Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 17

5:15-20 SỐNG KHÔN NGOAN

15 Vậy, hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan. 16 Hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu. 17 Vậy chớ nên như kẻ dại dột, nhưng phải hiểu rõ ý muốn của Chúa là thế nào. 18 Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh. 19 Hãy lấy ca vịnh, thơ thánh và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau và hết lòng hát mừng ngợi khen Chúa. 20 Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta.

 

1. “Giữ cho khéo” (c. 15a) nghĩa là thế nào?

2. Theo câu 15-16, “xử mình như người khôn ngoan” là làm gì? Xin giải thích.

3. “Lợi dụng thì giờ” là làm gì?

4. Theo câu 17, chúng ta phải làm gì để không bị kể là dại dột?

5. Theo câu 18, đối chiếu với “Đừng say rượu” là “Phải đầy dẫy Đức Thánh Linh.” Tại sao Phao-lô lại đối chiếu như vậy?

6. “Ca vịnh” “thơ thánh” và “bài hát thiêng liêng” khác nhau thế nào?

 

Hãy bước đi như các con sáng láng là chủ đề của 5:8-21. Sau khi nói tổng quát về việc bước đi (nghĩa là sống) như các con sáng láng (c. 8-14), Phao-lô cho thấy bước đi như các con sáng láng nghĩa là: (1) Sống khôn ngoan (c. 15-17). Và: (2) Sống theo Thánh Linh (18-20).

1. Sống khôn ngoan (c. 15-17):

Vậy, hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan (c. 15)

Giữ cho khéo mang ý nghĩa hãy nhìn quanh (“Hãy xem xét cẩn thận,” BHĐ). Nếp sống đạo không đến tự nhiên nhưng đòi hỏi chúng ta phải tập trung, phải chú ý để sống:

Hãy xem xét cẩn thận về cách sống của anh em (c. 15a, BHĐ)

Không xem xét cẩn thận về cách sống là thiếu khôn ngoan, là dại dột. Người khôn là người quan tâm, để ý, cẩn thận về lối sống của mình, trước hết là trong cách sử dụng thì giờ:

Hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu (c. 16)

Lợi dụng (exagorazo) là từ dùng trong việc mua bán, mang ý nghĩa mua lại hay chuộc lại. Điều nầy cho thấy thì giờ quý giá, chúng ta phải dùng thì giờ cách khôn ngoan. Lợi dụng thì giờ nghĩa là tận dụng mọi dịp tiện chúng ta có để làm đúng việc, đúng lúc: “Hãy tận dụng thì giờ” (BHĐ).

Lý do phải tận dụng thì giờ là vì những ngày là xấu (c. 16b). Xấu mang ý nghĩa tội lỗi, xấu xa và cũng có nghĩa khó khăn. Vì sống trong những ngày đạo đức suy đồi và khó khăn, nên chúng ta phải sử dụng thì giờ cách khôn ngoan, tận dụng mọi dịp tiện để làm điều ích lợi. Phải biết đầu tư thì giờ như đầu tư tiền bạc.

Chữ dại dột trong câu 15a và câu 17a là hai chữ khác nhau. Dại dột (c. 15a) nói về thiếu hiểu biết còn trong câu 17b nói đến dại dột trong vấn đề đạo đức. Đây là hình ảnh của người dại trong sách Châm Ngôn (1:22; 10:18, 23; 17:18; 24:7, 30). Người ngu dại là người hành động theo ý riêng của mình, không theo đường lối của Chúa. Vì vậy Phao-lô viết tiếp:

Nhưng phải hiểu rõ ý muốn của Chúa là thế nào (c. 17b)

Làm theo ý muốn của Chúa là dấu hiệu của người ở trong gia đình của Chúa (Ma-thi-ơ 12:50). Trong Thư gởi cho Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô cho thấy hai điểu nổi bật về ý muốn của Chúa là: sống thánh khiết và sống với tinh thần tạ ơn (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3; 5:18).

