Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 12

4:11-16 CÔNG VIỆC CỦA CHỨC DỊCH

11 Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, 12 để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ, 13 cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ.

14 Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc, 15 nhưng muốn cho chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật, để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ. 16 Ấy nhờ Ngài mà cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương. 

 

1. Xin cho biết những ân tứ Phao-lô nhắc đến trong câu 11 và ý nghĩa của mỗi ân tứ.

2. Xin cho biết mục đích Chúa ban ân tứ cho Hội Thánh (c. 12).

3. “Thân thể Đấng Christ” (c. 12b) chỉ về điều gì?

4. Câu 13 cho thấy kết quả sau cùng của việc thực thi ân tứ trong Hội Thánh là gì?

5. Xin giải thích câu: “Lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật” (c. 15a).

6. “Cái lắt léo” (c. 16a) chỉ về điều gì?

7. Xin cho biết điểm dạy dỗ chính của 4:11-16 và cách áp dụng.

 

Ba phân đoạn Kinh Thánh nói về ân tứ Chúa ban cho Hội Thánh là Rô-ma 12:6-8; I Cô-rinh-tô 12:8-10; 28 và Ê-phê-sô 4:11. Trong Thư Ê-phê-sô, Phao-lô nói đến các ân tứ:

1. Sứ đồ. Sứ đồ mang những ý nghĩa sau:

(1) Sứ giả (Giăng 13:16; II Cô-rinh-tô 8:23).

(2) Mười hai sứ đồ (với Ma-thia thay thế cho Giu-đa).

(3) Những người hội đủ điều kiện Phao-lô nói trong I Cô-rinh-tô 9:1-2: thấy Chúa Giê-xu và được Chúa giao chức vụ.

(4) Những người tiên phong dự phần trong việc xây dựng Hội Thánh (Công vụ 14:14; Ga-la-ti 1:9; Rô-ma 16:7; Ê-phê-sô 2:20).

Những chữ, đã cho NGƯỜI NẦY làm sứ đồ cho thấy không phải tất cả đều là sứ đồ hay có “ân tứ sứ đồ” (I Cô. 12:29). Ân tứ sứ đồ trong bối cảnh Hội Thánh hiện nay chỉ về những người rao truyền Phúc Âm đến những nơi chưa có Hội Thánh (giáo sĩ) hay những người có ơn thành lập Hội Thánh mới.

2. Tiên tri. Ý nghĩa chính của tiên tri là người phát ngôn của Đức Chúa Trời, người đứng giữa Đức Chúa Trời và con người, truyền cho con người những gì Đức Chúa Trời phán dạy. Trong Cựu Ước, đó là những người viết câu: “Đức Giê-hô-va phán vậy!” (Ê-sai 3:15; Giê-rê-mi 1:8; Ma-la-chi 3:1, v.v…). Đây là những người nhận mạc khải trực tiếp từ Đức Chúa Trời để truyền lại cho con người. Vì là mạc khải từ Đức Chúa Trời nên có những điều người tiên tri nói mang tính cách nói trước (tiên tri) nhưng nghĩa chính của tiên tri là ngôn sứ (người phát ngôn), truyền ra Lời của Chúa, không phải chỉ là nói trước sự việc sẽ xảy ra. Ơn nói tiên tri vẫn tiếp tục trong thời Tân Ước (Công vụ 21:9-11; Khải Huyền 1:3). Khi nói về ơn nói tiên tri trong Hội Thánh, Phao-lô cho thấy đây là ân tứ của những cá nhân nhận mạc khải dạy dỗ từ Đức Chúa Trời để rao truyền cho Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 14).

Ngày nay, chúng ta đã có toàn bộ mạc khải của Đức Chúa Trời qua Kinh Thánh Cựu và Tân Ước nên ơn nói tiên tri là chỉ về ân tứ giảng giải Lời Chúa, dùng Lời Chúa để khuyên bảo và khích lệ (Công vụ 15:32; I Cô. 12:3).

3. Thầy giảng Tin Lành. Từ nầy chỉ được dùng ba lần trong Tân Ước khi nói về Phi-líp (Công vụ 21:8), Ti-mô-thê (II Ti. 4:5) và ân tứ trong Hội Thánh (Ê-phê-sô 4:11). Giảng Tin Lành là trách nhiệm của mỗi tín đồ (Ma-thi-ơ 28:19-20) cho nên ân tứ thầy giảng Tin Lành (“nhà truyền giảng Tin Lành,” BHĐ) có lẽ dùng để chỉ về những người có ơn trình bày Phúc Âm (cá nhân hay với đám đông) cách rõ ràng, dễ hiểu và có ơn thuyết phục người nghe tiếp nhận Phúc Âm.

