Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 14

4:25-32 Ở VỚI NHAU CÁCH NHÂN TỪ

25 Như vậy, mỗi người trong anh em phải chừa sự nói dối, hãy nói thật với kẻ lân cận mình, vì chúng ta làm chi thể cho nhau. 26 Ví bằng anh em đang cơn giận, thì chớ phạm tội, chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn 27 và đừng cho ma quỉ nhân dịp. 28 Kẻ vốn hay trộm cắp chớ trộm cắp nữa nhưng thà chịu khó, chính tay mình làm nghề lương thiện, đặng có vật chi giúp cho kẻ thiếu thốn thì hơn. 29 Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.

30 Anh em chớ làm buồn cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc. 31 Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác. 32 Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy. 

 

1. “Nói thật” và “làm chi thể cho nhau” (c. 25b) liên quan với nhau ra sao?

2. Xin giải thích mạng lệnh: “Đang cơn giận, thì chớ phạm tội” (c. 26a)

3. “Đừng cho ma quỉ nhân dịp” (c. 27) nghĩa là thế nào?

4. Hai phần đối nhau của câu 28 dạy chúng ta điều gì?

5. Xin kể ra những điều Phao-lô dạy về cách sử dụng lời nói trong câu 29.

6. Xin kể ra vài điều chúng ta có thể “làm buồn cho Đức Thánh Linh” (c. 30a).

7. Xin cho biết những điều chúng ta phải bỏ đi (c. 31).

8. Theo câu 32, ba điều tích cực chúng ta cần làm là gì? Xin giải thích mỗi điều.

 

Ê-phê-sô 4:1 – 6:9 là những lời khuyên sống đạo:

o  Trước hết là cách xử sự và làm việc trong Hội Thánh (4:1-16).

o  Kế đến là lời khuyên về đời sống cá nhân và gia đình (4:17-6:9).

§  Phao-lô bắt đầu với nguyên tắc tổng quát: từ bỏ nếp sống cũ, sống theo nếp sống mới (4:17-24).

§  Từ 4:25 trở đi, Phao-lô đi vào chi tiết với những mạng lệnh rõ ràng cho đời sống hàng ngày.

 

1. Chừa sự nói dối (c. 25). Chừa hàm ý trước nay vẫn thường làm, bây giờ phải từ bỏ, không tiếp tục nữa, như Phao-lô nói về cách ăn nết ở ngày trước (c. 22). Sự nói dối mang ý nghĩa giả dối: “Đừng sống giả dối!” Kẻ lân cận chỉ về mọi người chúng ta tiếp xúc, đặc biệt là anh chị em tín hữu trong Hội Thánh (không phải chỉ là người láng giềng). Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ (c. 4a) nên mỗi người trong Hội Thánh là chi thể của nhau. Những bộ phận trong thân thể không thể nói dối nhau thể nào (ví dụ như mắt thấy nguy hiểm mà không báo cho chân biết để dừng lại…) thì cũng vậy, là chi thể của cùng một thân, chúng ta không thể nói dối hay sống không thành thật với nhau.

2. Giận dữ (c. 26-27). Giận là một trong những xúc cảm của con người nhưng giận là lúc chúng ta dễ phạm tội. Sứ đồ Phao-lô khuyên: Ví bằng anh em đang cơn giận, thì chớ phạm tội (c. 26a). Câu nầy hàm ý rằng đừng để cơn giận đưa chúng ta đến chỗ phạm tội vì khi giận, chúng ta dễ có thái độ, lời nói hay hành động sai trái (“Giận mất khôn”). Do đó phải cẩn thận mỗi khi có điều làm cho ta tức giận, đó là lúc ma quỷ lợi dụng để cám dỗ chúng ta làm điều tội lỗi.

Phao-lô cũng cảnh báo: Chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn (c. 26b) hàm ý đừng giận lâu, đừng để cho sự tức giận kéo dài qua ngày hôm sau (Mặt trời lặn bắt đầu một ngày mới trong quan điểm Do-thái).

3. Không trộm cắp (c. 28). Lời khuyên nầy cũng hàm ý đây là điều của đời sống cũ: Vốn hay trộm cắp và vì vậy đừng tiếp tục làm như vậy nữa. Nhưng đó là tiêu cực. Trên phương diện tích cực, Phao-lô bảo: Nhưng thà chịu khó, chính tay mình làm nghề lương thiện, đặng có vật chi giúp cho kẻ thiếu thốn thì hơn (c. 28b). Câu nầy cho thấy trộm cắp là muốn có lợi tức mà không chịu làm việc, lấy điều của người khác làm của mình. Làm nghề lương thiện là phương cách giúp chúng ta tránh tội trộm cắp. Làm việc chẳng những giúp cho bản thân nhưng cũng giúp người khác: Đặng có vật chi giúp cho kẻ thiếu thốn thì hơn.

Phao-lô chẳng những khuyên, Chớ trộm cắp, ông cũng dạy người tin Chúa phải làm việc và giúp đỡ người khác. Đây là bước tích cực, xa hơn điều chỉ cấm đoán: Chớ trộm cắp!

