Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 21

6:10-20 LÀM MẠNH DẠN TRONG CHÚA

10 Vả lại, anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài. 11 Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ. 12 Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy. 13 Vậy nên, hãy lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, hầu cho trong ngày khốn nạn, anh em có thể cự địch lại và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng.

14 Vậy, hãy đứng vững, lấy lẽ thật làm dây nịt lưng, mặc lấy giáp bằng sự công bình, 15 dùng sự sẵn sàng của Tin Lành bình an mà làm giày dép. 16 Lại phải lấy thêm đức tin làm thuẫn, nhờ đó anh em có thể dập tắt được các tên lửa của kẻ dữ. 17 Cũng hãy lấy sự cứu chuộc làm mão trụ và cầm gươm của Đức Thánh Linh, là lời Đức Chúa Trời. 18 Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đỗ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ. 19 Cũng hãy vì tôi mà cầu nguyện, để khi tôi mở miệng ra, Chúa ban cho tôi tự do mọi bề, bày tỏ lẽ mầu nhiệm của đạo Tin Lành, 20 mà tôi vì đạo ấy làm sứ giả ở trong vòng xiềng xích, hầu cho tôi nói cách dạn dĩ như tôi phải nói.

 

1. Thế nào là “làm mạnh dạn trong Chúa nhờ sức toàn năng của Ngài” (c. 10)?

2. “Khí giới” của Đức Chúa Trời nói đến điều gì?

3. “Thịt và huyết” được đối chiếu với những điều gì (c. 12)? Xin cho biết ý nghĩa của mỗi điều.

4. “Ngày khốn nạn” (c. 13) nói đến ngày gì?

5. Xin cho biết mỗi phần của chiến phục tương đương với điều gì và ý nghĩa mỗi điều (c. 14-17).

6. “Nhờ Đức Thánh Linh” mà cầu nguyện (c. 18a) nghĩa là thế nào?

7. “Tự do mọi bề” (c. 19) nghĩa là thế nào?

8. “ Làm sứ giả trong vòng xiềng xích” (c. 20) hàm ý gì?

 

Mục sư Nghê Thác Thanh tóm tắt Thư Ê-phê-sô với ba từ ngắn gọn: “Ngồi,” “Đi” và “Đứng.”

o  “Ngồi” nói đến địa vị của người tin Chúa (2:6).

o  “Đi” là nếp sống của người tin Chúa (4:1).

o  “Đứng” nói đến cuộc chiến tâm linh người tin Chúa phải đương đầu (6:11).

Ê-phê-sô 1-3 mô tả địa vị của người tin Chúa; 4:1-6:9 nói về nếp sống của người tin Chúa và 6:10-20 là cuộc chiến tâm linh. Mở đầu phần nầy, Phao-lô viết:

Anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài (c. 10)

Động từ làm mạnh dạn ở thể thụ động, dịch theo nghĩa đen là: “Anh em hãy để cho Chúa làm cho mình mạnh.” Chúng ta không thể tự làm cho mình mạnh mẽ, chính Chúa làm cho chúng ta mạnh, sức mạnh đến từ Chúa: Nhờ sức toàn năng của Ngài (c. 10b).

Mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời (c. 11a) nghĩa là: “Trang bị mọi khí giới của Đức Chúa Trời” (BHĐ). Khí giới là chiến phục của người lính La-mã ngày xưa. Có lẽ Phao-lô nhìn vào người lính đang canh gác ông để nói điều nầy (Công vụ 28:16). Ý của Phao-lô là chúng ta phải mặc vào người chiến phục hay binh giáp của Chúa để đương đầu với kẻ thù là ma quỷ. Đứng vững nói đến thế đứng của người tin Chúa, tương hợp với thế ngồi (2:6) và thế đi (4:1) của chúng ta.

Cuộc chiến của người tin Chúa là địch cùng mưu kế của kẻ dữ (c. 11b). Trong cuộc chiến tâm linh, điều chúng ta phải đương đầu là mưu kế của kẻ dữ. Mưu kế nói đến mưu lược trong một cuộc chiến nhưng đặc biệt là mưu mô xảo quyệt của ma quỷ nhằm đánh ngã người tin Chúa. Chỉ binh giáp của Chúa mới có thể giúp chúng ta vượt thắng những mưu mô đó.

Lý do chúng ta phải mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời là:

Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy. (c. 12)

Cuộc chiến của người tin Chúa không phải là cuộc chiến với loài người trên phương diện thể xác (thịt và huyết) nhưng là với cả một hệ thống thế lực thần linh. Những thế lực thần linh chúng ta đương đầu là:

Chủ quyền thế lực (3:10) chỉ về quyền lực của bóng tối, nói đến Sa-tan và sứ giả của nó.