2. Sống theo Thánh Linh (c. 18-20)

Trong phần “sống theo Thánh Linh” (c. 18-20), có hai mạng lệnh:

(1) Đừng say rượu (c. 18a)

(2) Phải đầy dẫy Đức Thánh Linh (c. 18b)

Say rượu được đối chiếu với đầy dẫy Đức Thánh Linh nói đến sự điều khiển hay kiểm soát. Người say rượu bị rượu sai khiến, điều khiển như thế nào thì người tin Chúa cũng phải để cho Đức Thánh Linh điều khiển, kiểm soát giống như vậy. Cả hai điều (đừng say rượuphải đầy dẫy Đức Thánh Linh) đều là những mạng lệnh, bắt buộc phải vâng theo, không phải muốn làm hay không cũng được. Điều nầy hàm ý rằng không đầy dẫy Đức Thánh Linh cũng tệ hại như say rượu.

Lý do người tin Chúa không say rượu là vì rượu xui cho luông tuồng hay “buông tuồng” (BHĐ). Luông tuồng (asotia) mang ý nghĩa phóng đãng, không kiểm soát, phí phạm. Người để cho rượu điều khiển sẽ đưa đến chỗ hoang đàng như hình ảnh người con trong Lu-ca 15:13.

Thay vì để cho rượu điều khiển, sai khiến, người tin Chúa Phải đầy dẫy Đức Thánh Linh (c. 18b). Phải đầy dẫy Đức Thánh Linh là mạng lệnh ở thể thụ động và liên tục hàm ý chúng ta không thể tự mình đầy dẫy Thánh Linh nhưng phải để cho Chúa liên tục làm điều đó cho chúng ta. Vì đầy dẫy Đức Thánh Linh đối chiếu với say rượu nên Phải đầy dẫy Đức Thánh Linh mang ý nghĩa phải để cho Thánh Linh điều khiển đời sống như người say rượu để cho rượu sai khiến. Có thể nói, đầy dẫy Thánh Linh là “say Thánh Linh,” để cho Thánh Linh điều khiển. Có người đã nói: “Đầy dẫy Đức Thánh Linh không phải là chúng ta có nhiều Thánh Linh nhưng là Thánh Linh có nhiều chúng ta, chiếm hữu chúng ta hoàn toàn.”

Đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh được thể hiện qua ba điều:

(1) Đối đáp với nhau qua ca vịnh, thơ thánh và bài hát thiêng liêng (c. 19a).

(2) Hát mừng ngợi khen Chúa (c. 19b).

(3) Tạ ơn Đức Chúa Trời (c. 20).

 Đối đáp với nhau nói đến lối hát xướng họa hay đối đáp như trong Thi thiên 24:7-10. Ca vịnh là “thi thiên” (BHĐ). Thơ thánh (hymnos) trong văn hóa Hy-lạp là những bài hát lễ ca tụng thần linh hay anh hùng. Những hình thức thơ thánh trong Tân Ước được thấy trong các phân đoạn như Ê-phê-sô 4:4-6; 5:14; Phi-líp 2:5-11; I Ti. 1:17; 2:5-6; 6:15-16; II Ti. 2:11-13; Khải 4:11; 5:13; 7:12. Bài hát thiêng liêng (“linh khúc,” BHĐ) tương tự như thơ thánh và cũng có thể là những lời Kinh Thánh được phổ nhạc.

Hát mừng ngợi khen gồm hai động từ “hát” và “tạo giai điệu” nói đến ca từ và âm nhạc. Hết lòng hát mừng ngợi khen Chúa là điều quy hướng về Đức Chúa Trời từ trong tấm lòng: “Hết lòng ca hát, chúc tụng Chúa” (BHĐ).

Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta (c. 20)

Thể hiện thứ ba của một đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh là lòng biết ơn Đức Chúa Trời: Vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta. Nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta nghĩa là qua Chúa Giê-xu, qua ân sủng cứu rỗi của Ngài, lời tạ ơn của chúng ta được đến với Đức Chúa Trời.