu có không dò được của Đấng Christ (hèn hơn hết đối với sự giàu có không dò được):

Dù tôi là người hèn mọn nhất trong tất cả các thánh đồ, ân điển ấy cũng được ban cho tôi để rao giảng cho dân ngoại sự phong phú vô hạn của Đấng Christ (c. 8, BHĐ)

Phao-lô nhắc lại lẽ mầu nhiệm trong câu tiếp theo:

Và soi sáng cho mọi người biết sự phân phát lẽ mầu nhiệm, từ đời thượng cổ đã giấu kín trong Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên muôn vật (c. 9)

Sự cứu rỗi trong Chúa Giê-xu, sự kết hợp người Do-thái với Dân Ngoại trong Hội Thánh và Phúc Âm của Chúa, tất cả đều nằm trong lẽ mầu nhiệm là điều từ trước đến nay được giấu kín (c. 5). Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa là Đấng làm điều đó:

Kế hoạch mầu nhiệm đã được giữ kín qua các thời đại trong Đức Chúa Trời, Đấng tạo dựng muôn vật (c. 9b, BHĐ)

Kết luận cả phần nầy, Phao-lô viết:

Ấy vậy, hiện nay sự khôn sáng mọi đường của Đức Chúa Trời cậy Hội Thánh mà bày tỏ ra cho những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền trong các nơi trên trời, theo ý định đời đời của Ngài đã làm xong trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta (c. 10-11)

Câu nầy cho thấy mục đích của Đức Chúa Trời cho Hội Thánh. Mục đích đó là sự khôn sáng mọi đường của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua Hội Thánh, nghĩa là Đức Chúa Trời dùng Hội Thánh để minh chứng sự khôn ngoan của Ngài. Sự khôn sáng mọi đường trong nguyên văn mang ý nghĩa “sự khôn ngoan muôn mặt, muôn màu muôn vẻ” hay “sự khôn ngoan vô hạn” (BHĐ).

Cụm từ: Những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền trong các nơi trên trời được Phao-lô nhắc lại trong 6:12 nói về quyền lực của sự tối tăm. Ma quỷ không bao giờ muốn thấy chương trình cứu rỗi của Chúa được hoàn thành, nhưng Đức Chúa Trời trong kế hoạch tuyệt diệu của Ngài đã có thể kết hợp người Do-thái và Dân Ngoại trong một cộng đồng mới, một nhân loại mới, nhờ cái chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá. Câu 10-11 như thể là câu Chúa chỉ vào Hội Thánh và nói với ma quỷ, “Ngươi có thấy sự khôn ngoan tuyệt vời của Ta khi Ta kết hợp mọi người trong Hội Thánh lại với nhau không?”

Điều nầy cho thấy Hội Thánh quý giá, quan trọng và là niềm hãnh diện của Chúa. Là Hội Thánh của Chúa, chúng ta phải sống xứng đáng với điều Chúa hãnh diện về chúng ta.

Phao-lô nói thêm về đặc ân của người trong Hội Thánh Chúa:

Trong Ngài chúng ta nhờ đức tin đến Ngài mà được tự do đến gần Đức Chúa Trời cách dạn dĩ (c. 12)

Ngày xưa, có sự phân cách giữa Dân Ngoại và người Do-thái, giữa Dân Ngoại và Đức Chúa Trời nhưng qua đức tin nơi Chúa Giê-xu, chúng ta có thể trực tiếp đến với Đức Chúa Trời không có gì ngăn trở (cậy đức tin VÀO TRONG ƠN nầy, Rô-ma 5:2; Hê-bơ-rơ 4:16).

Trong câu 1, Phao-lô nói:

Tôi… vì anh em là người ngoại mà làm kẻ tù của Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 1)

Bây giờ ông viết tiếp:

Tôi cũng xin anh em chớ nhân sự hoạn nạn tôi chịu vì anh em mà ngã lòng, điều đó là điều vinh hiển của anh em vậy (c. 13)

Sự hoạn nạn nói đến việc Phao-lô ở tù. Tín hữu tại Ê-phê-sô có thể ngã lòng trước việc Phao-lô bị tù, nhưng ông khích lệ họ và nói: Điều đó là điều vinh hiển của anh em vậy (c. 13b). Hoạn nạn của Phao-lô là vinh hiển của tín hữu Ê-phê-sô trong ý nghĩa nhờ hoạn nạn trong chức vụ sứ đồ mà ơn cứu rỗi và phước hạnh đã đến với họ. Hoạn nạn và vinh hiển cũng là điều Phao-lô thường đối chiếu với nhau (Rô-ma 8:8:18; II Cô. 4:17). Trong trường hợp nầy, Phao-lô nói đến hoạn nạn của ông và vinh hiển cho tín hữu. Đây là ý Phao-lô nói trong II Ti-mô-thê 2:10:

Vậy nên, ta vì cớ những người được chọn mà chịu hết mọi sự, hầu cho họ cũng được sự cứu trong Đức Chúa Jêsus-Christ, với sự vinh-hiển đời đời.