4. Sử dụng lời nói (c. 29). Theo Gia-cơ, lỗi lầm chúng ta mắc phải nhiều nhất là khi sử dụng lời nói (Gia-cơ 3:2). Phao-lô đưa ra một lời khuyên thiết thực cho vấn đề nầy:

Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến (c. 29)

(1) Không nói lời dữ

(2) Chỉ nói lời lành:

o  Lời có ích lợi

o  Lời giúp ơn (ơn là ân sủng, ân huệ, ân hậu)

Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em (c. 29a). Dữ (sapros) mang ý nghĩa hôi thối, rữa nát, không lành mạnh. Đây là lời không xứng hợp cho người tin Chúa. Ngôn ngữ của người ngoại và của đời sống trước khi tin Chúa thường không lành mạnh, thiếu xây dựng. Lời nói gây tổn thương và đau lòng. Phao-lô bảo phải chấm dứt những lời nói như vậy. Thay vào đó, mỗi khi nói chỉ nói những lời lành (“lời tốt đẹp,” BHĐ) Đặc tính của lời tốt đẹp là lời “có tính xây dựng để đem ơn phước đến cho người nghe” (BHĐ). “Xây dựng” mang ý nghĩa đáp ứng nhu cầu: người buồn cần lời an ủi, người nản lòng cần lời khích lệ, người làm điều sai trái cần được hướng dẫn… “Ơn phước” trong nguyên văn là “ân sủng” hàm ý lời nói tốt đẹp giống như quà tặng quý giá cho người nghe.

Đây là khuôn mẫu về lời nói mỗi người tin Chúa cần thực hành.

5. Không làm buồn Đức Thánh Linh (c. 30):

Anh em chớ làm buồn cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc (c. 30)

Chúng ta có thể làm buồn Đức Thánh Linh, điều nầy cho thấy Chúa Thánh Linh là một ngôi vị (person) chứ không phải chỉ là một lực hay sức mạnh (force/power). Chúng ta có thể làm một người khác buồn như thế nào thì cũng có thể làm như vậy với Chúa Thánh Linh. Trong nguyên văn có chữ “và” (kai) ở đầu câu 30, nối tiếp với ý của câu trước hàm ý sử dụng lời nói không xứng hợp là một trong những điều khiến cho Đức Thánh Linh buồn. Thật ra, bất cứ hành vi nào không xứng hợp với người tin Chúa đều là những nguyên nhân khiến cho Đức Thánh Linh buồn!

Lý do chúng ta không được làm cho Đức Thánh Linh buồn là vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc (c. 30b). Đức Thánh Linh là ấn chứng của người tin Chúa là điều Phao-lô đã dạy trong 1:13-14 (trang 20). Đức Thánh Linh là ấn chứng của sự cứu rỗi chúng ta, làm sao chúng ta có thể gây đau buồn cho Chúa và làm những điều không đẹp lòng Ngài?

6. Những điều phải loại bỏ (c. 31):

Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác (c. 31)

Cay đắng là ghim giữ trong lòng điều bất bình với người khác, khiến đời sống không bình an với mình và với người khác (Rô-ma 3:14; Gia-cơ 3:14).

Buồn giậntức mình có nghĩa tương đương và thường được kể chung với nhau (Rô-ma 2:8; Cô-lô-se 3:8). Buồn giận thể hiện trong giận dữ (“phẫn nộ,” BHĐ). Tức mình là căm giận trong lòng.

Kêu rêu (“la lối,” BHĐ) mô tả người tức giận, kêu la cho mọi người biết về nỗi bực dọc trong lòng.

Mắng nhiếc là nói lời phạm thượng (blasphemia), khi dùng cho người, từ nầy mang ý nghĩa “lăng mạ” (BHĐ), nói xấu người khác để hạ thanh danh và giá trị của họ.

Mọi điều hung ác nói những ý xấu hại người (“hiểm độc,” BHĐ).

Người tin Chúa phải trừ khử, loại bỏ tất cả những điều nầy ra khỏi đời sống!

7. Nhân từ, thương xót và tha thứ (c. 32). Những điều kể trên (c. 31) mang tính tiêu cực (không làm). Trên phương diện tích cực, Phao-lô dạy:

Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy (c. 32)

Những yếu tố tích cực nầy là:

(1) Nhân từ. Từ nầy trong tiếng Hy-lạp là chrestos, rất gần với danh hiệu của Chúa (Christos) nên các tín hữu đầu tiên rất ưa chuộng. Từ nầy cũng mang ý nghĩa nhân hậu, phản ánh bản tính yêu thương của Đức Chúa Trời (Lu-ca 6:35).

(2) Thương xót mang ý nghĩa có lòng hòa cảm, cùng đau với cái đau của người khác, nhạy cảm với cảm xúc của người khác (I Phi-e-rơ 3:8).

(3) Tha thứ. Phao-lô nói đến sự tha thứ đặt căn bản trên ơn tha thứ Chúa dành cho chúng ta (như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ). Ví dụ Người Đầy Tớ Không Có Lòng Thương Xót (Ma-thi-ơ 18:23-35) là minh họa đầy đủ cho lời khuyên nầy.

Nhân từ, thương xót tha thứ là cách con cái Chúa sống và xử sự với nhau: Hãy ở với nhau (“Hãy cư xử với nhau,” BHĐ):

Hãy cư xử với nhau cách nhân từ và dịu dàng, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy (c. 32, BHĐ)