4. Mục sư và giáo sư. Hai từ nầy đi chung với nhau với một mạo tự xác định nên chỉ về cùng một ân tứ hay chức vụ. Ý nghĩa của hai từ cũng rõ ràng, hàm ý người chăn bầy trong Hội Thánh địa phương phải thi hành hai bổn phận: chăm sóc chiên và hướng dẫn chiên bằng Lời Chúa (“chăn chiên” và “nuôi chiên,” Giăng 20:15-17).

Mục đích Chúa ban ân tứ cho Hội Thánh là:

Để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ (c. 12)

Được trọn vẹn mang ý nghĩa “được trang bị” (BHĐ). Chúa ban các ân tứ cho Hội Thánh là để những người nầy dùng ân tứ của mình trang bị cho tín đồ (thánh đồ) trong Hội Thánh. Dù có bốn ân tứ được kể ra và áp dụng cho tất cả. Tuy nhiên, trong khung cảnh Hội Thánh địa phương, điều nầy nhấn mạnh đến chức vụ của người chăn bầy (vị mục sư quản nhiệm Hội Thánh). Trách nhiệm chính của mục sư là trang bị cho tín đồ để tín đồ hầu việc Chúa: Công việc của chức dịch (“công tác phục vụ,” BHĐ). Cùng với công việc của chức dịchsự gây dựng thân thể Đấng Christ (c. 12b):

Để các thánh đồ được trang bị cho công tác phục vụ và xây dựng thân thể Đấng Christ (c. 12, BHĐ)

Như vậy, Đức Chúa Trời ban ân tứ cho Hội Thánh (đặc biệt ân tứ mục sư giáo sư) là để mục sư trang bị cho tín đồ làm hai công tác: (1) Phục vụ. (2) Xây dựng thân thể Đấng Christ (xây dựng Hội Thánh).

Khi mục sư trang bị cho tín đồ hầu việc Chúa, kết quả sau cùng sẽ là:

Cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ (c. 13)

Cho đến chừng mang ý nghĩa mục tiêu tối hậu. Mục sư phải trang bị cho tín đồ hầu việc Chúa cho đến khi nào những điều sau đây được thực hiện trong Hội Thánh:

·       Hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Chúa.

·       Trưởng thành (thành nhân).

·       Trở nên giống như Chúa Giê-xu (tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ).

1. Hiệp một trong đức tin là hiệp một trong cùng một niềm tin (c. 5). Sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời (c. 13b) nhấn mạnh đến hiểu biết trong kinh nghiệm, không phải chỉ hiểu biết trong tâm trí (xem trang 24).

2. Nên bậc thành nhân nói đến sự trưởng thành tâm linh. Bậc thành nhân chỉ về một con người hoàn toàn. Hội Thánh nên bậc thành nhân là “Hội Thánh mà mỗi người đều tư tưởng, suy xét và hành động đúng” (theo Darrell Bock, 128).

3. Tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ là khuôn mẫu hay thước đo của sự trưởng thành. Nên bậc thành nhân (c. 13c) vì vậy nghĩa là trở nên giống như Chúa Giê-xu, mang những đặc tính của Ngài, vì Chúa là con người trọn vẹn.

Ngược lại với trưởng thành là trẻ con:

Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc (c. 14)

Đặc tính của trẻ con là: (1) Dễ bị lừa gạt. (2) Dễ lầm lạc. (3) Dễ bị thay đổi theo chiều gió của đạo lạc. Cấu trúc của câu nầy trong nguyên văn theo thứ tự sau:

Như vậy, chúng ta sẽ không còn là trẻ con, bị dồi dập và cuốn theo luồng gió học thuyết, bởi sự xảo quyệt của con người và những mánh khóe lừa dối của họ (c. 14, BHĐ)

Điều dễ ảnh hưởng trên những người không trưởng thành là những học thuyết sai lạc. Học thuyết sai lạc giống như luồng gió dồi dập và lôi cuốn những người “nhẹ dạ.” Người dạy tà giáo lại là những con người xảo quyệt, dùng mưu mô, mánh khóe để lừa dối. Trưởng thành trong Chúa và trở nên giống như Chúa vì vậy là điều cần thiết để tránh khỏi tình trạng nguy hiểm nầy.

