Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 11

4:4-10 ÂN ĐIỂN CHO MỖI NGƯỜI

4 Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, như anh em bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi. 5 Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-têm. 6 Chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người. 7 Nhưng, đã ban ân điển cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ. 8 Vậy nên có chép rằng:

Ngài đã lên nơi cao, dẫn muôn vàn kẻ phu tù,

Và ban các ơn cho loài người. 

9 Vả, những chữ “Ngài đã lên” có nghĩa gì, há chẳng phải là Ngài cũng đã xuống trong các miền thấp ở dưới đất sao? 10 Đấng đã xuống tức là Đấng đã lên trên hết các từng trời, để làm cho đầy dẫy mọi sự.

 

1. Xin kể ra những điều chúng ta có chung với nhau (“một”) trong câu 4-5 và ý nghĩa mỗi điều.

2. “Nhưng” (c. 7) nhằm đối chiếu với điều gì?

3. Câu 7 nói lên điều gì về ân điển (ân tứ) cho mỗi người?

 

Sự hiệp một Phao-lô nói trong câu 3 thể hiện rõ ràng trong những câu tiếp theo:

 Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, như anh em bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-têm. Chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người (c. 4-6)

Đây là những điều người tin Chúa có chung với nhau:

·      Một thân thể, nói đến Hội Thánh của Chúa.

·      Một Thánh Linh vì người tin Chúa “đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân” (I Cô. 12:13).

·      Một sự trông cậy hay hy vọng. Đây là hy vọng đến từ ơn kêu gọi của Chúa: Bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi (c. 4b).

·      Một Chúa nhấn mạnh việc người tin Chúa xưng nhận Chúa Giê-xu là Chúa, tức là Chủ (Phi-líp 2:11) và sống với sự xưng nhận đó (6:6).

·      Một đức tin nói đến sự chấp nhận, cam kết và ký thác đời sống nơi Chúa Giê-xu của mỗi người tin Chúa.

·      Một phép báp-têm nhấn mạnh đến việc liên hiệp vào thân thể Đấng Christ (I Cô. 12:13).

·      Một Đức Chúa Trời cho thấy người tin Chúa có cùng một Cha. Đức Chúa Trời được mô tả là Đấng trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người (c. 6b). Theo Skevington Wood (trang 768):

o  Trên cả mọi người nói đến tính siêu việt của Đức Chúa Trời, Ngài là Đấng cầm quyền tể trị, vượt lên trên vũ trụ, vạn vật.

o  Giữa mọi người là việc Đức Chúa Trời hành động qua mọi tạo vật, nói đến tính sáng tạo của Ngài.

o  Ở trong mọi người nói lên tính nội tại của Đức Chúa Trời, Ngài ở gần mọi người (Công vụ 17:27).

Câu 4-6 nói đến những điều người tin Chúa có chung hay giống nhau. Nhưng Chúa cũng đã ban những ân tứ khác nhau để Hội Thánh có thể hoạt động:

Nhưng, đã ban ân điển cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ (c. 7)

Trong câu 11, Phao-lô nhắc đến các ân tứ “sứ đồ, tiên tri, thầy giảng Tin Lành, mục sư và giáo sư” nên chữ ân điển (c. 7) được hiểu là ân tứ Đức Chúa Trời ban cho Hội Thánh. Hội Thánh giống nhau về những điều được kể ra trong câu 4-6, nhưng Chúa cũng ban những ân tứ khác nhau để Hội Thánh có thể hoạt động. Đó là đối chiếu giữa một (giống nhau, c. 4-6) và các ân tứ khác nhau (mỗi một người, c. 7b, 11).

Câu: Đã ban ân điển cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ (c. 7) cho thấy:

1. Mỗi người tin Chúa đều được Chúa ban cho ân tứ, mỗi người tin Chúa đều có ân tứ: Đã ban ân điển cho MỖI MỘT người trong chúng ta.

2. Ân tứ Chúa cho mỗi người khác nhau: Theo lượng sự ban cho của Đấng Christ (“theo mức độ ban phát của Đấng Christ,” BHĐ) – đối chiếu I Cô-rinh-tô 12:11.

Phao-lô trích dẫn Thi thiên 68:18 trong câu 7 cho thấy việc Chúa ban ân tứ đã được nhắc đến trong Cựu Ước. Tuy nhiên, Thi thiên 68:18 viết: “Chúa đã NHẬN lễ vật,” còn Phao-lô viết: “BAN các ơn cho loài người.” Hai điều nầy không tương phản nhau vì tác giả dùng hình ảnh vị tướng chiến thắng khi trở về làm cả hai điều: nhận chiến lợi phẩm và cũng ban chiến lợi phẩm. Hai bản Kinh Thánh Cựu Ước cổ đã dùng chữ “ban” thay vì “nhận.”

Đây là hình ảnh Chúa Giê-xu chiến thắng khi thăng thiên và ban ân tứ cho Hội Thánh qua Chúa Thánh Linh. Phao-lô cũng nhắc lại việc Chúa Giê-xu hạ mình tương tự như trong Phi-líp 2:8:

 Vả, những chữ “Ngài đã lên” có nghĩa gì, há chẳng phải là Ngài cũng đã xuống trong các miền thấp ở dưới đất sao? (c. 9)

Các miền thấp ở dưới đất nói đến việc hạ mình tột độ của Chúa Giê-xu ở trần gian chứ không nhất thiết nói đến việc Chúa xuống âm phủ (I Phi. 3:19).Vì Chúa đã hạ mình cho nên Ngài cũng là Đấng lên trên hết các từng trời (c. 10b). Để làm cho đầy dẫy mọi sự (c. 10c) nói đến quyền thống trị của Chúa (1:10). Hai câu 9-10 nhằm mô tả hai giai đoạn: hạ mình và được tôn cao của Chúa Giê-xu, theo sự dạy dỗ chung của Kinh Thánh.