Vua chúa của thế gian mờ tối nói về những thần linh mà người ta tin, dựa vào khoa chiêm tinh, đây là những thần ngoại giáo.

Các thần dữ ở các miền trên trời bao gồm cả ba điều trên.

Mờ tối nói đến nguồn gốc và đặc tính tối tăm của các thế lực thần linh. Các miền trên trời nói về lãnh vực vô hình, con người không nhìn thấy.

Ê-phê-sô là nơi các thế lực thần linh nầy lộng hành: phù phép (Công vụ 19:18-19), thờ nữ thần Đi-anh (Công vụ 19:23-28). Ngày nay, chúng ta cũng phải đánh trận cùng những thế lực nầy. Đánh trận mang ý nghĩa vật lộn như trong đô vật, tự sức chúng ta không thể thắng hơn được. Do đó Phao-lô nhắc lại:

Vậy nên, hãy lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, hầu cho trong ngày khốn nạn, anh em có thể cự địch lại và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng (c. 13)

Sử dụng binh giáp của Đức Chúa Trời vì vậy là bí quyết giúp chúng ta chiến thắng. Mọi khí giới nói đến toàn thể binh giáp, không bỏ sót phần nào. Ngày khốn nạn (khốn nạn mang ý nghĩa gian ác, xấu xa) là những ngày chúng ta còn sống trên trần gian tội lỗi nầy (Ga-la-ti 1:4; Ê-phê-sô 2:2; 5:16). Chữ đứng vững, đứng vững vàng được nhắc lại nhiều lần trong phân đoạn nầy (c. 11, 13, 14) hàm ý chúng ta đã chiến thắng. Chúa đã chiến thắng cho chúng ta, chúng ta chỉ cần mang binh giáp của Chúa để chiến đấu và tiếp tục đứng vững như người đã chiếm được thành, bây giờ chỉ cần giữ thành.

Để có thể đứng vững như vậy, đây là những điều chúng ta phải làm (minh họa ở trang 99 cho thấy những mảnh binh giáp chúng ta cần trang bị):

 

BINH GIÁP

Ý NGHĨA

Dây nịt lưng

Lẽ thật

Giáp

Sự công bình

Giày dép

Sự sẵn sàng của Tin Lành bình an

Thuẫn

Đức tin

Mão trụ

Sự cứu chuộc

Gươm

Lời Đức Chúa Trời

 

Dây nịt lưng chẳng những chỉ về chiếc đai trước bụng nhưng cũng nói đến việc thắt lưng gọn gàng bên trong (nguyên văn: “Thắt lưng bằng lẽ thật”). Thắt lưng thường được hiểu là trong tư thế sẵn sàng để hành động (I Phi-e-rơ 1:13). Thắt lưng bằng lẽ thật vì vậy nghĩa là chúng ta phải được trang bị bằng chân lý của Lời Chúa mới có thể đương đầu với sự tấn công của ma quỷ.

Giáp là phần kim loại bảo vệ vai và ngực của người lính tương đương với sự công bình của người tin Chúa. Sự công bình của người tin Chúa nói đến việc chúng ta được Chúa kể là công chính khi chúng ta tin nhận Ngài. Ma quỷ luôn luôn tấn công người tin Chúa bằng những lời buộc tội. Đó là ý nghĩa của chữ Sa-tan (Khải 12:10). Ma quỷ sẽ gieo vào đầu óc chúng ta những ý tưởng nghi ngờ Chúa, nói rằng chúng ta vẫn còn tội lỗi… Do đó, tin chắc về việc chúng ta được Chúa kể là công chính sẽ giúp chúng ta đẩy lui tấn công của ma quỷ.

Giày dép nói đến loại giày xăng-đan bằng da của người lính La-mã, cao đến ống chân, giúp di chuyển dễ dàng và bảo vệ bàn chân. Đối với người tin Chúa, giày dép đó là sự sẵn sàng của Tin Lành bình an. Phao-lô nói về chiến tranh tâm linh nhưng vũ khí của người tin Chúa là bình an. Điều nầy cho thấy khi bị kẻ thù tấn công, cách tốt nhất để chống trả lại là rao báo Phúc Âm của Chúa. Phúc Âm của Chúa là liều thuốc bình an, chữa lành tranh chấp và chia rẽ. Sự sẵn sàng hàm ý lúc nào chúng ta cũng có sứ điệp Phúc Âm để rao báo (I Phi-e-rơ 3:16).