Thay vì bị luồng gió của học thuyết sai lầm dồi dập và lôi cuốn, Phao-lô bảo chúng ta:

lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật, để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ (c. 15)

Động từ nói ra lẽ chân thật trong nguyên văn mang ý nghĩa “xử lý sự thật” hay “thi hành chân lý,” không phải chỉ NÓI LÊN sự thật (Bock, 130). Người không trưởng thành (trẻ con) dễ bị học thuyết sai lầm lừa dối còn người trưởng thành sẽ hành xử đúng với chân lý nhưng làm điều nầy với lòng yêu thương. Có một quân bình rõ ràng giữa chân lý và yêu thương. Người trưởng thành giữ vững chân lý nhưng xử sự trong yêu thương. Khi xử sự như vậy, Phao-lô nói:

chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ (c. 15b)

Thêm lên nghĩa là “tăng trưởng”:

Chúng ta được tăng trưởng trong mọi phương diện hướng đến Đấng Christ, là đầu (c. 15b, BHĐ)

Khi nhắc lại Chúa Giê-xu là Đấng làm đầu (c. 15b), Phao-lô trở lại với hình ảnh thân thể mà Chúa Giê-xu là “Đầu:”

Ấy nhờ Ngài mà cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương (c. 16)

Bản Hiệu Đính dịch câu trên như sau:

Nhờ Ngài mà cả thân thể kết hợp và gắn chặt với nhau bởi những dây liên kết hỗ trợ. Khi mỗi phần hoạt động một cách thích hợp thì thân thể được tăng trưởng, và tự gây dựng trong tình yêu thương (c. 16, BHĐ)

Hội Thánh (thân thể Đấng Christ) được mô tả là “kết hợp và gắn chặt với nhau bởi những dây liên kết hỗ trợ.” “Kết hợp” và “gắn chặt” là hình ảnh xây cất với những phiến đá được bào nhẵn chồng lên nhau và gắn liền với nhau. “Dây liên kết hỗ trợ” (những cái lắt léo) là hình ảnh khớp xương giữ cho những phần trong thân thể dính liền với nhau. Với các hình ảnh đó, Phao-lô viết:

Khi mỗi phần hoạt động một cách thích hợp thì thân thể được tăng trưởng và tự gây dựng trong tình yêu thương (c. 16b, BHĐ)

Tăng trưởng xảy ra khi các phần của thân thể kết hợp và làm việc với nhau cách hài hòa và kết quả của sự tăng trưởng là “tự gây dựng,” hàm ý sự sống trong thân giúp cho thân tự tăng trưởng và phát triển. Yếu tố chủ động trong việc tăng trưởng và phát triển nầy là tình yêu thương, điều được nhắc đến từ đầu (c. 2).

ÁP DỤNG

1. Người tin Chúa phải luôn luôn tự nhắc rằng tin Chúa là đi theo một tiếng gọi, là sống cho một lý tưởng (c. 1)

2. Khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục, yêu thương phải là điều nổi bật trong đời sống người tin Chúa.

3. Thân thể (Hội Thánh) của Chúa gồm nhiều thành phần nhưng tất cả chỉ là một vì chúng ta có nhiều điều chung (c. 4-7).

4. Mỗi người tin Chúa đều có ít nhất một ân tứ, chúng ta cần biết mình có ân tứ gì và sử dụng ân tứ đó (c. 7).

5. Hai công tác chính người chăn bầy phải ghi nhớ và thi hành trong Hội Thánh là chăm sóc và giảng dạy, đặc biệt là dạy (huấn luyện), c. 11b.

6. Hầu việc Chúa hay lo công việc trong Hội Thánh là công tác của tín đồ (“công việc của chức dịch), c. 12b.

7. Trách nhiệm chính của mục sư là TRANG BỊ cho tín đồ (c. 12a).

8. Trưởng thành và trở nên giống như Chúa Giê-xu là mục tiêu tối hậu của người tin Chúa  (c. 13).

9. Chân lý (lẽ thật) bao giờ cũng phải đi chung với yêu thương (c. 15a).

10. Khi Hội Thánh có sự sống của Chúa sẽ tự nhiên lớn mạnh và phát triển (c. 16).