 

Thuẫn hay khiên là phần binh giáp vô cùng lợi hại của người lính La-mã. Đây là loại khiên dài 1,2 mét và bề ngang 0,75 mét, che phủ cả người. Khiên thường làm bằng hai miếng gỗ dán lại với nhau, bọc vải rồi bọc thêm da thuộc bên ngoài, phía trên và phía dưới bọc bằng kim loại. Loại khiên đó giúp ngăn chận những mũi tên có tẩm nhựa, châm lửa bắn vào. Vì vậy Phao-lô nói: Nhờ đó anh em có thể dập tắt được các tên lửa của kẻ dữ (c. 16b). Trong đời sống người tin Chúa, thuẫn đó là đức tin: Lại phải lấy thêm đức tin làm thuẫn (c. 16a). Đức tin nói đến lòng nhờ cậy Chúa. Quân thù có thể tấn công chúng ta với những tên lửa, nhưng khi nhờ cậy Chúa, chúng ta có thể gạt và dập tắt những mũi tên tấn công đó.

Mão trụ là chiếc mũ sắt đội trên đầu người lính La-mã. Đầu là phần quan trọng, cần được bảo vệ tối đa. Đối với người tin Chúa, đó là sự cứu rỗi của chúng ta. Khi đã được cứu và biết chắc mình được cứu, không một tấn công nào của kẻ thù có thể gây nguy hại vì chúng ta được bảo vệ bởi sự cứu rỗi như chiếc mũ sắt bảo vệ đầu người lính.

Những mô tả trên là binh giáp nhằm bảo vệ người tin Chúa trong cuộc chiến tâm linh (phòng thủ). Vũ khí tấn công duy nhất của người tin Chúa là gươm của Đức Thánh Linh, là lời Đức Chúa Trời (c. 17b). Gươm (machaira) nói đến thanh gươm ngắn cá nhân dùng trong những lúc cận chiến. Lời Đức Chúa Trời trong câu nầy không phải logos (lời toàn thể) nhưng là rhema (lời chi tiết), nói đến từng lời trong Kinh Thánh. Khi Chúa Giê-xu bị ma quỷ cám dỗ, mỗi lần Chúa đều trả lời với câu: “Có lời chép rằng” và rồi Chúa trích dẫn những câu Kinh Thánh rõ ràng để chống trả ma quỷ. Đó cũng là cách người tin Chúa dùng Lời của Đức Chúa Trời để chiến đấu với ma quỷ.

Phần còn lại (c. 18-20) nói về cầu nguyện. Cầu nguyện không được kể là một phần vũ khí của người tin Chúa nhưng là phần không thể thiếu trong cuộc chiến tâm linh. Có người so sánh cầu nguyện giống như “pháo binh yểm trợ” trong các cuộc chiến ngày nay! Phao-lô nói về cầu nguyện như sau:

Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đỗ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ. Cũng hãy vì tôi mà cầu nguyện, để khi tôi mở miệng ra, Chúa ban cho tôi tự do mọi bề, bày tỏ lẽ mầu nhiệm của đạo Tin Lành, mà tôi vì đạo ấy làm sứ giả ở trong vòng xiềng xích, hầu cho tôi nói cách dạn dĩ như tôi phải nói (c. 18-20)

Phân đoạn nầy cho thấy:

1. Chúng ta nhờ Thánh Linh mà cầu nguyện (Rô-ma 8:26-27).

2. Hai khía cạnh của cầu nguyện là:

o   Cầu nguyện, nói về cầu nguyện cách tổng quát (“khẩn nguyện,” BHĐ).

o   Nài xin, nói đến những lời cầu nguyện chi tiết.

3. Chúng ta phải bền đỗ (“kiên trì, BHĐ) và tỉnh thức trong sự cầu nguyện.

4. Cầu nguyện là cầu thay: cho Phao-lô và các thánh đồ (c. 18-19).

5. Những chữ thường thường, mọi thứ, trọn vẹn hết thảy (c. 18) trong nguyên văn là cùng một chữ (“tất cả”) cho thấy tính cách quan trọng trong mọi khía cạnh của sự cầu nguyện: thì giờ, hình thức, phương cách và đối tượng.

Phao-lô đặc biệt xin các tín hữu cầu thay cho ông trong việc truyền bá Phúc Âm. Tự do mọi bề hàm ý “dạn dĩ” (BHĐ). Lẽ mầu nhiệm của đạo Tin Lành là điều ông trình bày trong 3:1-13. Phao-lô đang bị tù khi viết thư cho Hội Thánh Ê-phê-sô nên ông xưng mình là sứ giả ở trong vòng xiềng xích (c. 20).